Quảng Bình thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương
TCCS - Việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (Chỉ thị 05) ở tỉnh Quảng Bình thời gian qua không những tạo chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, mà còn gợi mở được nhiều vấn đề để địa phương rút kinh nghiệm, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị này.
Hai năm qua các cấp ủy, chính quyền ở Quảng Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị 05 gắn với thực hiện các nghị quyết, kết luận, chương trình hành động quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng hệ thống chính trị; đề ra các chủ trương, quyết sách đúng đắn, phù hợp với thực tiễn, hợp lòng dân trên các lĩnh vực, từng bước đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Qua đó, tạo sự đồng thuận, sức mạnh tổng hợp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Những kết quả bước đầu
Sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 05, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhanh chóng triển khai nội dung Chỉ thị trong toàn Đảng bộ, đồng thời ban hành Kế hoạch số 18-KH/TU ngày 30-8-2016 để triển khai thực hiện. Hầu hết các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh đã xác định đúng tầm quan trọng của Chỉ thị 05 và đều ban hành các kế hoạch, hướng dẫn, công văn chỉ đạo để triển khai việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó, chú trọng chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị 05 gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, phù hợp với điều kiện và đặc điểm của địa phương, cơ quan, đơn vị, trọng tâm là đẩy mạnh việc “làm theo”.
Công tác tổ chức học tập, nghiên cứu các chuyên đề hằng năm được thực hiện kịp thời, nghiêm túc, có nhiều sáng tạo. Bên cạnh triển khai chuyên đề cả năm, nhiều cấp ủy còn cụ thể hóa các chuyên đề chuyên sâu theo từng quý và lựa chọn nội dung sinh hoạt theo chủ đề gắn với việc học tập, liên hệ của cán bộ, đảng viên, các tổ chức đảng. Đặc biệt, Chuyên đề năm 2016 “Những vấn đề cơ bản, cốt lõi về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định là chuyên đề quan trọng, có tính chất xuyên suốt cả nhiệm kỳ nên tập trung chỉ đạo triển khai học tập, quán triệt trong toàn Đảng bộ thông qua truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình. Cùng một thời điểm, có 691 tổ chức cơ sở đảng, 1.729 điểm học tập với hơn 70.000 đảng viên ở 13 đảng bộ trực thuộc Đảng bộ tỉnh được học tập, quán triệt Chuyên đề. Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh còn tổ chức riêng 01 lớp để các vị chức sắc tôn giáo, thành viên Hội đồng mục vụ và Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh tham gia học tập...
Điểm nổi bật nhất trong thực hiện Chỉ thị 05 là các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn đã gắn thực hiện Chỉ thị 05 với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ (Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4), tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết những nội dung trọng tâm mang tính đột phá; những vấn đề bức xúc, nổi cộm. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Công văn số 437-CV/TU gợi ý một số nội dung thực hiện Chỉ thị 05 gắn với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4. Các cấp ủy, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tích cực rà soát, xây dựng, hoàn thiện quy chế làm việc, xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong tổ chức thực hiện. Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào tình hình thực tế, xác định nhiệm vụ trọng tâm, mang tính đột phá trên một số lĩnh vực quan trọng, như xây dựng thể chế, các quy chế, quy định của Đảng và Nhà nước; rà soát, xiết lại cơ chế quản lý, nhất là trên các lĩnh vực tài chính, tài sản công, tài nguyên môi trường; đổi mới tác phong, lề lối công tác, sát dân, sát cơ sở; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,... Tỉnh ủy Quảng Bình xây dựng 3 chương trình hành động trong giai đoạn 2016 - 2020, đó là: “về đổi mới công tác cán bộ”, “về giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm”, “về phát triển du lịch”. Một số đảng bộ vận dụng nghị quyết của cấp ủy cấp trên vào điều kiện cụ thể của địa phương, cơ quan, đơn vị, xác định khá rõ các nội dung trọng tâm, lĩnh vực trọng điểm, mang tính đột phá nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh và giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra ở cơ sở, tiêu biểu như Đảng bộ thành phố Đồng Hới chỉ đạo gắn việc thực hiện Chỉ thị 05 với thực hiện chủ đề của thành phố “Tăng cường kỷ luật, siết chặt kỷ cương, tiếp tục đổi mới phong cách, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên”; Đảng bộ huyện Tuyên Hóa xác định đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho nhân dân, thông qua việc xây dựng các đề án: “Cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt là rừng sản xuất”, “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn và xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài”, “Phát triển đàn bò lai”; Đảng bộ huyện Lệ Thủy đã chọn nội dung đột phá, đó là đề cao trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; Đảng bộ huyện Quảng Ninh xác định nhiệm vụ trọng tâm suốt cả nhiệm kỳ là giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm, phát triển du lịch, đổi mới công tác cán bộ để lãnh đạo, chỉ đạo; Đảng ủy Khối Doanh nghiệp xác định nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường lãnh đạo các doanh nghiệp làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, mở rộng lĩnh vực, quy mô sản xuất - kinh doanh; Đảng bộ huyện Minh Hóa xác định nhiệm vụ trọng tâm là chỉ đạo đẩy mạnh phát triển trồng rừng kinh tế và phát triển chăn nuôi...
Bên cạnh tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, các cấp ủy, chính quyền chú trọng chỉ đạo giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm, tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân. Huyện ủy Tuyên Hóa chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh chỉ đạo xử lý vụ việc phá rừng phòng hộ đầu nguồn nghiêm trọng tại xã Thanh Hóa. Thị ủy Ba Đồn tập trung chỉ đạo giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo; xử lý các vi phạm trong quản lý đất đai, cấp sổ đỏ. Huyện ủy Quảng Trạch tập trung chỉ đạo giải phóng mặt bằng Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1; công tác bồi thường thiệt hại do sự cố ô nhiễm môi trường biển, công tác quản lý đất đai. Huyện ủy Minh Hóa tập trung các giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong công tác cán bộ. Huyện ủy Quảng Ninh tập trung chỉ đạo giải quyết khá kịp thời những vấn đề liên quan đến tôn giáo, Dự án FLC ở xã Hải Ninh, công tác bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển... Huyện ủy Lệ Thủy tập trung chỉ đạo giải quyết những vấn đề nổi lên liên quan đến sự cố môi trường biển, công tác giải phóng mặt bằng của Dự án FLC (Hồng Thủy), đất đai, khai thác ti-tan...
Cùng với chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị còn gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác với thực hiện các chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; về chấn chỉnh và tăng cường kỷ luật, siết chặt kỷ cương hành chính trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang; về đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, là triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Quy định số 01-QĐ/TU, ngày 03-3-2016, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao”. Qua hơn 2 năm thực hiện cho thấy, đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ, năng lực công tác được nâng lên. Đồng thời, đã hạn chế tình trạng một số cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp làm việc cầm chừng, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm; giải quyết công việc chậm trễ, trì trệ, hiệu quả thấp; thiếu kiểm tra, đôn đốc; không nắm chắc tình hình ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân, không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Thực tế cho thấy, việc thực hiện Chỉ thị 05 đã tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng; nhiều chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch. Năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh (GRDP) đạt 6,7%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,3% so với năm 2016; 38,9% số xã về đích nông thôn mới. Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, an sinh xã hội được bảo đảm. Văn hóa - xã hội chuyển biến tích cực; quốc phòng - an ninh được củng cố, tăng cường; trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Một số vấn đề và giải pháp
Bên cạnh những kết quả đạt được, Tỉnh ủy Quảng Bình còn rút ra được một số vấn đề quan trọng, thiết thực, tạo tiền đề cho việc thực hiện Chỉ thị 05 trong thời gian tới.
Một là, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 05 trên địa bàn phải được tiến hành nghiêm túc mới thực sự góp phần nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến về việc tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Thời gian qua, nhiều cấp ủy thể hiện sự năng động, sáng tạo, tìm tòi, lựa chọn và quyết tâm thực hiện Chỉ thị 05 bằng những phương pháp mới, cách làm hay, thiết thực, hiệu quả, trong đó đã chú trọng gắn việc thực hiện trách nhiệm nêu gương theo Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư với Quy định số 01-QĐ/TU, ngày 3-3-2016, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao”, qua đó đã tác động tích cực đến rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, tư cách của người cán bộ, đảng viên. Trên địa bàn xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương cán bộ, đảng viên gương mẫu, đi đầu trong học tập và làm theo Bác, tác phong công tác gần dân, bám sát dân, vì dân, “nói đi đôi với làm”, “nói ít, làm nhiều”, được quần chúng nhân dân ghi nhận.
Hai là, chú trọng đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào sinh hoạt định kỳ, sinh hoạt chuyên đề. Thực tế cho thấy triển khai làm tốt vấn đề này đã làm cho nội dung sinh hoạt thiết thực, cụ thể hơn; chất lượng sinh hoạt chi bộ, cơ quan, đoàn thể, đơn vị được bảo đảm; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, của các cấp ủy, chính quyền ngày càng được nâng cao.
Ba là, thực hiện tốt Chỉ thị 05 thực sự góp phần tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các địa phương, cơ quan, đơn vị; giải quyết được nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc, tồn đọng, yếu kém kéo dài ở cơ sở.
Bốn là, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn tuy có bước tiến mới, hiệu quả hơn so với trước, nhưng trên thực tế vẫn chưa đạt yêu cầu toàn diện theo tinh thần Chỉ thị 05. Cụ thể là, một số cấp ủy, nhất là cấp cơ sở vẫn còn lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo; tính chủ động, sáng tạo chưa cao, dẫn đến việc triển khai thực hiện Chỉ thị 05 có nơi chưa phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đặc thù của địa phương. Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thật sự rõ nét, sức thuyết phục chưa cao. Một số nơi chưa thực hiện nghiêm túc, thậm chí có tình trạng cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, không gương mẫu trong công tác và trong sinh hoạt, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề ở một số nơi còn hình thức, nội dung chưa cụ thể, phương pháp chưa phong phú, lôi cuốn. Công tác kiểm tra, giám sát ở nhiều địa phương, đơn vị chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục...
Rút kinh nghiệm từ những vấn đề trên, đồng thời phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới Quảng Bình tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo sự chuyển biến hơn nữa về nhận thức và hành động trong Đảng, hệ thống chính trị và xã hội. Trước mắt, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp sau:
1- Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong Đảng và xã hội về vị trí, vai trò, ý nghĩa của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05. Gắn thực hiện Chỉ thị 05 với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, xem đây là công việc thường xuyên, là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân, nhất là của người đứng đầu các cấp, các ngành.
2- Lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc học tập, đặc biệt là việc làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với chuyên đề năm 2018 “Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các chuyên đề của những năm tiếp theo với việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và nghị quyết đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2015 - 2020
3- Xác định rõ trách nhiệm tự giác, gương mẫu học trước, làm theo trước của người đứng đầu, lãnh đạo chủ chốt, đảng viên, cán bộ trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực hiện nghiêm túc Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị và Quy định số 01-QĐ/TU, ngày 03-3-2016, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao”.
4- Rà soát, bổ sung, xây dựng tiêu chuẩn chức danh cán bộ và chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ phù hợp với nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, từng ngành, trong đó chú trọng xây dựng hệ thống chuẩn mực về các mối quan hệ của cán bộ, đảng viên với tổ chức đảng và nhân dân.
5- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc triển khai thực hiện Chỉ thị 05 và chuyên đề hằng năm tại các địa phương, cơ quan, đơn vị. Tích cực đấu tranh, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh./.
WEF ASEAN 2018: Thành công của Việt Nam  (15/09/2018)
Khánh thành Công viên mang tên lãnh tụ Fidel tại Quảng Trị  (15/09/2018)
Công điện của Thủ tướng Chính phủ: Ứng phó khẩn cấp bão số 6 và mưa lũ  (15/09/2018)
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Thống nhất nhận thức và hành động, tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế
- Kỳ họp thứ 53 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hưng Yên
- Thành ủy Hải Phòng và Tạp chí Cộng sản ký kết Chương trình phối hợp nghiên cứu, tuyên truyền về xây dựng chủ nghĩa xã hội gắn với con người xã hội chủ nghĩa tại thành phố Hải Phòng
- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Sắp xếp để vốn nhà nước được quản lý và phát triển tốt nhất
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm