Nhân đại hội Thi đua yêu nước lần thứ IX

NĐ tổng hợp theo TTXVN
11:11, ngày 06-12-2015
TCCSĐT - Thi đua có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Nhân Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, xin giới thiệu các phong trào thi đua trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng nông thôn mới và phát triển vùng biển đảo.

Tạo động lực để doanh nghiệp phát triển bền vững

Phong trào thi đua yêu nước là động lực quan trọng thúc đẩy Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) nỗ lực hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ trong giai đoạn 2010 - 2015. Đây là chia sẻ của ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan- đơn vị điển hình dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX.

Theo Tổng giám đốc Công ty Vissan Văn Đức Mười: Giai đoạn 2010 - 2015, nền kinh tế phát triển với tốc độ tăng trưởng chậm, gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi Việt Nam phải hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải vươn tầm, tạo năng lực cạnh tranh mới, phát triển đổi mới theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, phong trào thi đua yêu nước đóng vai trò quan trọng trong việc tạo cơ sở để Đảng ủy và Ban Tổng Giám đốc Công ty Vissan đề ra các giải pháp, chương trình hành động như nâng cao nguồn nhân lực, cải thiện đổi mới quản trị, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, phát huy sáng kiến khoa học kỹ thuật để sản xuất nhiều sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu xu hướng thị trường...

Đảng ủy và Ban Tổng Giám đốc Công ty Vissan ý thức rằng, để triển khai thành công những giải pháp, chương trình hành động đã đề ra, cần sự thay đổi tư duy, nhận thức và tận dụng đúng năng lực hệ thống chính trị của đơn vị, vì không một cá nhân nào có thể tự làm được mà phải tập trung sức mạnh của cả tập thể. Trong đó, thực hiện Phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010 - 2015 và Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07-4-2014 của Bộ Chính trị về việc “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, Đảng ủy và Ban Tổng Giám đốc Công ty Vissan nhận thức sâu sắc vị trí, tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng như tổ chức phát động các phong trào sáng kiến kỹ thuật, phong trào tăng năng suất, tăng doanh số hoàn thành kế hoạch, đảm bảo chất lượng sản phẩm, đảm bảo các thông số định mức kinh tế kỹ thuật... Từ đó có sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát công tác thi đua, khen thưởng; việc thực hiện các phong trào thi đua được toàn đơn vị, từng cán bộ, công nhân viên nhận thức đầy đủ và đúng đắn.

Bên cạnh đó, Công ty tổ chức nhiều hình thức hoạt động, chương trình hành động, chú trọng vai trò đoàn thể trong hệ thống chính trị làm nòng cốt, đảm bảo công tác thi đua, khen thưởng được triển khai sâu rộng, huy động được sức mạnh của cả tập thể và mỗi cá nhân, góp phần đưa công ty phát triển bền vững.

Sau gần 5 năm phát triển và thực hiện phong trào thi đua yêu nước, Đảng ủy và Ban Tổng Giám đốc Công ty Vissan luôn có những giải pháp đột phá để vượt mọi khó khăn, tận dụng nội lực của một doanh nghiệp hàng đầu, không ngừng đầu tư để mang đến sản phẩm chất lượng tốt với giá cả cạnh tranh đến người tiêu dùng.

Tổng giám đốc Công ty Vissan Văn Đức Mười cho biết: Cuối năm 2015, công ty hoàn tất công việc cổ phần hoá, chuyển sang giai đoạn mới 2015-2020 là đa sở hữu và phát triển công ty ngang tầm với khu vực. Việc thực hiện phong trào thi đua yêu nước sẽ được công ty đổi mới hình thức thực hiện và triển khai những mô hình mới phù hợp hơn với tình hình. Đảng ủy và Ban Tổng Giám đốc Công ty Vissan nghiên cứu, sáng tạo, đề ra những giải pháp để lồng ghép phong trào thi đua yêu nước trong nhiều hoạt động của công ty, kể cả hoạt động sản xuất, kinh doanh và hoạt động đoàn thể.

Những nỗ lực của Đảng ủy và Ban Tổng Giám đốc cùng tập thể cán bộ công nhân viên Công ty Vissan đã góp phần đưa công ty đạt được nhiều thành tích nổi bật : Huân chương Lao động hạng Nhất; Huân chương Lao động hạng Ba về tham gia chương trình bình ổn thị trường từ 2006-2010; danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Đặc biệt, trong nhiều năm liền, công ty Vissan luôn đạt danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc, được tặng Cờ thi đua của Thành phố Hồ Chí Minh. Công ty còn được tặng nhiều giải thưởng khác như: Top 10 Giải thưởng Sao Vàng đất Việt, Giấy chứng nhận nằm trong bảng xếp hạng “500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2014”, Giấy chứng nhận “Thương hiệu Việt tiêu biểu năm 2014”, Top 15 "Thương hiệu mạnh Việt Nam 2014", "Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tiêu biểu năm 2015", 19 năm liền (từ 1997 đến 2015) các sản phẩm của công ty đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao...

Huyện nông thôn mới Đơn Dương - Thành công từ sự đồng thuận của dân

Chỉ trong vòng 5 năm, huyện Đơn Dương đã vươn lên trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng và cả khu vực Tây Nguyên. Thành quả ấy là công sức của các tập thể, chính quyền địa phương nhưng hơn cả là sự đồng lòng, chung tay xây dựng của nhân dân các dân tộc nơi đây.

Thời điểm 5 năm trước, Đơn Dương vẫn là huyện còn nhiều khó khăn. Đời sống nhân dân vẫn còn hạn chế, đặc biệt là trong vùng đồng bào dân tộc. Thực trạng nông thôn ở thời điểm này ở mỗi xã chỉ đạt bình quân 5 tiêu chí theo bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Đặc biệt, toàn huyện còn 3 xã và 10 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn theo chương trình 135. Tuy nhiên với cách làm hợp lý, có kế hoạch cụ thể ngay từ đầu đã giúp Đơn Dương sớm “cán đích” Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Quán triệt Nghị quyết của Đảng về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ và chính quyền, nhân dân huyện Đơn Dương xác định đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ cấp bách, chiến lược vừa trước mắt vừa lâu dài. “Để phong trào xây dựng nông thôn mới đi vào cuộc sống và đạt được kết quả, ngay từ đầu chúng tôi đã xác định cần phải gắn với phong trào thi đua yêu nước, lấy phong trào thi đua làm động lực để tạo sự đồng thuận và chung tay góp sức của nhân dân các dân tộc tại địa phương” - Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương Đinh Ngọc Hùng, chia sẻ.

Việc xây dựng đề án quy hoạch nông thôn mới được Đơn Dương hoàn thành ngay trong năm 2011. Trong đó chú trọng vào phát triển sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn nhằm đem đến cho người dân được hưởng lợi cao nhất. Chính vì thế, trong xây dựng kết cấu hạ tầng được nhân dân hưởng ứng tích cực, vào cuộc tham gia đóng góp từng mét đất, từng đồng tiền chắt chiu hay từng công lao động,... Người dân đã góp hàng chục ngàn mét vuông đất, trên 80 tỷ đồng để xây dựng trên 100km đường giao thông, 40km kênh mương, 64km đường điện, các công trình thuỷ lợi, chợ nông thôn… qua đó góp phần lần lượt hoàn thiện từng tiêu chí tại các cấp cơ sở.

Người dân ở huyện Đơn Dương đang hưởng lợi trực tiếp từ thành quả sau thời gian chung tay xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện Đơn Dương đã có 7/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn huyện chỉ còn 1,5% hộ nghèo, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng lên rõ rệt, đạt 170 triệu đồng/ha/năm trong năm 2015 (tăng 230% so với thời điểm 2010), nâng thu nhập bình quân đầu người lên 48 triệu đồng/năm.

Trong các lĩnh vực văn hoá - giáo dục, y tế, an ninh trật tự… cũng được đầu tư và có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Toàn huyện có 65% trường đạt chuẩn quốc gia, 10/10 xã, thị trấn đạt chuẩn y tế, tỷ lệ hộ gia đình, cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hoá trên 80%. Công tác xây dựng hệ thống chính trị đã thật sự phát huy hiệu quả, tỷ lệ cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh hàng năm đạt trên 70%, chính quyền, mặt trận vững mạnh trên 80% và không có đon vị yếu kém.

Bí thư Đảng ủy xã Ka Đô ông Nguyễn Khánh Chỉnh chia sẻ kinh nghiệm: “Trong quá trình triển khai, chúng tôi mời người dân góp ý vào công tác quy hoạch, xây dựng đề án hay lộ trình hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới. Tiêu chí nào người dân cần làm trước, cái nào hợp lý hay chưa phù hợp và điều chỉnh ra sao đều có sự thống nhất của chính quyền địa phương và người dân sau đó mới triển khai thực hiện”. Ông Đinh Ngọc Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương cũng nhận định: “Nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra nhưng theo tôi trước hết là bài học sâu sắc trong nâng cao nhận thức của bộ máy chính quyền và quan trọng hơn cả là của nhân dân. Từ đó lan tỏa trong nhân dân, để họ hiểu được rằng trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mình trong xây dựng nông thôn mới”.

Trong những ngày cuối năm, dư âm của niềm vui nông thôn mới vẫn còn. Phong trào thi đua, chung tay xây dựng kinh tế, xã hội của nhân dân và chính quyền huyện Đơn Dương cũng chưa dừng lại. Họ lại bắt tay vào chinh phục mục tiêu khác, biến Đơn Dương trở thành vùng phát triển mạnh về kinh tế nông nghiệp, mà cụ thể là nông nghiệp công nghệ cao theo hướng ngày càng hiện đại.

Góp sức xây dựng cuộc sống mới trên đảo Bạch Long Vỹ

Là thế hệ thanh niên xung phong đầu tiên ra đảo Bạch Long Vỹ, anh Nguyễn Văn Hậu, cán bộ Tổng đội Thanh niên xung phong Hải Phòng đã gắn kết với mảnh đất này 22 năm. Lý do ở lại nơi gian khó của anh thật đơn giản, anh muốn cùng những thanh niên xung phong khác và người dân nơi đây gây dựng những công trình, tạo dựng những thế hệ kế tiếp mang hộ khẩu và niềm tự hào về Bạch Long Vỹ.

Năm 1993, anh Hậu là một trong 60 thanh niên đầu tiên đặt chân lên đảo Bạch Long Vỹ, tạo dựng nên sức sống mới cho huyện đảo mới thành lập này. Anh kể lại, dù đã quen với điều kiện sống kham khổ khi ở đất liền, nghe mọi người kể về những khó khăn, thiếu thốn như thời gian đi lại, liên lạc với gia đình, điện, nước đều không có hoặc rất hạn chế nhưng khi ra đến nơi, tất cả anh chị em thanh niên xung phong đều thấy công cuộc vượt khó thật sự. Họ bắt đầu đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng 5 ngôi nhà cho các hộ dân sinh sống, cải tạo lại đường xá, làm vườn, trồng những luống rau xanh đầu tiên. Ban ngày công việc bận rộn nên nỗi nhớ nhà, nhớ đất liền qua đi nhanh. Nhưng khi đêm tối xuống, sống trên hòn đảo chưa đầy 3 km2, bao quanh là sóng biển ầm ào, cứng rắn như đàn ông cũng phải bật khóc.

Sau khởi đầu khó khăn ấy, anh Hậu cùng đồng đội đã tạo nên gương mặt mới cho huyện đảo này. Trước năm 1993, trên đảo chỉ có cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 952. Họ tập trung vào nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu nên Bạch Long Vỹ không có người trồng cây gây rừng. 60 thanh niên đầu tiên vừa tham gia xây dựng các công trình công cộng, vừa trồng cây, gây rừng, nuôi các con vật. Trong điều kiện đó, các anh chị đã nghĩ ra cách làm hay, sáng tạo. Muốn trồng được rau, họ phải trồng bờ rào thật cao để tránh gió biển. Đất đảo cát sỏi, họ lấy phân bò phơi khô rồi chôn xuống cải tạo đất. Anh Hậu kể lại, muốn làm được những điều này, ngoài ý chí và lòng quyết tâm phải có tình yêu thực sự với mảnh đất này bởi trong điều kiện khắc nghiệt như sương muối, nắng nóng, gió bão mọi thứ đều bị tàn phá dễ dàng.

Rồi cuộc sống nơi này dần dần sang một trang mới, các công trình như bệnh viện, trường học, điện sức gió dần dần được tạo dựng. Năm 1998, khi Tổng đội Thanh niên xung phong đưa công trình điện sức gió ra Bạch Long Vĩ, chị Tổng đội trưởng Nguyễn Thị Vinh đã nói sau này mọi người sẽ nhìn thấy ti vi, có điện thắp sáng cho trẻ con học và cho sinh hoạt, ai cũng nghĩ đó chỉ là giấc mơ. Nhưng đến năm 2004, tất cả đều thành hiện thực. Bây giờ cuộc sống của người dân trên đảo Bạch Long Vỹ đã có những thay đổi rõ nét. Hiện tại trên toàn đảo có khoảng 1.500 dân sinh sống. Họ có thể xem các chương trình truyền hình kỹ thuật số, vào mạng internet, có điện sinh hoạt. Kết quả này có được ngoài sự quan tâm của Trung ương và thành phố Hải Phòng, không thể không kể đến sự đóng góp của những người tiên phong như anh Hậu.

Trở lại với những câu chuyện về đổi thay của huyện đảo, anh Hậu bày tỏ niềm xúc động vì những công trình trên huyện đảo hôm nay đều có công sức của vợ chồng anh chị. Đám cưới của anh Nguyễn Văn Hậu và chị Nguyễn Thị Huyền là đám cưới thứ hai diễn ra tại huyện đảo Bạch Long Vỹ. Ngày hôn lễ chỉ giản dị là mời bạn bè, người dân trong huyện đến hội trường Ủy ban nhân dân huyện uống trà, chia vui. Gần 20 năm sau, những đứa trẻ đầu tiên sinh ra, lớn lên tại bạch Long Vỹ như con của anh Hậu, chị Huyền cùng nhiều gia đình thanh niên xung phong khác đã học đại học, đã có một thế hệ công dân lớn lên và trưởng thành từ huyện đảo này.

Từ một vùng đất khắc nghiệt, với bàn tay, khối óc và những trái tim yêu nắng gió nơi đảo xa, Bạch Long Vỹ đã trở thành nơi sum họp của rất nhiều người đến từ các vùng quê khác nhau trên mảnh đất hình chữ S. Anh Hậu cho biết, nhiều ngư dân của các tỉnh, thành phố khác đến âu cảng Bạch Long Vỹ tránh trú bão hoặc định cư tại đây đã tạo ra nét giao thoa văn hóa rất đặc biệt đồng thời cũng đem đến cơ hội phát triển kinh tế cho vùng đất này. Cùng với đó, tình yêu lao động tiếp tục mang đến những màu sắc mới cho cuộc sống trên đảo. Tại huyện đảo đang có những công trình mới mang dáng vóc thanh niên xung phong như hồ chứa nước ngọt, mô hình nuôi bào ngư, mô hình bốc xếp dỡ hàng hóa tại âu cảng. Là người phụ trách khu dân cư của thanh niên xung phong, đồng thời tham gia Ban chấp hành Đảng bộ Huyện, anh Hậu luôn động viên những người mới đến, những bạn trẻ nếu nỗ lực làm việc thì trong điều kiện, hoàn cảnh dù khó khăn đến đâu cũng vẫn có thể chuyển hóa hoàn cảnh theo hướng tích cực hơn./.