Năm mươi năm bộ đội Trường Sơn anh hùng

Khiếu Linh - Mai Hương Giang
08:05, ngày 18-05-2009

TCCS - Thời gian ngày càng lùi xa về quá khứ, nhưng huyền thoại về Đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vẫn mãi mãi sáng ngời trong trang sử oanh liệt của dân tộc ta như một thiên anh hùng ca, tô thắm truyền thống đánh giặc, giữ nước của dân tộc Việt Nam anh hùng, tiếp thêm sức mạnh cho các thế hệ phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trường Sơn là dãy núi lớn, chạy dài theo hướng tây bắc xuống đông nam trên bán đảo Đông Dương. Trên lãnh thổ Việt Nam, Trường Sơn bắt đầu từ hữu ngạn sông Mã (tỉnh Thanh Hóa), qua Nghệ An, Hà Tĩnh đến địa đầu tỉnh Quảng Bình thì một nhánh rẽ ngang ra đến biển (mũi Ròn) gọi là Hoành Sơn. Băng qua Hoành Sơn là đèo Ngang (cao 120 mét so với mặt biển), Trường Sơn chạy tiếp vào phía nam, qua đèo Lao Bảo (cao 250 mét) ở Quảng Trị, đến điểm tiếp giáp giữa hai tỉnh Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng, lại chia làm hai nhánh: dãy Bà Nà ở phía tây và dãy Bạch Mã chạy ra đến mũi Chân Mây giáp liền với biển. Quốc lộ số 1 vượt qua núi Chân Mây nhờ đèo Hải Vân (cao 470 mét). Từ đèo Hải Vân vào đến các tỉnh cực nam Trung Bộ và Tây Nguyên, nơi được gọi là "mái nhà của Đông Dương" với một số đỉnh cao hơn 2.000 mét đứng xen giữa vùng cao nguyên trù phú của Tây Nguyên. Từ đây xuôi xuống là miền Đông Nam Bộ. Như vậy, Trường Sơn có vị trí rất quan trọng, nối liền hai miền Nam, Bắc nước ta.

Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ (1945 - 1954) buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (tháng 7-1957) chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Nhưng đất nước ta vẫn tạm thời bị chia cắt làm hai miền. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thống nhất tổ quốc. Ở miền Nam, nhân dân ta tiếp tục cuộc chiến đấu chống xâm lược Mỹ và bè lũ tay sai nhằm giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Thực hiện chủ trương chi viện cho miền Nam, Bộ Chính trị quyết định tổ chức tuyến giao liên vận tải quân sự Trường Sơn. Ngày 19-5-1959, Thường trực Tổng Quân ủy chính thức giao nhiệm vụ cho "Đoàn công tác quân sự đặc biệt" mở đường, vận chuyển hàng quân sự chi viện cho miền Nam; tổ chức đưa đón cán bộ, bộ đội; chuyển công văn, tài liệu từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc, bảo đảm giao thông liên lạc, vận chuyển một số hàng quân sự cấp bách cho khu 5, tổ chức bảo đảm cho 500 cán bộ quân sự từ cấp trung tá trở xuống có trang bị vũ khí là lực lượng "khung" đi vào các chiến trường. Mọi hoạt động của Đoàn trên tuyến phải chấp hành triệt để phương châm "tuyệt đối bí mật, an toàn".

Từ đại ngàn Trường Sơn, bằng những chiến công thầm lặng của mình, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 đã viết nên màn dạo đầu của bản trường ca hào hùng “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Đoàn 559 đã chọn Khe Hó, nằm giữa một thung lũng ở tây nam Vĩnh Linh là địa điểm xuất phát đầu tiên của tuyến đường lịch sử tiến vào Trường Sơn soi đường, lập trạm, lấy sức người gùi là chính trên con đường nhỏ hẹp. Khẩu hiệu có tính chất mệnh lệnh lúc đó của Đoàn là “ở không nhà, đi không để dấu, nấu không để khói, nói không thành tiếng”. Các “đường dây” gùi hàng phải chủ động tránh địch để bảo toàn lực lượng, bảo đảm “tuyệt đối bí mật, an toàn” của tuyến đường. Lực lượng ban đầu của Đoàn gồm 500 cán bộ, chiến sĩ được tổ chức thành tiểu đoàn giao liên vận tải 301 và các bộ phận: xây dựng bảo quản kho, bao gói hàng, sửa chữa vũ khí, chế biến thực phẩm và vận chuyển vào chiến trường. Ngày 13-8-1959 chuyến hàng đầu tiên chính thức vượt Trường Sơn. Sau 8 ngày đêm vượt qua sông sâu, suối dữ, đèo cao và hệ thống đồn bốt chốt chặt của địch, 20 khẩu tiểu liên tuyn, 20 khẩu súng trường mát, 10 thùng đạn tiểu liên và súng trường đã được bàn giao cho chiến trường Trị Thiên.

Để đẩy mạnh việc chi viện cho miền Nam, đặc biệt là Nam Bộ, Khu 6, Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy chủ trương mở tuyến chi viện đường biển. Đoàn 559 được giao nhiệm vụ tổ chức tuyến vận tải này. Tháng 7-1959, tiểu đoàn 603 vận tải biển thuộc đoàn 559 được thành lập, biên chế 107 cán bộ, chiến sĩ (90% là đảng viên) đóng tại Cảng cá Thanh Khê (cách cửa sông Gianh, Quảng Bình 4 km), lấy danh nghĩa là "Tập đoàn đánh cá miền Nam", sau bàn giao cho Hải quân quản lý. Như vậy, cuối năm 1959 tuyến hành lang giao liên vận tải quân sự Trường Sơn được thiết lập, thật sự trở thành cầu nối giữa căn cứ địa miền Bắc với chiến trường miền Nam. Đoàn 559 vừa tổ chức vừa xây dựng lực lượng, vừa soi lối mở đường, vận chuyển vũ khí, trang bị chi viện cho miền Nam, đưa cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc vào Nam chiến đấu. Tuyến vận tải quân sự chiến lược cũng như sự có mặt của từng con người, khẩu súng, viên đạn ở chiến trường lúc đó tuy còn ít ỏi, song có ý nghĩa vô cùng lớn lao trong việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, trực tiếp góp phần đưa cách mạng miền Nam phát triển lên một cao trào mới - cao trào "Đồng khởi", mở ra một bước ngoặt mới của cách mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trước đòi hỏi ngày càng lớn của cách mạng miền Nam, Đoàn 559 phải phát triển nhanh chóng cả về lực lượng và phương thức vận chuyển. Từ một đơn vị nhỏ bé ban đầu, Đoàn đã từng bước trưởng thành nhanh chóng, bao gồm đủ các lực lượng công binh, vận tải (đường ô-tô, đường sông, đường ống), pháo cao xạ, bộ binh, giao liên, thông tin, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến... thực sự trở thành một hướng chiến trường tổng hợp, lực lượng hiệp đồng binh chủng trên quy mô lớn. Quân số cả Đoàn 559 có lúc đã lên tới 20 vạn người. Đoàn 559 luôn luôn có sự cải tiến trong phương thức vận chuyển để từ một tuyến cơ giới đã phát triển thành một mạng đường cả Đông và Tây Trường Sơn phục vụ cho xe chạy ban đêm, "đường kín" cho xe chạy ban ngày bất chấp làn mưa bom, bão đạn của kẻ thù.

Cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975 thành công có một phần đóng góp không nhỏ của Đoàn 559. Chấp hành nghiêm mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, quán triệt phương châm "Thần tốc, tạo bạo", Bộ đội Trường Sơn đã nhanh chóng tổ chức vận chuyển hai chiều từng binh đoàn chủ lực lớn của quân đội ta, đưa một khối lượng cơ sở vật chất kỹ thuật lớn tới các chiến trường. Khi cuộc tổng tiến công phát triển xuống đồng bằng Trung Trung Bộ và cực nam Trung Bộ, Bộ đội Trường Sơn đã triển khai lực lượng công binh dọc theo quốc lộ 1, bám sát các mũi tiến công của bộ binh, vừa tháo gỡ bom mìn, vừa nhanh chóng sửa chữa, bắc lại cầu mới cho đại quân ta tiến vào giải phóng các thành phố, thị xã và giải phóng Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng vào ngày 30-4-1975.

Lực lượng cầu đường đã nguyện làm "tường đồng, vách sắt" kiên cường bám trụ, giành giật lại từng thước đường. Một đường bị chặn, hai, ba đường mới xuất hiện. Đường chạy đêm bị đánh, đường chạy ngày ("đường kín") xuất hiện. Địch đánh một, ta làm mười, các lực lượng công binh, thanh niên xung phong Trường Sơn đã làm nên mạng đường liên hoàn, vững chắc với 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang, nối Đông với Tây Trường Sơn vươn tới các chiến trường, với tổng chiều dài gần 20.000 km đường ô-tô, 1.400 km đường ống dẫn xăng dầu, 3.140 km "đường kín" cho xe chạy ban ngày và xây dựng hàng ngàn cầu, cống, ngầm...

Lực lượng vận tải bí mật luồn rừng, mang vác tiến đến cơ giới hóa vận tải trên đường bộ, vận tải bằng đường sông, vận chuyển xăng dầu bằng đường ống hợp thành một binh chủng vận tải cơ giới phát triển đến đỉnh cao trong việc bảo đảm khối lượng cơ sở vật chất đồ sộ và cơ động, đáp ứng các yêu cầu của lực lượng chiến đấu chủ lực cho các chiến trường. Lực lượng pháo phòng không, từ những phân đội nhỏ ban đầu, đã nhanh chóng phát triển thành những lực lượng chiến đấu lớn, đủ sức đánh địch trên không, bảo vệ thắng lợi công cuộc chi viện chiến lược. Trong chiến dịch đường 9 - Nam Lào, lực lượng phòng không Bộ đội Đường Hồ Chí Minh tạo ra những lưới lửa dày đặc, đập tan chiến thuật cơ động ồ ạt bằng máy bay lên thẳng của Mỹ - Ngụy. Lực lượng bộ binh đã nhanh chóng hình thành binh đoàn lớn, đủ sức đập tan những cuộc hành quân ngăn chặn của địch mà đỉnh cao nhất là góp phần đánh bại cuộc hành quân quy mô lớn của Mỹ - Ngụy ra đường 9 - Nam Lào (năm 1971). Bộ đội Trường Sơn đã đánh hàng ngàn trận chống hành quân nống lấn, biệt kích, thám báo của địch, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 18.000 tên địch, bắt sống 1.190 tên, thu và phá hủy hơn 100 xe quân sự và hàng nghìn súng các loại. Lực lượng giao liên, với đôi chân vạn dặm bảo đảm hành quân, đưa đón bố trí nơi ăn ở cho hàng triệu lượt cán bộ, chiến sĩ, thương, bệnh binh vào, ra các chiến trường an toàn, bí mật. Các cán bộ cơ quan chỉ huy, lực lượng thông tin, cơ yếu, quân y, lực lượng kỹ thuật, đội ngũ làm công tác văn hóa - văn nghệ... đã ngày đêm bám sát tuyến đường phục vụ đắc lực cho công tác chỉ huy và các lực lượng khác hoàn thành nhiệm vụ. 

- Ngày 5-5-1959 “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” làm nhiệm vụ mở đường vận chuyển hàng quân sự vào Nam; tổ chức đưa đón bộ đội, cán bộ; chuyển công văn, tài liệu từ Bắc vào Nam... Đoàn được mang phiên hiệu Đoàn 559.

- Năm 1961 - 1964 Đoàn lật cánh sang Tây Trường Sơn, phát triển tuyến chi viện chiến lược, bước đầu tổ chức vận chuyển cơ giới.

- Quán triệt tư tưởng tiến công, phát huy sức mạnh tổng hợp chiến đấu chống chiến tranh ngăn chặn của địch, phục vụ và trực tiếp tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968.

- Đánh bại âm mưu cắt đứt tuyến chi viện chiến lược của địch; giữ vững thế chủ động, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong mùa khô 1968 - 1969 và chiến dịch đường 9 - Nam Lào (năm 1971).

- Đổi mới tổ chức lực lượng, hoàn thiện thế trận mới, chuẩn bị thời cơ chiến lược (1973 - 1974).

- Tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

- Tháng 10-1977, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Binh đoàn 12 - Binh đoàn xây dựng kinh tế.

- Đầu năm 1989, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn được thành lập trên cơ sở tổ chức biên chế và các lực lượng của Binh đoàn 12, là doanh nghiệp kinh tế - quốc phòng, tự hạch toán, tự trang trải và trực thuộc Bộ Quốc phòng.

Suốt 16 năm, đường Trường Sơn luôn luôn trở thành trọng điểm ngăn chặn quyết liệt của địch. Núi rừng Trường Sơn luôn luôn rung chuyển, bị cày đi xới lại bởi hơn 3 triệu tấn bom đạn, hóa chất độc của địch trút xuống, gây nhiều tổn thất về người, phương tiện vật chất và môi trường sinh thái trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Bằng sự cống hiến, hy sinh to lớn của mình, Bộ đội Đường Hồ Chí Minh đã lập nên kỳ tích anh hùng, làm nên con đường huyền thoại, góp phần to lớn vào sự toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Bộ đội Đường Hồ Chí Minh xứng đáng được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và tặng Huân chương Hồ Chí Minh.

Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa

Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã mở ra giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam - giai đoạn cả nước cùng thực hiện chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Các lực lượng vũ trang chuyển từ nhiệm vụ chiến đấu và xây dựng trong thời chiến sang thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong thời bình. Đầu tháng 7-1975, Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ cho Bộ đội Trường Sơn chuyển sang làm kinh tế.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, Bộ đội Trường Sơn có sự phát triển mới. Đầu năm 1976, Bộ Quốc phòng quyết định thống nhất Bộ đội Trường Sơn và Bộ Tư lệnh Công binh thành Bộ Tư lệnh Công trình. Đến tháng 3-1976, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Tổng cục xây dựng kinh tế thay cho Bộ Tư lệnh Công trình. Tháng 10-1977, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Binh đoàn 12 (Binh đoàn xây dựng kinh tế) trên cơ sở lực lượng chủ yếu của Bộ đội Trường Sơn có thêm một số đơn vị bộ binh, với nhiệm vụ chủ yếu là xây dựng cơ bản, xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện, đường giao thông trên các vùng chiến lược quan trọng của đất nước. Đến năm 1979, Binh đoàn 12 - đơn vị kế thừa truyền thống Bộ đội Trường Sơn anh hùng lại có mặt ở những nơi khó, việc khó trải ra trên địa bàn 21 tỉnh, thành trong nước và 5 tỉnh của nước bạn Lào, phần lớn là ở địa bàn biên giới xa xôi, núi rừng hẻo lánh, các vùng chiến lược quan trọng làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng.

Đầu năm 1989, thực hiện sự chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế theo quyết định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng, Binh đoàn 12 chuyển thành doanh nghiệp kinh tế - quốc phòng trực thuộc Bộ Quốc phòng có tên Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn. Với định hướng lãnh đạo đúng đắn và sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng, Tổng Công ty đã vươn lên để tự khẳng định mình. Qua 20 năm (1989 - 2009) làm kinh tế - quốc phòng, tự hạch toán, giá trị sản lượng đã không ngừng tăng trưởng, bình quân tăng từ 15% - 20%/năm (năm 1989 mới chỉ đạt 38,5 tỉ đồng, đến năm 2007 đã đạt trên 1.600 tỉ đồng, tăng gấp 41 lần), thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp ngân sách cho Nhà nước, thu nhập bình quân của người lao động bằng 1,4 - 1,6 lần lương quốc phòng. Vốn được bảo toàn và phát triển, hoạt động tài chính lành mạnh, có hiệu quả, lợi nhuận hằng năm đạt 2% - 2,5% trên giá trị doanh thu.

Hiện nay, Tổng Công ty ngày càng khẳng định được vị trí, uy tín của mình, để lại dấu ấn trên nhiều công trình quan trọng, yêu cầu kỹ thuật cao của Nhà nước, như: Thủy điện Hòa Bình, đường dây 500 kV Bắc - Nam, đường ô-tô cấp cao Bắc Thăng Long - Nội Bài, Láng - Hòa Lạc, quốc lộ 1, quốc lộ 5, nghĩa trang liệt sĩ A1 (Điện Biên Phủ), nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo)... Ngoài ra, Tổng Công ty xuất khẩu nông sản từ nông trường cà phê (gần 400ha) ở Đắc Lắc. Trường Trung học cầu đường và dạy nghề của Tổng Công ty từ năm 1977 đến năm 1998 đã đào tạo được 13 khóa trung cấp cầu đường (1.018 người), 8 khóa công nhân xây dựng (370 người), bồi dưỡng và bổ túc cán bộ các loại (725 người), đào tạo đại học tại chức (53 người). Bên cạnh việc thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, hằng năm Binh đoàn luôn luôn hoàn thành tốt các chương trình, nội dung huấn luyện quân sự, chính trị, duy trì chế độ, kỷ luật quân đội, tổ chức xây dựng, huấn luyện 6 lữ đoàn dự bị động viên, 1 tiểu đoàn cứu hộ, cứu sập, sẵn sàng đáp ứng kịp thời khi có tình huống xảy ra; thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Các cơ quan, đơn vị của Tổng Công ty luôn chủ động tham gia và làm tốt công tác dân vận, các chính sách xã hội...

Vinh dự, tự hào được kế tục truyền thống vẻ vang của Bộ đội Đường Hồ Chí Minh anh hùng, 20 năm trên lĩnh vực xây dựng kinh tế - quốc phòng, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn đã vượt qua khó khăn thử thách, tự khẳng định để tồn tại, đứng vững và phát triển trong cơ chế thị trường, góp phần khẳng định uy tín của quân đội làm kinh tế và cùng các doanh nghiệp nhà nước giữ vững vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân, thiết thực giữ gìn, tăng cường tiềm lực quốc phòng, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu khi chiến tranh xảy ra, nhanh chóng chuyển thành những đơn vị công binh công trình phục vụ chiến đấu thắng lợi.

Năm mươi năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà trực tiếp là Đảng ủy Quân sự Trung ương; được sự giúp đỡ tận tình của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương; sự phối hợp hiệp đồng có hiệu quả của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức, lao động quốc phòng Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh - Binh đoàn 12 - Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn luôn phát huy bản chất tốt đẹp, truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, đoàn kết, mưu trí, kiên cường, dũng cảm trong chiến đấu; tích cực, chủ động, sáng tạo trong lao động sản xuất và công tác, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân giành thắng lợi trọn vẹn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (16 năm) Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đã:

- Đào đắp, san lấp khoảng 29 triệu m3 đất đá.

- Xây dựng mạng đường bộ gồm 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang ở Đông và Tây Trường Sơn với tổng chiều dài gần 20.000 km; 1 tuyến “đường kín” dài 3.140 km, hệ thống đường sông dài gần 500 km, hệ thống đường ống dẫn xăng, dầu dài 1.400 km vào tới Đông Nam Bộ.

- San lấp 78.000 hố bom.

- Phá 12.600 quả bom từ trường, 8.000 bom nổ chậm, 85.100 mìn các loại.

- Đánh 2.500 trận bộ binh, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 18.000 tên địch, thu, phá hủy hơn 100 xe quân sự, hàng ngàn súng các loại.

- Bắn rơi hơn 2.450 máy bay các loại.

- Vận chuyển, tổ chức hành quân hơn 2 triệu lượt bộ đội, cán bộ dân, chính, đảng vào ra qua Trường Sơn; mỗi năm bình quân chuyển được hơn 1 triệu tấn hàng cho chiến trường.

- Trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Bộ đội Trường Sơn đã bảo đảm giao thông toàn bộ tuyến đường quốc lộ 1 và 7 tuyến đường khác, có tổng chiều dài 2.577 km, bắc lại 88 cầu, sử dụng trên 1.000 xe ô-tô chở các quân đoàn chủ lực và chở bổ sung gần 20 vạn quân cho các chiến dịch để giải phóng miền Nam...