Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải: Tạo điều kiện cho sinh viên thắp sáng ý tưởng khởi nghiệp
Đông đảo sinh viên các trường đại học: Quốc gia Hà Nội, Bách khoa Hà Nội, Kinh tế quốc dân, Sư phạm, Luật, Xây dựng, Thăng Long và Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội và học sinh nhiều trường THPT trên địa bàn đã tham dự buổi tiếp xúc cử tri.
Tại Hội nghị, đoàn Đại biểu Quốc hội đã tiếp nhận 17 ý kiến của các cử tri trẻ, đại diện cho thế hệ thanh niên Thủ đô. Các sinh viên, đoàn viên, thanh niên Thủ đô đã đặt nhiều câu hỏi xung quanh những lĩnh vực được thanh niên quan tâm như chất lượng đào tạo, việc làm sau ra trường, chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài, hỗ trợ phát triển các ý tưởng khởi nghiệp cũng như việc dự báo nguồn nhân lực tương lai cho đất nước.
Là Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, cử tri Lưu Hải Minh bày tỏ, khoa học công nghệ là nền tảng để khởi nghiệp với tiềm năng phát triển to lớn. Tuy nhiên, đến nay Hà Nội mới có 33 doanh nghiệp khoa học công nghệ, các doanh nghiệp còn lại chủ yếu tập trung vào mảng thương mại - dịch vụ. Sở dĩ các doanh nghiệp trẻ không mặn mà với lĩnh vực đầy tiềm năng này, sản phẩm có chất lượng tốt, tính cạnh tranh cao nhưng không sản xuất kinh doanh được là vì thiếu vốn, vay ngân hàng khó. Cử tri Minh đề xuất thành phố xây dựng quỹ bảo lãnh vốn vay cho các doanh nghiệp khoa học công nghệ.
Vấn đề về vốn cũng là ý kiến của cử tri Lê Xuân Hải, trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Lê Xuân Hải cho rằng, hiện nay sinh viên, thanh niên Hà Nội tham gia rất nhiều chương trình khởi nghiệp và đạt được các giải thưởng cao nhưng không thể đưa vào thực tế vì thiếu vốn. Bên cạnh đó, các công trình mới chỉ thỏa mãn niềm đam mê nghiên cứu mà chưa được ứng dụng nhiều nên lãng phí chất xám, đề nghị có đơn vị chuyên nghiệp làm trung gian kết nối nhóm nghiên cứu với các doanh nghiệp, có chiến lược đặt hàng để sử dụng kết quả nghiên cứu.
Cũng tại buổi tiếp xúc cử tri, vấn đề thời sự những ngày gần đây về xâm hại tình dục trẻ em đã thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ. “Em được biết ở nước ngoài, trẻ em được dạy về cách phòng chống việc bị xâm hại từ rất sớm, nhưng ở Việt Nam hiện nay việc này chưa được quan tâm đúng mức” - cử tri Bùi Tố Kiều Trang, học sinh lớp 10A15 trường THPT Kim Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) bày tỏ. Để giải quyết tình trạng này, cử tri Bùi Tố Kiều Trang đưa ra một số đề xuất. Đó là đưa vấn đề giáo dục cho trẻ em về cách phòng chống xâm hại vào chương trình giáo dục; có biện pháp xử phạt nghiêm minh với các hành vi xâm hại trẻ em, đặc biệt đối với trẻ em nữ.
Chung mối quan tâm về vấn đề này, em Trần Thủy Tiên (trường THPT Việt Đức, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng đề xuất 4 giải pháp nhằm giải quyết tình trạng xâm hại trẻ em, gồm: Giáo dục giới tính sớm cho trẻ em; tạo môi trường lành mạnh, trong sáng để trẻ em học tập, vui chơi; tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh và có biện pháp xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp xâm phạm.
Trả lời những ý kiến đóng góp của các cử tri trẻ, đồng chí Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, trong các nhiệm vụ chính trị - xã hội trọng tâm của thành phố giai đoạn 2016 - 2020 đã thể hiện rõ ưu tiên phát triển thanh niên, tạo điều kiện cho sinh viên ra trường có việc làm ổn định. Thành phố đã xây dựng một trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp tại Sở Thông tin - Truyền thông, tiến tới tiếp tục mở ra một trung tâm nữa vào tháng sau, quy tụ 100 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp thực hiện hỗ trợ theo từng giai đoạn. Sau khi tiếp nhận ý tưởng của sinh viên, đánh giá mức độ khả thi và tính ứng dụng của ý tưởng, trung tâm sẽ hỗ trợ cho sinh viên vay vốn từ quỹ đầu tư mạo hiểm, nếu ý tưởng thành công sẽ hỗ trợ thành lập doanh nghiệp. Trung tâm có thể cung cấp cho thanh niên địa điểm kinh doanh miễn phí cho đến khi doanh nghiệp thu lãi. Bước cuối cùng là hỗ trợ kết nối đưa sản phẩm ra tiêu thụ trên thị trường.
Chủ tịch UBND thành phố đặc biệt nhấn mạnh các đề tài, ý tưởng phải xuất phát từ nhu cầu thị trường và có tính thực tiễn, sản phẩm phải có tính thương mại cao, đáp ứng được tiêu chuẩn thế giới.
Trong vấn đề cơ sở hạ tầng, đồng chí Nguyễn Đức Chung cho biết: Hà Nội hiện còn thiếu cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa và tinh thần của thanh niên, nhất là kí túc xá sinh viên và các khu vui chơi, thể thao. Để giải quyết vấn đề nhà ở cho sinh viên ngoại tỉnh, Hà Nội đã triển khai xây dựng 2 khu kí túc xá sinh viên tại khu vực Mỹ Đình và Thanh Trì. Kí túc xá Mỹ Đình đã đưa vào hoạt động và sử dụng 92% số phòng. Tuy nhiên, do khó khăn trong vấn đề di chuyển, kí túc xá Thanh Trì mới có 16% số sinh viên đăng ký, thành phố đã cho ngừng xây dựng.
Ngoài ra, vấn đề xâm hại trẻ em cũng là vấn đề được quan tâm, nhất là sau vụ việc gây bức xúc dư luận xảy ra tại quận Hoàng Mai trong thời gian qua. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định để ngăn chặn tệ nạn trên, phải tăng cường truyền thông, giáo dục sớm đến trẻ em, bên cạnh đó tuyên truyền kiến thức giáo dục giới tính, đặc biệt là đến các bà mẹ.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội khẳng định, qua các ý kiến đóng góp sôi nổi của các cử tri trẻ, có thể nhận thấy nhu cầu lớn của thanh niên Thủ đô về học tập, việc làm và khởi nghiệp.
Với những ý kiến đóng góp về luật pháp, đồng chí khẳng định đoàn đại biểu sẽ tiếp thu để đề xuất Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung.
Đồng chí Hoàng Trung Hải khẳng định vấn đề khởi nghiệp là thách thức đối với mọi quốc gia, doanh nghiệp. Hà Nội hiện mới chỉ có khoảng 200 nghìn doanh nghiệp, chưa tận dụng hết được nguồn tài nguyên sức trẻ, còn để trống thị trường cho các nước khác. Đây là vấn đề mang tính cạnh tranh quốc gia. Bởi vậy, trước hết thành phố phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trong đó có cơ sở hạ tầng cho thanh niên như việc xử lý ô nhiễm môi trường, xây dựng kí túc xá, công viên… cho sinh viên. Lãnh đạo thành phố sẽ quan tâm tạo điều kiện để sinh viên có môi trường học tập thắp sáng ý tưởng khởi nghiệp./.
Ngày hội khẳng định sự trưởng thành của Báo chí Cách mạng Việt Nam  (19/03/2017)
G20 và vấn đề thương mại tự do, chống bảo hộ mậu dịch  (19/03/2017)
Bảo đảm vai trò chủ thể của giai cấp nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới  (18/03/2017)
Bảo đảm vai trò chủ thể của giai cấp nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới  (18/03/2017)
Khi luật pháp bị thách thức và yêu cầu của Thủ tướng  (18/03/2017)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên