Ráo riết giành giật các nguồn tài nguyên để đón đầu phục hồi kinh tế
TCCSĐT - Trong lúc nền kinh tế thế giới còn đang dò dẫm dưới đáy của cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong vòng 80 năm nay, những cặp mắt chiến lược đã bắt đầu nhìn xa về tương lai để chuẩn bị tiền đề cho một cuộc phục hồi.
Do “kinh tế ảo” là thủ phạm dẫn dắt thế giới sa vào khủng hoảng nên người ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng “kinh tế thực” sẽ giúp nó vượt qua cuộc khủng hoảng tồi tệ này. Vì thế, việc kiểm soát các nguồn nguyên liệu chiến lược cho công nghiệp đang hối thúc các nước ráo riết lao vào cuộc giành giật trên phạm vi toàn cầu.
Nga là nước đầu tiên phóng tầm mắt đến kho báu dưới đáy biển Bắc cực. Trong Chiến lược an ninh quốc gia được Tổng thống Mét-vê-đép công bố ngày 12-5 vừa qua, Nga xác định Bắc cực là khu vực có ý nghĩa sống còn với tương lai của đất nước, và, trong cuộc giành giật tài nguyên ở đó, sẽ không loại trừ khả năng sử dụng sức mạnh quân sự.
|
Theo đánh giá của Cục Địa chất Mỹ, chỉ tính riêng ở 25 khu vực thuộc Bắc cực đã phát hiện trữ lượng dầu lửa lên tới 90 tỉ thùng, tức là khoảng 13% tổng trữ lượng chưa khai thác của thế giới. Bên cạnh đó, Bắc cực còn chứa 1.669.000 tỉ mét khối khí đốt, chiếm 30% tổng trữ lượng chưa khai thác của thế giới. “Như vậy, Bắc cực có tiềm năng đáng kể để đảm bảo nhu cầu dầu lửa và khí đốt trong tương lai” – Phó Giám đốc Chương trình Năng lượng và an ninh quốc gia thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) Đa-vít Pam-phri (David Pumphrey) nói.
Ở độ sâu 4.261 mét dưới mực nước biển, nơi tháng 8 năm 2007 tàu ngầm Nga đã cắm một lá cờ làm bằng ti-tan khẳng định chủ quyền đối với Bắc cực của mình, việc khai thác các nguồn tài nguyên nói trên hiện nay còn chưa thực hiện được. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên thiên nhiên và môi trường Nga Xéc-gây Đôn-xkôi hy vọng khoảng 3,3 tỉ tấn dầu và 5 tỉ mét khối khí đốt nằm ở các vùng biển nông thuộc thềm lục địa của Nga có thể sẽ được khai thác bắt đầu từ năm 2013 hoặc 2014.
Lo ngại vị thế của Nga trong lĩnh vực dầu khí, Mỹ và các nước châu Âu ngày càng tích cực tìm cách tiếp cận nguồn dầu lửa và khí đốt khổng lồ vùng biển Ca-xpi và Trung Á thuộc Liên Xô trước đây. Họ hết lòng ủng hộ chính quyền của Tổng thống Sa-a-ka-svi-li ở Gru-di-a nhằm “đục thông một hành lang” vào khu vực này ngõ hầu mở đường ống dẫn dầu thô và khí đốt ra ngoài mà không đi qua lãnh thổ Nga (dự án Nabucco). Mỹ cũng mong muốn giải quyết dứt điểm chiến cuộc Áp-ga-ni-xtan để mở đường cho khí đốt vùng Trung Á thông ra Ấn Độ Dương.
Bên cạnh đó, quan hệ với I-ran, nước có khả năng khống chế cửa vào vịnh Péc-xích, trở nên hết sức quan trọng: Mỹ vừa muốn gây sức ép lên tham vọng hạt nhân của I-ran, vừa lo ngại nước này có thể làm cho cửa vịnh Péc-xích trở thành vùng biển nguy hiểm đối với các tàu chở dầu của Phương Tây.
Hai “người khổng lồ phía Đông” là Nhật Bản và Trung Quốc cũng đang ráo riết đàm phán với Nga nhằm mở đường ống dẫn dầu và khí đốt từ vùng Xi-bê-ri sang các trung tâm công nghiệp của họ. Nhu cầu dầu khí đã tạo ra những chuyển biến nhất định trong quan hệ hai nước Nga - Nhật: cả hai bên cùng bày tỏ mong muốn giải quyết ổn thoả vấn đề tranh chấp lãnh thổ (Nga gọi là bốn hòn đảo thuộc quần đảo Ku-rin, Nhật gọi là lãnh thổ phía Bắc) nhằm tạo dựng lòng tin để có thể hợp tác sâu rộng hơn trong lĩnh vực năng lượng. Trung Quốc cũng mong muốn một hệ thống dẫn dầu khí từ Nga qua vùng Mãn Châu và từ Trung Á qua Tân Cương chạy thẳng đến Thượng Hải.
Trong bối cảnh cuộc cạnh tranh kiểm sóat các nguồn dầu khí gia tăng, việc phát hiện ra các mỏ dầu mới có thể gây ra những xung đột quân sự ác liệt. Không ít người cho rằng, chính việc phát hiện ra dầu mỏ ở thềm lục địa thuộc địa bàn do lực lượng “Những con hổ giải phóng Ta-min I-lam” kiểm soát và việc tổ chức này qua mặt chính quyền trung ương Sri Lan-ca cho các công ty Mỹ và Na-uy khoan thăm dò đã khiến quân đội Sri Lan-ca mở các cuộc tấn công tổng lực nhằm giải quyết triệt để lực lượng ly khai này.
Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới khiến giá nguyên liệu giảm mạnh và giá cổ phiếu rơi chạm đáy đang mở ra cơ hội lớn cho việc thâu tóm các công ty nắm giữ các mỏ khoáng sản chiến lược. Trung Quốc đã cho Công ty dầu lửa quốc gia Bra-xin vay 10 tỉ đô la đầu tư khai thác các mỏ mới phát hiện ngoài khơi để đổi lấy việc công ty này bán cho Trung Quôc mỗi ngày 300.000 thùng dầu khai thác được. Trung Quốc cũng nâng mức viện trợ cho Vê-nê-duy-ê-la từ 6 tỉ USD lên thành 12 tỉ USD, đổi lại, chính phủ nước này quyết định nâng lượng dầu thô bán cho Trung Quốc từ 380.000 thùng /ngày lên thành 1 triệu thùng / ngày. Theo Tạp chí Phố U-ôn (The Wall Street Journal), chỉ riêng trong năm ngoái, các công ty của Trung Quốc đã bỏ ra 52 tỉ đô la đầu tư hoặc mua lại các công ty nước ngoài, hai phần ba trong số đó là các công ty khai khoáng. Ba tháng đầu năm nay, việc mua bán còn tăng lên: các công ty Trung Quốc ký 65 hợp đồng trị giá 23 tỉ đô la, hầu như tất cả đều trong lĩnh vực khai khoáng và năng lượng.
Các nguồn tài nguyên chiến lược đang nằm trong tầm ngắm của các cường quốc trên thế giới. Việc kiểm soát các nguồn đó là một sự chuẩn bị quan trọng cho cuộc phục hồi kinh tế sắp tới, khi “kinh tế thực” lên ngôi và công nghiệp sẽ lại giữ vai trò đầu tàu cho sự phát triển kinh tế./.
Khởi công xây dựng cảng Sài Gòn - Hiệp Phước  (17/05/2009)
Khởi công dự án khu chung cư và biệt thự ven hồ Vinh Tân, thành phố Vinh  (17/05/2009)
Việt Nam luôn cam kết vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới  (15/05/2009)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên