Những cống hiến sáng tạo của đồng chí Lê Duẩn trong chỉ đạo xây dựng đường lối đối ngoại của Đảng
TCCSĐT - Sau Đại hội III của Đảng (tháng 9-1960), trên cương vị Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã có những đóng góp to lớn và sáng tạo vào việc xây dựng, hoạch định đường lối đối ngoại của Đảng và hoạt động ngoại giao chống Mỹ, cứu nước. Những cống hiến của đồng chí có ý nghĩa quan trọng hình thành nên “thế trận ngoại giao ba tầng”(1) góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa ngoại giao Việt Nam lên tầm cao mới, trở thành nhân tố phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh quốc tế, làm nên thắng lợi oanh liệt nhất của dân tộc ta ở thế kỷ XX.
Đồng chí Lê Duẩn - người đặt tiền đề cơ sở lý luận và thực tiễn cho Đảng ta hoạch định đường lối đối ngoại trong kháng chiến chống Mỹ
Vào cuối thập niên 50 (thế kỷ XX), tình hình miền Nam trở nên căng thẳng bởi những cuộc đàn áp đẫm máu của kẻ thù. Dã tâm xâm lược và âm mưu chia cắt lâu dài nước ta của Mỹ - ngụy ngày càng lộ rõ. Đảng ta đã có sự chỉ đạo chuyển hướng chiến lược cách mạng miền Nam, từ thế “giữ gìn lực lượng” sang thế tiến công, tiến hành “chiến tranh cách mạng” để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc (Nghị quyết Hội nghị Trung ương mở rộng lần thứ 15, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa II, tháng 01-1959 - từ đây gọi là Nghị quyết Trung ương 15).
Quyết tâm chiến lược đó của Đảng, được xây dựng trên cơ sở bản Đề cương cách mạng miền Nam của đồng chí Lê Duẩn. Bản Đề cương hàm chứa những phác họa cơ bản nhất về đường lối đấu tranh cách mạng của nhân dân miền Nam trong thời kỳ lịch sử mới, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ.
Để có thể xây dựng được ý tưởng của bản đề cương quan trọng này, đồng chí Lê Duẩn đã phải lăn lộn khắp các tỉnh vùng đồng bằng Nam bộ, tận mắt chứng kiến kẻ địch bắt bớ, tra tấn, giết hại hàng chục vạn đồng bào, đồng chí của mình. Từ thực tế phũ phàng nhưng sống động đó, bản chất, bộ mặt thật của kẻ thù đã được nhận diện, đồng chí Lê Duẩn đã chỉ ra thủ đoạn của chủ nghĩa thực dân mới Mỹ và khẳng định: Nhân dân ta ở miền Nam chỉ có một con đường là vùng lên chống lại Mỹ Diệm để cứu nước và tự cứu mình. Đó là con đường cách mạng. Ngoài con đường đó, không có con đường nào khác. Đồng chí Lê Duẩn còn chỉ ra rằng, con đường cách mạng của nhân dân miền Nam là phải dùng bạo lực vũ trang, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, Đề cương cách mạng miền Nam đã được đưa ra thảo luận trong nhiều cuộc họp Bộ Chính trị, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (từ cuối năm 1957 và cả năm 1958), mà vẫn chưa được thông qua. Sở dĩ có tình trạng đó là vì tình hình thế giới những năm cuối thập niên 50 có những biến động phức tạp. Là một nước trong phe xã hội chủ nghĩa, Việt Nam bị ảnh hưởng bởi sự chia rẽ sâu sắc trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, nhất là bất đồng giữa Liên Xô và Trung Quốc(2).
Với tư cách là người chịu trách nhiệm trước Trung ương Đảng xây dựng đường lối cách mạng miền Nam, đồng chí Lê Duẩn kiên định lập trường, thể hiện bản lĩnh của một nhà cách mạng sáng tạo và am hiểu lịch sử. Đồng chí nhận định rằng: “Tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ mưu toan chia cắt lâu dài nước Việt Nam, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ, đồng thời còn nhằm đẩy lùi chủ nghĩa xã hội, dùng Việt Nam làm nơi thí nghiệm chiến lược chiến thuật của chiến tranh xâm lược và các loại vũ khí mới của chúng để đàn áp phong trào cách mạng và để chuẩn bị chiến tranh trên thế giới”(3).
Trên cơ sở phân tích một cách khoa học về tình hình thế giới và các mối quan hệ quốc tế phức tạp, chồng chéo, có tác động đến cách mạng nước ta, đồng chí Lê Duẩn kiến nghị: Một mặt phải kiên trì vận động tìm kiếm sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, mặt khác phải tìm một giải pháp ngoại giao khả dĩ, để tranh thủ được sự đồng tình của Liên Xô và Trung Quốc về chủ trương chiến tranh cách mạng của Đảng ta ở miền Nam. Bởi vì chúng ta rất cần tập hợp lực lượng chống Mỹ, nhưng để giành thắng lợi trong cuộc đối đầu lịch sử này, trước hết chúng ta phải kiên quyết, chủ động tiến hành chiến tranh cách mạng theo tinh thần Đề cương cách mạng miền Nam. Nghị quyết Trung ương 15 ra đời trong hoàn cảnh như vậy, nhưng nó nhanh chóng chứng tỏ tính đúng đắn và ý nghĩa lớn lao của một văn kiện lịch sử quý giá. Tinh thần của Nghị quyết Trung ương 15 đã nhanh chóng tỏa sáng ở miền Nam bằng phong trào “Đồng khởi”, làm rung chuyển tận gốc chế độ tay sai Ngô Đình Diệm, bước đầu làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ ở miền Nam.
Trong thời gian từ cuối năm 1959 đến đầu năm 1960, phong trào đấu tranh chính trị, kết hợp với đấu tranh vũ trang đã nổ ra trên khắp miền Nam, thực chất là những cuộc khởi nghĩa từng phần, trong thời gian ngắn đã phát triển thành một cuộc chiến tranh cách mạng. Phong trào “Đồng khởi” làm tan rã từng mảng lớn hệ thống chính quyền tay sai Mỹ. Cách mạng miền Nam có những tiến triển vượt bậc, từ thế “giữ gìn lực lượng” chuyển sang thế tiến công kẻ thù, liên tiếp giành thắng lợi.
Kiên quyết bảo vệ quan điểm dùng bạo lực cách mạng, phát động chiến tranh vũ trang để giải phóng miền Nam, dựa trên cơ sở thực tiễn lịch sử miền Nam, đồng thời nhìn thấy khả năng ngăn chặn hành động xâm lược của Mỹ chỉ có thể là biện pháp chủ động tiến công làm thất bại âm mưu của chúng, đồng chí Lê Duẩn khẳng định: “Theo mục tiêu và bằng một phương pháp đúng, chẳng những không làm tăng nguy cơ chiến tranh thế giới, mà ngược lại, chính là ngăn chặn những hành động phiêu lưu hiếu chiến của chủ nghĩa đế quốc, tạo điều kiện cho thế giới từng bước đi tới một nền hòa bình bền vững và rộng khắp”(4). Như vậy, theo đồng chí Lê Duẩn, chúng ta không phát động cuộc chiến tranh một cách phiêu lưu, mà đã nhìn thấy trước xu thế phát triển của thời đại: muốn có thế giới hòa bình, phải kiên quyết đấu tranh.
Tuy nhiên, để tiến hành chiến tranh chống lại đế quốc Hoa Kỳ, Việt Nam không thể tách rời sự ủng hộ của Liên Xô, Trung Quốc và bạn bè trên thế giới. Một quyết định mang đầy tính sáng tạo được Trung ương Đảng thực hiện đã đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn cách mạng và được Liên Xô, Trung Quốc chấp nhận, bạn bè trên thế giới đồng tình ủng hộ, đó là quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (ngày 20-12-1960).
Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ra đời đánh dấu một bước phát triển mới của cách mạng miền Nam, đồng thời, sự ra đời của Mặt trận cũng chính là giải pháp chính trị mang tính chiến lược trong việc xây dựng đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.
Mặt trận đưa ra “Chương trình hành động” với chủ trương đấu tranh nhằm mục tiêu: “miền Nam độc lập, dân chủ hòa bình, trung lập, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc”. Đó là chủ trương phù hợp với nguyện vọng của nhân dân miền Nam, đồng thời làm yên lòng bạn bè quốc tế. Nếu chỉ nhìn vào mục tiêu thì đây là bước thụt lùi so với những gì ta đã đạt được ở Hội nghị Giơ-ne-vơ (năm 1954)(5). Nhưng về thực chất, sự thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam (tổ chức đại diện cho các tầng lớp nhân dân yêu nước ở miền Nam), là một sách lược mềm dẻo về ngoại giao của Đảng ta, nhằm tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ rộng rãi của nhân dân thế giới đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam.
Là một tổ chức độc lập, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam hoạt động như chức năng của một nhà nước của nhân dân miền Nam Việt Nam. Mặt trận có đài phát thanh riêng, có cơ quan đại diện ở nước ngoài, có lực lượng vũ trang và các hội quần chúng hoạt động ở khắp miền Nam, ngày đêm đấu tranh cho miền Nam độc lập, hòa bình và trung lập. Điều đó chẳng những thu hút được sự quan tâm của dư luận tiến bộ trên toàn thế giới, mà còn khẳng định sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân miền Nam. Có thể nói, bằng sáng tạo trong chỉ đạo đường lối chiến lược và sách lược cách mạng nói chung và ngoại giao nói riêng, Đảng ta đã tạo ra vị thế hợp pháp và vững chắc của nước ta trên trường quốc tế, đồng thời làm thay đổi hẳn cục diện cách mạng miền Nam. Đây là một quyết định sáng tạo của Đảng trong chỉ đạo đường lối chiến lược và sách lược cách mạng nói chung, ngoại giao nói riêng. Chẳng những chúng ta đã tạo ra vị thế hợp pháp khi tiến hành chiến tranh cách mạng ở miền Nam, mà đồng thời còn làm thay đổi hẳn cục diện cách mạng ở miền Nam.
Như vậy, bằng thực tiễn phong phú, tư duy lý luận sáng suốt, thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, đồng chí Lê Duẩn cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã đưa ra những quyết sách chiến lược cách mạng đúng đắn, sáng tạo, trong một thời điểm khó khăn, phức tạp nhất. Nhờ đó, chúng ta vừa bảo đảm mục tiêu của công cuộc cách mạng, đồng thời vẫn giữ được tính độc lập tự chủ trong đối ngoại, mang lại hiệu quả thiết thực cho cách mạng cả hai miền Nam - Bắc.
Những hoạt động cống hiến của đồng chí Lê Duẩn trên mặt trận ngoại giao chống Mỹ, cứu nước
Tình hình quan hệ quốc tế trong những năm đầu của thập niên 60 của thế kỷ XX vẫn không mấy sáng sủa, nếu xét trên khía cạnh tác động đến cách mạng Việt Nam. Quan hệ Trung - Xô ngày càng trở lên bất đồng sâu sắc, thậm chí xung đột biên giới giữa hai nước đã nổ ra (1961-1962).
Sự chia rẽ trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, cùng với bất đồng Trung - Xô là trở ngại lớn nhất đối với chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời nó còn tạo ra hố sâu ngăn cách để Mỹ lợi dụng chống phá cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới.
Trên cương vị Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Lê Duẩn cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì nhiều cuộc họp Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, để bàn bạc xây dựng, hoàn thiện đường lối đối ngoại của Đảng. Đồng thời tìm ra chiến lược, sách lược ngoại giao thích ứng, phù hợp, để đoàn kết, tập hợp lực lượng đứng về phía Việt Nam, giúp đỡ, ủng hộ Việt Nam đánh Mỹ.
Trong bối cảnh cả thế giới đều e ngại đế quốc Mỹ, Đảng ta vẫn kiên định lập trường, quyết tâm thực hiện mục tiêu: giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhưng để hoàn thành được sứ mệnh lịch sử đó, ngoài ý chí, quyết tâm của dân tộc, chúng ta phải huy động được sức mạnh của thời đại làm hậu thuẫn. Ngoại giao là con đường vận động sự ủng hộ vật chất và tinh thần, là phương tiện để chúng ta kết nối sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Chính vì thế, Đảng chủ trương đẩy mạnh hoạt động ngoại giao, theo con số thống kê chưa chính thức, có năm (1964), Việt Nam cử tới 32 phái đoàn sang Trung Quốc(6).
Là người lãnh đạo chủ chốt của Đảng, đồng chí Lê Duẩn tham gia nhiều hoạt động đối ngoại, bằng nhiều hình thức vận động, công khai, bí mật, trong nhiều dịp hội đàm, hội kiến... để gặp gỡ, tranh thủ sự viện trợ, ủng hộ của các nguyên thủ quốc gia, cũng như của nhân dân các nước anh em. Nhờ đó, chúng ta có nguồn viện trợ thường xuyên, đều đặn đủ lương thực, thực phẩm và các nhu cầu tiêu dùng thiết yếu, quan trọng nhất là nguồn đạn dược, vũ khí, khí tài để chống lại cuộc chiến tranh hiện đại mang danh “sức mạnh Mỹ”.
Đồng chí Lê Duẩn cũng luôn luôn ý thức được hệ lụy của sự lệ thuộc nếu cứ ỷ lại vào viện trợ. Vì thế, đồng chí thường xuyên nhắc nhở: “Chúng ta cần nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, chống tư tưởng sợ Mỹ, tư tưởng đàm phán khi chưa có điều kiện có lợi, muốn kết thúc chiến tranh với bất cứ giá nào, tư tưởng ỷ lại vào sự giúp đỡ của nước ngoài, không tin tưởng vào sức mình”(7).
Tại các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 9, 11, 12, 13 và 16 (khóa III) với các nội dung chuyên đề bàn về công tác ngoại giao, đồng chí Lê Duẩn đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng, xây dựng nên đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng. Đồng chí nhấn mạnh về tầm quan trọng của đấu tranh ngoại giao nhưng không được thần thánh hóa nó: “Ngoại giao chỉ thắng lợi khi cách mạng ta thắng lợi”; “Nói vậy để đề phòng sai lầm là không tin vào sức ta lại đi tìm ngoại giao là một điều thần bí. Nhưng ta chủ động có thể lúc nào đó miền Bắc cứ đàm, miền Nam cứ đánh”(8). Lần đầu tiên thuật ngữ “Bắc đàm, Nam đánh” chính thức được đồng chí Lê Duẩn đề cập.
Đồng chí Lê Duẩn cũng luôn khẳng định quan điểm thông qua ngoại giao để hạn chế chiến tranh về cả quy mô, cường độ và lực lượng tham chiến. Đồng chí nói: “Kiên trì phương châm ra sức hạn chế cuộc chiến tranh xâm lược của địch và thắng địch trong cuộc chiến tranh hạn chế đó”(9). Đây là quan điểm hết sức đúng đắn, thể hiện tầm nhìn của một lãnh tụ tài ba. Thực hiện phương châm đó, chúng ta đã làm phá sản âm mưu “quốc tế hóa cuộc chiến tranh Việt Nam” của Mỹ. Đây là một thất bại cay đắng đối với Mỹ, bởi vì trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, Mỹ đã lôi kéo được 14 nước đưa quân đội vào tham chiến, núp dưới danh nghĩa “lực lượng của Liên hợp quốc”.
Đối với đồng chí Lê Duẩn, giữ vững đường lối ngoại giao độc lập tự chủ trở thành một nguyên tắc bất di bất dịch: “Trong mỗi đảng đều có vị trí riêng, chủ trương riêng, ta phải tìm mọi cách thực hiện nhất trí trong phe ta, nhưng nhất thiết phải độc lập”(10). Kiên trì nguyên tắc đó, Đảng ta đã độc lập chỉ đạo thắng lợi mọi vấn đề, chủ động thời gian ngồi đàm phán với Mỹ, quyết định từ nội dung đến hình thức, số thành viên tham gia đàm phán tại Hội nghị Pa-ri. Chính vì thế, chúng ta không chỉ buộc Mỹ phải rút hết quân đội về nước, từ bỏ dã tâm xâm lược Việt Nam, mà còn đặt tiền đề thuận lợi cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Với những cống hiến to lớn và sáng tạo trong việc xây dựng, hoạch định đường lối đối ngoại của Đảng, cũng như những hoạt động ngoại giao không mệt mỏi của mình, đồng chí Lê Duẩn đã góp phần quan trọng đưa đến thắng lợi của sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam thống nhất đất nước./.
-------------------------------------
(1) Một thuật ngữ chỉ các hình thức ngoại giao nhà nước, hoạt động đối ngoại của Đảng và ngoại giao nhân dân (TG)
(2) N. Khơ-rút-sốp - Bí thư thứ nhất Đảng cộng sản Liên Xô đưa ra khẩu hiệu: “Thi đua hòa bình” bắt tay với Mỹ, còn Trung Quốc e ngại “sợ đốm lửa làm cháy rừng”, sợ Mỹ lấy cớ gây chiến tranh thế giới lần thứ III, cho nên ngần ngại, không ủng hộ quan điểm chiến tranh cách mạng và khởi nghĩa vũ trang của ta ở miền Nam (TG)
(3) Lê Duẩn: Tình hình thế giới và chính sách đối ngoại của Đảng ta, Nxb. Sự thật, H. 1981, tr. 44
(4) Lê Duẩn: Tình hình thế giới và chính sách đối ngoại của Đảng ta, Sđd, tr. 72
(5) Hiệp định Giơ-ne-vơ quy định sau 2 năm Việt Nam sẽ tiến hành tổng tuyển cử, thống nhất đất nước (T.G)
(6) I.V. Gaiduk: Liên bang Xô viết và chiến tranh Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, H. 1998, tr. 46
(7) Một số văn kiện của Đảng về chống Mỹ, cứu nước 1954-1975, Nxb. Sự thật, H. 1985, tr. 123
(8) Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị ngày 12-3-1965, Phông Ban Chấp hành Trung ương Đảng, lưu trữ tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng
(9) Một số văn kiện của Đảng về chống Mỹ, cứu nước 1954-1975, Sđd, tr. 20
(10) Biên bản Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 13 (khóa III), lưu trữ tại Cục Lưu trữ Trung ương
Khai trương Khu trưng bày tượng sáp văn nghệ sĩ đầu tiên tại Việt Nam  (11/04/2017)
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm việc tại Khánh Hòa  (11/04/2017)
Công bố một số chỉ tiêu chủ yếu phản ánh tình hình phát triển doanh nghiệp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2016  (11/04/2017)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Tổng thống Hungary  (11/04/2017)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên