Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 08-02 đến ngày 14-02-2016)

Hà Bùi (tổng hợp từ TTXVN, vtv.vn)
21:18, ngày 15-02-2016
TCCSĐT - Sau khi Triều Tiên tuyên bố đã phóng tên lửa tầm xa từ bãi phóng Dongchang-ri ngày 07-02-2016, các nước và tổ chức quốc tế đã có những phản ứng.

Nguy cơ bùng phát dịch Zika tại châu Á

 

 Đến nay, đã có 31 quốc gia ở Mỹ Latinh, châu Âu và châu Á ghi nhận các trường hợp nhiễm virus Zika. Ảnh: Reuters

Tân Hoa xã dẫn thông báo của Ủy ban quốc gia về chăm sóc sức khỏe và kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc (NHFPC) cho biết, bệnh nhân nhiễm virus Zika đầu tiên tại Trung Quốc là nam giới 34 tuổi, đến từ tỉnh Giang Tây. Bệnh nhân từng tới Venezuela và có các biểu hiện cúm, đau đầu và chóng mặt từ ngày 28-01, trước khi qua Đặc khu hành chính Hong Kong và Thâm Quyến trên đường trở về nhà. Hiện sức khỏe bệnh nhân đã tạm ổn định, với thân nhiệt bình thường, các nốt xuất huyết cũng đang mờ dần. NHFPC cũng cho biết, theo đánh giá của giới chuyên gia y tế, nguy cơ virus Zika lan rộng tại Trung Quốc hiện nay là rất thấp do hiện nền nhiệt độ ở mức thấp. Đến nay, đã có 31 quốc gia ở Mỹ Latinh, châu Âu và châu Á ghi nhận các trường hợp nhiễm virus Zika. Tại châu Á, Thái Lan và Indonesia đã ghi nhận các ca nhiễm đầu tiên.

Trước nguy cơ bùng phát dịch do virus Zika, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 08-02 thông báo thành lập một nhóm chuyên gia nhằm tăng cường việc triển khai công tác điều trị và phòng ngừa. Nhóm chuyên gia này có vai trò khuyến khích nghiên cứu thuốc chống virus Zika, tư vấn về những vấn đề khoa học và quy định. EMA sẽ liên hệ với những công ty đã bắt đầu triển khai công tác nghiên cứu vaccine và điều trị những người nhiễm virus, đồng thời rà soát tất cả các dữ liệu mới về virus cho phép phản ứng nhanh với cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng này. Hiện chưa có vaccine phòng ngừa hay phương pháp điều trị bệnh do virus Zika gây ra được WHO chấp nhận hoặc được thử nghiệm lâm sàng.

Liên hợp quốc: Để chống IS, cần tập trung giáo dục cho thanh niên

 

Thanh niên là những đối tượng dễ bị xúi giục có những hành vi bạo lực cực đoan. Ảnh: dw.com

Trong báo cáo trước Hội đồng Bảo an, Phó Tổng Thư ký phụ trách các vấn đề chính trị Jeffrey Feltman đã nêu bật một số phát hiện quan trọng về hoạt động của lực lượng khủng bố IS. Trước hết, các cuộc xung đột và tình trạng bất ổn kéo dài tại Iraq và Syria cũng như việc các nhà nước này không thể kiểm soát được các vùng lãnh thổ và biên giới quốc gia đã tạo “cơ hội” để IS trỗi dậy mạnh mẽ. Thứ hai, nhờ có nguồn tài chính ổn định và mối quan hệ với các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, IS đang mở rộng hoạt động sang các khu vực khác. Thứ ba, IS đang theo đuổi chiến lược bành trướng sang toàn cầu, các hoạt động của chúng trải rộng khắp Tây và Bắc Phi, Trung Đông, Nam và Nam Á đang thu hút được lượng đáng kể các tay súng khủng bố trên toàn thế giới tham gia. Hiện có khoảng 30.000 chiến binh nước ngoài cộng tác tích cực với IS. Thứ tư, IS tiếp tục đàn áp người dân đang chịu sự kiểm soát của chúng bằng các hình thức man rợ như hành quyết hàng loạt, tra tấn, bạo lực tình dục, biến trẻ em thành nô lệ. Thứ năm, các nguồn tài chính chủ chốt của IS gồm khai thác dầu và một số tài nguyên thiên nhiên khác, “thu thuế”, tịch thu và cướp bóc các di tích khảo cổ, cũng như sử dụng Internet và các trang mạng xã hội để gây quỹ.

Báo cáo nhấn mạnh rằng đối phó với mối đe dọa IS thuộc về trách nhiệm của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác. Do đó các quốc gia thành viên Liên hợp quốc cần phải kịp thời trao đổi thông tin tình báo, thực thi các nghị quyết có liên quan của Hội đồng Bảo an và củng cố việc phối hợp với lĩnh vực tư nhân để đối phó với mối đe dọa IS. Để ngăn chặn, hoạt động tuyển mộ chiến binh của IS, báo cáo kiến nghị cần phải có những biện pháp phòng ngừa, tập trung vào việc giáo dục cho thanh niên - những đối tượng dễ bị xúi giục có những hành vi bạo lực cực đoan.

Hội nghị An ninh Munich lần thứ 52 tại Đức

 

Thủ tướng nước chủ nhà Angela Merkel phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich. Ảnh: Reuters

Từ ngày12-02 đến ngày 14-02-2016, Hội nghị An ninh Munich (MSC) lần thứ 52 diễn ra tại Khách sạn Bayerischer Hof thuộc bang Bayern của Đức. Khoảng 30 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các nước cũng như các nhà chính trị hàng đầu thế giới, trong đó có Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg, tham dự Hội nghị.

Phát biểu tại lễ bế mạc, Chủ tịch Hội nghị Wolfgang Ischinger cho rằng thời gian qua, cộng đồng quốc tế đã gặp nhiều thất bại trong nỗ lực ngăn ngừa và giải quyết các cuộc xung đột trên thế giới và trong tương lai thế giới còn tiếp tục phải đối mặt với những bất ổn khó lường cũng như số người tị nạn kỷ lục đổ vào châu Âu. Cũng theo ông W. Ischinger, tại hội nghị lần này, các bên không đạt được sự nhất trí trong nhiều vấn đề do sự nghi kị lẫn nhau. Các nhà quan sát cũng cho rằng Hội nghị Munich năm nay đã gửi đến cộng đồng quốc tế một thông điệp, cần nỗ lực hơn nữa để giải quyết các cuộc xung đột dai dẳng như tại Syria, kêu gọi các bên củng cố và xây dựng niềm tin, thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình. Cuộc khủng hoảng tại Syria là một trong những nội dung chính được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị. Tại Hội nghị lần này, Nhóm hỗ trợ quốc tế Syria đã đạt được nhất trí về một lệnh ngừng bắn tạm thời cũng như cung cấp viện trợ cho Syria. Tuy nhiên, cả Nga và Mỹ đều nghi ngại về khả năng thực thi ngay lập tức của lệnh ngừng bắn này.

Các nước tăng cường trừng phạt Triều Tiên sau vụ phóng tên lửa tầm xa

 

Tên lửa mang theo vệ tinh Kwangmyongsong-4 rời bệ phóng. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Sau khi Triều Tiên tuyên bố đã phóng tên lửa tầm xa từ bãi phóng Dongchang-ri ngày 07-02-2016, các nước và tổ chức quốc tế đã có những phản ứng.

Ngày 12-02, với tỷ lệ phiếu 408-2, Hạ viện Mỹ nhất trí thông qua dự luật mở rộng lệnh trừng phạt nhằm ngăn chặn khả năng chính quyền Bình Nhưỡng tiếp cận các nguồn tài chính cần thiết cho việc phát triển đầu đạn hạt nhân thu nhỏ và công nghệ tên lửa tầm xa. Cùng ngày, Ngoại trưởng Canada Stephane Dion và Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nhất trí cho rằng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cần nhanh chóng thông qua nghị quyết trừng phạt Triều Tiên. Trước đó, ngày 10-02, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định kiểm soát chặt chẽ việc đi lại giữa hai nước, cấm hoàn toàn các tàu của Triều Tiên vào các cảng của Nhật Bản đồng thời siết chặt quy định về việc chuyển tiền vào Triều Tiên. Trong khi đó, ngày 10-02, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua nghị quyết hối thúc Bình Nhưỡng từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa cũng như chấm dứt các hành động khiêu khích, qua đó trở lại là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Hàn Quốc tuyên bố ngừng hoàn toàn hoạt động tại khu công nghiệp Kaeseong, vốn được coi là biểu tượng cuối cùng của quá trình hòa giải liên Triều. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã kêu gọi Triều Tiên tuân thủ tất cả các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đồng thời sớm nối lại các vòng đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, vốn bị ngừng trệ từ cuối năm 2008.

Phản ứng trước tuyên bố ngừng hoàn toàn hoạt động tại khu công nghiệp Kaeseong của Hàn Quốc, Triều Tiên ngày 11-02 đã yêu cầu toàn bộ công dân Hàn Quốc rời khỏi khu công nghiệp này và niêm phong toàn bộ các tài sản và thiết bị của phía Hàn Quốc tại đây, đồng thời chuyển đổi khu vực này thành khu quân sự. Phía Triều Tiên cũng tuyên bố sẽ cắt đứt mọi liên lạc quân sự với Hàn Quốc, bao gồm cả kênh liên lạc chính giữa hai miền tại làng đình chiến Panmunjom./.