TCCS ĐT - Chiều ngày 31-3, tại cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thông báo những nội dung chính trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2009, và, cùng với Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và thứ trưởng các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài chính, Xây dựng; Thông tin truyền thông trả lời các câu hỏi của báo chí.

Bước vào năm 2009, nền kinh tế thế giới tiếp tục lún sâu vào suy thoái và có những diễn biến xấu, đã tác động trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta.

Trong quý 1/2009, tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 3,1% - mức tăng thấp nhất theo quý, kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế lan rộng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế cho rằng, tốc độ tăng đó cũng đáng khích lệ, bởi theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) tại hơn 170 quốc gia, chỉ có 12 nước tăng trưởng dương, và, mức tăng 3,1% của Việt Nam là mức tăng cao. Điều đó cho thấy, các biện pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội được các bộ, ngành và các địa phương triển khai bắt đầu phát huy tác dụng.

Nền kinh tế có một số dấu hiệu tích cực như: cán cân thanh toán cân đối; hệ thống ngân hàng được giữ vững, an toàn; lạm phát tiếp tục được kiềm chế, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 giảm (0,17%) so với tháng 2, tính chung 3 tháng đầu năm 2009 chỉ tăng 1,32% so với tháng 12-2008; sản xuất lương thực được mùa và được giá, chăn nuôi tăng trưởng mạnh; giá trị sản xuất công nghiệp của một số ngành chủ yếu tăng; vốn đầu tư thực hiện quí 1/2009 theo giá thực tế tăng 9% so với cùng kỳ năm trước có tác động tích cực đối với tăng trưởng, hầu hết các địa phương giải ngân vốn đầu tư tăng 15-20% so với cùng kỳ năm trước, riêng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tăng gần 80%...; thị trường bất động sản có dấu hiệu ấm lên; thị trường chứng khoán có xu hướng đi lên trong tháng 3-2009; khu vực dịch vụ đạt mức tăng trưởng cao nhất với tốc độ gia tăng 5,4% trong quý 1; chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững tại 61 huyện nghèo đang được triển khai tích cực.

Tuy nhiên, do nền kinh tế của nước ta có độ mở lớn, nên sự suy giảm kinh tế thế giới sẽ tác động không nhỏ tới tốc độ tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững. Cụ thể là, nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn đặt hàng, hoặc nếu có đơn đặt hàng thì giá trị thấp, ngắn hạn. Các doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 40% giá trị toàn ngành bị khó khăn bởi tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới.

Thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, giá nhiều mặt hàng xuất khẩu giảm: trong quý 1, xuất khẩu đạt 4,7 tỉ USD, giảm 15%; nhập khẩu đạt 4,3 tỉ USD, giảm 45% so với cùng kỳ. Du lịch giảm 16,1%...

Trong bối cảnh như vậy, các thành viên Chính phủ nhất trí kiến nghị Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2009 xuống khoảng 5%; điều chỉnh thu và mức bội chi ngân sách nhà nước năm nay không quá 8%; cho phép Chính phủ được chủ động điều chỉnh các chỉ tiêu liên quan khác.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, đồng thời các giải pháp mà Chính phủ đã đề ra, trong đó, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu là nhóm giải pháp gốc, nhằm mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì, phấn đấu để khôi phục đà tăng trưởng bền vững, giữ ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn, đảm bảo an sinh xã hội.
 
Sản xuất nông nghiệp là yếu tố tạo nền tảng cho sự ổn định, kích cầu tiêu dùng, vì thế cần ngăn chặn, dập tắt dịch bệnh ở vật nuôi, cây trồng; không để tái diễn tình trạng “trúng mùa rớt giá”, đảm bảo người nông dân trồng lúa có lãi trung bình khoảng 30%.

Đối với sản xuất công nghiệp, xây dựng, giao thông, cần tập trung tháo gỡ ngay những thủ tục hành chính rườm rà, đẩy nhanh tốc độ giải ngân và thu hút vốn đầu tư trực tiếp (FDI), cũng như vốn ODA; soát xét lại cách tính giá điện vào giờ cao điểm...

Để bảo vệ sản xuất trong nước, Thủ tướng giao Bộ Công Thương tăng cường chống buôn lậu; trên tinh thần không vi phạm cam kết WTO, thúc đẩy mạnh mẽ xúc tiến thương mại, quan tâm đến thị trường nông thôn, nông dân.

Trong điều hành chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cần cân nhắc lại lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn; tái chiết khấu cho phù hợp; bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; mở rộng đối tượng được hỗ trợ lãi suất 4% các dự án đầu tư mới với thời hạn 2 năm, đồng thời, tiến hành kiểm tra, phát hiện các doanh nghiệp sử dụng vốn vay không đúng mục đích để thu hồi phần lãi suất hỗ trợ. Nguồn vốn bổ sung từ trái phiếu Chính phủ và tạm ứng từ ngân hàng cần được tập trung đầu tư cho các công trình giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, làm nhà công vụ cho giáo viên, ký túc xá cho sinh viên; tiếp tục đẩy mạnh việc cho sinh viên nghèo vay học nghề, đồng thời chuẩn bị nguồn để tăng lương cơ bản vào tháng 5 tới.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Khoa học xã hội Việt Nam cần có các nghiên cứu chiến lược về sự biến động của nền kinh tế thế giới sau khủng hoảng và những tác động đối với Việt Nam. Các thành viên Chính phủ kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện các nhóm giải pháp Chính phủ đã đề ra.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến vai trò của công tác thông tin tuyên truyền và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho các cơ quan thông tin đại chúng, đẩy mạnh tuyên truyền để có sự chia sẻ, đồng thuận trong xã hội, chung sức, đồng lòng cùng với Chính phủ vượt qua khó khăn thách thức trước mắt, thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra./.