Tính đúng, tính đủ tài sản hữu hình, vô hình vào giá trị doanh nghiệp
Ngày 11-4, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành để cho ý kiến vào dự thảo Nghị định về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần, thay thế Nghị định số 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Dự thảo Nghị định do Bộ Tài chính soạn thảo.
Đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài chính trong triển khai xây dựng dự thảo nhưng Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính làm rõ căn cứ pháp lý để sửa đổi, bổ sung các quy định chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần, trong đó xử lý hiệu quả các bất cập hiện nay của quá trình này. Theo Phó Thủ tướng, trước mắt dự thảo cần bám sát các quy định cổ phần hóa ở các Luật như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, Luật Đất đai (sửa đổi), đồng thời những vấn đề mới phải bảo đảm không được trái Hiến pháp.
Phó Thủ tướng gợi mở 4 mục tiêu mà Nghị định phải hướng tới, trong đó, không để quyền lợi nhà nước bị xâm phạm khi mà dư luận xã hội đang bức xúc việc định giá tài sản doanh nghiệp nhà nước có vấn đề dẫn đến khi cổ phần hóa nhà nước bị thất thoát tài sản, vốn. Theo Phó Thủ tướng, nguyên tắc là phải tính đúng, tính đủ tài sản hữu hình, vô hình vào giá trị doanh nghiệp, như việc tìm cách tính thương hiệu, lợi thế thương mại, phát minh sáng chế, cải tiến kỹ thuật, định giá đất đai… Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu việc áp thuế chuyển mục đích sử dụng đất đối với doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Về phương pháp tính, Phó Thủ tướng đề nghị ngoài phương pháp định giá tài sản, Bộ Tài chính sử dụng thêm phương pháp dòng tiền chiết khấu để tính toán linh hoạt giá trị tài sản gắn liền với doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng cho rằng, mục tiêu của giải pháp cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hướng tới đa sở hữu doanh nghiệp là xu hướng vận hành của thị trường hiện đại. “Vậy xử lý như thế nào với trường hợp cổ phần hóa thành tư nhân hóa, tài sản nhà nước thành tài sản cá nhân của một số ít người? Có câu chuyện xác định được cổ đông chiến lược nhưng khi bán cổ phần phổ thông thì không ai mua, nhưng sau đó có cổ đông chiến lược lại mua hết thì có cấm đoán việc này không?”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề với các bộ, ngành và cho rằng, Nghị định cần phải tăng cường tính minh bạch trong xây dựng, ban hành các kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Phó Thủ tướng bày tỏ quan điểm nhà đầu tư chiến lược trước hết phải có tư cách pháp nhân, có ngành nghề kinh doanh phù hợp với chiến lược phát triển doanh nghiệp khi được duyệt kế hoạch cổ phần hóa và cuối cùng mới là vốn chứ không nên quan niệm “có tiền là làm được tất”. Nếu nhà đầu tư khác ngành nghề thì phải có cam kết hợp tác với một đối tác chuyên nghiệp trong lĩnh vực hoạt động chính của doanh nghiệp. Đồng thời dự thảo cũng phải ghi rõ lĩnh vực nào, trường hợp nào thì cần nhà đầu tư chiến lược, tiêu chuẩn của nhà đầu tư chiến lược, cam kết của nhà đầu tư chiến lược. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị Nghị định phải phân loại cổ phiếu (dành cho nhà đầu tư chiến lược, người lao động và nhà nước) theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp đi liền với quyền và nghĩa vụ của các bên trong sở hữu cổ phần, cổ phiếu của doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nâng cao hiệu quả và quản trị doanh nghiệp và cuối cùng là Nghị định phải bảo vệ nhà nước trong một số trường hợp quan trọng như giữ thương hiệu quốc gia. “Phải quy định cổ đông chiến lược cam kết bảo vệ thương hiệu”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề và đề nghị các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung dự thảo Nghị định để đạt được các mục tiêu trên. Đi vào một số nội dung cụ thể khác, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, dự thảo Nghị định vẫn chưa đề cập đến việc giải quyết các vấn đề tồn tại trước và sau cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước về tài chính, pháp lý, niêm yết trên thị trường chứng khoán để tránh chuyện doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa vẫn đòi nhà nước giải quyết các vấn đề về sắp xếp lao động dôi dư, xử lý tài sản lúc cổ phần hóa còn tồn đọng...; đề nghị tập trung quản lý nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tránh để tràn lan nhiều Quỹ như hiện nay.
“Nghị định ban hành phải khắc phục được những bất cập, sơ hở nhưng không được bày đặt thêm thủ tục hành chính vô lý, rắc rối làm cản trở quá trình sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, bảo đảm công khai minh bạch”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu yêu cầu và đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục chuẩn bị hồ sơ xây dựng Nghị định theo trình tự Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Theo Bộ Tài chính, Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, Nghị định số 189/2013/NĐ-CP, Nghị định số 116/2015/NĐ-CP về cổ phần hóa được ban hành trong thời gian qua cơ bản đã tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu mà trọng tâm là Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, quá trình cổ phần hóa theo các quy định trên cho thấy việc đổi mới phương thức quản lý chưa rõ ràng, thời gian cổ phần hóa kéo dài ở doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn, tình hình tài chính phức tạp, hoạt động trong lĩnh vực đặc thù. Một số doanh nghiệp được áp dụng cơ chế đặc thù khi cổ phần hóa nhưng chưa được quy định cụ thể. Cơ chế bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược còn bất cập do nhà đầu tư chiến lược phải cam kết cung cấp nhiều nguồn lực nhưng bị hạn chế bán cổ phiếu trong vòng 5 năm, chưa có quy định xử lý nhà đầu tư chiến lược làm sai cam kết... Bộ Tài chính cho rằng cần phải có cơ chế hướng dẫn hoàn chỉnh, phù hợp, nhằm xử lý dứt điểm các tồn tại về tài chính trước khi xác định giá trị doanh nghiệp, tổ chức định giá sát với giá thị trường, tiếp tục bán cổ phần công khai, minh bạch, gắn quá trình cổ phần hóa với quá trình phát triển của thị trường chứng khoán và thu hút được các nhà đầu tư tham gia mua cổ phần, đổi mới quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Bên cạnh đó, Nghị định số 59 cần phải được điều chỉnh cho phù hợp với các Luật: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp… Từ yêu cầu đó, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định mới quy định việc chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần thay cho Nghị định 59/2011/NĐ-CP.
Bộ Tài chính cũng nêu việc điều chỉnh, bổ sung 14 nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định mới về đối tượng áp dụng, bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược (trong đó có việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược thực hiện sau bán đấu giá công khai, không được chuyển nhượng cổ phần của nhà đầu tư chiến lược trong 3 năm…), về chi phí thực hiện cổ phần hóa, tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp, xử lý tài chính tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, thực hiện kiểm toán nhà nước với doanh nghiệp cổ phần hóa, xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản, sử dụng kết quả xác định giá trị doanh nghiệp, về bán cổ phần lần đầu, quản lý tiền thu từ cổ phần hóa, chính sách ưu đãi cho người lao động và tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp cổ phần hóa…/.
Lễ hội Đền Đô - Âm vang hào khí Thăng Long  (11/04/2017)
Trung tâm dữ liệu của Tập đoàn VNPT đạt chuẩn Uptime Tier III  (11/04/2017)
Việt Nam - Lào tăng cường tình hữu nghị, hợp tác giữa các địa phương  (11/04/2017)
Tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại giữa Romania - Việt Nam  (11/04/2017)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay