Việt Nam có nhiều cơ hội trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững
Ngày 02-02, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc, cho biết việc triển khai những chương trình, những kế hoạch hành động do Liên hợp quốc đề ra vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với Việt Nam.
Việc thực hiện những chương trình là cơ hội lớn vì tầm nhìn và mục tiêu của các chương trình này hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển của đất nước là xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.
Đại sứ nêu rõ các mục tiêu này đã được phản ánh trong các chủ trương chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước, nổi bật là tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, từ y tế, giáo dục, môi trường, đến bình đẳng giới, chăm sóc tốt hơn các đối tượng bị thiệt thòi, nhất là người nghèo, đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa…, thu hẹp cách biệt giàu nghèo. Mặt khác, thông qua việc triển khai đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, trong những năm qua Việt Nam đã thiết lập được quan hệ mật thiết và tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong hợp tác phát triển với nhiều đối tác, nhất là các tổ chức Liên hợp quốc.
Theo Đại sứ, Việt Nam cũng có kinh nghiệm trong việc thực hiện tốt các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ, được các đối tác tin cậy. Các chương trình này cũng dành quan tâm đặc biệt cho các nước đang phát triển, các nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy hợp tác với các nước như Việt Nam.
Tuy nhiên, Đại sứ Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh Việt Nam sẽ phải vượt qua những thách thức không nhỏ trong quá trình thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững, bởi lẽ đây là những chương trình đầy tham vọng, thời gian chỉ có 15 năm, trong khi nguồn lực của Việt Nam còn nhiều hạn chế, cả về nhân lực, vật lực, cũng như thể chế, chính sách để thực hiện các mục tiêu này.
Theo bà, cách tiếp cận vấn đề là rất mới, ví dụ như trong vấn đề xóa đói nghèo. Việt Nam được xem một điển hình thành công với việc giảm tỷ lệ nghèo trên cả nước từ hơn 50% những năm 90 xuống còn 5% hiện nay.
Nhưng với các Mục tiêu Phát triển bền vững, Việt Nam cần phấn đấu giải quyết vấn đề nghèo đa diện, không chỉ nghèo về thu nhập, mà cả khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở và thông tin. Trong khi đó, việc thu hút hỗ trợ phát triển từ bên ngoài ngày càng khó hơn, nhất là khi Việt Nam đã ở vào nhóm nước có thu nhập trung bình, không những không còn là đối tượng được hưởng ưu đãi cao nhất, mà còn phải có nghĩa vụ đóng góp nhiều hơn vào những nỗ lực giải quyết các vấn đề chung của cộng đồng quốc tế. Tương tự, quan hệ đối tác sẽ chuyển từ quan hệ cho-nhận, sang quan hệ đối tác bình đẳng, đòi hỏi cần tăng cường nhận thức, phát huy vai trò và đóng góp của cộng đồng, của doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và của chính người dân.
Do đó, Đại sứ Nguyễn Phương Nga nêu bật yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với Việt Nam là phải đổi mới, chuyển biến về tư duy, nhận thức, cách tiếp cận và phương thức giải quyết các vấn đề phát triển, cụ thể hóa các Mục tiêu Phát triển bền vững vào các chương trình hành động của Việt Nam và bắt tay ngay vào việc thực hiện.
Đại sứ cũng bày tỏ tin tưởng rằng thông qua triển khai nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, thực hiện thành công ba đột phá chiến lược, Việt Nam có thể tranh thủ cơ hội, vượt qua thách thức để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững, để đất nước chúng ta không bị tụt hậu, để cuộc sống của người dân ngày một tốt đẹp hơn và không một người dân nào bị bỏ lại phía sau.
Năm 2015 đi vào lịch sử của Liên hợp quốc với những dấu mốc rất quan trọng - đó là thông qua một chương trình nghị sự phát triển bền vững tới năm 2030, kế hoạch hành động Addis Ababa để huy động nguồn lực cho phát triển, khuôn khổ Sendai để ứng phó và giảm thiểu rủi ro thiên tai và Thỏa thuận Paris ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại cuộc họp báo công bố những định hướng công việc của Liên hợp quốc trong năm 2016, Tổng Thư ký Ban Ki-moon khẳng định trong năm 2016, cộng đồng quốc tế phải gánh vác nhiều trách nhiệm hơn để những quyết định mang tính bước ngoặt về vấn đề phát triển bền vững "được thực thi một cách ráo riết".
Ông nhấn mạnh: "Nếu như năm 2015 là năm phát động chiến dịch hành động vì mục tiêu phát triển bền vững cho toàn cầu, thì năm 2016 phải là năm mà mỗi quốc gia phải nỗ lực vì những mục tiêu chung này"./.
Công tác dân vận - sợi dây đoàn kết quân dân (03/02/2016)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay