TCCSĐT - Ngày 19-6-1975, Việt Nam và Niu Di-lân chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Bốn mươi năm qua, mối quan hệ song phương thực sự có những bước phát triển mạnh mẽ. Hiện nay cả hai bên đang tăng cường, làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác toàn diện, hướng tới quan hệ đối tác chiến lược trong thời gian tới.

Tăng cường sự hiểu biết và tin cậy

Trong 40 năm qua, quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Niu Di-lân ngày càng được củng cố và mở rộng, đặc biệt kể từ khi Niu Di-lân mở Đại sứ quán tại Hà Nội (tháng 11-1995), và Tổng Lãnh sự quán tại Thành phố Hồ Chí Minh, còn Việt Nam lập Đại sứ quán tại Niu Di-lân vào tháng 5-2003. Hai bên thường xuyên trao đổi nhiều đoàn cấp cao và đoàn ngoại giao sang thăm viếng lẫn nhau.

Nhiều nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã sang thăm chính thức Niu Di-lân, trong đó có các đoàn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt (tháng 5-1993), Tổng Bí thư Đỗ Mười (tháng 7-1995), Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (tháng 7-1996 và 02-1997), Thủ tướng Phan Văn Khải (tháng 9-1999), Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Mỹ Hoa (tháng 10-2001), Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên (tháng 02-2004), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (tháng 7-2004),...

Phía Niu Di-lân sang thăm Việt Nam có các đoàn: Thủ tướng Giêm Bôn-gơ (James Bolger, tháng 11-1995), Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Mc Kin-non (tháng 7-1994 và tháng 7-2001), Bà Hê-len Clác (Helen Clark) thăm Việt Nam lần đầu tiên trên cương vị Thủ lĩnh phái Đối lập (năm 1999) và trên cương vị Thủ tướng (tháng 10-2003), Chủ tịch Hạ viện Giô-na-than Hăn (Jonathan Hunt, tháng 4-2000); Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Phin Gốp (tháng 7-2001), Bộ trưởng Đàm phán Thương mại Gi. Xu-tôn (Jim Sutton, tháng 3-2003); Nghị sỹ Quốc hội M. Gan-la-gơ (Martin Gallagher, tháng 7-2003); Bộ trưởng Giáo dục I. Man-lác (Irrevor Mallard, tháng 5-2004); Cựu Thủ tướng M. Mo-rơ (Mike Moore, tháng 4-2005).

Năm 2005 đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ giữa hai nước nhân chuyến thăm chính thức Niu Di-lân của Thủ tướng Phan Văn Khải. Trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, lãnh đạo hai nước đã ký “Tuyên bố về hợp tác giữa Việt Nam và Niu Di-lân”, trong đó khẳng định quyết tâm đẩy mạnh hợp tác để thiết lập mối quan hệ đối tác toàn diện, lâu dài và ổn định giữa hai nước.

Tháng 9-2009, nhân chuyến thăm chính thức Niu Di-lân của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chính phủ hai nước nhất trí nâng quan hệ Việt Nam - Niu Di-lân lên tầm “Đối tác toàn diện”. Đây được coi là cột mốc quan trọng đánh dấu giai đoạn phát triển mới toàn diện và sâu sắc hơn trong quan hệ giữa hai nước. Sau chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Toàn quyền Niu Di-lân Gie-ri Ma-pa-rê và Phu nhân (tháng 8-2013), quan hệ song phương Việt Nam - Niu Di-lân tiếp tục được quan tâm thúc đẩy. Hai bên tích cực triển khai Chương trình hành động giai đoạn 2013 - 2016. Niu Di-lân xác định Việt Nam là đối tác quan trọng và là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại theo hướng tập trung tăng cường quan hệ với các nước châu Á - Thái Bình Dương, coi trọng củng cố quan hệ với các đối tác truyền thống; phát triển các mối quan hệ giúp bảo đảm lợi ích an ninh và kinh tế của Niu Di-lân. Với chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, Việt Nam cũng luôn coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác với Niu Di-lân.

Mới đây nhất, quan hệ song phương được củng cố và làm sâu sắc thêm qua chuyến thăm hữu nghị chính thức Niu Di-lân của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (tháng 3-2015) nhân dịp hai nước kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (19-6-1975 - 19-6-2015). Chuyến thăm thể hiện chính sách nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đối tác toàn diện với Niu Di-lân, mong muốn thúc đẩy hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực, hướng tới thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong thời gian tới.

Từ những bước tiến triển tích cực trong quan hệ hai nước kể từ khi thiết lập quan hệ đối tác toàn diện vào năm 2009 và sau chuyến thăm thành công của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đến Niu Di-lân từ ngày 19-3 đến ngày 20-3-2015, Việt Nam và Niu Di-lân đã nhất trí về một tầm nhìn chung nhằm tăng cường và làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước hiện nay, hướng tới thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong thời gian tới.
Thông qua các cuộc tiếp xúc, trao đổi, lãnh đạo hai nước đã đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng mang tính chiến lược, vừa định hướng tổng thể cho quan hệ hai nước trong thời gian dài, vừa kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, củng cố sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước. Các cơ chế hợp tác, như Tham khảo chính trị cấp thứ trưởng ngoại giao, Ủy ban hỗn hợp về Kinh tế và Thương mại (JTEC), Tham vấn quốc phòng và tư vấn hằng năm về hợp tác phát triển Việt Nam - Niu Di-lân, được hai nước duy trì hiệu quả.

Chính phủ hai nước nhất quán chủ trương cùng phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, như Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Liên hợp quốc, các cơ chế của ASEAN,… Niu Di-lân coi trọng quan hệ hợp tác toàn diện và tin cậy đối với Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam hội nhập khu vực và thế giới; ủng hộ Việt Nam ứng cử thành công vào vị trí Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014 - 2016; khẳng định ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Đặc biệt, với kinh nghiệm là một trong những nước sáng lập Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Niu Di-lân tích cực ủng hộ và phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong quá trình đàm phán TPP, cũng như Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Đa dạng hóa các lĩnh vực hợp tác

Trong hợp tác kinh tế, hiện nay, Niu Di-lân là bạn hàng quan trọng của Việt Nam trong khi Việt Nam là một trong các đối tác thương mại chủ yếu của Niu Di-lân ở châu Á. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Niu Di-lân trong nhiều năm qua không ngừng gia tăng (từ 300 triệu USD năm 2009 tăng lên 750 triệu USD năm 2013, với tốc độ tăng bình quân trên 20%/năm). Tính đến hết tháng 9-2014, kim ngạch thương mại hàng hóa giữa hai nước đạt 590 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2013. Hai nước đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 1 tỷ USD trong năm 2015 và tiến tới con số 1,7 tỷ USD vào năm 2020.

Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Niu Di-lân chủ yếu các mặt hàng, như giày dép, đồ nội thất, gốm sứ, hàng dệt may, cà phê, hạt điều, đồng thời nhập khẩu từ Niu Di-lân các sản phẩm nông nghiệp, như bơ, sữa, da, lông cừu, bột gỗ, hóa chất, thức ăn gia súc. Hoạt động xuất nhập khẩu đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả hai nước, đặc biệt là đối với Việt Nam trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hiện nay, Niu Di-lân đứng thứ 42 trong số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, với 25 dự án đầu tư trực tiếp (FDI) với tổng số vốn đăng ký gần 82 triệu USD, vốn thực hiện đạt 44,23 triệu USD. Các dự án của Niu Di-lân chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, gỗ, lâm sản, thăm dò khai thác chế biến quặng ni-ken, xây dựng trong lĩnh vực truyền thông, tấm lợp mạ màu, sản xuất hàng mây tre xuất khẩu, kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn, chế biến sữa và sản xuất đồ uống. Hiện nay, Việt Nam cũng có 2 dự án liên doanh đầu tư tại Niu Di-lân là Công ty Sữa Vinamilk liên doanh với công ty Mikara và dự án do một cá nhân Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ.

Trong nhiều năm, bên cạnh các dự án đầu tư trực tiếp, Niu Di-lân còn là nước viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn cho Việt Nam. Niu Di-lân bắt đầu cấp ODA cho Việt Nam từ năm 1995 với mức ODA tăng dần và ổn định qua các năm, từ 3,2 triệu đô-la Niu Di-lân năm tài khóa 2003 - 2004 lên 10,5 triệu đô-la Niu Di-lân năm tài khóa 2012 - 2013, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực, như phát triển nguồn nhân lực, giáo dục - đào tạo, phát triển nông nghiệp - nông thôn, phát triển bền vững.

Cùng với việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển, Việt Nam và Niu Di-lân còn tích cực triển khai mạnh mẽ các hoạt động hợp tác rộng rãi trên nhiều lĩnh vực khác, như giáo dục - đào tạo, an ninh - quốc phòng, giao thông - vận tải, phát triển nguồn nhân lực, giao lưu văn hóa, du lịch,...

Trong hợp tác giáo dục - đào tạo, hằng năm, Niu Di-lân cấp một số lượng đáng kể học bổng để đào tạo đại học và sau đại học cho các sinh viên và cán bộ khoa học - kỹ thuật của Việt Nam. Hiện có khoảng 2.000 sinh viên Việt Nam đang học tại Niu Di-lân (đứng thứ chín trong số các quốc gia có sinh viên học tại Niu Di-lân ). Năm 2012, nhân chuyến thăm của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Niu Di-lân, hai nước ký Thỏa thuận hợp tác về Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2 từ năm 2012 - 2015. Niu Di-lân tiếp tục cấp học bổng cho sinh viên và nghiên cứu sinh theo học các chuyên ngành khác nhau tại các trường đại học của Niu Di-lân và duy trì chương trình đào tạo nâng cao trình độ tiếng Anh cho giáo viên, cán bộ và cán bộ cấp cao của Chính phủ Việt Nam, khả năng hợp tác về dạy nghề, đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ cho Việt Nam. Nhiều trường đại học của Niu Di-lân, như Đại học Vích-to-ri-a, Đại học Công nghệ Auckland (AUT) đã có quan hệ hợp tác, liên kết đào tạo trực tiếp với một số trường đại học Việt Nam, như Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quy Nhơn. Đây là một hướng hợp tác hiệu quả và có triển vọng phát triển trong thời gian tới giữa hai nước trong lĩnh vực hợp tác giáo dục - đào tạo.

Quan hệ an ninh - quốc phòng luôn được hai nước quan tâm đẩy mạnh. Việt Nam và Niu Di-lân chính thức thiết lập quan hệ quốc phòng vào tháng 2-2002, đến tháng 11-2003 hai nước ký Thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương. Kể từ đó đến nay, hai bên thường xuyên trao đổi các cuộc viếng thăm giữa quân đội hai nước; hoạt động tham vấn quốc phòng (cấp Cục trưởng đối ngoại) được duy trì hằng năm. Tháng 5-2003, Bộ Công an Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ hợp tác, trao đổi thông tin tội phạm với các cơ quan thực thi pháp luật của Niu Di-lân. Tháng 5-2010, hai bên đã ký Thỏa thuận hợp tác cảnh sát và phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, nhân chuyến thăm Việt Nam của Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Niu Di-lân. Hai bên cũng nhất trí tăng cường tham vấn trên các diễn đàn đa phương và đối thoại song phương ở cả cấp chiến lược, cũng như cấp thừa hành; đồng thời khẳng định tiếp tục mở rộng các hoạt động hợp tác đào tạo về nâng cao tiếng Anh và chuyên ngành cho các binh chủng, đặc biệt là giúp đỡ bồi dưỡng lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam tại Liên hợp quốc.

Nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược trong tương lai

Trên tinh thần “Đối tác toàn diện” hướng tới thiết lập quan hệ “Đối tác chiến lược” trong tương lai, hai bên nhất trí đẩy mạnh quan hệ hợp tác, tiếp tục triển khai nhiều dự án trên các lĩnh vực.

Một là, tiếp tục tăng cường quan hệ chính trị có độ tin cậy cao thông qua cơ chế trao đổi đoàn các cấp, thúc đẩy giao lưu Quốc hội, chính đảng, chính quyền địa phương và nhân dân hai nước theo hướng thực chất, cụ thể là tập trung vào các lĩnh vực là thế mạnh của nhau; tích cực ủng hộ ứng cử của nhau tại các cơ quan của Liên hợp quốc, cũng như các diễn đàn, tổ chức quốc tế khác.

Hai là, đẩy nhanh việc tìm kiếm và cụ thể hóa các khả năng mới, nhằm đạt mục tiêu tăng gấp đôi tổng kim ngạch thương mại hàng hóa và dịch vụ song phương từ 860 triệu USD hiện nay lên mức 1,7 tỷ USD vào năm 2020.

Ba là, tăng cường hợp tác trên hai lĩnh vực chiến lược là nông nghiệp và giáo dục. Bên cạnh đó, thúc đẩy kết nối hàng không giữa hai nước, bao gồm việc đánh giá thường xuyên quá trình triển khai Thỏa thuận dịch vụ vận chuyển hàng không song phương và đặt mục tiêu mở đường bay thẳng giữa hai nước vào năm 2017. Phát triển kế hoạch “kết nối” giữa hai nước nhằm tăng cường nhận thức và sự quan tâm của người dân Niu Di-lân và Việt Nam, bao gồm đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình lao động kỳ nghỉ, phát triển các cơ chế trao đổi thiết thực, như giao lưu doanh nghiệp và lãnh đạo trẻ, thúc đẩy kết nối giáo dục, du lịch và văn hóa,…

Bốn là, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho kiều dân hai nước sinh sống, lao động và học tập trên lãnh thổ của nhau, phù hợp với luật pháp hai nước; chú trọng hơn nữa đến hợp tác trong những lĩnh vực có thế mạnh, như kỹ thuật quân sự, đầu tư hạ tầng, công nghệ thông tin và truyền thông, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, chống thiên tai, dịch bệnh./.