“Trên nóng, dưới lạnh” đến bao giờ?
TCCSĐT - “Trên nóng, dưới lạnh” là câu chữ được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sử dụng khi nói về tình trạng chậm chuyển biến ở các cấp cơ sở trong công tác xây dựng Đảng, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng (1). Có thể nói Tổng Bí thư đã chỉ ra và khái quát rất đúng, rất trúng một “căn bệnh” khá phổ biến trong hệ thống chính trị nói chung, trong công tác xây dựng Đảng, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng ở nước ta lâu nay.
“Căn bệnh” này đã và đang gây nhiều tác hại, là rào cản làm chậm bước tiến sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, thậm chí có thể vô hiệu hóa mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nếu như không được chú ý quan tâm đúng mức, không có giải pháp ngăn chặn hữu hiệu. Bởi sự nghiệp cách mạng chỉ có thể thành công khi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được quán triệt, thực hiện đến tận cơ sở, khi nhiệt tình cách mạng được lan tỏa ở các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị.
“Căn bệnh” này khá phổ biến và tồn tại từ lâu, biểu hiện sức ỳ của thể chế chính trị, bộ máy hành chính cồng kềnh, kém hiệu quả. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã chỉ ra, đã cảnh báo và có những biện pháp để chữa trị, thực tế đã có chuyển biến, nhưng chậm. Dư luận quần chúng nhân dân, cán bộ, đảng viên chân chính không khỏi lo lắng đặt câu hỏi: “Trên nóng, dưới lạnh” đến bao giờ? Trên thực tế hiện nay, người dân và doanh nghiệp vẫn cảm thấy nhiều nghị quyết của Đảng, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn chưa thực sự đi vào cuộc sống, chưa thấy “nóng” ở địa phương mình, bởi sự lạnh nhạt, thậm chí thờ ơ, vô cảm của những “công bộc của dân”. Đã đến lúc các nhà lãnh đạo, quản lý, các cơ quan, các chuyên gia lý luận của Đảng, hành pháp của Nhà nước phải chú trọng hơn, nghiêm túc hơn, khẩn trương hơn trong việc nghiên cứu để tìm ra những biện pháp - những liều thuốc hữu hiệu hơn, triệt để hơn điều trị căn bệnh này.
“Nóng”, “lạnh” và những biểu hiện của căn bệnh “trên nóng, dưới lạnh”
“Trên nóng, dưới lạnh” là một hiện tượng, hay một “căn bệnh chính trị - xã hội” ở nước ta hiện nay, trong đó, “nóng” là chỉ nhiệt tình cách mạng của những con người hết lòng vì việc chung, vì nước, vì dân, nói đi đôi với làm, hành động quyết liệt, dũng cảm, hiệu quả nhưng không bốc đồng. “Lạnh” là chỉ ngọn lửa nhiệt tình cách mạng đã nguội lạnh, lý tưởng phai nhạt - biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận không nhỏ trong đội ngũ cán bộ đảng viên, những phần tử cơ hội. Những cán bộ có chức, có quyền thì nghe ngóng, “án binh bất động”, hoặc “khôn khéo” nói nhiều, làm ít, nói hay, làm dở, nói một đàng, làm một nẻo, làm việc cầm chừng, chiếu lệ, hình thức. Những công chức, viên chức thì “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, thờ ơ, lãnh cảm, vô cảm trước “nhân tình thế thái”, lấy việc “hành dân là chính” để kiếm chác, tư lợi.
Dưới góc độ công tác Đảng, theo cách nói của Tổng Bí thư về vấn đề “trên nóng, dưới lạnh” tại các hội nghị của Đảng, của Chính phủ, biểu hiện của vấn đề là tình trạng chậm chuyển biến ở các cấp cơ sở trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng. Biểu hiện là trên Trung ương thì “sôi sùng sục”, làm cho lò “nóng lên để củi tươi cho vào cũng cháy”, tranh thủ từng giờ, từng phút chỉ đạo sát sao, tích cực, nhưng càng xuống dưới càng thờ ơ, lững thững, không quyết liệt. Các vụ án lớn do Ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng trực tiếp chỉ đạo thì tiến độ được đẩy nhanh. Trong khi đó, các vụ án ở các địa phương tiến độ còn chậm, thiếu quyết liệt. Nhiều vụ, việc nổi cộm gây bức xúc nhưng tiến độ giải quyết chậm. Thậm chí một số vụ, việc trên Trung ương phải đôn đốc thì mới làm, song không làm quyết liệt.
“Trên nóng, dưới lạnh” còn biểu hiện trên nhiều lĩnh vực, nhiều công tác quan trọng khác, nhất là trong cải cách thủ tục hành chính; tinh giản bộ máy, biên chế; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; xử lý các dự án nghìn tỷ “đắp chiếu” hay làm ăn thua lỗ và nhiều công việc quan trọng khác như phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu; chống phá rừng, bảo vệ rừng tự nhiên; phòng, chống tai nạn giao thông; phòng, chống cháy nổ, nhất là cháy ở nhà chung cư cao tầng… ở lĩnh vực nào cũng có tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên trải thảm, dưới rải đinh”, “trên bảo dưới không nghe”… Quần chúng nhân dân còn bức xúc, kêu ca, phàn nàn, khiếu kiện còn nhiều.
Nguyên nhân của “trên nóng, dưới lạnh”
Phải rà soát, phân tích, chỉ rõ những nguyên nhân của căn bệnh “trên nóng, dưới lạnh”. Nguyên nhân của vấn đề “trên nóng” thì dễ thấy, đó là nhiệt tình cách mạng, ý thức trách nhiệm cao trước vận mệnh đất nước. Điều quan trọng là tìm ra, phân tích cho sâu nguyên nhân của “dưới lạnh”, những cấp “dưới” nào “lạnh”, những người nào còn “lạnh” và vì sao.
Có chuyên gia cho rằng, sở dĩ nhiều cấp dưới thờ ơ, lạnh lùng với công tác xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng, chậm chạp, nhẹ nhàng trong xử lý các sai phạm là do nhận thức. Việc thiếu nhận thức là do chưa quán triệt Nghị quyết của Trung ương. Việc tổ chức học tập Nghị quyết ở một số cấp cơ sở diễn ra một cách hình thức khiến cho đảng viên không nhận thức đầy đủ tính cấp bách của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Vì vậy, khi phê bình, tự phê bình đều rất sơ sài(2)…
Nguyên nhân này không sai, nhưng chưa đủ. Xét cho cùng thì nguyên nhân của “dưới lạnh” đều có trong những nguyên nhân về những khuyết điểm, yếu kém, tồn tại trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và trong đội ngũ cán bộ đảng viên mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và nhiều Nghị quyết Trung ương khác, nhất là Trung ương 7 mới đây đã chỉ ra rõ, toàn diện. Có rất nhiều nguyên nhân, từ ý thức chủ quan của cán bộ, công chức, của tổ chức đảng, chính quyền đến những nguyên nhân khách quan tác động của mặt trái kinh tế thị trường; từ thể chế, cơ cấu tổ chức hệ thống chính trị, bộ máy hành chính rườm rà, cồng kềnh, kém hiệu quả, luật pháp, kỷ luật lỏng lẻo, thực thi không nghiêm; từ giáo dục chính trị tư tưởng, thi đua khen thưởng đến chế độ chính sách đãi ngộ, tiền lương bất cập… Cùng một hiện tượng “lạnh” nhưng xuất phát từ những nguyên nhân chung và riêng khác nhau, phải làm cho rõ thì mới khắc phục được.
Phải thấy hết và phân tích sâu sắc những nguyên nhân mà các Nghị quyết Trung ương đã nêu ra. Cụ thể như, phải có “bàn tay sạch” thì mới có khát vọng “nóng”, dám “nóng”, muốn “nóng”. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói “bàn tay nhúng chàm thì chống làm sao được tham nhũng”. Mở rộng ra các lĩnh vực, công việc khác cũng vậy, bản thân người cán bộ, đảng viên, lãnh đạo không gương mẫu, thì “há miệng mắc quai”, làm sao “nóng” lên được. Cấp nào, người lãnh đạo nào, công chức nào còn “lạnh” thì phải xem tổ chức của cấp đó có “trong sạch, vững mạnh” thật sự hay không. Người lãnh đạo ở cấp đó có “bàn tay sạch” hay không.
Lẽ thường tình thì chỉ những tổ chức cơ sở yếu kém, không trong sạch vững mạnh thì mới “lạnh”. Họ không cần phải “nóng” vì cho rằng, không có lợi, thậm chí có hại cho “nhóm” của họ. Nếu “nóng”, tức là làm thực sự, thực thi Nghị quyết của Trung ương một cách thực sự thì sẽ làm lộ hết những yếu kém, không trong sạch của họ. Họ theo “chủ nghĩa trung bình”, làm việc cầm chừng, đủng đỉnh, dĩ hòa vi quý, cốt sao “hoàn thành nhiệm vụ”, che đậy, “đoàn kết nội bộ” cho khéo, không để “tai tiếng” gì lớn, cứ “từ từ” hằng tháng lĩnh lương, thậm chí cuối năm còn được khen thưởng. Đó thực chất là những mô hình tập thể của những kẻ cơ hội, một dạng của “lợi ích nhóm”.
Thực tế cho thấy cũng có những tổ chức cơ sở đảng, chính quyền khi tự bình bầu, tự đánh giá và cấp trên công nhận là “trong sạch, vững mạnh toàn diện” nhưng thực ra không phải như vậy. Họ được như vậy chẳng qua là công tác bảo vệ nội bộ làm sơ xài, hình thức; công tác kiểm tra, thanh tra, đấu tranh tự phê bình, phê bình kém; bệnh quan liêu, chủ quan nặng nề, không thể và không muốn, không dám tự mình phát hiện ra những ung nhọt, sâu mọt trong tổ chức của mình. Chỉ đến khi dư luận quần chúng, báo chí phanh phui thì sự thật mới được phơi bày. Những cấp, tổ chức cơ sở “trong sạch, vững mạnh” giả tạo như vậy thì thực chất cũng là “lạnh”, nếu họ có tỏ ra có lúc “nóng” cũng chỉ là “giả vờ”, hình thức.
Tóm lại, có nhiều nguyên nhân của hiện tượng “dưới lạnh”, nhưng rõ ràng, nếu tổ chức, cá nhân người đứng đầu tổ chức đó không trong sạch, “tay nhúm chàm” thì không thể có trái tim nóng và hành động quyết liệt, và họ chọn trạng thái cầm chừng như một thủ đoạn để phòng, chống lại sức nóng của áp lực cải cách, đổi mới từ cấp trên. Cần phải chú trọng đi sâu xem xét tới nguyên nhân này, bởi đây cũng chính là tìm ra “chìa khóa”, giải pháp chủ yếu chữa trị căn bệnh.
Giải pháp chữa “trên nóng, dưới lạnh”
Căn bệnh “trên nóng, dưới lạnh” chúng ta đang bàn hiện nay là một vấn đề chính trị - xã hội và mục tiêu điều trị phải là “trên” - “dưới” đều “nóng”, nghĩa là tất cả trên - dưới đều phải tràn đầy nhiệt tình cách mạng, ý thức trách nhiệm cao trước vận mệnh của Đảng, tương lai của đất nước, của nhân dân, của đơn vị, địa phương, ngành mình. Tất cả đều phải chuyển động theo một hướng, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Phải biến mục tiêu đó thành khát vọng cháy bỏng của mỗi người, trước hết là trong đội ngũ cán bộ đảng viên từ Trung ương xuống tới cơ sở.
Trước hết phải khẳng định và thực hiện thật nghiêm, thật đúng, thật tốt các nhóm giải pháp mang tính tổng hợp, cơ bản (bốn nhóm giải pháp) như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và các Nghị quyết Trung ương 7 gần đây về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, công tác cán bộ nói riêng đề ra. Theo đó, một số giải pháp cụ thể được nhấn mạnh, đó là:
Thứ nhất, phải chỉ ra bằng được cấp nào, người nào “nóng”, “lạnh” và vì sao. Người nào “nóng”, cấp nào “nóng” tức là hết lòng vì công việc, vì nước, vì dân, thực hiện Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước một cách tích cực, hiệu quả thì được ghi nhận, tôn vinh, khen thưởng. “Lạnh” tức là thờ ơ, vô cảm, chây ỳ thì phải cảnh báo, nhắc nhở, phê bình, nếu không chuyển biến thì “nghỉ việc”, “đứng ra ngoài hàng ngũ để người khác làm” như Tổng Bí thư đã nói. Quyết không để tình trạng như mấy năm trước, Nghị quyết cứ nói “một bộ phận không nhỏ” thoái hóa, tiêu cực, tham nhũng trong bộ máy Đảng, Nhà nước, nhưng không chỉ rõ được địa chỉ, đích danh, khiến dư luận bức xúc. Nay thì “bộ phận không nhỏ” đó đã lộ diện dần: Kể từ đầu nhiệm kỳ tới nay, ngành Thanh tra kiến nghị thu hồi gần 103.000 tỷ đồng; ngành Kiểm toán Nhà nước kiến nghị thu hồi về cho Ngân sách Nhà nước 65.000 tỷ đồng. Cũng từ đầu nhiệm kỳ, Tòa án nhân dân các cấp cũng đã xét xử sơ thẩm 436 vụ án với hơn 1.100 bị cáo về các tội tham nhũng. Với Chỉ thị của Tổng Bí thư về tăng cường kỷ luật Đảng, trong thời gian qua, gần 1.300 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái. Số liệu thống kê cho thấy, số vụ án lớn, số cán bộ trung, cao cấp bị xử lý trong nửa nhiệm kỳ vừa qua nhiều gấp 3 lần và số tiền thu lại được cũng nhiều gấp 40 lần so với 20 năm trước”(3).
Vấn đề là làm thế nào để chỉ ra đích danh, đúng địa chỉ, nhất là bộ phận “dưới lạnh”. Chúng ta nên đặt lại vấn đề, vì sao có một thời chúng ta cứ nói mãi về “một bộ phận không nhỏ” mà không nêu được đích danh họ. Và vì sao gần đây “bộ phận không nhỏ” đó đã dần lộ diện. Phải chăng vì một thời các thiết chế tổ chức, các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát nói chung, giám sát quyền lực nói riêng hoạt động hình thức, bị vô hiệu hóa. Phải chăng không có cơ chế phát huy được dân chủ, sức mạnh của nhân dân, của dư luận, báo chí.
Nếu đó là những nguyên nhân thực sự, thì giải pháp lúc này chính là khắc phục những yếu kém, khuyết điểm đó. Đặc biệt phải chú trọng phát huy tác dụng của “thanh bảo kiếm” - Ủy ban kiểm tra Trung ương và Ủy ban kiểm tra các cấp, giờ đây đang được gia tăng quyền hạn và tăng cường năng lực (4). Phải thực sự dựa vào dân, có cơ chế phù hợp phát huy quyền làm chủ của người dân trong việc kiểm tra, giám sát xây dựng Đảng, chính quyền của nhân dân, khi đó, người dân sẽ chỉ đích danh những người còn “lạnh” trong bộ máy Đảng, chính quyền. Khi đã chỉ rõ, chỉ đúng bộ phận “dưới lạnh” thì phải xử lý: nhẹ thì nhắc nhở, cảnh báo, phê bình, ra thời hạn khắc phục. Nặng thì áp dụng các hình thức kỷ luật của Đảng, pháp luật Nhà nước từ cảnh cáo, khai trừ, cách chức, cho thôi việc, quyết không để những cán bộ, công chức “lạnh” mãi trong đội ngũ; quyết không để những người không có “bàn tay sạch” làm lãnh đạo, chỉ huy, người đứng đầu các cấp; cần tuân thủ nguyên tắc kiểm tra (5).
Tình thế giờ đây đã khác, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy Đảng, chính quyền đã trở thành xu thế, trào lưu mạnh mẽ, ai muốn đứng ngoài cuộc cũng không được. Cài “lò” đã được Tổng Bí thư của Đảng nhen nhóm và làm cho “nóng” để “củi tươi đưa vào cũng cháy”(6). Người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng đã nhiều lần truyền lửa “khát vọng” vì dân, vì nước cho cán bộ các cấp dưới quyền, nhiều lần đưa ra thông điệp quyết tâm xây dựng “Chính phủ liêm chính, hành động, kiến tạo…” (7) và đã, đang hành động quyết liệt, nói đi đôi với làm.
Với “bàn tay sạch” của những nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với sức “nóng” của Trung ương như đã và đang thấy, với sự phấn khởi, tin tưởng, đồng tình ủng hộ của nhân dân, tin rằng tình trạng “dưới lạnh” cũng sẽ phải nhanh chóng mà “nóng” lên!
-----------------------
(1 ) Báo điện tử Công an nhân dân, “Tổng Bí thư: Vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, ngày 11-4-2018
(2) Báo điện tử Hà Tĩnh, “Phòng chống tham nhũng, tiêu cực: Tại sao “trên nóng, dưới lạnh?”, theo VTV, ngày 29-6-2018
(3) Xem thêm: “Chống tham nhũng và chỉ số niềm tin”, VTV ngày 24-6-2018
(4) Để tránh tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ tiến hành kiểm tra các cấp, có thể kiểm tra một số đơn vị trực thuộc tỉnh như huyện, qua đó rút kinh nghiệm chung trong toàn Đảng để triển khai diện rộng. Đây là nét mới trong hoạt động kiểm tra của năm 2018 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
(5) Hà Thanh,“Ủy ban kiểm tra Trung ương sẽ kiểm tra tới cấp huyện”, chuyên đề của Báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam
(6) Xem thêm: Báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam, Tổng Bí thư: “Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy”, ngày 01-08-2017
(7) Xem thêm: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam: Quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, ngày 02-8-2016
Bộ đội Biên phòng tích cực vận động nhân dân giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới  (09/08/2018)
Lễ thượng cờ ASEAN tại Hà Lan  (09/08/2018)
Nguyên nhân giảm tốc kinh tế Trung Quốc và những thách thức  (09/08/2018)
Khai mạc Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (08/08/2018)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên