Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ an ninh trật tự - kết quả công tác dân vận của lực lượng công an nhân dân
Vận động nhân dân, dựa vào nhân dân để giữ gìn an ninh Tổ quốc là nhiệm vụ cấp thiết của lực lượng công an nhân dân kể từ khi thành lập đến nay. Chỉ có tạo được sức mạnh trong dân thì công an mới hoàn thành nhiệm vụ. Cụ thể là phải cùng nhân dân xây dựng chế độ tự quản…
Trong những năm gần đây, nhất là trong thời kỳ đổi mới, Bộ Công an đã chỉ đạo toàn ngành đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp xây dựng và nhân điển hình tiên tiến để xây dựng các mô hình phong trào “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ” trong từng gia đình, dòng họ, từng cụm dân cư, từng đơn vị, cơ quan, trường học, tiến tới xây dựng được nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Vì vậy, nhiều năm qua, lực lượng công an các cấp đã làm tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các thành viên, hội viên và nhân dân trong công tác bảo vệ an ninh trật tự. Nhiều phong trào của các địa phương, đơn vị, của tổ chức đoàn thể quần chúng, hội, đội… đã xây dựng và đưa ra được các nội quy, quy ước hoạt động, có nội dung cam kết thực hiện gắn với những biện pháp phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Nhiều hội viên trong các phong trào đã tích cực hoạt động tuyên truyền, tham gia giữ gìn an ninh trật tự, hòa giải các mâu thuẫn ở cơ sở, chủ động cảm hóa, giáo dục, tạo điều kiện giúp đỡ về vật chất tinh thần đối với các đối tượng phạm tội và lầm lỡ để họ tái hòa nhập với cộng đồng; giúp nhau làm kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh ở khu dân cư.
Đến nay, ở hầu hết các cấp, các ngành, địa phương, trường học, đoàn thể, hội, đội… trên toàn quốc đã xuất hiện các mô hình phong trào về tự quản, tự phòng, tự bảo vệ về an ninh trật tự. Các mô hình này đã và đang đi vào hoạt động có hiệu quả và trở thành những điển hình tiên tiến trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Hoạt động của các mô hình phong trào này đã có nhiều nội dung hòa nhập, gắn kết được với các phong trào khác của các đoàn thể, tổ chức quần chúng, trở thành phong trào tự giác trong tổ chức phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội, mang lại hiệu quả thiết thực cho công tác bảo vệ an ninh trật tự và xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh trong cộng đồng dân cư.
Tuy ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, mỗi tổ chức đoàn thể, hội, đội đều có phong trào với những tên gọi khác nhau, nhưng đều phản ánh được những nội dung tự quản, tự phòng, tự bảo vệ về an ninh trật tự. Điều đó càng khẳng định sự đa dạng, phong phú của phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đồng thời phản ánh chiều sâu về kết quả công tác dân vận trong công an. Nội dung tự quản, tự phát, tự bảo vệ có thể khái quát như sau:
- Tự quản: quản việc chấp hành pháp luật, chấp hành những nội quy, quy ước, quy chế của cơ quan, đơn vị, của địa phương, phường phố và quy định của pháp luật; quản về an toàn giao thông; vệ sinh đô thị; nếp sống sinh hoạt tổ dân phố; quản lý con em hư, vi phạm pháp luật; quản lý về tài sản; quản lý về công tác an ninh trật tự.
- Tự phòng: phòng mất trộm, phòng chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội (ma túy, cờ bạc, mại dâm); phòng tai nạn, cháy nổ; phòng ngừa mất đoàn kết nội bộ, phát sinh mâu thuẫn.
- Tự bảo vệ: tự bảo vệ tính mạng, bảo vệ tài sản của cơ quan, đơn vị, gia đình và cá nhân; không sơ hở, mất cảnh giác để tội phạm lợi dụng xâm hại…
Những nội dung trên có thể tìm thấy ở rất nhiều mô hình phong trào của các địa phương…, đó là:
Mô hình phong trào “Thôn, xóm, bản, làng, khu dân cư không còn tội phạm và tệ nạn xã hội”; mô hình “Tổ an ninh xã hội”, mô hình “1+2” (cứ 2 cựu chiến binh giúp đỡ cảm hóa 1 đối tượng)… của tỉnh Thanh Hóa - một trong những nơi có nhiều sáng tạo trong công tác vận động quần chúng, xây dựng mô hình phù hợp và là nơi được Chính phủ chỉ đạo điểm về vận động toàn dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm; quản lý, giáo dục, cảm hóa người lầm lỗi tại địa bàn dân cư. Mô hình “Hai không một có”, “Ba giảm”, “Hộ tự phòng, số nhà tự quản” của Thủ đô Hà Nội đã tạo dựng được cho mọi người sự gần gũi, chia sẻ cùng giúp nhau giáo dục con cái, người thân không vi phạm pháp luật, cảnh giác đề phòng kẻ gian, quyết tâm vây bắt tội phạm, giữ gìn trật tự công cộng, trật tự giao thông, bài trừ tệ nạn xã hội và trật tự đô thị ngay từ mỗi gia đình, mỗi tổ dân phố, khu dân cư.
Mô hình “Làng nghề bình yên”, “Làng chài bình yên”, “Xóm đạo bình yên - văn hóa”, “Giáo xứ, giáo họ không ma túy, không tội phạm và không tệ nạn xã hội”, “Bình yên làng du lịch – sinh thái”, “Cụm dân cư không có tệ nạn” … của tỉnh Nam Định đã góp phần quan trọng kiềm chế và làm giảm phạm pháp hình sự, tệ nạn xã hội, là nơi được chọn tổ chức rút kinh nghiệm chỉ đạo điểm của toàn quốc về phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng giáo… Mô hình “Tự quản về an ninh trật tự trong các dòng họ” của tỉnh Hà Tây đã phát huy tính huyết thống để giáo dục con, cháu đạo lý hướng về tổ tiên, cội nguồn; tích cực làm điều thiện, tránh điều ác; không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội đã góp phần không nhỏ vào công tác giữ gìn an ninh trật tự và sự bình yên làng xóm. Mô hình “5 không” và phường “bình yên - văn hóa” của tỉnh Vĩnh Phúc; “Làng chài bình yên”, “tàu và cụm tự tự quản, an toàn trên biển”, “Ba quản, bốn giữ”, “Xây dựng khu dân cư, tổ dân phố năm không” của Hải Phòng đã hoạt động có hiệu quả trong công tác bảo vệ an ninh trật tự.
Mô hình 3 giảm (giảm tội phạm, giảm ma túy, giảm mại dâm) của thành phố Hồ Chí Minh phù hợp với nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự ở một đô thị lớn và trở thành nơi tổng kết kinh nghiệm để triển khai các địa phương khác.
Miền Trung có mô hình “Năm không”, “Gia đình, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo” của thành phố Đà Nẵng trở thành nơi chỉ đạo điểm và nhân rộng của Chính phủ về xây dựng và củng cố tổ chức quần chúng làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự; mô hình “Liên kết trường - phường”, “Khu phố an toàn”,“Chốt gác nhân dân”… của tỉnh Phú Yên; mô hình ,“Ba không”: không để Fulrô móc nối hoạt động; không để tuyên truyền phát triển đạo trái phép; không để tập tục lạc hậu phục hồi và tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, của tỉnh Bình Định… Đó là các mô hình được phối hợp lồng ghép với Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm với các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như: Chương trình xóa đói giảm nghèo, giúp nông dân phát triển kinh tế, tạo việc làm; gắn trách nhiệm giữa gia đình - nhà trường - địa phương trong quản lý học sinh, sinh viên đã tạo ra sự phối hợp đồng bộ, khép kín về công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội có hiệu quả.
Tuy vậy, việc thực hiện vẫn chưa bài bản, còn mang tính tự phát. Qua khảo sát chỉ có 30% số phong trào có hồ sơ. Tình trạng chung là việc sơ kết, tổng kết để rút kinh nghiệm, nuôi dưỡng phong trào và chỉ đạo nhân rộng còn hạn chế; việc động viên khen thưởng, biểu dương người tốt, việc tốt còn ít, chưa kịp thời; chưa phối hợp tốt với các ngành, đoàn thể vận động nhân dân tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, chưa gắn kết, lồng ghép chặt chẽ với các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội khác. Vẫn còn tình trạng lúng túng trong chỉ đạo từ việc chọn tên gọi đến việc xây dựng nội dung, cơ chế hoạt động dẫn đến một số mô hình phong trào không duy trì được; nhiều phong trào chưa xây dựng được quy chế hoạt động và cơ chế phối hợp. Đó cũng chính là những điểm yếu trong công tác dân vận của lực lượng công an nhân dân ở cơ sở.
Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ vốn là yếu tố mang tính tự phát được truyền lại qua các thế hệ con người. Vì thế, nó cũng mang tính quy luật. Chính vì yếu tố tự phát nên chứa đựng đặc tính nhỏ lẻ, rời rạc, thiếu thống nhất và không thể tạo thành sức mạnh to lớn. Vì vậy, để làm chuyển biến ý thức tự phát về tự quản, tự phòng, tự bảo vệ trở thành ý thức tự giác của mỗi người lại đòi hỏi vai trò của người tổ chức và phải xây dựng nó thành phong trào cụ thể. Đó là việc làm hợp quy luật - thuận với lòng dân. Muốn vậy, lãnh đạo lực lượng công an các cấp phải làm tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền để tổ chức vận động nhân dân, xây dựng thành phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Thông qua hoạt động của phong trào, chúng ta hướng dẫn lồng ghép việc thực hiện nội dung các nghị quyết, các chương trình của quốc gia về phòng chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Làm tốt nhiệm vụ này cũng chính là chủ động đẩy mạnh công tác dân vận nhằm xã hội hóa công tác bảo vệ an ninh trật tự và là một trong những nhiệm vụ dân vận thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, địa phương. Các mô hình “tự quản, tự phòng, tự bảo vệ” chỉ có thể đạt hiệu quả cao khi biết phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, có sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền, vai trò tham mưu hướng dẫn của lực lượng Công an, sự phối hợp tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, cơ quan, đơn vị cùng sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân.
Để thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Bộ Chính trị về chiến lược an ninh quốc gia; chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; các kế hoạch - chương trình quốc gia phòng chống tội phạm đến năm 2010, đồng thời không ngừng phát huy và nhân rộng các mô hình tự quản, tự phòng, tự bảo vệ về an ninh trật tự, công tác dân vận của lực lượng công an nhân dân cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số công tác trọng tâm sau:
Một là, lực lượng công an các cấp cần tham mưu và giúp cấp ủy Đảng, chính quyền kiểm tra sâu sát từng mô hình tự quản, tự phòng, tự bảo vệ nhằm phát hiện, lựa chọn được những gương người tốt, việc tốt; những cách làm hay, sáng tạo, đem lại hiệu quả cao để đúc kết kinh nghiệm, bồi dưỡng thành những điển hình. Đồng thời, đề xuất các chủ trương, biện pháp xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Chủ trương, kế hoạch, biện pháp xây dựng và nhân điển hình tiên tiến phải bám sát nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương, nhất là ở cơ sở; phải phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự và phải hợp lòng dân, vừa sức dân, ai cũng có thể hiểu được, thực hiện được mới mang lại hiệu quả tốt. Mặt khác, phải chăm lo xây dựng lực lượng an ninh cơ sở thực sự trong sạch, vững mạnh, tạo điều kiện trang bị phương tiện, đảm bảo chế độ chính sách để lực lượng an ninh cơ sở gắn bó, thực sự là lực lượng tham mưu, nòng cốt duy trì phong trào.
Hai là, phải thực sự coi trọng công tác dân vận, phát huy dân chủ, mở rộng các hình thức, biện pháp vận động để thu hút, tập hợp đông đảo quần chúng. Thường xuyên nghiên cứu, đổi mới nội dung, biện pháp phát động phong trào cho phù hợp với tình hình, thực tiễn ở từng đơn vị, địa phương. Mỗi loại mô hình phong trào cần có hồ sơ theo dõi, xác định rõ xuất xứ của mô hình, quy mô tổ chức, cơ chế, lề lối hoạt động để có thể phổ biến, nhân rộng điển hình tiên tiến, tiến tới từng bước xã hội hóa công tác bảo vệ an ninh trật tự bằng các phong trào cách mạng của quần chúng, đưa phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc thực sự trở thành nhu cầu cần thiết, phong trào của dân, do dân, vì nhân dân, để bảo vệ cuộc sống yên vui và hạnh phúc của nhân dân.
Ba là, phải làm tốt công tác thi đua khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các mô hình phong trào tự quản, tự phòng, tự bảo vệ. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng những nhân tố mới, các điển hình mới trong các mô hình phong trào ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị để có kế hoạch phát động, nhân rộng ra nhiều địa phương trong toàn quốc. Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ thực chất là hoạt động chủ động phòng ngừa, vì vậy khi tuyên truyền cũng như khi xem xét, đánh giá về các điển hình này cần khắc phục tình trạng thiên lệch hiện nay là nơi nào bắt giữ, trấn áp được nhiều đối tượng thì coi đó là điển hình, là thành tích; còn nơi nào tổ chức phòng ngừa tốt, không để xảy ra phức tạp, tội phạm… thì lại không được coi là điển hình, là thành tích.
Bốn là, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nhân rộng các mô hình về tự quản, tự phòng, tự bảo vệ trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đồng nghĩa với nâng cao chất lượng hiệu quả công tác dân vận. Do vậy, việc tuyên truyền cần phải gắn với củng cố lực lượng cốt cán, lực lượng chuyên trách, nòng cốt ở cơ sở; gắn với tuyên truyền về thực hiện nhiệm vụ chính trị; về xây dựng hộ gia đình văn hóa, làng văn hóa; về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phường phố, của cơ quan, đơn vị, đoàn thể… để khẳng định rõ kết quả tích cực, tất yếu công tác dân vận mô hình hoạt động của phong trào tự quản, tự phòng, tự bảo vệ đối với phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội… tại địa phương, cơ sở.
Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về kinh tế của cấp huyện và xã trong nông nghiệp, nông thôn  (25/12/2007)
Văn học Việt Nam trong bối cảnh giao lưu văn hóa quốc tế  (25/12/2007)
Tổng tuyển cử Thái Lan: cốc nước nóng không làm dịu cơn khát  (25/12/2007)
Để công tác xóa đói, giảm nghèo tiến triển vững chắc  (24/12/2007)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay