Nhận thức khoa học - thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI
TCCSĐT - Từ đầu thế kỷ XXI, nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường phát triển định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam một cách khoa học - thực tiễn phải đặt ra một cách nghiêm túc thì mới có căn cứ tin cậy trong hoạt động thực tiễn có kết quả, vì thực tiễn trong nước và thế giới biến đổi nhanh và sâu rộng.
Đã đến lúc không thể nói chung chung về chủ nghĩa xã hội, không thể dựa vào thói quen nhận thức trước đây mà phải từ cơ sở khoa học - thực tiễn phát sinh, phát triển chủ nghĩa xã hội hiện thực hiện nay ở nước ta.
Chúng ta cần nhận thức chủ nghĩa xã hội từ nhiều góc độ: chủ nghĩa xã hội - nhìn từ góc độ kinh tế thị trường; chủ nghĩa xã hội nhìn từ góc độ xã hội; chủ nghĩa xã hội nhìn từ góc độ văn hóa và chủ nghĩa xã hội từ góc nhìn chính trị và tầm nhìn thời đại hiện nay.
Hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa đã tan rã vì chỉ căn cứ vào mong muốn tốt đẹp của đảng cầm quyền; thất bại về kinh tế đã kéo theo sự kết thúc các lĩnh vực khác. Cho đến nay, nhận thức chủ nghĩa xã hội khoa học - hiện thực vẫn là chủ đề suy ngẫm của các nhà nghiên cứu trước thực tiễn biến đổi nhanh và sự thất bại của tư tưởng “chủ quan duy ý chí” tốt đẹp về chủ nghĩa xã hội với sự trả giá quá đắt.
Vì vậy cần có tầm nhìn sâu sắc các lĩnh vực của xã hội trong xu hướng thời đại hiện nay.
1- Chủ nghĩa xã hội - nhìn từ góc độ kinh tế
Từ nguyên lý khoa học về mối quan hệ giữa kinh tế với chính trị để nhìn từ lịch sử ra đời chủ nghĩa xã hội. Nguyên lý trên cho thấy, từ thực tiễn: nền kinh tế phi thị trường đều không có khả năng phát sinh, phát triển chế độ chính trị như chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa xã hội. Mặt khác không có thể chế chính trị nào có thể tồn tại nếu không có cơ sở kinh tế của nó. Các chế độ chính trị tiền tư bản đều phát sinh và tồn tại trên cơ sở kinh tế tự cung tự cấp. Chế độ tư bản chủ nghĩa phát sinh và tồn tại trên cơ sở kinh tế thị trường phát triển qua các giai đoạn từ thấp lên cao hơn ba thế kỷ qua. Mô hình xã hội chủ nghĩa trong thế kỷ XX đều thất bại vì dựa trên cơ sở kinh tế nhà nước hóa, chỉ một số ít nước chuyển sang kinh tế thị trường thì tồn tại nhưng đều gặp phải mâu thuẫn giữa thể chế chính trị cũ với cơ sở kinh tế thị trường đang toàn cầu hóa. Điều đó chỉ rõ, trình độ phát triển thể chế chính trị phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế thị trường và phải đổi mới toàn bộ các thể chế văn hóa, thể chế xã hội, không được vượt quá trình độ phát triển kinh tế, nếu không, chính thể chế chính trị sẽ kìm hãm kinh tế dựa trên nhận thức chủ quan duy ý chí tập thể, chứ không phải dựa trên trình độ phát triển kinh tế.
Vậy ở trình độ phát triển kinh tế nào thì sẽ phát triển chủ nghĩa xã hội?
Nhìn trong lịch sử kinh tế - chính trị, ở mỗi trình độ phát triển kinh tế đều cần có thể chế phù hợp, đáp ứng đòi hỏi sự vận động của mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị. Kinh tế thị trường có lịch sử phát triển hơn 300 năm kể từ thế kỷ XVIII, đã qua các giai đoạn với trình độ phát triển khác nhau: kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản tập đoàn, kinh tế tư bản cổ phần và hiện nay đang chuyển lên trình độ kinh tế tri thức, thay dần kinh tế công nghiệp, nhất là khi thế giới đã chuyển sang giai đoạn cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhiều nhà nghiên cứu phương Tây đã nói về giai đoạn “hậu công nghiệp” và dự báo về “hậu tư bản”.
Dựa theo nguyên lý vận động mối quan hệ giữa kinh tế với chính trị, bắt đầu quan sát tiến trình phát triển kinh tế tri thức sẽ đặt ra như thế nào đối với thay đổi thể chế chính trị tư bản chủ nghĩa một cách khách quan. Trong đó, vấn đề có thể khẳng định là: chủ nghĩa tư bản phải thay đổi và thực tế đang thay đổi. Nghiên cứu về chủ nghĩa xã hội là phải quan sát sự thay đổi mối quan hệ phát triển cao giữa kinh tế với chính trị - đó là quan hệ giữa kinh tế tri thức với chủ nghĩa tư bản. Hiện nay người ta thấy sự thay đổi đó diễn ra trước hết ở vùng Bắc Âu với phát triển “kinh tế thị trường xã hội”; một sự thay đổi phổ biến là chế độ cổ phần ở doanh nghiệp, không những người trong công ty, tập đoàn, mà cả người dân cũng được tham gia là cổ đông.
Chế độ cổ phần có ý nghĩa hai mặt: một mặt là huy động mọi nguồn vốn xã hội cho sản xuất, mặt khác, chế độ cổ phần mở rộng đến người dân ngoài công ty cũng có khả năng trở thành cổ đông.
Sự phát triển chế độ cổ phần phổ biến hiện nay đang cho thấy sự thay đổi của chế độ sở hữu ở giai đoạn phát triển cao của kinh tế thị trường mà C.Mác dự báo. Theo C.Mác thì do quá trình phát triển xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất nên làm thay đổi chế độ sở hữu: từ sở hữu tư bản tư nhân đến sở hữu tư bản tập đoàn, sở hữu cổ phần. Sự phát triển cao của chế độ sở hữu cổ phần sẽ đưa đến 2 loại sở hữu liên kết với nhau là sở hữu xã hội (không phải là sở hữu nhà nước) và sở hữu cá nhân (khác với sở hữu tư nhân). Sở hữu tư nhân tư bản hay sở hữu tập đoàn tư bản sẽ không còn tồn tại. Đó là kết quả của tiến trình phát triển lực lượng sản xuất xã hội qua các giai đoạn phát triển đầy nước mắt vì thể chế bóc lột tư bản.
Lịch sử phát triển chế độ sở hữu trong kinh tế thị trường cho thấy, khi nào chế độ sở hữu phù hợp với yêu cầu phát triển lực lượng sản xuất xã hội thì nền kinh tế phát triển lành mạnh. Khi quy định chế độ sở hữu theo ý muốn chủ quan của người lãnh đạo - quản lý thì sẽ kìm hãm lực lượng sản xuất, kinh tế suy thoái dần.
Liên hệ nguyên lý phát triển kinh tế này với cách làm của Nhà nước ta thời gian qua thì thấy rõ nguyên nhân của tình trạng trì trệ kinh tế, lấy chỉ số tăng trưởng làm thước đo, không tính đến hậu quả văn hóa - xã hội và môi trường. Không nhận thức vấn đề này là một nhược điểm hạn chế trong đào tạo cán bộ và trong hoạt động quản lý.
Nhìn từ lịch sử kinh tế và chủ nghĩa xã hội có thể thấy, chừng nào chưa nhận thức được mối quan hệ hàng đầu là quan hệ giữa kinh tế với chính trị thì chừng đó nhận thức chỉ là chủ nghĩa xã hội không tưởng.
2- Chủ nghĩa xã hội - nhìn từ góc độ văn hóa - xã hội
Sự phát triển văn hóa - xã hội bắt nguồn từ phát triển kinh tế và là động lực của phát triển kinh tế. Quan hệ nhân quả này tạo ra sức mạnh tổng hợp cho phát triển kinh tế và cho sự phát triển lành mạnh của xã hội và chính trị.
Sự phát triển văn hóa - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa, không thể chỉ là mong muốn chủ quan của tập thể lãnh đạo - quản lý, mà phải bắt đầu từ kinh tế trong sản xuất và phân phối.
Ngày nay, do sức ép của sự phát triển bền vững (là sự phát triển đồng thời về kinh tế, xã hội, môi trường), cần chấm dứt cách làm chỉ lo tăng trưởng kinh tế, còn vấn đề xã hội, môi trường giải quyết sau. Vận dụng quan điểm phát triển bền vững vào hoạt động lãnh đạo và quản lý đang là một tiêu chí của người đứng đầu, để tránh tình trạng phổ biến của cán bộ “nói không đi đôi với làm”, tình trạng chỉ cần có chỉ thị của trên, không quan tâm đến thực trạng kinh tế - xã hội trong không gian và thời gian hiện nay.
Nhìn từ tiến trình phát triển lịch sử kinh tế thị trường có thể thấy sự vận động biện chứng có tính hệ thống giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất phù hợp, giữa cơ sở kinh tế với thể chế chính trị trong từng giai đoạn phát triển lực lượng sản xuất xã hội.
Một khía cạnh ít được quan tâm là mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với văn hóa - xã hội, trong đó văn hóa - xã hội ngày càng có tác động quan trọng đến phát triển cả về chất lượng và số lượng. Văn hóa - xã hội có vai trò là động lực và mục tiêu của phát triển kinh tế thì mới có cơ sở về văn hóa - xã hội của chủ nghĩa xã hội phát triển, mối quan hệ văn hóa - kinh tế phải bảo đảm mục tiêu về hiệu quả xã hội và hiệu quả kinh tế. Không có sự phát triển đồng thời giữa kinh tế với văn hóa - xã hội thì chủ nghĩa xã hội vẫn là không tưởng, duy ý chí của đảng cầm quyền.
Nhìn xa hơn, quá trình phát triển kinh tế không phải chỉ để tăng trưởng theo chỉ tiêu; phát triển văn hóa - xã hội chỉ là làm “phong trào”, mà là tạo điều kiện ngày càng đầy đủ cho sự phát triển xã hội, hướng tới mục tiêu là sự phát triển nhân cách con người và “sự phát triển tự do, toàn diện của mỗi người”.
Chủ nghĩa tư bản đã phát triển, giàu có nhưng những giới hạn kết thúc đã hiện ra ngày càng nhiều: về xã hội, văn hóa thì theo lối sống thực dụng; về môi trường thì tàn phá nặng nề; về động lực chạy theo của cải, đồng tiền đang đưa đến sự khủng hoảng kinh tế và văn hóa.
Chủ nghĩa tư bản đã tạo ra sự giàu có và nền văn minh công nghiệp qua ba thế kỷ, nhưng sang thế kỷ hiện nay, những giới hạn và hậu quả về tăng trưởng kinh tế, về an sinh xã hội, về môi trường đang đưa chủ nghĩa tư bản đến giới hạn cuối cùng.
Chủ nghĩa xã hội phát sinh, phát triển không thể từ mong muốn tốt đẹp, chủ quan của người lãnh đạo, mà từ vận động phát triển kinh tế thị trường tạo ra những tiền đề thay đổi về thể chế kinh tế, xã hội, văn hóa cho sự phát sinh, phát triển chủ nghĩa xã hội.
Chủ động sáng tạo và xây dựng những cơ sở và thể chế kinh tế, văn hóa, xã hội của xã hội tương lai là trách nhiệm lịch sử của nhân dân và đảng cầm quyền. Thế kỷ XXI là thế kỷ đã có những tiền đề vật chất và văn hóa tinh thần, đã có sức ép ngày càng tăng cho sự ra đời một xã hội hậu tư bản.
Ngoài ra, để ý tưởng xây dựng chủ nghĩa xã hội không rơi chìm vào không tưởng của người lãnh đạo - quản lý theo nhiệm kỳ, thì điều quyết định là phải có chiến lược từng bước xây dựng những tiền đề làm cơ sở cho sự ra đời chủ nghĩa xã hội.
Thế kỷ XXI sẽ có dấu ấn từ sự chấm dứt “chủ nghĩa xã hội không tưởng” và sự phát sinh chủ nghĩa xã hội trên cơ sở sự trưởng thành của kinh tế tri thức và kết quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với toàn thế giới. Vì chính cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tạo ra chuyển biến mới về mô hình, cấu trúc mới về kinh tế và đặt ra những vấn đề kinh tế - xã hội mới đối với mỗi quốc gia. Từ tầm nhìn biện chứng về cơ sở phát sinh chủ nghĩa xã hội và phương pháp hệ thống trong không gian mới và thời gian đầu thế kỷ XXI theo con đường phát triển hiện đại hóa rút ngắn chúng ta tin tưởng vào tương lai phát triển của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam./.
Chuyến thăm Séc của Chủ tịch Quốc hội nhìn từ góc độ kinh tế  (11/04/2017)
Việt Nam mong muốn tăng xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh sang Qatar  (11/04/2017)
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp với Myanmar  (10/04/2017)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị Quân ủy Trung ương  (10/04/2017)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị Quân ủy Trung ương  (10/04/2017)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên