TCCSĐT - Tối 10-6-2017, tại Sân vận động huyện Nam Trà My đã diễn ra Lễ khai mạc Lễ hội Sâm núi Ngọc Linh lần thứ I với chủ đề “Huyền thoại Ngọc Linh”. Đây là một trong những hoạt động chính của Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI-2017.
Phát biểu khai mạc Lễ hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nam Trà My Hồ Quang Bửu cho biết, Lễ hội diễn ra từ ngày 09 đến ngày 13-6-2017, nhằm mục đích quảng bá đến với bạn bè trong và ngoài nước về sâm núi Ngọc Linh, một loại cây dược liệu quý, hiếm của Việt Nam. Đồng thời, thông qua các hoạt động của Lễ hội, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh, các nét đẹp đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc huyện Nam Trà My tới du khách trong và ngoài nước; kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển rừng, phục hồi rừng, giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc.

Lễ hội bao gồm các hoạt động lớn như trưng bày, giới thiệu các sản phẩm sâm Ngọc Linh; các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; các tour du lịch khám phá, trải nghiệm vùng trồng sâm Ngọc Linh và khám phá văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Nam Trà My.

Theo Ban Tổ chức Lễ hội, cây sâm núi Ngọc Linh, còn gọi là sâm Việt Nam đã có từ lâu tại vùng núi Ngọc Linh thuộc địa phận huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam và huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum; là loại cây dược liệu đặc biệt quý hiếm có chứa đến 52 hợp chất saporin, là 1 trong 5 loại sâm quý nhất trên thế giới. Ngày 05-6-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 787/QĐ-TTg phê duyệt sâm Ngọc Linh là sản phẩm quốc gia.

Thời gian qua, nhất là từ khi Thủ tướng Chính phủ thông qua Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm núi Ngọc Linh, công tác bảo tồn và phát triển cây sâm núi Ngọc Linh ngày càng phát triển mạnh; giá cả không ngừng tăng lên; các nhà khoa học, các doanh nghiệp đã tập trung vào việc đầu tư nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng và sản xuất sản phẩm từ sâm. Đặc biệt, nhận thức của đồng bào các dân tộc vùng trồng sâm được nâng lên, người dân đã biết bảo vệ rừng, phục hồi rừng để trồng sâm.

Tỉnh Quảng Nam đã quy hoạch hơn 15 nghìn héc-ta để trồng sâm. Trên địa bàn huyện Nam Trà My hiện có trên 1 nghìn hộ dân trồng sâm ở 7 xã vùng cao và đang di thực sang trồng tại một số địa phương có điều kiện tự nhiên tương đồng./.