TCCSĐT - Khai mạc Lễ hội hoa Anh Đào - Mai vàng Yên Tử, Hạ Long 2017, khai mạc “Những ngày Văn hóa Hàn Quốc tại Hội An, Quảng Nam 2017”, bế mạc Liên hoan âm nhạc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Phục dựng nghi lễ của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên gắn với diễn tấu cồng chiêng… là những sự kiện văn hóa nổi bật cuối tuần.
Khai mạc Lễ hội hoa Anh Đào - Mai vàng Yên Tử, Hạ Long 2017

Tối 11-3-2017, tại Quảng trường 30-10 (phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), Lễ hội hoa Anh Đào - Mai vàng Yên Tử, Hạ Long 2017 đã chính thức khai mạc với chủ đề “Hợp tác và Phát triển”. Chương trình này do Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Uông Bí và Ủy ban nhân dân thị xã Đông Triều tổ chức từ ngày 11 đến 15-3-2017.

Trong đêm khai mạc đã diễn ra các hoạt động chính như: Khai mạc Lễ hội và giao lưu văn hóa nghệ thuật Việt - Nhật; trình diễn trang phục truyền thống và hiện đại của Việt Nam và Nhật Bản, các tiết mục ca, vũ, nhạc Việt - Nhật; trình diễn, giới thiệu một số nét văn hóa truyền thống Nhật Bản do các nghệ sỹ Việt Nam, Nhật Bản biểu diễn; triển lãm hoa Anh Đào Nhật Bản (gồm 50 cây với 5.000 cành) và 60 cây hoa Mai vàng Yên Tử. Tại Lễ hội cũng diễn ra các hoạt động triển lãm trưng bày, quảng bá giới thiệu và bán sản phẩm của các tập đoàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư hiện đang đầu tư trên địa bàn thành phố Hạ Long cũng như các sản phẩm đồ gia dụng tiêu biểu khác của Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh và Nhật Bản với hơn 170 gian hàng.

 
 Lễ hội hoa anh đào - mai vàng Yên Tử, Hạ Long 2017 với chủ đề “Hợp tác và Phát triển. Ảnh: VTC News

Điểm cuốn hút của Lễ hội năm nay là sự hiện diện của các ca sĩ nổi tiếng vùng mỏ như Hoàng Tùng, Tuấn Anh và các nghệ sĩ nổi tiếng của Nhật như nghệ sỹ Tsukihime, nhóm nghệ thuật Gyrobit Nhật Bản…

Trước đó, vào lúc 13 giờ 30 phút cùng ngày 11-3, trong khuôn khổ Lễ hội hoa Anh đào - Mai vàng Yên Tử, Hạ Long 2017 đã diễn ra Hội nghị hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản. Hội nghị nhằm thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hợp tác hữu nghị ngày càng sâu rộng giữa tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam và Nhật Bản; tạo cơ hội để các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp của hai bên tăng cường hợp tác về du lịch, thương mại và đầu tư.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Vũ Văn Diện nhấn mạnh: Quảng Ninh luôn xác định doanh nghiệp Nhật Bản là các nhà đầu tư chiến lược, lâu dài. Thông qua chương trình này, Quảng Ninh mong muốn giới thiệu các cơ hội đầu tư và sẵn sàng đón tiếp, hỗ trợ các nhà đầu tư Nhật Bản đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Quảng Ninh, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch. Lễ hội hoa Anh Đào - Hạ Long tổ chức lần đầu tiên ở Quảng Ninh năm 2013, nhằm chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước Việt Nam - Nhật Bản.

Khai mạc “Những ngày Văn hóa Hàn Quốc tại Hội An, Quảng Nam 2017”

Kỷ niệm 25 năm Việt Nam - Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao (1992 - 2017) là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy hơn nữa tiến trình hợp tác ở nhiều lĩnh vực dựa trên sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau. Nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng sự kiện này, tối 11-3, tỉnh Quảng Nam phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức khai mạc “Những ngày Văn hóa Hàn Quốc tại Hội An, Quảng Nam 2017”. Trong đêm khai mạc, Phố cổ Hội An càng trở nên lung linh hơn bởi không gian các loại lồng đèn truyền thống của Hàn Quốc và Hội An. Các đại biểu của Việt Nam và Hàn Quốc cùng nhau thắp lửa từ những chiếc đèn lồng cổ truyền của Hội An và Hàn Quốc. Tại Vườn tượng An Hội, các gian hàng trưng bày nhiều sản phẩm văn hóa, nghề truyền thống, ẩm thực, chụp hình với trang phục truyền thống Hàn Quốc… mang lại cho du khách những trải nghiệm về nét văn hóa đặc trưng của đất nước Hàn Quốc xinh đẹp.

 
 Các đại biểu thắp đèn lồng tại Lễ khai mạc.Ảnh: TTXVN

Điểm nhấn của hoạt động lần này là chương trình nghệ thuật vào hai buổi chiều và đêm 11 và 12-3 với các tiết mục là các màn trình diễn thời trang Hanbok bằng giấy, nghệ thuật biểu diễn đương đại nổi tiếng của xứ sở kim chi là Sachoom và Bibap cùng các phần trình diễn nghệ thuật truyền thống của Hàn Quốc. Sachoom là tên nhóm nhạc, đồng thời là tên loại hình biểu diễn sử dụng vũ đạo để truyền tải thông điệp, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa các vũ công, kết hợp với âm nhạc hiện đại và pha trộn chút hài hước. Bibap là loại hình nghệ thuật độc đáo với sân khấu được bố trí như một nhà bếp thu nhỏ; trong đó, các vật dụng làm bếp được sử dụng để thay thế cho các nhạc cụ trong những màn biểu diễn. Hai loại hình nghệ thuật được trình diễn bởi hai nhóm nghệ sỹ đương đại nổi tiếng của Hàn Quốc, mang đến những món ăn tinh thần mới lạ cho khán giả trong sự kiện lần này. Xen kẽ với những phần trình diễn đương đại ấn tượng này, những tiết mục biểu diễn đậm nét văn hóa truyền thống của Hàn Quốc cũng sẽ được giới thiệu trong chương trình lần này. Bên cạnh đó, còn có sự tham gia giao lưu văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực của Quảng Nam và Hội An.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Đại Hàn Dân quốc tại Việt Nam Lee Hyuk cho biết: Hàn Quốc và Việt Nam đã có mối quan hệ từ rất lâu. Mối quan hệ đó ngày càng được tăng cường hơn nữa. Cùng với sự hợp tác phát triển kinh tế, việc hợp tác về văn hoá giữa hai nước ngày càng được gia tăng. Đ ất nước và con người Việt Nam thật gần gũi, thân thiện. Hội An có nghĩa là nơi gặp gỡ thân thiện, an lành. Chính vì vậy, “Những ngày Văn hóa Hàn Quốc tại Hội An, Quảng Nam 2017” sẽ là nơi giao lưu, gặp gỡ, hội ngộ đầy tốt lành. Cũng trong đêm khai mạc, các nghệ sỹ Hàn Quốc và Việt Nam đã đưa đến cho khán giả nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc như: hoà tấu đàn dương cầm, đàn Geomungo, đàn bầu Việt Nam; nhạc kịch theo hình thức non-verbal (giao tiếp phi ngôn ngữ)...

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Lê Văn Thanh cho biết: “Những ngày Văn hóa Hàn Quốc tại Hội An, Quảng Nam 2017” là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong mối quan hệ hợp tác, ngoại giao giữa Việt Nam - Hàn Quốc nói chung và đối với thành phố Hội An nói riêng. Hội An là một điểm đến đang nhận được sự quan tâm và yêu thích của du khách, đặc biệt là khách Hàn Quốc. Hoạt động này sẽ góp phần thu hút ngày càng đông hơn lượng du khách đến với thành phố bên bờ sông Hoài. Quan trọng hơn, Hội An sẽ càng khẳng định được vị thế là một thành phố lễ hội, thành phố giao lưu quốc tế sâu rộng; là nơi kết nối các nền văn hóa trên tinh thần hữu nghị, nhân văn, bác ái; từ đó đóng góp cho nền hòa bình chung của nhân loại.

Trong thời gian diễn ra “Những ngày Văn hóa Hàn Quốc tại Hội An, Quảng Nam 2017”, tại các địa điểm trên thành phố Hội An còn diễn ra các hoạt động thường xuyên như: Nghệ thuật sắp đặt đèn lồng Hàn Quốc và Hội An; trưng bày, giới thiệu văn hóa, ẩm thực Hàn Quốc và Việt Nam; biểu diễn nghệ thuật truyền thống Hàn Quốc; biểu diễn nghệ thuật đương đại... “Những ngày Văn hóa Hàn Quốc tại Hội An, Quảng Nam 2017” diễn ra đến hết ngày 12-3-2017.

Liên hoan âm nhạc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Từ ngày 9 đến ngày 12-3-2017, tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, đã diễn ra Liên hoan âm nhạc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tham dự Liên hoan có 150 nhạc sĩ, nghệ sĩ từ các Chi hội nhạc sĩ Việt Nam của 13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cùng 37 tác phẩm với các chương trình biểu diễn, giới thiệu tác giả, tác phẩm mới của các đơn vị tham gia và Hội thảo "Từ dân ca, dân nhạc đến sáng tác mới trong đời sống âm nhạc Đồng bằng sông Cửu Long". Đây là dịp để các nhạc sĩ, nghệ sĩ gặp gỡ, trao đổi, giới thiệu những tác phẩm, công trình mới sáng tác trong thời gian gần đây và là dịp để giới lý luận âm nhạc một lần nữa chiêm nghiệm những giá trị âm nhạc truyền thống của các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó hướng tới sự phát triển âm nhạc mới theo hướng từ dân tộc truyền thống đi lên hiện đại.

 
Các tác giả nhận giải B tại liên hoan. Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại Lễ bế mạc, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cho rằng, các tác phẩm mới đã thể hiện rõ tài năng và sự sáng tạo của các tác giả, ca sĩ, mang đến cho công chúng nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao và mang hơi thở mới của thời đại. Nhạc sĩ Đức Trịnh, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Liên hoan âm nhạc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tại thành phố Vị Thanh, đánh giá: Tác phẩm của các nhạc sĩ cùng với phần dàn dựng, trình diễn đã tạo nên một bữa tiệc âm nhạc mang đậm đà chất liệu của miền sông nước Cửu Long, để lại cho công chúng yêu nhạc nhiều điều thú vị. Các đoàn tham dự đã mang đến Liên hoan những tác phẩm âm nhạc phong phú, đa dạng cùng sự tìm tòi lý thú của các tác giả đã góp phần tạo nên sự thành công của Liên hoan. Điển hình là các tác giả Trần Hồng Sơn, Vĩnh Tuyên, Sơn Hà, Dương Năm, Thế Long...

Phục dựng nghi lễ của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên gắn với diễn tấu cồng chiêng

Nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, trong hai ngày 11 và 12-3-2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Sở Văn hóa thể thao và Du lịch các tỉnh Tây Nguyên tổ chức phục dựng các nghi lễ truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với diễn tấu cồng chiêng. Các nghi lễ được phục dựng gồm: Lễ cầu mưa và Lễ kết nghĩa anh em của dân tộc Êđê, Lễ bắt máng nước của dân tộc Sê Đăng, Lễ mừng lúa mới của dân tộc K’ho, Lễ cưới xin của dân tộc M’Nông và Lễ cúng nhà rông mới của người Ba Na.

Tham gia phục dựng các nghi lễ có 200 nghệ nhân người đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Các nghi lễ được thực hiện tại buôn Ako Dhong, buôn KoTam, thành phố Buôn Ma Thuột và xã KrôngNa, huyện Buôn Đôn, kết hợp với diễn tấu cồng chiêng và múa dân gian.

Nghi lễ là một nét đẹp văn hóa "tâm linh" của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Việc phục dựng các nghi lễ của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với diễn tấu cồng chiêng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc; lưu giữ thắt chặt tình đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc, mối quan hệ gắn bó mật thiết giữ con người với thiên nhiên. Đồng thời, góp phần tuyên truyền quảng bá, bảo tồn Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là phi vật thể của nhân loại.

 
 Tiếng cồng, chiêng rền vang trong các nghi lễ của đồng bào Ê Đê. Ảnh: TTXVN

Việc phục dựng nghi lễ truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên nằm trong chuỗi các hoạt động Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ VI và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng năm 2017.

Đặc sắc Đêm hội diễn tấu Cồng chiêng Tây Nguyên

Trước đó, tối 11-3, tại Quảng trường 10-3, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã diễn ra Đêm hội diễn tấu Cồng chiêng Tây Nguyên với chủ đề “Bản sắc trong thế giới hội nhập”. Đây là hoạt động đặc sắc trong chuỗi sự kiện Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ VI và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017. Đêm hội quy tụ hơn 300 nghệ nhân đến từ 5 tỉnh Tây Nguyên, tỉnh Quảng Nam và 4 đoàn nghệ thuật dân gian của các nước Lào, Campuchia, Rumani và Hàn Quốc cùng nhiều nghệ sỹ, diễn viên.

Tại Đêm hội, nghệ nhân các dân tộc của 5 tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Quảng Nam trình diễn các bài chiêng đặc sắc nhất của dân tộc mình. Đội chiêng tỉnh Kom Tum tham gia Đêm hội với đội cồng chiêng Xê đăng; tỉnh Gia Lai với 2 đội cồng chiêng Jarai, Bahnar; tỉnh Lâm Đồng với 2 đội chiêng K’ho và Chu Ru; tỉnh Đắk Nông có đội chiêng M’nông. Riêng chủ nhà Đắk Lắk tham gia Đêm hội với 3 đội chiêng đặc sắc Êđe Adham, chiêng nữ Êđê Bil và đội chiêng dân tộc Mường. Dịp này, khán giả còn được thưởng thức chiêng của người Cơ Tu (Quảng Nam) và các tiết mục nghệ thuật của đoàn nghệ thuật các nước Lào, Campuchia, Rumani, Hàn Quốc.

Đêm hội diễn tấu Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 nhằm quảng bá, giới thiệu bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng với bạn bè trong nước và quốc tế; khẳng định giá trị, sức sáng tạo không ngừng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Đêm hội còn là dịp để các nghệ nhân giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm; đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại./.