Trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần 3
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và
nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (trái) trong cuộc gặp tại làng đình
chiến Panmunjom ngày 27-4.
Seoul và Bình Nhưỡng nhất trí tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 giữa ông Moon Jae-in và nhà lãnh đạoTriều Tiên Kim Jong-un tại thủ đô Bình Nhưỡng từ ngày 18 đến 20-9. Theo kế hoạch, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ bay qua Biển Hoàng Hải tới Bình Nhưỡng. Trước đó, hai nhà lãnh đạo này đã có hai cuộc gặp thượng đỉnh trong năm nay, lần đầu vào ngày 27-4 và tiếp sau vào ngày 26-5.
Trước sự kiện này, báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, đánh giá sự kỳ vọng và quan tâm đến hội nghị thượng đỉnh liên Triều đang dâng cao chưa từng có tại Hàn Quốc. Theo báo này, hai bên chắc chắn sẽ thiết lập "một quốc gia vững mạnh và thống nhất" thông qua việc duy trì bầu không khí hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.
Trong khi đó, các trang thông tin tuyên truyền đối ngoại của Triều Tiên là Uriminzokkiri và Meari cũng đăng những thông tin tương tự về hội nghị sắp tới.
Những hoài nghi đang gia tăng
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in là người theo đường lối tự do. Ông đã đảo ngược chính sách cứng rắn bảo thủ nhằm vào Triều Tiên, vốn được áp dụng gần một thập kỷ. Hiện ông đang chuẩn bị tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Bình Nhưỡng vào ngày 18-9 tới, trong bối cảnh hoài nghi trong dư luận gia tăng về cách tiếp cận của ông.
Hiện Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có tỷ lệ ủng hộ rớt xuống mức 49% trong cuộc khảo sát của Gallup gần đây. Theo một cuộc khảo sát khác được công bố hồi đầu tháng 9, Hàn Quốc hiện đang chia rẽ về việc liệu cuộc gặp thượng đỉnh trong tuần tới ở Bình Nhưỡng có giúp phá vỡ thế bế tắc liên quan tới ngoại giao hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên hay không.
Ông Kim Tae-woo, cựu chủ tịch Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc có trụ sở ở Seoul cho rằng: “Người dân của chúng ta đang bắt đầu hiểu ra rằng Triều Tiên sẽ không dễ dàng từ bỏ hạt nhân, điều mà nhiều chuyên gia đã liên tục dự đoán trước.” Còn Giáo sư Nam Sung-wook tại Đại học Hàn Quốc chia sẻ: “Nếu Tổng thống Moon không thể giải quyết các vấn đề kinh tế, ông ấy không thể duy trì được sự hài lòng của công chúng với Chính phủ nếu chỉ dựa vào chính sách Triều Tiên. Nếu nền kinh tế tồi tệ thêm, nhiều người sẽ yêu cầu ông Moon chấm dứt suy xét vấn đề Triều Tiên và bắt đầu giải quyết các vấn đề kinh tế.”
Trong khi đó, Giáo sư Lim Eul Chul tại Đại học Kyungnam của Hàn Quốc cho rằng, các nhân vật bảo thủ hiện nay “có xu hướng chỉ trích Triều Tiên và tự tách mình khỏi chính quyền Tổng thống Moon để tự giành lấy lợi ích chính trị của mình.”
Trong phiên họp Nội các hồi tuần trước, Tổng thống Moon nhấn mạnh, ông không chỉ cần sự ủng hộ mạnh mẽ của quốc tế, mà còn “cả sự ủng hộ của những nhân vật trung lập ở trong nước” để giúp cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều vào tuần tới đạt được bước tiến quan trọng hướng tới phi hạt nhân hóa. Ông Moon thậm chí còn yêu cầu lãnh đạo phe đối lập bảo thủ đi cùng ông tới Bình Nhưỡng tham gia cuộc gặp thượng đỉnh, song họ từ chối ngay lập tức.
Ông Yoon Young-seok, người phát ngôn của Đảng Hàn Quốc tự do đối lập chính, nêu rõ: “Căn cứ vào việc Triều Tiên không đưa ra bước đi phi hạt nhân hóa cụ thể, kể cả sau hai cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều và một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều, thật quá đà khi đề nghị chúng tôi tới Bình Nhưỡng. Chúng tôi lo ngại liệu lời mời này... có phải nhằm mục đích trao cho ông Kim Jong-un một món quà hay không”.
Đặc phái viên Mỹ tới Hàn Quốc trước cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều
Ngày 15-9, Đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun đã trở lại Seoul. Chuyến thăm Hàn Quốc lần thứ 2 trong vòng chưa đầy 1 tuần này diễn ra chỉ vài ngày trước thềm hội nghị thượng đỉnh lần thứ 3 trong năm nay giữa lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên.
Trước khi đến Seoul, Đặc phái viên Biegun đã có các chuyến thăm Trung Quốc và Nhật Bản, gặp những người đồng cấp nước chủ nhà để thảo luận về tình hình bán đảo Triều Tiên.
Trước đó, trong chuyến thăm Hàn Quốc đầu tiên trên cương vị Đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề Triều Tiên, diễn ra hồi đầu tuần, ông Biegun đã hội đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Lee Do-hwan cũng như Bộ trưởng Thống nhất Cho Myoung-gyon. Trong các cuộc gặp, ông Biegun khẳng định cần duy trì đối thoại với Bình Nhưỡng.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 3 tại Bình Nhưỡng. Cuộc gặp này được cho là sẽ tập trung chủ yếu vào phi hạt nhân hóa và quan hệ liên Triều. Theo giới quan sát, việc đặc phái viên Biegun thăm Hàn Quốc trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều dự kiến diễn ra từ ngày 18 đến 20-9 tới tại thủ đô Bình Nhưỡng được coi là dịp để Mỹ và Hàn Quốc tập trung thảo luận các phương án mang tính thực tế nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Trong một diễn biến khác, tối 14-9 theo giờ địa phương, Mỹ kêu gọi tổ chức một cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để đối phó với điều mà Washington gọi là các nỗ lực của một số quốc gia nhằm làm suy yếu và cản trở việc thực thi các biện pháp trừng phạt Triều Tiên. Theo phái bộ Mỹ tại Liên hợp quốc, cuộc họp này sẽ diễn ra vào ngày 17-9.
Lãnh đạo các tập đoàn lớn tháp tùng ông Moon Jae-in thăm Triều Tiên
Phó Chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Jae-Yong (phải) sẽ tháp tùng Tổng thống Moon Jae-in thăm Triều Tiên.
Sáng 16-9, đoàn tiền trạm Hàn Quốc đã xuất phát tới Bình Nhưỡng để chuẩn bị công tác hậu cần cho hội nghị thượng đỉnh liên Triều sắp tới.
Đoàn tiền trạm gồm 93 người do Thư ký tổng thống Hàn Quốc phụ trách vấn đề thống nhất Seo Ho dẫn đầu, cùng các quan chức chính phủ, chuyên viên kỹ thuật và các phóng viên. Phát biểu với báo giới trước khi đi qua qua Văn phòng Hải quan, Nhập cư và kiểm dịch liên Triều (CIQ) ở thành phố Paju, tỉnh Gyeonggi, ông Suh Ho cho biết đoàn tiền trạm sẽ chuẩn bị tốt nhất cho hội nghị thượng đỉnh liên Triều sắp tới.
Phủ Tổng thống Hàn Quốc ngày 16-9 thông báo danh sách phái đoàn tháp tùng Tổng thống Moon Jae-in sẽ thăm Bình Nhưỡng trong tuần này, trong đó bên cạnh các chính khách, đáng chú ý là có sự hiện diện của một loạt lãnh đạo tập đoàn lớn của Hàn Quốc.
Theo thông báo của Nhà Xanh, tháp tùng ông Moon là một phái đoàn gồm 52 quan chức chính phủ, chính khách, chủ doanh nghiệp và một số đại diện từ nhiều lĩnh vực khác nhau.
Trong số này, đáng chú ý có Phó Chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Jae-Yong; Chủ tập đoàn SK Chay Tae-won; Phó Chủ tịch Hyundai Motor Kim Yong-hwan; Chủ tịch tập đoàn LG Koo Kwang-mo. Trong danh sách này còn có Chủ tịch tập đoàn Hyundai, bà Hyun Jeong-Eun; Chủ tịch POSCO Choi Jeong-woo và CEO của dịch vụ xe chung địa phương SoCar, ông Lee Jae-ung.
Các doanh nhân được nêu tên trong danh sách trên như là những thành viên đặc biệt của phái đoàn cấp cao chính thức 14 người, gồm các Bộ trưởng, quan chức cấp cao của chính phủ và nhân viên Nhà Xanh, trong đó có Ngoại trưởng Kang Kyung-wha, Bộ trưởng Quốc phòng Song Young-moo và Bộ trưởng Thống nhất Cho Myoung-gyon.
Trong lĩnh vực giải trí, rapper và nhà sản xuất Zico, cùng ca sỹ Ailee đã được mời tham gia. Nếu tính cả các phóng viên báo đài đi theo thì tổng số thành viên phái đoàn lần này sẽ là khoảng 200 người.
Ông Moon sẽ trở thành Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên thăm thủ đô của Triều Tiên trong một thập kỷ qua. Sáng 16-9, đoàn tiền trạm Hàn Quốc, gồm 93 người do Thư ký tổng thống Hàn Quốc phụ trách vấn đề thống nhất Seo Ho dẫn đầu, cùng các quan chức chính phủ, chuyên viên kỹ thuật và các phóng viên đã xuất phát tới Bình Nhưỡng để chuẩn bị công tác hậu cần cho hội nghị./.
Quảng Bình thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương  (15/09/2018)
Quảng Bình thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương  (15/09/2018)
WEF ASEAN 2018: Thành công của Việt Nam  (15/09/2018)
Khánh thành Công viên mang tên lãnh tụ Fidel tại Quảng Trị  (15/09/2018)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay