Brexit: Bế tắc sau hội nghị thượng đỉnh không chính thức EU tại Salzburg, Áo
Theo kế hoạch, Anh sẽ rời khỏi EU vào ngày 29-3-2019. Đến thời điểm hiện tại, Anh và EU đã thu hẹp đáng kể bất đồng trong đàm phán Brexit. Hai bên trên thực tế đã đạt được thỏa hiệp về phần lớn các vấn đề nảy sinh sau quyết định ra đi của London, nhất là về thanh toán tài chính. Khó khăn duy nhất phải vượt qua để hai bên có thể đi đến một thỏa thuận là EU và Anh hiện vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về "bài toán" liên quan tới đường biên giới giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland - nước thành viên EU, cũng như vấn đề thương mại song phương. Tại hội nghị thượng đỉnh không chính thức vừa diễn ra tại Áo, các nhà lãnh đạo EU đều tỏ rõ lập trường cứng rắn khi yêu cầu Anh điều chỉnh kế hoạch Brexit. Các nước thành viên EU tại hội nghị thượng đỉnh không chính thức diễn ra tại Salzburg, Áo, đã bác bỏ các phần chính trong đề xuất Brexit của Thủ tướng Anh Theresa May.
Chưa thể đồng thuận về kế hoạch Brexit
Hội nghị thượng đỉnh EU không chính thức lần này là sự khởi đầu cho loạt 3 hội nghị thượng đỉnh sẽ được tiến hành trong 3 tháng tới nhằm hoàn tất các thủ tục "ly hôn" giữa Anh và EU. Diễn ra vào thời điểm quyết định, hội nghị không chính thức của EU lần này chính là dịp để Thủ tướng Anh Theresa May đối thoại trực tiếp với các nhà lãnh đạo của 27 nước thành viên EU liên quan đến vấn đề Brexit, thay vì phải đàm phán thông qua trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU là Michel Barnier. Chính vì vậy, Thủ tướng May đã rất hy vọng điều này sẽ mang lại tiến triển cho cuộc đàm phán "ly hôn" giữa hai bên.
Ngay trước khi cuộc họp diễn ra, một bầu không khí lạc quan được các quan chức Anh đặt ra về một thỏa thuận Brexit giữa hai bên. Thủ tướng Anh Theresa May cho rằng, Anh và EU đang tiến gần đến việc nhất trí một thỏa thuận về Brexit, nền tảng cần thiết xây dựng một mối quan hệ đối tác gần gũi. Các quan chức Anh cũng cho rằng hội nghị tại Áo lần này sẽ là thời điểm, dấu ngoặt quyết định với tiến trình Brexit.
Nhưng thực tế, trái với viễn cảnh mà Anh đặt ra khi bước vào hội nghị, các nhà lãnh đạo EU dường như “dội gáo nước lạnh” với tuyên bố của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker rằng thỏa thuận Brexit vẫn còn “xa vời”. Các nhà lãnh đạo EU đã đồng loạt gây sức ép, yêu cầu Anh phải điều chỉnh kế hoạch Brexit. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết, tuy không khí trao đổi giữa bà May và lãnh đạo 27 nước EU đã cải thiện hơn trước nhưng có một số vấn đề EU không sẵn sàng thỏa hiệp, như 4 nguyên tắc tự do căn bản của thị trường chung châu Âu hay vấn đề biên giới Ireland. Do đó, EU cần những đảm bảo chính xác, rõ ràng và mạnh mẽ từ London và bày tỏ hy vọng hai bên có thể gặp nhau trong tư thế sẵn sàng hơn tại cuộc gặp thượng đỉnh EU vào ngày 18-10 tới.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng nhận định các đề xuất của Thủ tướng May về quan hệ kinh tế Anh-EU hậu Brexit là "không chấp nhận được" do thiếu sự tôn trọng đối với thị trường chung EU. Ông cho biết lãnh đạo 27 nước EU kỳ vọng London sẽ đưa ra những đề xuất khác vào tháng 10 tới.
Thủ tướng Anh Theresa May cho biết bà sẽ sớm công bố các ý tưởng mới giải quyết vấn đề thương mại tại khu vực biên giới Bắc Ireland, sau khi các lãnh đạo EU bác kế hoạch Chequers - do bà đưa ra và đã được Nội các Anh thông qua tại Chequers hồi giữa tháng 7-2018 vừa qua. Tuy nhiên, bà May cũng khẳng định nếu không thể đạt được một thỏa thuận Brexit "chấp nhận được" đối với Anh, London sẵn sàng rời khỏi EU mà không có một thỏa thuận.
Do chưa nhất trí với kế hoạch của Anh nên kết thúc hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí tổ chức một hội nghị đặc biệt vào tháng 11-2018 tới để hoàn tất thỏa thuận về Brexit.
Anh có thể rời đi mà không có thỏa thuận?
Ngay sau Hội nghị, ngày 21-9, Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu trực tiếp trên truyền hình từ Văn phòng Thủ tướng về thực trạng của cuộc đàm phán Brexit. Thủ tướng Anh Theresa May đề nghị Liên minh châu Âu đưa ra một phương án thay thế các đề xuất của bà liên quan tới việc Anh rời EU, còn gọi là Brexit, đồng thời cảnh báo bà sẽ không bao giờ chấp nhận chia tách Vương quốc Liên hiệp Anh.
Tuyên bố đưa ra tại Văn phòng Thủ tướng, bà May nêu rõ: "Tôi sẽ không bao giờ thay đổi kết quả cuộc trưng cầu dân ý, và cũng sẽ không bao giờ chia cắt đất nước. Chúng ta cần có sự can dự nghiêm túc để giải quyết hai vấn đề chính hiện nay trong các cuộc đàm phán, và chúng tôi luôn sẵn sàng". Theo Thủ tướng Anh, kết quả tốt nhất từ các cuộc đàm phán là việc nước này rời khỏi EU với một thỏa thuận, song khẳng định việc rời đi mà không có thỏa thuận còn tốt hơn là một thỏa thuận tồi.
Thủ tướng May nhấn mạnh, các cuộc đàm phán đang rơi vào thế bế tắc, đồng thời cho rằng việc EU bác bỏ đề xuất của bà mà không giải thích lý do cũng như đưa ra những đề xuất đối kháng là không thể chấp nhận được.
Báo chí Anh đã gọi bài phát biểu ngày 21-9 này là “lời tuyên chiến” đối với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu sau cách họ cự tuyệt thẳng thừng kế hoạch Brexit được bà May mang đến hội nghị thượng đỉnh không chính thức EU tại Salzburg, Áo, vừa qua. Cách gọi đó có lẽ cũng không có gì quá đáng khi bà May bỏ qua phong cách ngoại giao thường thấy để cáo buộc EU đã không tôn trọng Anh, bằng cách bác bỏ các đề xuất trong bản kế hoạch mà không đưa ra lời giải thích hoặc đề xuất thay thế thỏa đáng nào. Bà May tuyên bố cách duy nhất để các cuộc đàm phán Brexit không đi từ “bế tắc” như hiện nay đến đổ vỡ hoàn toàn là Brussels phải thay đổi lập trường, còn không thì nước Anh đã sẵn sàng cho việc rời khỏi EU mà không cần thỏa thuận nào hết. Cuộc “so đấu” giữa Thủ tướng May và các nhà lãnh đạo EU tại hội nghị vừa qua đã dẫn đến tình trạng được gọi là “thảm họa Salzburg”.
Phát biểu với hãng tin BBC, Bộ trưởng Brexit của Anh Dominic Raab cho biết London đã thỏa hiệp rất nhiều về các đề xuất Brexit của nước này và không có phương án đáng tin nào khác trên bàn. Ông tuyên bố sẽ không để cho những đề xuất này trở thành "xúc xích cắt lát" mà không có chuyển biến nào từ phía EU.
Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt ngày 22-9 cho rằng Liên minh châu Âu nên chấm dứt việc bác bỏ các đề xuất của Anh trong đàm phán Brexit, vì sẽ không có chuyện Anh đầu hàng như mong đợi của EU. Phát biểu trên Đài BBC, Ngoại trưởng Hunt cho rằng người dân Anh đang ngày càng muốn rời khỏi khối này mà không cần thỏa thuận. Ông nói: "Nếu quan điểm của EU là chỉ việc nói không với mọi đề xuất mà Anh đưa ra, chúng tôi cuối cùng sẽ đầu hàng cũng như kết thúc bằng phương án Na Uy hay ở lại EU, thì họ đã đánh giá hết sức sai lầm về người Anh. Chúng tôi có thể lịch sự, song chúng tôi có giới hạn. Do đó hiện tại, họ cần thương lượng với chúng tôi một cách nghiêm túc".
Phát biểu trên được đưa một ngày sau khi Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố đàm phán Brexit rơi vào bế tắc, đề nghị các nhà lãnh đạo EU tôn trọng và đưa ra các đề xuất mới. Thủ tướng May tiếp tục khẳng định nếu không thể đạt được một thỏa thuận Brexit "chấp nhận được" đối với Anh, London sẵn sàng rời khỏi EU mà không có một thỏa thuận.
Cần nhượng bộ để thu hẹp bất đồng
Sau một năm rưỡi đàm phán và trong bối cảnh chỉ còn 6 tháng nữa là đến thời điểm nước Anh rời khỏi EU vào ngày 29-3-2019, hai bên dường như vẫn còn ở quá xa nhau trong những vấn đề then chốt, nhất là “hình hài” của quan hệ thương mại giữa Anh và EU sau Brexit, cũng như vấn đề biên giới giữa xứ Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland. Các lựa chọn mà EU đưa ra đối với nước Anh là “mô hình Na Uy” và “mô hình Canada ++”, bị bà May miêu tả là “sự nhạo báng” đối với ý nguyện được cử tri Anh thể hiện trong cuộc trưng cầu dân ý tháng 6-2016 về Brexit, cũng như phá vỡ sự toàn vẹn của nước Anh. Về phần mình, EU coi kế hoạch Brexit hiện nay của Chính phủ Anh - còn được gọi là kế hoạch Chequers - đe dọa phá bỏ những nguyên tắc căn bản về thị trường chung của khối này.
Còn sớm để bi quan rằng màn tranh cãi nảy lửa mới nhất giữa EU và Anh đặt dấu chấm hết cho triển vọng đàm phán Brexit, khi cả hai bên vẫn đều muốn có một cuộc “ly dị” ít tổn thất hết mức có thể theo lịch trình đã đề ra. Hai bên đều nói ngày một nhiều về sự sẵn sàng cho kịch bản Brexit không thỏa thuận, nhưng cả Anh và EU cũng đều thừa hiểu đó sẽ là một thất bại về chính trị và một thảm họa về kinh tế - nhất là khi kế hoạch dự kiến về giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 21 tháng sẽ bị dẹp bỏ.
Sau những lời trách móc gay gắt, Thủ tướng Anh vẫn gửi đi thông điệp rất rõ ràng rằng bà sẽ tiếp tục đưa ra những đề xuất mới nhằm thuyết phục các nhà lãnh đạo EU về vấn đề biên giới Ireland. Trong khi đó, các nhà đàm phán của EU dưới sự lãnh đạo của ông Michel Barnier cũng được cho là đang khẩn trương soạn thảo những đề xuất thay thế cho kế hoạch Chequers của Anh về tương lai quan hệ giữa hai bên. Nhiều khả năng vẫn sẽ không có đột phá nào về Brexit tại hội nghị thượng đỉnh EU tháng 10 tới như kỳ vọng, nhưng mọi hy vọng lúc này sẽ được dồn vào hội nghị thượng đỉnh bất thường vào giữa tháng 11. Bản thân việc EU quyết định tổ chức thêm hội nghị này cũng đã tạo thêm cơ hội cho cả hai bên. Nhượng bộ đạt được vào thời điểm đó vẫn cho phép cả EU và Anh có đủ thời gian để tìm kiếm sự phê chuẩn của nghị viện mỗi bên cho thỏa thuận trước ngày 29-3-2019.
Các nhà ngoại giao EU cho rằng đối tượng chủ yếu mà bà May nhắm đến trong bài phát biểu ngày 21-9 chính là các “thính giả” trong nước, mà cụ thể là các thành viên của đảng Bảo thủ tại Quốc hội Anh vốn chưa bao giờ bị chia rẽ và “hỗn loạn” như suốt thời gian qua vì Brexit. Trong quá khứ, bà May đã gặp rất nhiều trở ngại trong tiến trình Brexit và lần nào bà cũng bền bỉ vượt qua bằng được. Vấn đề duy nhất là ngày càng nhiều nghị sĩ ngay trong đảng Bảo thủ chỉ trích chiến lược và cách thức đàm phán Brexit mà chính phủ của bà đang thực hiện. Giả sử có vượt qua những âm mưu “nổi loạn và lật đổ” vốn đã thành “thương hiệu” của đảng Bảo thủ và mang được thỏa thuận từ Brussels về London đúng thời hạn, Thủ tướng Anh Theresa May vẫn còn phải vượt qua một trở ngại cực lớn là thuyết phục được Quốc hội Anh thông qua thỏa thuận đó, trong khi đã có khoảng 80 nghị sĩ Bảo thủ tuyên bố sẵn sàng bỏ phiếu bác bỏ kế hoạch Chequers ngay cả khi EU có đồng ý nhượng bộ.
Chính phủ Anh dường như đã tính toán rằng bằng cách tỏ ra “cứng rắn” hết mức có thể đối với EU, bà May sẽ tranh thủ được sự ủng hộ từ trong nội bộ, trong bối cảnh đại hội của đảng Bảo thủ khai mạc tại thành phố Birmingham vào ngày 30-9 tới được dự báo sẽ vô cùng căng thẳng và gay gắt với áp lực gia tăng đòi bà May phải từ bỏ kế hoạch Chequers và thậm chí từ chức. “Canh bạc” mạo hiểm này đã ít nhiều tỏ ra có tác dụng khi một loạt các nhân vật chống đối nhất cũng lên tiếng bày tỏ sự đồng tình với Thủ tướng Anh trong xử lý quan hệ với EU. Tuy nhiên, vẫn thật khó có thể hình dung bằng cách nào trong vài tuần quyết định tới, bà May kịp đưa ra một kế hoạch mới, hoặc ít nhất là các đề xuất bổ sung, làm hài lòng cả London lẫn Brussels, cả phe ủng hộ Brexit và phe “Ở lại” trong Quốc hội Anh.
Đến thời điểm này, phe ủng hộ một Brexit cứng hoặc một Brexit không thỏa thuận vẫn chỉ là thiểu số trong Quốc hội Anh, nên cơ hội sáng sủa nhất cho bà May vẫn là một Brexit có xu hướng mềm mỏng hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn cả trong lẫn ngoài như hiện nay, nhiều khả năng Thủ tướng Anh chỉ có thể trông đợi vào một thỏa thuận Brexit “mù” - nghĩa là chỉ có những điều khoản ràng buộc liên quan đến việc Anh rời khỏi ngôi nhà chung EU. Các vấn đề liên quan đến mối quan hệ tương lai giữa Anh và EU trong thỏa thuận, nếu đạt được vào tháng 11 tới, sẽ rất chung chung và mơ hồ. Mọi câu hỏi cụ thể và then chốt sẽ bị đẩy sang giai đoạn chuyển tiếp sau đó, với việc lùi “hạn chót” từ thời điểm cuối tháng 3-2019 sang tháng 12-2020. Điều đó đồng nghĩa với việc tình trạng bấp bênh mơ hồ hiện nay đối với người dân và các doanh nghiệp của cả nước Anh cũng như EU sẽ tiếp diễn đến khi nào chưa biết.
Còn rất nhiều kịch tính có thể xảy ra trên chính trường Anh ngay trong mùa Thu này. Bà May có thể sẽ thất bại trong việc tìm kiếm sự ủng hộ đa số cần thiết đối với bất kỳ thỏa thuận Brexit nào. Hoặc tệ hơn nữa là Chính phủ Anh thậm chí còn không thống nhất được quan điểm trong việc chuẩn bị cho kịch bản không thỏa thuận, còn Quốc hội thì sa lầy trong những cuộc tranh luận gay gắt về những giải pháp thay thế không được bên nào chấp nhận. Tình trạng tê liệt về chính trị đó sẽ dẫn đến những biến động không mong muốn với khả năng về một cuộc tổng tuyển cử sớm hoặc một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai nhằm đảo ngược Brexit. Khả năng về một cuộc chia tay “êm đẹp và trơn tru” giữa Anh và EU như mong muốn ban đầu vẫn còn quá xa vời nếu hai bên không có những nhượng bộ để thu hẹp bất đồng./.
Sáng kiến trong kiểm soát dịch HIV bền vững tại Việt Nam  (23/09/2018)
ASOSAI 14: Thảo luận và thống nhất nhiều nội dung quan trọng  (23/09/2018)
Thủ tướng sẽ dự Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc  (22/09/2018)
Phó Chủ tịch nước kết thúc tốt đẹp tham dự Diễn đàn Phụ nữ Á - Âu lần 2  (22/09/2018)
Cuba để quốc tang tưởng niệm Chủ tịch nước Trần Đại Quang  (22/09/2018)
Chương trình sữa học đường: Góp phần cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em  (22/09/2018)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên