Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
TCCS - Đại hội đảng các cấp là sự kiện chính trị quan trọng, có ý nghĩa quyết định cho việc xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Bên cạnh việc phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, tỉnh Quảng Trị đang tiến hành tổ chức rà soát nội dung, công việc, tạo nền tảng quan trọng chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp của tỉnh, nhiệm kỳ 2025 - 2030, hướng đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
1- Tỉnh Quảng Trị thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, có diện tích tự nhiên 4.747km2; đường bờ biển dài 75km; đường biên giới trên bộ dài 179,3km, giáp giới với các tỉnh Sa-la-van và Sa-van-na-khet, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Sau khi thực hiện việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã, thôn, khu phố theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017, của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, tỉnh Quảng Trị có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 1 thành phố, 1 thị xã, 2 huyện miền núi, 5 huyện đồng bằng và 1 huyện đảo; 125 đơn vị hành chính cấp xã; 799 thôn, bản, khu phố; dân số 779.890 người; có 3 tôn giáo lớn là Phật giáo, Công giáo và Tin lành.
Đảng bộ tỉnh Quảng Trị có 14 đảng bộ trực thuộc, bao gồm 10 đảng bộ huyện, thị xã, thành phố, 1 đảng bộ khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, 3 đảng bộ trong lực lượng vũ trang, 607 tổ chức cơ sở đảng (249 đảng bộ cơ sở, 358 chi bộ cơ sở) với 50.313 đảng viên, chiếm 7,69% dân số.
Là tỉnh có xuất phát điểm về kinh tế - xã hội thấp, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, phải gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, song những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Trị đã phát huy truyền thống cách mạng anh hùng, nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn xây dựng quê hương ngày càng phát triển, giàu mạnh. Trong 3 năm liên tiếp (2020 - 2023), tỉnh Quảng Trị hoàn thành và vượt kế hoạch tất cả chỉ tiêu quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh đã đề ra; tốc độ tăng trưởng GRDP tăng đều qua từng năm, thu ngân sách năm sau cao hơn năm trước(1); thu nhập bình quân đầu người từ 53,9 triệu đồng/người/năm (năm 2020) lên 71 triệu đồng/người/năm (năm 2024); công tác thu hút đầu tư có nhiều chuyển biến tích cực với nhiều dự án lớn, mang tính động lực thúc đẩy phát triển đang được đầu tư, triển khai. Đến cuối năm 2023, tỉnh Quảng Trị có 74/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm tỷ lệ 73,26%). Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân trong tỉnh không ngừng được nâng cao. Công nghiệp được xác định là ngành đột phá đang có chuyển động tích cực, tỉnh Quảng Trị kêu gọi được nhiều dự án triển khai tại khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Thương mại - dịch vụ, du lịch phục hồi nhanh chóng sau đại dịch COVID-19, đóng góp tích cực vào tăng trưởng, phát triển của địa phương. Hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị được chú trọng, đầu tư, mở ra nhiều không gian phát triển mới với nhiều dự án trọng điểm quan trọng đang được khởi công. Công tác xây dựng Đảng đạt được nhiều kết quả quan trọng, chú trọng lãnh đạo toàn diện, tập trung chỉ đạo khắc phục hạn chế. Tỉnh ủy đã chỉ đạo thực hiện nhiều nội dung quan trọng trong công tác chính trị, tư tưởng, kiểm tra, giám sát, dân vận, nội chính, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực,... tạo chuyển biến đồng bộ, hiệu quả trên các mặt của công tác xây dựng Đảng.
Để hiện thực hóa mục tiêu “phấn đấu đến năm 2025, Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước” mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, Đảng bộ tỉnh Quảng Trị đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, các nghị quyết, kết luận, cơ chế, chính sách mới ban hành.
2- Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14-6-2024, “Về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng”, tỉnh Quảng Trị xác định đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, là sự kiện có ý nghĩa trọng đại, diễn ra trong bối cảnh thuận lợi và thách thức đan xen, vì vậy bên cạnh các mặt công tác khác của Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã chủ động, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, xác định phương hướng và giải pháp trọng tâm trong công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp ở Quảng Trị, bảo đảm thành công và tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển toàn diện của tỉnh. Nhận thức được vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, đánh giá đúng tình hình, bối cảnh chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp trong tỉnh.
Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị có những đánh giá khái quát về bối cảnh chung của đất nước, chỉ ra những thành tựu to lớn, quan trọng, nổi bật cũng như những thách thức đặt ra đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong giai đoạn hiện nay. Trên cơ sở đánh giá của Bộ Chính trị, cấp ủy các cấp cần có phân tích, nhận định cụ thể, sát đúng tình hình của địa phương, từ đó có phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đúng đắn, hiệu quả, phù hợp. Đối với tỉnh Quảng Trị, với sự đa dạng về điều kiện tự nhiên từ miền núi, trung du, đồng bằng, duyên hải, hải đảo,... nên đảng bộ từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh đều có đặc thù về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, đảng viên...; một số đảng bộ cấp cơ sở nằm trong diện phải sắp xếp, tổ chức lại khi sáp nhập đơn vị hành chính trước thềm đại hội, vì vậy nhiệm vụ đầu tiên mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt ra là phải chú trọng đến khâu đánh giá bối cảnh. Cấp ủy các cấp phải trả lời chính xác cho các câu hỏi: “Những yếu tố nào tác động đến công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng cấp mình; thuận lợi và khó khăn như thế nào”; đồng thời, quá trình chỉ đạo xây dựng văn kiện đại hội cần hạn chế tình trạng chủ quan, bị động, tư duy rập khuôn theo nhiệm kỳ trước.
Thứ hai, quán triệt nghiêm túc, có nhận thức đầy đủ và bám sát sự chỉ đạo của Bộ Chính trị trong quá trình chuẩn bị và tổ chức đại hội.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị xác định, muốn thực hiện tốt Chỉ thị số 35-CT/TW, trước hết cấp ủy, cán bộ, đảng viên phải nắm vững và nhận thức đầy đủ về tinh thần chỉ đạo, nội dung của Chỉ thị số 35-CT/TW cũng như các văn bản khác của Trung ương về đại hội đảng bộ các cấp; do đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt từ sớm, bằng nhiều hình thức, cấp độ. Vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo, yêu cầu cấp ủy các cấp thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, thực chất công tác tuyên truyền, quán triệt.
Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phổ biến đến chi bộ; tổ chức tiếp sóng hội nghị toàn quốc quán triệt Chỉ thị số 35-CT/TW đến cơ sở để tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên trong tỉnh được tiếp cận Chỉ thị từ cấp Trung ương. Đồng thời, trên cơ sở quát triệt của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt toàn tỉnh để tiếp tục phân tích, nhấn mạnh, làm rõ điểm mới trong Chỉ thị số 35-CT/TW; có sự so sánh, đối chiếu cụ thể với Chỉ thị số 35-CT/TW năm 2019 và gắn với thực tiễn địa phương; qua đó giúp cho cấp ủy, người đứng đầu và cơ quan tham mưu nhận thức toàn diện, đầy đủ, sâu sắc về nội dung của Chỉ thị. Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 157-KH/TU, ngày 24-6-2024, “Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14-6-2024 của Bộ Chính trị “Về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng”” để triển khai thực hiện, song song với đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy từng bước ban hành các văn bản hướng dẫn, yêu cầu cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cơ quan tham mưu về công tác cán bộ của cấp ủy chủ động nghiên cứu, tham mưu cụ thể hóa; kịp thời phân tích, phát hiện, đề xuất khó khăn, vướng mắc có thể nảy sinh trong thực tiễn để sớm kiến nghị Ban Tổ chức Trung ương có hướng dẫn.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, cơ quan báo chí tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, đăng tải bài viết mang tính chuyên môn, nghiệp vụ, phóng sự để lan tỏa tinh thần của Chỉ thị số 35-CT/TW; chủ động hướng dẫn theo thẩm quyền về nội dung cần lưu ý trong quá trình công tác chuẩn bị, tổ chức đại hội đảng bộ các cấp trong tỉnh; đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân nhận thức đúng ý nghĩa chính trị đặc biệt quan trọng của đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng, tạo sự đồng thuận, ủng hộ, kỳ vọng trong nhân dân.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm và chỉ đạo cụ thể hóa Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị thành kế hoạch, quy định, hướng dẫn,... để triển khai thực hiện theo hướng chủ động, có lộ trình cụ thể, dễ hiểu, dễ làm, dễ kiểm tra, giám sát và đẩy mạnh phân cấp, phát huy đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo và người đứng đầu, nhất là nội dung về công tác nhân sự. Nhất quán quan điểm chỉ đạo quá trình chuẩn bị và tổ chức đại hội phải nắm vững và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả 7 yêu cầu, 6 nội dung trong Chỉ thị số 35-CT/TW và quy định, hướng dẫn cấp trên; những vấn đề phát sinh từ thực tiễn nếu chưa có quy định cụ thể thì cần phải thảo luận, cân nhắc kỹ, phân tích nhiều mặt trước khi xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Bằng sự chủ động, kịp thời trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đến nay các cấp ủy đã ban hành kế hoạch tổ chức đại hội; thành lập các tiểu ban chuẩn bị, phục vụ đại hội theo hướng tinh gọn, rõ người, rõ việc và chỉ đạo hoạt động đi vào nền nếp, đúng tiến độ; khắc phục được tình trạng số lượng thành viên tiểu ban đông, nhưng ít đóng góp vào hoạt động của tiểu ban.
Thứ ba, chú trọng công tác chuẩn bị và nâng cao chất lượng văn kiện trình đại hội.
Qua đánh giá công tác chuẩn bị văn kiện nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhận thấy một số địa phương chưa chuẩn bị kỹ lưỡng văn kiện, nhất là báo cáo chính trị, chưa làm tốt công tác dự báo, không nắm bắt được xu thế hoặc không dự báo được khó khăn đặt ra nên việc xác định và thực hiện các mục tiêu theo nghị quyết đại hội gặp một số thách thức và khó đạt được. Vì vậy, nhiệm kỳ 2025 - 2030, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã chỉ đạo các cấp ủy xác định đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác chuẩn bị văn kiện, đổi mới phương pháp, cách làm, xây dựng các văn kiện thực sự chất lượng, đặc biệt nhấn mạnh tính khả thi, tầm nhìn dài hạn, nhiệm vụ giải pháp, đột phá cho nhiệm kỳ 2025 - 2030, phát huy cao nhất trí tuệ tập thể của toàn đảng bộ, chi bộ.
Báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm, có vai trò định hướng cho các văn kiện khác, quyết định đường lối, nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Đảng bộ trong nhiệm kỳ. Do đó, quá trình chuẩn bị báo cáo chính trị phải được tiến hành kỹ lưỡng, bài bản, khoa học, thể hiện rõ, cụ thể quan điểm, mục tiêu, chủ trương, định hướng lớn. Báo cáo chính trị phải đánh giá trung thực, khách quan, toàn diện tình hình và kết quả thực hiện nghị quyết đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025, nhất là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; nêu rõ ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân; từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Bên cạnh việc phải đánh giá đúng trung thực, khách quan, toàn diện tình hình, nắm vững các quan điểm, định hướng chỉ đạo của cấp trên, một trong những giải pháp mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhấn mạnh và yêu cầu cấp ủy phải chú trọng thực hiện là nâng cao hiệu quả công tác dự báo, xác định rõ thế mạnh, định hướng, trọng tâm phát triển gắn với chiến lược, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội chung của cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh, khu vực và cả nước; quá trình chuẩn bị văn kiện phải xác định được thời cơ, thuận lợi và thách thức trong nhiệm kỳ tới trên cơ sở khoa học và thực tiễn công tác, từ đó xây dựng được mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho nhiệm kỳ tới sát tình hình thực tế và có tính khả thi cao.
Thứ tư, phải thực sự đề cao, coi trọng chất lượng nhân sự cấp ủy, bảo đảm đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Công tác nhân sự là một trong những yếu tố quyết định đến sự thành công của đại hội. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chủ động chỉ đạo thực hiện tốt công tác xây dựng quy hoạch cán bộ đầu nhiệm kỳ cũng như rà soát, điều chỉnh, bổ sung hằng năm. Lựa chọn cá nhân có phẩm chất, đạo đức tốt, năng lực lãnh đạo, uy tín cao để đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong cấp ủy. Quá trình này được thực hiện công khai, minh bạch và đúng quy trình. Vì vậy, chất lượng quy hoạch cán bộ các cấp được nâng lên rõ rệt, thực sự là khâu nền tảng trong công tác cán bộ nói chung và việc chuẩn bị nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ 2025 - 2030 nói riêng(2). Bên cạnh đó, việc bổ sung nhân tố mới, đội ngũ cán bộ trẻ, có năng lực và sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vào đội ngũ lãnh đạo là vô cùng quan trọng. Điều này không chỉ giúp làm mới tư duy lãnh đạo, mà còn tạo động lực để phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ngoài việc chuẩn bị nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chú trọng chỉ đạo công tác chính trị, tư tưởng, giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ không đủ tuổi tái cử; tạo thuận lợi cho việc bố trí cán bộ ngay sau đại hội để sớm ổn định đội ngũ cán bộ, bắt tay vào thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp.
Thứ năm, phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân.
Sự tham gia của quần chúng nhân dân là yếu tố quan trọng trong quá trình xây dựng Đảng và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp. Đảng bộ tỉnh Quảng Trị khuyến khích sự tham gia tích cực của người dân vào quá trình xây dựng các phương hướng, mục tiêu phát triển của địa phương. Việc phát động phong trào thi đua yêu nước, kêu gọi nhân dân đóng góp ý kiến xây dựng Đảng và chính quyền là cách để củng cố lòng tin, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Cùng với đó, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng là cần thiết để nâng cao nhận thức của người dân, góp phần tạo nên không khí phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
Thứ sáu, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Để bảo đảm quá trình chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp diễn ra thành công, tỉnh Quảng Trị chủ trương đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, nhằm kịp thời phát hiện và xử lý sai phạm, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng cần được thực hiện nghiêm túc, triệt để. Kiểm tra, giám sát không chỉ giúp phát hiện vấn đề tồn đọng, mà còn là phương thức quan trọng để bảo đảm rằng quyết sách, chủ trương của Đảng được thực thi đúng đắn, minh bạch và hiệu quả. Giải quyết dứt điểm, đúng quy định đối với đơn, thư tố cáo, khiếu nại, các vấn đề tồn đọng, nhất là liên quan đến công tác nhân sự đại hội đảng bộ các cấp, công tác thẩm định nhân sự đại hội.
Thứ bảy, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, tạo khí thế, động lực cho đại hội đảng bộ các cấp.
Bên cạnh việc tập trung cho công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, tạo thế và lực cho nhiệm kỳ 2025 - 2030. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, lan tỏa về vai trò, ý nghĩa chính trị quan trọng của đại hội đảng bộ các cấp; giải quyết kịp thời, hiệu quả vấn đề nổi cộm, bức xúc, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, lập thành tích chào mừng đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 và kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2025.
Thứ tám, thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền trước, trong và sau đại hội đảng bộ các cấp.
Tập trung tuyên truyền sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra; đồng thời, chú trọng đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc chưa được kiểm chứng, đặc biệt là thông tin không chính thống về công tác nhân sự đại hội. Đẩy mạnh tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, các công trình, phần việc chào mừng đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVIII, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng./.
----------------------
(1) Năm 2020 GRDP của tỉnh đạt 6,92%, kế hoạch đến cuối năm 2024 là 6,5 - 7%; thu ngân sách nhà nước là 3.301 tỷ đồng, kế hoạch đến cuối năm 2024 là 3.896 tỷ đồng
(2) Quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030: 61 đồng chí (đạt hệ số 1,19 lần), trong đó thạc sĩ: 54 đồng chí (chiếm 39%), tiến sĩ 8 đồng chí (chiếm 38,1%); dưới 40 tuổi 10 đồng chí (chiếm 16,4%), từ 40 - 50 tuổi 47 đồng chí (chiếm 77%), trên 50 tuổi 4 đồng chí (6,6%); cán bộ nữ 15 đồng chí (chiếm tỷ lệ 24,6%); cán bộ người dân tộc thiểu số: 4 đồng chí (chiếm tỷ lệ 6,6%). Quy hoạch Ban Thường vụ Tỉnh ủy 18 đồng chí (đạt hệ số 1,2 lần); trong đó, thạc sĩ 15 đồng chí (chiếm 83,3%), tiến sĩ 2 đồng chí (chiếm 11,1%); dưới 40 tuổi 1 đồng chí (chiếm 5,6%), từ 40 - 50 tuổi 11 đồng chí (chiếm 61,1%), trên 50 tuổi 6 đồng chí (33,3%); cán bộ nữ 2 đồng chí (chiếm tỷ lệ 11,1%)
Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030  (03/11/2024)
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng với phương hướng và giải pháp trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng  (04/10/2024)
Đảng bộ Quân khu 5 với phương hướng, giải pháp trọng tâm để tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ mới, tiến tới Đại hội XIV của Đảng  (18/09/2024)
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
- Kỷ nguyên số - Bối cảnh và cơ hội cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng mục tiêu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Nhận diện những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức chủ yếu của Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
-
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX