TCCSĐT - Ngày 22-9-2018, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội) đã diễn ra Phiên toàn thể lần thứ hai, Đại hội Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) 14 và bế mạc ASOSAI 14. Trước khi bắt đầu vào Phiên họp, các đại biểu dành một phút mặc niệm Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Đại hội ASOSAI 14 và Hội nghị Chuyên đề lần thứ 7 chính thức diễn ra từ ngày 19 đến 22-9-2018 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Mỹ Đình, Hà Nội. Bên cạnh các sự kiện chính, các cuộc họp cấp kỹ thuật, chuyên môn của Ban Thư ký và các Ủy ban, Nhóm công tác, và Kỳ họp Ban Điều hành lần thứ 52, 53 cũng được tổ chức trong thời gian trước và sau các phiên chính thức của Đại hội.

Tham gia Đại hội có gần 400 đại biểu của 79 đoàn đại biểu quốc tế, gồm các SAI thành viên ASOSAI, đại diện các cơ quan của INTOSAI và tổ chức quốc tế với tư cách quan sát viên. Đại hội cũng đón tiếp hơn 400 khách mời trong nước là đại diện các cơ quan Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Chính phủ, Quốc hội, các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể, địa phương, trường đại học và viện nghiên cứu; các tổ chức quốc tế và đại sứ quán một số quốc gia tại Việt Nam.

Lễ Khai mạc của Đại hội và Kỷ niệm 40 năm ra đời Hiến chương ASOSAI đã diễn ra vào sáng 19-9-2018 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia. Buổi lễ đã vinh dự được đón tiếp đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng gần 1.000 đại biểu, khách mời trong nước và quốc tế.

Hội nghị Chuyên đề lần thứ 7 với chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triền bền vững” đã thu được những kết quả thành công, tốt đẹp, hoàn thành mục tiêu xây dựng một diễn đàn chung để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, những thông lệ tốt và đề xuất giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả chức năng kiểm toán môi trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Phiên họp toàn thể lần thứ hai của Đại hội ASOSAI 14 đã thông qua Tuyên bố Hà Nội là văn kiện chính thức với mục đích truyền tải những thông điệp quan trọng nhất của Đại hội cũng như những đề xuất, giải pháp của các SAI thành viên hướng tới việc đạt được các mục tiêu chiến lược của ASOSAI và mục tiêu phát triển bền vững. Với vai trò là Chủ nhà Đại hội ASOSAI 14, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã đề ra sáng kiến xây dựng “Tuyên bố Hà Nội” và nhận được sự ủng hộ của đông đảo các tổ chức thành viên. Có thể nói, Đại hội ASOSAI 14 với điểm nhấn là Tuyên bố Hà Nội đã thể hiện tầm nhìn dài hạn của ASOSAI trong giai đoạn tới, đồng thời, khẳng định sự quan tâm, những nỗ lực và đóng góp thiết thực của cộng đồng ASOSAI đối với công cuộc theo đuổi những mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc cũng như giải quyết các thách thức về môi trường toàn cầu trên cơ sở kết quả thảo luận về chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”.

Tuyên bố Hà Nội xác định vai trò của ASOSAI trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và giải quyết thách thức về môi trường toàn cầu, xác định các nhiệm vụ chiến lược của ASOSAI như tăng cường chia sẻ kiến thức giữa các SAI thành viên, trách nhiệm của SAI và ASOSAI đối với quốc gia, cộng đồng khu vực và thế giới..., đồng thời xác định các phương hướng, giải pháp và hành động về hoàn thiện tổ chức và tăng cường hiệu quả hoạt động của ASOSAI nhằm thúc đẩy sự phát triển và mang lại giá trị, lợi ích cho tất cả thành viên của ASOSAI.

Nội dung trọng tâm của Tuyên bố chung được đưa ra là 46 SAI thống nhất tăng cường kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững nhằm hiện thực hóa các mục tiêu trong Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững của Liên hợp quốc và nâng cao chất lượng môi trường sống. Đồng thời, ASOSAI ra tuyên bố cùng nhau thúc đẩy chia sẻ kiến thức và phát triển năng lực của các SAI thành viên, trong đó chú trọng phát triển kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững của các quốc gia và của khu vực”. Tuyên bố Hà Nội cũng đề ra các hành động thiết thực để cụ thể hóa các cam kết, cụ thể:

Một là, thúc đẩy việc chia sẻ kiến thức trong cộng đồng ASOSAI, song song với hoạt động phát triển năng lực cho các SAI thành viên trong lĩnh vực kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững.

Hai là, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và giải quyết thách thức về môi trường toàn cầu, tôn trọng những nguyên tắc chung trong việc INTOSAI có thể đóng góp vào chương trình nghị sự phát triển của Liên hợp quốc đến năm 2030 về vấn đề phát triển bền vững, trong đó chú trọng quản trị tốt và tăng cường chống tham nhũng thông qua một số phương pháp tiếp cận các mục tiêu phát triển bền vững.

Ba là, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế hài hòa với phát triển bền vững thông qua một số biện pháp cơ bản như tăng cường chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, phổ biến các chuẩn mực và tài liệu hướng dẫn về lĩnh vực kiểm toán môi trường giữa các SAI thành viên; đẩy mạnh việc thực hiện các cuộc kiểm toán chung phối hợp giữa các quốc gia…

Phát biểu bế mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 2, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết: Sau 4 ngày diễn ra Đại hội ASOSAI 14, các thành viên ASOSAI đã thảo luận và thống nhất nhiều nội dung quan trọng như: Kế hoạch ngân sách 2019 - 2021, Kế hoạch chiến lược ASOSAI 2016 - 2021, Báo cáo Đề án nghiên cứu lần thứ 11, Báo cáo Hội nghị chuyên đề lần thứ 7. Đại hội cũng bầu ra Ban điều hành của Ủy ban Kiểm toán nhiệm kỳ 2018 - 2021, công nhận SAI Palestine là thành viên mới; thông qua Tuyên bố Hà Nội và nhiều nội dung quan trọng khác. Các SAI đã nhất trí lựa chọn Thái Lan đăng cai tổ chức Đại hội ASOSAI lần thứ 15 vào năm 2021.

Trải qua 40 năm phát triển, từ 11 thành viên ban đầu khi mới thành lập, đến nay với 46 thành viên, Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (SOSAI) đã, đang và sẽ không ngừng phấn đấu trở thành tổ chức khu vực kiểu mẫu của tổ chức các Cơ quan kiểm toán tối cao quốc tế (INTOSAI) với mục tiêu gia tăng giá trị và lợi ích cho các cơ quan kiểm toán tối cao thành viên trong cộng đồng ASOSAI. Phát biểu với vai trò là tân Chủ tịch Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) nhiệm kỳ 2018 - 2021, Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Hồ Đức Phớc nhận định môi trường đã và đang là một trong những vấn đề cấp bách của toàn cầu và là mối quan tâm hàng đầu đối với từng quốc gia. Trong thời gian tới, những thách thức về môi trường sẽ ngày càng nghiêm trọng, đe dọa sự phát triển của các quốc gia, đặt ra nhiệm vụ kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững ngày càng quan trọng và nặng nề hơn. Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Hồ Đức Phớc, nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ môi trường đối với sự phát triển bền vững đất nước, với vai trò, trách nhiệm được giao, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã và đang tập trung nguồn lực để thực hiện kiểm toán về các vấn đề môi trường theo hướng bền vững.