Yên Sơn vững bước trong phát triển kinh tế - xã hội
TCCSĐT - Những năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Yên Sơn từng bước vượt qua khó khăn, đạt được nhiều thành tựu trong mọi lĩnh vực, nhất là trong phát triển kinh tế - xã hội.
Huyện Yên Sơn nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam của tỉnh Tuyên Quang, là huyện có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống, có truyền thống đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động, dũng cảm, kiên cường chống giặc ngoại xâm. Với diện tích đất tự nhiên là 113.242,26 ha, trong đó diện tích đất nông, lâm nghiệp chiếm trên 90%, người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi và khai thác lâm sản.
Trong thời gian qua, tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, diễn biến thời tiết, dịch bệnh phức tạp cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân nơi đây. Tuy nhiên, Đảng bộ và nhân dân huyện Yên Sơn đã đoàn kết một lòng, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, cụ thể là:
Kinh tế từng bước tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý
Nhiều năm qua, tăng trưởng kinh tế của huyện luôn đạt mức khá, riêng giai đoạn 2010 - 2015 là 8%/năm. Cơ cấu kinh tế dần chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp. Trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, huyện chú trọng xây dựng và triển khai các kế hoạch theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với thị trường tiêu thụ. Các vùng sản xuất chuyên canh đem lại hiệu quả kinh tế cao được hình thành cùng với nhiều nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa gắn với lợi thế của địa phương. Đến nay, toàn huyện có trên 1.000 ha lúa chất lượng cao, 1.991 ha cây ăn quả tập trung; 6 nhãn hiệu hàng hóa là Miến dong Hợp Thành (xã Lực Hành), Miến dong Hảo Hán (xã Nhữ Hán), Chè Bát Tiên (xã Mỹ bằng), Bưởi Soi Hà (xã Xuân Vân), Gạo chất lượng cao (xã Kim Phú), Rượu men lá Tiến Huy (xã Hùng Lợi).
Huyện chủ động ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và cơ giới hóa trong sản xuất, gắn với quy hoạch trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, nâng cao hệ số sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn, góp phần thiết thực bảo đảm an ninh lương thực. Các công trình thủy lợi đầu mối được đầu tư sửa chữa, nâng cấp; việc kiên cố hóa kênh mương được thực hiện gắn với quy hoạch đồng ruộng và đường giao thông nội đồng. Công tác quản lý, bảo vệ và trồng rừng được quan tâm, chú trọng; duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 61%.
Các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, du lịch có bước tăng trưởng khá, tăng dần tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế. Hiện nay, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 37,6%, ngành công nghiệp - xây dựng là 35,5%, ngành dịch vụ là 26,9%. Việc thực hiện tốt các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư của Trung ương, của tỉnh cùng với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đã tạo cơ chế thông thoáng, là điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện nâng cao hiệu quả hoạt động.
Du lịch là lĩnh vực được huyện ưu tiên phát triển hàng đầu những năm qua cũng đạt được nhiều thành quả. Với nhiều địa điểm tham quan và lễ hội nổi tiếng như Đình Minh Cầm (xã Đội Bình), Đình Giếng Tanh (xã Kim Phú), Đền Làng Là (xã Chân Sơn), Hội xuân chùa Phật Lâm (xã Nhữ Hán),... hằng năm, Yên Sơn đón trên 190 nghìn lượt khách đến tham quan, du lịch, góp phần nâng doanh thu từ các loại hình dịch vụ lên 4,3 tỷ đồng/năm.
Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới
Nhờ huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng, từ năm 2011 đến nay, huyện đã đầu tư trên 1.000 tỷ đồng vào xây dựng các công trình như trụ sở làm việc, nhà văn hóa, hệ thống điện, đường, trường, trạm,... trên địa bàn. Khu trung tâm huyện lỵ mới và trụ sở làm việc của đảng bộ, chính quyền và các cơ quan, đơn vị thuộc huyện được xây dựng và di chuyển bảo đảm đúng kế hoạch. Trường học, lớp học từng bước được đầu tư kiên cố hóa, đáp ứng yêu cầu dạy và học.
Hệ thống giao thông được đẩy mạnh phát triển thông qua việc thực hiện đồng bộ các giải pháp thiết thực, cụ thể, trong đó tập trung cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông trên địa bàn, đặc biệt là bê-tông hóa đường giao thông nông thôn. Giai đoạn 2010 - 2015, huyện cải tạo, nâng cấp được 115,6km đường quốc lộ, 13,5km đường tỉnh lộ; xây dựng, nâng cấp trên 82km đường huyện; duy tu, bảo dưỡng thường xuyên 230,6km đường huyện và 79km đường xã. Đến nay, 100% số xã và 99,4% số thôn, bản có đường ô-tô đến trung tâm thuận lợi và thông suốt.
Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia trên địa bàn huyện không ngừng được nâng lên, hiện đạt 98%. Toàn bộ các xã, thị trấn trên địa bàn đều có trạm thu, phát sóng điện thoại và có mạng in-tơ-nét, đáp ứng được nhu cầu thông tin liên lạc và khai thác, sử dụng công nghệ thông tin của nhân dân.
Cùng với đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, việc triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Yên Sơn cũng góp phần làm cho diện mạo nông thôn nơi đây ngày càng thay đổi theo hướng tích cực. Đến nay, huyện có 1 xã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (xã Mỹ Bằng), 3 xã đạt từ 12 - 17 tiêu chí (xã Hoàng Khai đạt 17 tiêu chí, xã Nhữ Hán đạt 15 tiêu chí, xã Trung Môn đạt 12 tiêu chí), 26 xã đạt từ 6 đến 11 tiêu chí.
Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân
Cùng với những thành tựu đạt được trong lĩnh vực kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng được chú trọng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.
Việc nhân rộng các mô hình chăn nuôi quy mô tập trung, phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả (huyện hiện có 20 cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng và khai thác đá, cát, sỏi; 3.726 hộ kinh doanh cá thể, công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã) đã góp phần giải quyết việc làm cho người dân, đồng thời, nâng cao thu nhập cho người dân lên mức bình quân 18,2 triệu đồng/người/năm. Các giải pháp giảm nghèo, trọng tâm là chính sách về nhà ở, đất sản xuất, tín dụng,..., cùng với việc huy động nhiều nguồn lực trong tạo công ăn việc làm, hỗ trợ đời sống và sản xuất cho các hộ, đã từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 33,5% (năm 2011) xuống còn 4,07%.
Chất lượng giáo dục và đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở được giữ vững. Từ năm 2013, huyện hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Công tác xã hội hóa giáo dục ngày càng được tăng cường. Đến nay, 100% số xã, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng, hội khuyến học, hội cựu giáo chức hoạt động hiệu quả. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ngày càng được chuẩn hóa về trình độ chuyên môn và đáp ứng được yêu cầu công việc. Chất lượng dạy và học trong các nhà trường, cơ sở đào tạo được nâng lên.
Công tác y tế, dân số và chăm sóc trẻ em đạt được những kết quả quan trọng. Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế được triển khai đồng bộ; công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm, y tế trường học, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, người khuyết tật, bảo vệ và chăm sóc trẻ em được chú trọng. Chính sách y tế đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi và đối tượng chính sách được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Đến nay, trên 98% số trẻ em dưới 1 tuổi trên địa bàn huyện được tiêm đủ các loại vắc-xin phòng bệnh, giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng xuống thấp hơn 15%. Mạng lưới y tế được củng cố và phát triển, cán bộ y tế từ huyện đến cơ sở căn bản đáp ứng được yêu cầu về khám, chữa bệnh của nhân dân.
Các hoạt động văn hóa, thể thao phát triển đa dạng và ngày càng hiệu quả. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được thực hiện tốt, gắn với các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, nâng cao tỷ lệ hộ gia đình và thôn, tổ nhân dân đạt chuẩn văn hóa. Đồng thời, làm tốt công tác gia đình, vì mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
*
* *
Có thể nói, đạt được những thành tựu như đã nêu trên là nhờ có sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Yên Sơn. Tuy nhiên, trong sự phát triển chung, ở một số lĩnh vực vẫn còn tồn tại những hạn chế. Với phương châm “Đoàn kết thống nhất, phát huy trí tuệ, khai thác tiềm năng, phát triển toàn diện”, hướng tới mục tiêu xây dựng Yên Sơn trở thành một huyện phát triển khá của tỉnh, một số giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới là:
Thứ nhất, tập trung thực hiện hai nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực kinh tế là phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung và khai thác mọi tiềm năng để phát triển du lịch
Tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa, chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp với quy mô trang trại, gia trại phù hợp tại 23 xã trên địa bàn. Khai thác tiềm năng, lợi thế, sử dụng có hiệu quả diện tích ao, hồ, mặt nước công trình thủy điện, thủy lợi để phát triển chăn nuôi thủy sản. Phát triển mạnh các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung, như lúa chất lượng cao, chè, mía, cây ăn quả, gỗ nguyên liệu. Thực hiện sản xuất theo quy trình, bảo quản sau thu hoạch, bảo đảm tiêu chuẩn sản phẩm sạch, an toàn, gắn với chế biến, xây dựng thương hiệu và thị trường tiêu thụ.
Thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vốn vào trồng rừng, gắn với chế biến sâu các sản phẩm từ lâm nghiệp. Thực hiện tốt việc phát triển kinh tế rừng, kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.
Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư trên địa bàn, nâng cao kỹ năng sản xuất cho người dân, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, chế biến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Chú trọng việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm bằng nhiều hình thức đa dạng, hấp dẫn.
Tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân đầu tư vào lĩnh vực du lịch trên địa bàn. Tăng cường hợp tác, liên kết đầu tư trong phát triển du lịch. Đẩy mạnh hoạt động thông tin, quảng bá, xúc tiến du lịch dưới nhiều hình thức, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử, giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển du lịch.
Thứ hai, chăm lo xây dựng và phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững
Đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao, huy động mọi nguồn vốn xây dựng các thiết chế văn hóa. Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; tích cực đấu tranh chống các văn hóa phẩm độc hại.
Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số; bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa; quản lý tốt các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống của các dân tộc trên địa bàn để giáo dục truyền thống cách mạng, đạo đức, lối sống cho nhân dân, gắn với phát triển du lịch. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và trong mỗi gia đình.
Tập trung nâng cao chất lượng dạy và học, củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục các bậc học. Đa dạng hóa nguồn lực để xây dựng, nâng cấp hệ thống trường, lớp học. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Nâng cao chất lượng hoạt động của trung tâm dạy nghề theo hướng liên kết đào tạo, đa dạng, đa ngành nghề. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất để phát triển và nâng cao chất lượng các trung tâm học tập cộng đồng ở các xã, thị trấn, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của nhân dân trên địa bàn.
Thứ ba, thực hiện có hiệu quả chính sách lao động, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, tích cực đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội
Tập trung giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn. Phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp để đào tạo ngành, nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động, tạo việc làm sau đào tạo cho người học.
Đa dạng hóa các nguồn lực và phương thức giảm nghèo, gắn giảm nghèo với phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người dân. Đẩy mạnh các phong trào đền ơn, đáp nghĩa, nhân đạo, từ thiện; quan tâm chăm sóc các đối tượng bảo trợ xã hội để họ có cuộc sống ổn định, hòa nhập tốt hơn vào cộng đồng. Thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo, các chương trình, dự án đầu tư cho miền núi, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.
Huy động cộng đồng tham gia phòng ngừa, đấu tranh với các tệ nạn xã hội. Thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động phòng, chống ma túy, công tác cai nghiện, dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy để họ sớm hòa nhập với cộng đồng./.
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 18 đến 24-4-2016)  (26/04/2016)
Quyền và nghĩa vụ công dân tham gia vào bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp  (26/04/2016)
Quyền và nghĩa vụ công dân tham gia vào bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp  (26/04/2016)
Chủ tịch Volachith thăm nơi đào tạo vốn quý nhân lực cho nước Lào  (26/04/2016)
Tuyên bố chung nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào  (26/04/2016)
Khai mạc triển lãm về Chủ tịch Hồ Chí Minh với các kỳ bầu cử  (26/04/2016)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay