Khủng hoảng kinh tế toàn cầu và một số vấn đề đặt ra đối với kinh tế Việt Nam
TCCS - Khủng hoảng kinh tế đang diễn ra mang tính toàn cầu, xem xét từ nhiều góc độ và đánh giá về những tác động của nó đối với nước ta là một vấn đề khó khăn, nhưng có ý nghĩa quan trọng trên nhiều phương diện.
I - Cuộc khủng hoảng hiện nay và tác động của nó đối với thế giới
1 - Khủng hoảng luôn là bạn đồng hành của kinh tế tư bản chủ nghĩa với biên độ ngày càng dầy hơn.
Các cuộc khủng hoảng đều diễn ra theo một trình tự đại thể như nhau, cho dù lĩnh vực và quốc gia hứng chịu đầu tiên, mức độ mạnh yếu, phạm vi lan tỏa, độ dài thời gian có thể khác nhau.
Về mức độ, quy mô cuộc khủng hoảng hiện nay là nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai và có thể so sánh với cuộc đại suy thoái 1929 - 1933. Giữa hai cuộc khủng hoảng mang tính thế kỷ này có nhiều điểm giống nhau, song cũng có nhiều điểm khác nhau.
Chúng giống nhau ở chỗ cả hai cuộc đều bùng phát ở Mỹ rồi lan tỏa sang các nền kinh tế khác, trước hết là châu Âu. Đại suy thoái 1929 - 1933 đã châm ngòi cho sự sụp đổ nhanh chóng của thị trường chứng khoán (trong vòng 2 tháng giá trị của 50 thị trường chủ yếu giảm 1/2). Cuộc khủng hoảng lần này bùng phát trước tiên trong hệ thống ngân hàng. Cả hai lần đều kéo theo tiêu dùng giảm sút, sản xuất đi xuống, thất nghiệp gia tăng đưa tới xáo động chính trị - xã hội. Riêng tại Mỹ, trong cả 2 cuộc khủng hoảng Đảng Dân chủ đều giành đa số ở cả Thượng viện và Hạ viện, cả 2 lần tổng thống thuộc Đảng Dân chủ thay thế tổng thống của Đảng Cộng hòa (lần trước Ph. Ru-dơ-ven thay H. Hu-vơ, lần này B. Ô-ba-ma thay G. Bu-sơ).
Về nguyên nhân nổ ra khủng hoảng cũng có nhiều điểm giống nhau. Cả hai cuộc đều bắt nguồn từ sự yếu kém trong việc quản lý hệ thống tài chính - tiền tệ và đều do "xài quá cái làm ra". Khủng hoảng lần trước do các ngân hàng mọc ra quá nhiều không kiểm soát nổi, đồng lương vượt xa lợi nhuận, tiêu dùng vượt ngưỡng tín dụng an toàn. Lần này, khủng hoảng cũng bắt nguồn từ chính sách tín dụng và tiêu dùng quá dễ dãi kéo dài nhiều năm, các ngân hàng đua nhau cấp tín dụng cho việc mua nhà trả góp, tạo nên bong bóng bất động sản, khi bong bóng nổ thì hệ thống ngân hàng tức thời đổ vỡ.
Phác đồ chữa trị cũng có nhiều điểm giống nhau. Trong cả 2 cuộc khủng hoảng nhà nước đều phải ra tay can thiệp (chính sau đại suy thoái 1929 - 1933 đã xuất hiện học thuyết kinh tế Giôn Kên (J. Keynes) chủ trương nhấn mạnh vai trò điều tiết của nhà nước), đều phải kích cầu và bảo hộ sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, bối cảnh nổ ra khủng hoảng có phần khác nhau. Khác với những năm 20 - 30 thế kỷ trước, ngày nay dưới tác động của xu thế toàn cầu hóa và công nghệ thông tin, đồng tiền được dịch chuyển tự do trên mạng với giá trị gấp hàng trăm lần giá trị hàng hóa, nói cách khác, tiền tách khỏi hàng, hình thành đồng tiền ảo chuyển dịch trên mạng toàn cầu không ai kiểm soát nổi. Mặt khác, cũng dưới tác động của toàn cầu hóa, tính tùy thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia tăng mạnh mẽ, trước nguy cơ chung các nước phải tìm cách phối hợp xử lý thông qua nhiều cơ chế toàn cầu, điều mà những năm 20, 30 thế kỷ trước không có được.
Có thể vì vậy, mà cho tới nay mức độ khủng hoảng cũng chưa trầm trọng như đại suy thoái 1929 - 1933. Nếu như trong cuộc khủng hoảng lần trước sản xuất ở các nước công nghiệp phát triển tụt xuống mức âm 15% - 20%, thì lần này mới ở mức âm 5% - 7 %; nếu như lần trước ở Mỹ 11.000/25.000 ngân hàng đổ vỡ, thì cho tới nay số lượng ngân hàng sụp đổ chưa lớn như vậy, cho dù trong số đó có những ngân hàng khổng lồ; lần trước ở các nước công nghiệp phát triển tỷ lệ thất nghiệp lên tới 25% - 30% , lần này mới ở mức khoảng 10% (ở Mỹ năm 2008 là 6,8%, năm 2009 có thể là 11%, EU là 8% và 9,3%).
Lần trước đại suy thoái kéo dài 4 năm còn lần này kéo dài bao lâu thì chưa ai có thể dự báo chính xác được. Tuy cả hai lần đều dẫn đến những xáo động chính trị - xã hội nhưng lần này chưa thật nghiêm trọng: nếu như dưới tác động của cuộc đại suy thoái 1929 - 1933, chính phủ các nước tư bản phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản... đều bị đổ, đặc biệt bọn phát-xít Đức, bọn quân phiệt Nhật lên nắm quyền, đẩy thế giới vào cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, thì nay mới thấy chính phủ vài nước nhỏ như Ai-xơ-len, Lít-va, Séc.. bị đổ; không có nguy cơ nổ ra xung đột toàn cầu, hơn thế nữa còn xuất hiện một số tín hiệu cho thấy xu hướng cải thiện quan hệ, thúc đẩy hợp tác giữa các nước lớn.
Xem như vậy thì khủng hoảng kinh tế lặp đi lặp lại như một quy luật khách quan, vận hành theo một cơ chế đại thể như nhau với một số khác biệt tùy theo bối cảnh từng nước và từng thời kỳ. Cái khác căn bản là ngày nay, dưới tác động của xu thế toàn cầu hóa, tính tùy thuộc giữa các quốc gia quá chặt chẽ, đứng trước hiểm họa chung các nước đều phải cụm lại đối phó. Do đó, khủng hoảng đỡ nghiêm trọng hơn và không đưa tới chiến tranh thế giới.
2 - Về tác động của cuộc khủng hoảng đối với thế giới.
Theo tính toán của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cuộc khủng hoảng lần này đã làm tiêu tan tới 50.000 tỉ USD, đúng như C.Mác đã từng nhận định: Mỗi cuộc khủng hoảng không những phá hoại một số lớn sản phẩm đã được tạo ra, mà cả một phần lớn chính ngay cả những lực lượng sản xuất đã có nữa... Giả dụ kinh tế thế giới có được phục hồi trong 1 - 2 năm tới thì cũng còn lâu mới có thể khắc phục hoàn toàn được hậu quả. Có người cho rằng diễn biến khủng hoảng sẽ không theo hình chữ V, cũng không theo hình chữ L mà nhiều khả năng sẽ theo hình chữ U. Vả lại sau cuộc khủng hoảng này, nhiều nước, nếu không nói là tất cả, sẽ phải đối phó với tình trạng thâm hụt ngân sách cao, nguy cơ bùng phát lạm phát là rất lớn vì đã tung ra một lượng tiền khổng lồ để cứu nguy cho hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp, kích cầu đầu tư và tiêu dùng.
Cuộc khủng hoảng lần này đã làm tiêu tan học thuyết kinh tế "tự do hóa, tư nhân hóa, phi điều tiết hóa" thời M.Thát-chơ, R.Ri-gân và được tán dương dưới thời G.Bu-sơ. Nay chưa rõ có xuất hiện một học thuyết kinh tế mới nào không, song rõ ràng tinh thần của học thuyết Kên đang được phục hồi, trong đó có ý tưởng về việc nhà nước cần có sự can thiệp, điều tiết nhất định.
Sau cuộc khủng hoảng 1929 - 1933, xu hướng bảo hộ mậu dịch gia tăng mạnh mẽ. Để đối phó với cuộc khủng hoảng lần này, nhiều nước đã có những biện pháp bảo hộ sản xuất trong nước, làm dấy lên nỗi lo ngại về sự trở lại của chủ nghĩa bảo hộ và sự bùng nổ của cuộc chiến thương mại. Mối lo ngại này không phải không có cơ sở, song chắc sẽ khó xuất hiện trào lưu đóng cửa vì nền kinh tế các nước đã tùy thuộc nhau quá nhiều, khó có nước nào có thể phát triển nếu co về chủ nghĩa bảo hộ quá mức. Chí ít thì tất cả các nước và các tổ chức quốc tế chủ yếu, kể cả G 20 tại Hội nghị thượng đỉnh vừa qua đều cam kết chống lại chủ nghĩa bảo hộ, tiếp tục thúc đẩy vòng đàm phán Đô-ha.
Chắc chắn rằng sau cuộc khủng hoảng lần này sẽ diễn ra quá trình cơ cấu lại một cách sâu sắc nền kinh tế của các nước và toàn cầu. Một trong những đặc điểm của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính lần này là nó diễn ra đồng thời với cuộc khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng khí hậu và môi trường, do đó kinh tế thế giới sẽ hướng mạnh vào công nghệ tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Các nền kinh tế tùy thuộc quá nhiều vào xuất khẩu sẽ phải điều chỉnh theo hướng chú trọng hơn tới thị trường nội địa. Hệ thống tài chính ngân hàng có thể sẽ được cơ cấu lại. Các ngành nghề, các doanh nghiệp kém hiệu quả, không bền vững sẽ bị đào thải...
Cuộc khủng hoảng lần này vừa thể hiện vừa thúc đẩy quá trình dịch chuyển vị thế của các nền kinh tế. Rõ ràng uy tín và vị thế hàng đầu của kinh tế Mỹ bị thách thức, ngày nay Mỹ đã trở thành con nợ lớn nhất của thế giới với khoản nợ nhà nước lên tới 9,13 nghìn tỉ USD, chiếm 65% GDP, trong đó Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất với 585 tỉ (tới tháng 9-2008). Điều này khác với những năm 20, 30 thế kỷ trước, khi đó Mỹ là chủ nợ lớn nhất. Vai trò và vị trí của kinh tế Trung Quốc hiện được coi trọng, mặc dầu nước này cũng chịu tác động nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng toàn cầu. Tuy nhiên, quá trình đi xuống của kinh tế Mỹ sẽ lâu dài. Trong những thập kỷ tới, kinh tế Mỹ vẫn chiếm vị trí quan trọng hàng đầu, vị trí Trung Quốc gia tăng đáng kể song cũng chưa trở thành chủ đạo.
Vừa qua các thể chế tài chính - kinh tế toàn cầu như IMF, WB, WTO hầu như không đóng vai trò gì trong việc cảnh báo và đối phó với khủng hoảng, thậm chí còn mắc sai lầm như IMF đã phải tự chỉ trích. Ngày nay ở khắp nơi người ta bắt đầu bàn tới việc cải tổ hệ thống tài chính tiền tệ thế giới, tuy rằng phương án cải tổ còn rất khác nhau, thậm chí đối lập nhau và đây sẽ là đề tài mặc cả, đấu tranh dai dẳng. Hội nghị cấp cao G 20 vừa qua cho thấy, người ta vẫn tiếp tục sử dụng IMF làm công cụ điều phối chung đối với sự hình thành một loại thể chế giám sát toàn cầu nào đó.
Có một vấn đề đáng được quan tâm là sau đại suy thoái 1929 - 1933, chế độ bản vị vàng đã mất đi. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, hệ thống Brét-tơn Út (Bretton Woods) ra đời với vị trí nổi trội của đồng đô-la Mỹ. Ngày nay chưa rõ hệ thống tiền tệ sẽ biến động như thế nào, song trước mắt đồng đô-la Mỹ vẫn giữ vai trò đồng tiền ngự trị trên thế giới. ý tưởng của Nga và Trung Quốc về việc hình thành một đồng tiền quốc tế để thay thế cho đồng đô-la Mỹ chưa trở thành hiện thực.
Trên đây là một số hệ lụy nảy sinh qua cuộc khủng hoảng lần này. Tuy nhiên, mọi việc còn đang diễn biến, về nhiều mặt rất khó lường, cần theo dõi sít sao thêm.
II - Tác động tới nền kinh tế nước ta và những vấn đề cần quan tâm
1- Trước hết, có hai điều cần làm rõ:
Một là, vừa qua có hai luồng ý kiến về tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới đến kinh tế nước ta. Một luồng cho rằng, tác động đó sẽ có độ trễ và không lớn do nước ta hội nhập chưa sâu; luồng ý kiến thứ hai cho rằng, tác động đó rất nhanh và khá sâu. Có lẽ, cách đề cập thứ hai chuẩn xác hơn, và thực tế vừa qua đã chứng minh như vậy. Thực tế là, ngày nay không có bất kỳ nền kinh tế nào có thể tách biệt hoàn toàn với kinh tế thế giới, vả lại nước ta lại tùy thuộc quá nhiều vào kinh tế thế giới cả ở đầu vào (vốn, máy móc, thiết bị, nguyên - nhiên - vật liệu nhập khẩu) lẫn đầu ra (xuất khẩu); nay lại hội nhập đầy đủ với kinh tế thế giới. Điều này khác hẳn thời kỳ nổ ra cuộc khủng hoảng khu vực cuối những năm 90 thế kỷ trước.
Hai là, một số người cho rằng, những khó khăn của nền kinh tế nước ta đều do quá trình hội nhập kinh tế thế giới gây ra. Đúng như ta đã lường trước, một khi hội nhập hoàn toàn vào nền kinh tế thế giới thì tất yếu ta sẽ chịu tác động của nó, cả về chiều thuận lẫn chiều nghịch. Lạm phát cao một phần do điều này, kinh tế suy giảm một phần cũng do tác động của khủng hoảng toàn cầu. Nói như vậy không có nghĩa là mọi chuyện đều do hội nhập, mà một phần không nhỏ còn do sự yếu kém vốn có của nền kinh tế, cùng những bất cập trong điều hành nền kinh tế thị trường lại hội nhập đầy đủ với kinh tế thế giới.
Còn về tác động cụ thể thì vừa qua đã được đề cập rất nhiều, và trên thực tế nước ta đang phải đối phó.
2 - Nói đến tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, cần đề cập trên cả hai bình diện, lý luận và thực tiễn, trước mắt và lâu dài.
Về lý luận có mấy vấn đề đáng quan tâm:
Thứ nhất, như trên đã nói, khủng hoảng chu kỳ là cơ cấu đồng hành với chủ nghĩa tư bản và đây là quy luật bất biến. Cuộc khủng hoảng lần này cũng không nằm ngoài quy luật đó, nó đánh dấu sự thất bại của lý thuyết chủ nghĩa tự do mới tuyệt đối hóa sức mạnh vạn năng của thị trường, song chắc rằng chưa phải là sự cáo chung của chủ nghĩa tư bản nói chung và cơ chế thị trường nói riêng.
Kinh nghiệm cho thấy, cứ sau mỗi cuộc khủng hoảng những nhân tố, doanh nghiệp kém hiệu quả lại bị loại trừ; chủ nghĩa tư bản lại đổi mới cơ cấu và cơ chế, lấy lại sức bật mới. Đồng thời, sau mỗi cuộc khủng hoảng luận thuyết kinh tế cũ được điều chỉnh hoặc được thay bằng luận thuyết mới. Lần này người ta nói nhiều đến vai trò điều tiết của nhà nước và trên thực tế ở khắp mọi nơi nhà nước đều phải ra tay. Thực ra không phải ngày nay mà từ trước tới nay dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, dù tự do hay độc quyền, nhà nước vẫn điều tiết các hoạt động sản xuất - kinh doanh bằng cách này hay cách khác, thậm chí có khi, có nơi doanh nghiệp quốc doanh chiếm vị trí khá quan trọng, do đó không nên coi sự can thiệp của nhà nước chỉ là đặc trưng của kinh tế xã hội chủ nghĩa. Vấn đề chỉ là giai cấp nào là giai cấp thống trị nhà nước này hay nhà nước khác.
Thứ hai, liên quan tới vấn đề trên, một đề tài mang tính thời sự nữa là: xác định rõ chức năng của thị trường và của Nhà nước trong điều kiện nước ta đã chuyển sang thể chế kinh tế thị trường và hội nhập với kinh tế thế giới; phương cách mà nhà nước điều tiết nên như thế nào trong hoàn cảnh đó? Dù sao đi nữa thì cũng không thể phó mặc hoàn toàn cho "bàn tay vô hình" của thị trường, mặt khác thật là sai lầm lớn nếu trở lại cơ chế hành chính mệnh lệnh, bao cấp, xin - cho, không đếm xỉa tới các quy luật khách quan của thị trường.
Thứ ba, khủng hoảng đồng hành với chủ nghĩa tư bản hay là quy luật của sản xuất hàng hóa? Các nước xã hội chủ nghĩa dưới thời kế hoạch hóa tập trung có tránh được khủng hoảng không? Các nước chủ trương cải cách và mở cửa theo định hướng xã hội chủ nghĩa có bị khủng hoảng không?
Ngẫm lại, thấy kinh tế Liên Xô, Đông Âu, Trung Quốc cũng đã từng rơi vào khủng hoảng. Ở đây có những nhân tố chính trị đối nội và đối ngoại (ví dụ "đại nhảy vọt", "cách mạng văn hóa" ở Trung Quốc)
Đây có lẽ không chỉ là vấn đề lý luận mà còn có ý nghĩa thực tiễn đáng quan tâm.
Về mặt thực tiễn, cần tính đến các tác động ngắn hạn cũng như tác động trung và dài hạn. Về tác động ngắn hạn đã được bàn thảo nhiều và đang được xử lý.
Những tác động dài hạn là điều đáng được bàn nhiều hơn cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn.
Về lý luận, như trên đã nói, cần làm rõ "cơ chế vận hành" của tình trạng suy giảm, suy thoái, thậm chí khủng hoảng kinh tế dưới chế độ xã hội chủ nghĩa; mối quan hệ giữa sự điều tiết của thị trường và nhà nước trong điều kiện thể chế thị trường và hội nhập. Bên cạnh đó, tác động của cuộc khủng hoảng lần này đặt ra vấn đề về sự cần thiết xử lý thỏa đáng các mối quan hệ sau:
- Mối quan hệ giữa tốc độ với chất lượng, hiệu quả; giữa phát triển theo chiều rộng với phát triển theo chiều sâu. Đứng trước nguy cơ bị tụt hậu ngày càng xa về trình độ phát triển kinh tế, vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh", đương nhiên nước ta cần phát triển nhanh. Vấn đề chỉ là bằng giá nào và nên xử lý thế nào mối tương quan giữa yêu cầu "nhanh"và yêu cầu "bền vững"? Kinh nghiệm thế giới và bản thân nước ta cho thấy, chất lượng, hiệu quả tăng trưởng mới có ý nghĩa quyết định và lâu bền. Bản thân khái niệm "kinh tế" (economy) đã có nghĩa là sản xuất ra nhiều của cải nhất với chi phí ít nhất.
Từ nhận thức như vậy, sẽ nảy sinh nhiều vấn đề về cơ cấu đầu tư, cơ sở sản xuất, cơ chế thị trường... Để bảo đảm chất lượng và hiệu quả tăng trưởng thì hệ số sử dụng đồng vốn mới quan trọng chứ không chỉ là hệ số đầu tư so với GDP.
Vừa qua, kinh tế nước ta phát triển chủ yếu theo chiều rộng, thậm chí có thể coi là một nền kinh tế tiêu hao. Nhân tố vốn chiếm tới 57,5% tăng trưởng, nhân tố lao động chiếm 20%, trong khi ở các nước trong khu vực tỷ lệ đó là 35% - 40%. Tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP quá cao, trong nhiều năm trên 40%, năm 2007 lên tới 45,6%. Trong khi đó, chỉ số ICOR lại kém dần: 2001 - 2005 là 4,89; 2006 là 5; 2007 là 5,4; 2008 là 6,8 và dự kiến kế hoạch năm nay là 6,1.
Trong khi các nước đang hướng tới việc chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất sao cho hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn, nhất là tiết kiệm năng lượng, nếu ta không thay đổi mạnh mẽ thì sự tụt hậu về chất lượng tăng trưởng ngày càng xa hơn.
- Mối quan hệ giữa nhân tố bên trong với nhân tố bên ngoài, giữa nội lực với ngoại lực. Từ lâu ta đã nhấn mạnh "nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng", song như trên đã nói, cho tới nay nền kinh tế nước ta vẫn phụ thuộc quá nặng vào bên ngoài ở cả đầu vào lẫn đầu ra. Vốn nước ngoài hiện nay chiếm trên 30% tổng số vốn xã hội; kim ngạch nhập khẩu lên tới 90,2% GDP vào năm 2007. Còn kim ngạch xuất khẩu năm 2007 chiếm tới 76,8% GDP; nếu cộng cả xuất lẫn nhập khẩu thì bằng 167%. Đó là chưa kể cơ cấu rất không hợp lý: nhóm nông - lâm - thủy sản chiếm tới 20,57%, dầu thô chiếm 16,52% và than chiếm 2,21%. Sản phẩm chế biến tuy chiếm 37,6% song chủ yếu là gia công, lắp ráp. Sản phẩm điện tử, vi tính chỉ chiếm 4,21% mà cũng chỉ là lắp ráp, gia công.
Cuộc khủng hoảng lần này cho thấy, nước nào tùy thuộc quá nhiều vào xuất khẩu càng bị tác động nhiều. Tuy trong giai đoạn hiện nay nước ta vẫn phải dành ưu tiên cao cho xuất khẩu, còn phải nhập khẩu nhiều, song chiến lược trung và dài hạn cần cơ cấu lại theo hướng: giảm tỷ trọng xuất - nhập khẩu trong GDP và phấn đấu xây dựng một cơ cấu tiến bộ; nếu không kinh tế nước ta sẽ luôn luôn kém hiệu quả, sẽ tụt hậu lâu dài, đồng thời khó bề trụ vững trước những sóng gió trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, thị trường trong nước không nhỏ, chẳng bao lâu sau sẽ lên tới 100 triệu dân với thu nhập ngày càng cao, không thể không tăng cường và chấp nhận cạnh tranh ngay trên sân nhà.
Bên cạnh đó, hơn bao giờ hết cần đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa phương tiện thanh toán và dự trữ ngoại tệ để duy trì thế cơ động linh hoạt.
Về mặt chính trị có mấy vấn đề đáng lưu ý:
- Trong hoàn cảnh ngày nay ít có khả năng khủng hoảng đưa tới chiến tranh để phân chia lại thị trường, xu hướng chủ yếu sẽ là tìm cách dàn xếp mâu thuẫn, dung hòa lợi ích để tránh sự sụp đổ toàn hệ thống. Điều đó càng củng cố nhận định của Đảng ta rằng, nguy cơ chiến tranh thế giới bị đẩy lùi, trong vài thập kỷ tới ít có khả năng nổ ra chiến tranh thế giới; hòa bình và hợp tác và phát triển là xu thế lớn.
Mặt khác, khi nước ta đã hội nhập quốc tế và có vị thế quốc tế khá cao thì cần chủ động tham gia vào quá trình dàn xếp, hợp tác quốc tế để hình thành trật tự kinh tế quốc tế mới công bằng và dân chủ.
- Cuộc khủng hoảng lần này cho thấy có sự chuyển dịch "quyền lực toàn cầu". Chúng ta cần theo dõi chặt chẽ, nghiên cứu thấu đáo để có quyết sách thích hợp có lợi nhất cho đất nước cả về chính trị lẫn kinh tế./.
Việt Nam luôn cam kết vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới  (15/05/2009)
Thiết thực, cụ thể, sáng tạo trong Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh  (15/05/2009)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên