Việt Nam - Malaysia chia sẻ lập trường nhất quán trong vấn đề Biển Đông
Ngày 26-10, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã có cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng Malaysia Wan Azizah nhân dịp thăm chính thức Việt Nam và dự Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN lần thứ 3 từ ngày 24 đến 26-10-2018.
Tại hội đàm, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh hoan nghênh Phó Thủ tướng Wan Azizah lần đầu tiên thăm chính thức Việt Nam; bày tỏ tin tưởng chuyến thăm sẽ góp phần quan trọng vào việc củng cố và đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước.
Phó Thủ tướng Malaysia bày tỏ vui mừng sang thăm Việt Nam; đánh giá cao những thành tựu Việt Nam đạt được trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước thời gian qua, nhất là về phát triển kinh tế.
Trao đổi về quan hệ hai nước, hai nhà lãnh đạo cho rằng trong bối cảnh khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và ASEAN nói riêng đang đứng trước những thay đổi sâu sắc, mang lại cả cơ hội và thách thức đan xen, hai nước cần tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược theo hướng ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả hơn, vì lợi ích nhân dân hai nước, hòa bình, hợp tác, phát triển thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.
Hai bên đánh giá cao quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Malaysia có nhiều tiến triển vượt bậc sau 5 năm thiết lập; quan hệ chính trị gần gũi, tin cậy, hợp tác kinh tế hiệu quả, thực chất, hợp tác trong các lĩnh vực khác, như quốc phòng - an ninh, giáo dục - đào tạo, lao động, văn hóa, giao lưu nhân dân... không ngừng được mở rộng, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Trên cơ sở đó, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp trên tất cả các kênh Đảng, Chính phủ, Nhà nước, Quốc hội và giao lưu nhân dân; tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương và trao đổi, thống nhất lập trường trong các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm.
Hai bên cam kết tiếp tục củng cố hợp tác kinh tế, thúc đẩy đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mốc 15 tỷ USD hoặc cao hơn vào năm 2020, nhấn mạnh cần tăng cường hơn nữa đối thoại giữa Chính phủ và doanh nghiệp hai nước, khẳng định quyết tâm tháo gỡ các khó khăn, rào cản, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh, đặc biệt trong các lĩnh vực mới, ứng dụng công nghệ và có giá trị gia tăng cao, như kinh tế số, năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng cơ sở hạ tầng, logistics...
Hai bên cũng trao đổi các biện pháp tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác, như năng lượng, nông nghiệp, văn hóa, du lịch và hợp tác biển, trong đó có hợp tác kinh tế biển, khoa học biển, môi trường biển và xây dựng cơ chế tham vấn về các vấn đề biển.
Phó Thủ tướng Malaysia khẳng định Chính phủ Malaysia sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Malaysia, nhất trí tăng cường hợp tác lao động, đào tạo nghề.
Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, hai bên nhất trí cho rằng trong bối cảnh tình hình khu vực hiện nay, hai bên cần duy trì tham vấn về các vấn đề liên quan đến an ninh và chiến lược ở khu vực; phối hợp xây dựng ASEAN đoàn kết, thực hiện thành công Tầm nhìn ASEAN 2025, tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực và phát huy vai trò của ASEAN trong việc xử lý các vấn đề chiến lược ở khu vực; khẳng định quyết tâm phối hợp chặt chẽ nhằm tăng cường, liên kết kinh tế khu vực, đặc biệt trong khuôn khổ ASEAN, APEC, ASEM, CPTPP.
Malaysia cam kết ủng hộ Việt Nam đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam khẳng định ủng hộ và phối hợp chặt chẽ khi Malaysia là chủ nhà APEC cùng năm.
Hai bên chia sẻ lập trường nhất quán trong vấn đề Biển Đông, theo đó cam kết ủng hộ việc giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982), không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quân sự hóa, tự kiềm chế hoạt động có thể gây căng thẳng hoặc làm leo thang căng thẳng, tuân thủ hơn nữa các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và quy chuẩn đã được công nhận rộng rãi.
Hai bên tái khẳng định ủng hộ việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy việc đàm phán một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất./.
Việt Nam ủng hộ tiến trình dân chủ, hợp hiến tại Venezuela  (26/10/2018)
Chủ tịch Quốc hội Campuchia tiếp Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam  (26/10/2018)
Hoạt động trong ngày của Thủ tướng Chính phủ  (26/10/2018)
Tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian  (26/10/2018)
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội  (26/10/2018)
Viện Nghiên cứu châu Âu: 25 năm phát triển  (26/10/2018)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên