Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Sắp xếp để vốn nhà nước được quản lý và phát triển tốt nhất
TCCS - Ngày 6-1-2025, tại trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về “Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” chủ trì Phiên họp thứ tám của Ban Chỉ đạo.
Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc, Bùi Thanh Sơn; các bộ trưởng là thành viên Ban Chỉ đạo; lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và lãnh đạo 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo thảo luận về việc kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; chuyển quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện đang giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp quản lý về Chính phủ hoặc bộ quản lý ngành với mô hình tổ chức phù hợp. Các thành viên Ban Chỉ đạo cũng thảo luận về mô hình tổ chức ngành thống kê; tham chiếu kinh nghiệm các nước; đề xuất một số mô hình tổ chức ngành thống kê Việt Nam.
Kết luận phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, trong quá trình phát triển, chúng ta đã áp dụng các mô hình khác nhau trong quản lý doanh nghiệp nhà nước, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phù hợp theo từng thời kỳ. Tuy nhiên, mô hình hiện nay vẫn có những hạn chế, một phần do quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Do đó, cần sắp xếp, đổi mới để tách bạch nhiệm vụ quản lý nhà nước và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo Thủ tướng Chính phủ, năm 2025, cả nước phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt ít nhất 8%, tạo đà cho thời kỳ phát triển 2 con số tiếp theo. Do đó, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp phải tăng trưởng ít nhất 8%; việc sắp xếp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải trên tinh thần “đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết” để vốn nhà nước được quản lý tốt nhất và phát triển tốt nhất, phục vụ cho phát triển đất nước thời kỳ mới. Việc kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; chuyển quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước về Chính phủ hoặc các bộ quản lý phải bảo đảm: Chính phủ chỉ trực tiếp quản lý một số tập đoàn có tính chất chiến lược, là nòng cốt, trụ cột kinh tế đất nước, thực hiện vai trò là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, được giao các nhiệm vụ chiến lược quốc gia; các tập đoàn, tổng công ty còn lại chuyển về các bộ quản lý.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương trình sửa Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, bảo đảm Chính phủ và các bộ, ngành tập trung quản lý nhà nước bằng việc xây dựng, triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý, thiết kế công cụ và tăng cường giám sát, kiểm tra… theo chức năng, nhiệm vụ; giao việc quản lý vốn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho đại diện chủ sở hữu; phân cấp, trao quyền cao nhất, chủ động nhất cho các tập đoàn, tổng công ty. Tiếp tục tổng kết các mô hình hay, kinh nghiệm tốt, cách làm hiệu quả, nghiên cứu lựa chọn phương án tối ưu nhất; hoàn thiện báo cáo trình Ban Chỉ đạo Trung ương, Bộ Chính trị xem xét.
Đối với mô hình tổ chức ngành thống kê Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp thu ý kiến của thành viên Ban Chỉ đạo và dựa trên cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và thực tiễn, tham khảo mô hình quốc tế đề xuất mô hình cơ quan thống kê nhà nước phù hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương, Bộ Chính trị xem xét, bảo đảm cơ quan thống kê phải thống nhất nhiệm vụ quản lý thống kê trên mọi lĩnh vực; là nơi tập hợp tất cả cơ sở dữ liệu quốc gia để trên cơ sở đó, Đảng, Nhà nước phân tích, đánh giá để hoạch định, đưa ra chính sách chính xác./.
Hà Phương (tổng hợp)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Hoạt động ngoại giao phải phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% trong năm 2025  (06/01/2025)
Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì họp Phiên thứ 27 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực  (01/01/2025)
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an  (30/12/2024)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên