Sáng 09-8, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội nghị toàn quốc góp ý dự thảo Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân và Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính đồng chủ trì Hội nghị.

Hơn 82% đơn vị hành chính cấp huyện chưa đạt tiêu chuẩn quy định

Đánh giá về thực trạng tổ chức đơn vị hành chính các cấp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, quá trình sáp nhập, chia, tách đơn vị hành chính trong từng giai đoạn của đất nước ở một mức độ nhất định đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy sự phát triển về kinh tế - xã hội, nâng tỷ lệ đô thị hóa, hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước ngày càng được nâng cao, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội và đời sống của người dân được bảo đảm.

Tuy nhiên, quá trình chia tách các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã thời gian qua đã dẫn đến một số bất cập và hạn chế. Việc tăng số lượng đơn vị hành chính các cấp đã dẫn đến bộ máy các cơ quan nhà nước ngày càng cồng kềnh; tăng biên chế, tăng chi ngân sách nhà nước. Việc chia tách đã gây ra nhiều khó khăn trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội, làm cho không gian phát triển bị chia cắt, manh mún, phân tán các nguồn lực, tiềm năng của địa phương, nhất là trong điều kiện Trung ương đang đẩy mạnh phân cấp, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương. Bên cạnh đó còn gây xáo trộn đến đời sống nhân dân trong việc thay đổi giấy tờ, thủ tục, địa chỉ, làm chia, tách không gian văn hóa - xã hội ở một số vùng, miền.

Hiện nay, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là rất lớn. Có 588/713 đơn vị hành chính cấp huyện (chiếm 82,47%) chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích, dân số; trong đó có 259 đơn vị (chiếm 36,33%) chưa đạt 50% của 1 trong 2 tiêu chuẩn diện tích hoặc dân số, có 18 đơn vị (chiếm 2,52%) đồng thời chưa đạt 50% của cả 2 tiêu chuẩn diện tích và dân số. Có 9.434/11.162 đơn vị hành chính cấp xã (chiếm 84,51%) chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích, dân số; trong đó 6.191 đơn vị (chiếm 55,46%) chưa đạt 50% của 1 trong 2 tiêu chuẩn diện tích hoặc dân số, có 637 đơn vị (chiếm 5,71%) đồng thời chưa đạt 50% của cả 2 tiêu chuẩn diện tích và dân số.

Sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải lấy ý kiến nhân dân

Đề án đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2021, cơ bản thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã chưa đạt 50% của cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và dân số theo quy định. Từ năm 2022 - 2030, hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã không đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định.

Việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải bảo đảm công khai, dân chủ, lấy ý kiến cử tri của địa phương; thực hiện đúng quy trình, thủ tục theo quy định. Ưu tiên sáp nhập nguyên trạng một đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không đạt tiêu chuẩn vào một đơn vị hành chính cùng cấp liền kề. Khi thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không đạt 50% của cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và dân số thì chỉ thực hiện một lần sáp nhập. Không nhất thiết đơn vị hành chính mới sau khi sáp nhập phải đạt đủ tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, dân số theo quy định, nhưng ít nhất cũng phải đạt một trong các tiêu chí: cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và dân số đều đạt trên 50% theo quy định; hoặc có 1 tiêu chuẩn đã đạt từ 100% theo quy định trở lên.

Đề án cũng đặt vấn đề không thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% của cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và dân số nếu có một trong các yếu tố đặc thù: có điều kiện vị trí địa lý - tự nhiên biệt lập với các đơn vị hành chính khác (hải đảo, cù lao chàm, vùng sâu, vùng xa...); có truyền thống, lịch sử hình thành và giữ ổn định từ trước năm 1945 đến nay; có đặc trưng về tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục, tập quán, văn hóa, lối sống cộng đồng dân cư mà nếu sáp nhập với các đơn vị hành chính khác sẽ gây xáo trộn, tạo bất ổn về an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.

Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, trong quá trình xây dựng Đề án, tổ chức các cuộc khảo sát, hội thảo và gửi lấy ý kiến các cơ quan Trung ương, các địa phương về dự thảo Đề án, có những vấn đề còn có ý kiến khác nhau về tiêu chí và số lượng sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã từ nay đến năm 2021. Có ý kiến đề nghị từ nay đến năm 2021 chỉ tiến hành sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã không đạt 50% tiêu chuẩn diện tích, dân số theo quy định nhưng cũng có ý kiến đề nghị sắp xếp ở cả cấp xã và cấp huyện. Có ý kiến đề nghị chỉ sắp xếp 16 đơn vị hành chính cấp huyện và 637 đơn vị hành chính cấp xã nhưng cũng có ý kiến đề nghị sắp xếp 259 đơn vị hành chính cấp huyện và 6.191 đơn vị hành chính cấp xã.

Nhiều ý kiến tại Hội nghị đồng tình cao với đề án. Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cho biết, về cấp huyện, Hà Tĩnh chỉ có 1 thị xã không bảo đảm cả hai tiêu chí. Vì vậy tỉnh kiến nghị từ nay đến năm 2021 chưa tiến hành nhập cấp huyện mà chỉ tập trung ở cấp xã trước. Về sáp nhập cấp xã, đồng chí Lê Đình Sơn đồng tình với việc từ nay đến 2021, nhập các xã không bảo đảm trên 50% cả hai tiêu chí về diện tích và dân số. Trong số 63 xã phải nhập của Hà Tĩnh có 10 xã là nhập 3 xã lại thành một. Theo đồng chí Lê Đình Sơn, khi nhập 3 xã lại thì mô hình thôn cần điều chỉnh lại để bảo đảm đồng bộ trong kết cấu nằm trong xã mới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, mục tiêu của sắp xếp đơn vị hành chính là làm tinh gọn bộ máy để bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Địa phương nào rà soát, đủ điều kiện, nhân dân đồng tình thì làm.

“Nhân dân đồng thuận mới nên làm, còn không đồng thuận thì không nên, không áp đặt ý chí nhà nước khi mà chưa có sự đồng thuận của nhân dân. Lấy ý kiến đúng theo quy định của luật”, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đồng tình với quan điểm từ nay đến năm 2021 tiến hành sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã chưa đạt 50% cả 2 tiêu chuẩn về diện tích và dân số. Theo đó, sắp xếp 16 đơn vị cấp huyện và 637 đơn vị cấp xã. Đây là số lượng bắt buộc phải sắp xếp.

“Còn nếu các địa phương mở rộng thêm số lượng thì Bộ Chính trị, Chính phủ rất hoan nghênh và khuyến khích”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, căn cứ về tiêu chuẩn tự nhiên, dân số cũng chỉ là điều kiện ban đầu để đưa ra xem xét, cần xem xét các yếu tố đặc thù khác như điều kiện địa lý - tự nhiên truyền thống, lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán, lối sống của cộng đồng dân cư…

Cho rằng với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cần phải tính đến các yếu tố đặc thù, Phó Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là để tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, đồng thời phải bảo đảm sự kế thừa, ổn định phát triển, tạo thuận lợi trong hoạt động quản lý nhà nước, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không phải sắp xếp cơ học máy móc.

Về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân với việc sáp nhập các đơn vị hành chính, Phó Thủ tướng nêu rõ, Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định rõ việc nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính đều phải tiến hành lấy ý kiến nhân dân và khi có trên 50% số cử tri trên địa bàn đồng ý mới trình cấp có thẩm quyền xem xét. Vì vậy, cần thực hiện đúng quy định hiện hành, điều này thể hiện đúng bản chất Nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, tất cả quyền lực đều thuộc về nhân dân. Những vấn đề liên quan trực tiếp đến nhân dân trên địa bàn cần phải lấy ý kiến nhân dân và phải làm cho thực chất, phản ánh đúng ý kiến, nguyện vọng của nhân dân.

Phải có chính sách rõ ràng cho cán bộ dôi dư nghỉ việc, không phải chuyện “vắt chanh bỏ vỏ”

Một vấn đề khiến nhiều đại biểu băn khoăn khi góp ý vào dự thảo Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021 tại Hội nghị là sắp xếp cán bộ dôi dư.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cho biết, trong số 63 xã phải nhập của Hà Tĩnh có 10 xã là nhập 3 xã lại thành một. Như vậy, mô hình thôn cần điều chỉnh lại để bảo đảm đồng bộ kết cấu nằm trong xã mới.

“Quá trình tổ chức sáp nhập, một vấn đề rất thách thức là sắp xếp cán bộ. Đề án nêu có thể dư, nhưng thực ra là dư rất nhiều. Ba xã nhập thành thực ra là dư 2/3. Vậy phải có một nội dung bàn rất kỹ vấn đề này nếu không sẽ không thực hiện được. 3 bí thư chỉ còn 1 bí thư, 3 chủ tịch giờ còn 1 chủ tịch thì xử lý thế nào, vô cùng khó”, ông Lê Đình Sơn băn khoăn; cho biết cán bộ công chức rất tâm tư và xuất hiện tư tưởng “sáp nhập xã thì tôi còn làm hay không làm nữa?”

Theo Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh, cần tính toán thời gian để giải quyết thấu đáo và cần thực hiện sớm. Để đảm bảo bước vào Đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp xã ổn định thì lộ trình cần kết thúc sớm trong năm 2019. “Cái gì quyết tâm thì phải làm trong 2018 và chậm nhất là tháng 01-2019”, ông nói.

Ủng hộ việc sáp nhập các đơn vị hành chính, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Văn Tư cho rằng “giá như hiện nay còn 40 tỉnh thì không gian phát triển lớn hơn, không bị vướng”. Theo đồng chí Trần Văn Tư, khi sáp nhập, khó khăn, xáo trộn là có, sẽ có tác động đến người dân và doanh nghiệp, nhất là các nơi trọng điểm. Vì vậy cần tính toán, bớt tác động, tránh phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Đồng chí Trần Văn Tư cũng đề nghị Trung ương ban hành quy định thống nhất về chế độ để xử lý cho cán bộ dôi dư nghỉ việc, không để mỗi nơi ban hành mỗi quy định chính sách, chế độ riêng và cần thống nhất về mặt chính sách.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhìn nhận, dù đã quy định về số lượng cấp phó nhưng sắp tới phải có quy định vượt với quy định hiện nay. Cùng với đó là chính sách về chế độ, lương bổng để đảm bảo cho việc sắp xếp ổn định, cán bộ an tâm.

Thống nhất việc đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết riêng về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã, trong đó cần quy định thủ tục, trình tự rút gọn, đơn giản, để tạo thuận tiện và nhanh chóng khi lập và trình cấp có thẩm quyền về Đề án, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng Nghị quyết cần quy định các nội dung về sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; các chế độ chính sách đối với nhân sự dôi dư qua sắp xếp. Chính phủ, các bộ, ngành cần xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành, triển khai một cách kịp thời, đồng bộ.

Khi thực thiện việc sáp nhập, chia tách phải đánh giá tác động hết sức thận trọng. “Chúng ta phải trân trọng đối với những cán bộ, công chức, viên chức, người tham gia không chuyên trách trong thời gian qua đóng góp rất lớn cho việc củng cố hệ thống chính quyền cơ sở, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng chỉ đạo “phải sắp xếp lại và có chế độ chính sách rõ ràng, không phải là chuyện “vắt chanh bỏ vỏ”, hay chuyện trả công quên ân, trọn gói trả cho như thế coi như là xong”. Những nhân sự này vẫn tiếp tục vận động để họ tham gia vào hệ thống chính trị cơ sở như đoàn thể, mặt trận, làm chỗ dựa cho chính quyền địa phương.

Để chủ động và bảo đảm sự đồng bộ trong triển khai việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện cấp xã từ nay đến năm 2021 và giai đoạn 2022 - 2030, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị Ban Tổ chức Trung ương chủ động xây dựng phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị tại các vị hành chính cấp huyện, xã khi thực hiện sáp nhập. Đồng thời có hướng dẫn về công tác nhân sự, chuẩn bị nội dung đại hội Đảng bộ cấp huyện, xã ở những nơi sáp nhập./.