APEC nỗ lực vì một châu Á - Thái Bình Dương gắn kết, sáng tạo
Chiều ngày 11-11, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Hồ Nhạn Thê ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, các nhà lãnh đạo APEC tiếp tục Phiên thảo luận về “Đẩy mạnh kết nối toàn diện và phát triển hạ tầng cơ sở”.
Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường kết nối toàn diện đối với tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh kết nối hàng hải và hàng không, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau, thúc đẩy sự thịnh vượng và tinh thần cộng đồng ở châu Á - Thái Bình Dương.
Các nhà lãnh đạo hoan nghênh những thành quả mà các thành viên APEC đã đạt được về hợp tác tăng cường kết nối và phát triển kết cấu hạ tầng, đồng thời ghi nhận nỗ lực của các nền kinh tế thành viên trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác công - tư (PPP) về hạ tầng cơ sở thông qua các sáng kiến trong khuôn khổ APEC.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh những thành tựu nổi bật của APEC trong hơn hai thập kỷ qua về việc hình thành một mạng lưới hợp tác và liên kết đa tầng nấc, từ cấp tiểu vùng, khu vực đến cả châu Á - Thái Bình Dương rộng lớn. Chủ tịch nước hoan nghênh và ủng hộ Kế hoạch tổng thể kết nối APEC giai đoạn 2015 - 2025 và những quyết định quan trọng nhằm tăng cường kết nối, đặc biệt là phát triển hạ tầng cơ sở giữa các thành viên APEC. Chủ tịch nước nhất trí cần sớm nỗ lực huy động nguồn lực tài chính và hỗ trợ kỹ thuật cần thiết, thông qua các cơ chế hợp tác minh bạch và vì mục tiêu phát triển.
Để kết nối khu vực toàn diện, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị các thành viên cần chú trọng hợp tác ứng phó với các thách thức toàn cầu, hỗ trợ nâng cao năng lực cho các thành viên đang phát triển, đẩy mạnh hợp tác giáo dục và đào tạo, tăng cường hợp tác công tư, phát huy vai trò không thể thiếu của các doanh nghiệp... Chủ tịch nước cho rằng, vấn đề thiết yếu là cần gắn kết các khuôn khổ kết nối ở mọi tầng nấc của khu vực, bảo đảm tính bổ trợ, phối hợp trong đề xuất và triển khai các sáng kiến của các khuôn khổ này.
Chủ tịch nước nhấn mạnh “Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN” cùng các dự án kết nối hạ tầng cơ sở ở ASEAN lục địa và tiểu vùng Mekong mà các thành viên ASEAN đang triển khai mạnh mẽ có thể được coi là một hạt nhân thúc đẩy kết nối ở châu Á - Thái Bình Dương. Kết nối khu vực cùng tăng trưởng kinh tế và giảm khoảng cách phát triển là những nội hàm then chốt của một Cộng đồng ASEAN tự cường, hài hòa và gắn kết.
Ngay sau đó, các nhà lãnh đạo APEC tiếp tục phiên thảo luận toàn thể thứ hai về “Phát triển sáng tạo, cải cách và tăng trưởng kinh tế”. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh triển vọng về sự thịnh vượng chung của APEC sẽ phụ thuộc vào phát triển sáng tạo, cải cách kinh tế và tăng trưởng ở khu vực và châu Á - Thái Bình Dương đang ở giai đoạn then chốt của quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế.
Các nhà lãnh đạo khẳng định ủng hộ các nỗ lực thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế và nâng cấp các ngành truyền thống, khai thác những tiềm năng tăng trưởng kinh tế mới, như kinh tế xanh, kinh tế biển, kinh tế mạng, phát triển nguồn nhân lực, tránh bẫy thu nhập trung bình... Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh cam kết đẩy nhanh tốc độ cải cách, sáng tạo và cùng nỗ lực nâng cao vị thế của châu Á - Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, trong bối cảnh hệ lụy của khủng hoảng tài chính còn tác động sâu sắc, phục hồi kinh tế thế giới chưa vững chắc, phát triển sáng tạo và cải cách cần gắn với các nỗ lực phát triển bền vững, giảm khoảng cách phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và bình đẳng giới.
Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ “Lộ trình an ninh lương thực của APEC đến 2020”, vì an ninh lương thực là một trong những thách thức của nhân loại trong thế kỷ 21. Theo đó, Chủ tịch nước đề nghị cần coi trọng thỏa đáng mối quan hệ mật thiết, không thể tách rời giữa an ninh lương thực với an ninh nguồn nước; cần thúc đẩy hơn nữa hợp tác trao đổi và ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp theo hướng thân thiện với môi trường sinh thái và thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại cho các sản phẩm lương thực nhằm bảo đảm khả năng tiếp cận lương thực của người dân.
Chủ tịch nước cho rằng, việc thúc đẩy hợp tác kinh tế biển trên cơ sở cùng có lợi, bảo đảm hài hòa lợi ích của các thành viên sẽ góp phần làm sâu rộng hợp tác APEC trong giai đoạn mới, trong đó hợp tác ứng phó thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, hợp tác ngư nghiệp, ứng dụng khoa học - công nghệ... là những nội hàm không thể thiếu.
Trước những thách thức và nguy cơ bất ổn hiện nay về môi trường an ninh và phát triển ở khu vực, vấn đề then chốt là chúng ta cần tiếp tục thúc đẩy đối thoại và mọi nỗ lực phù hợp với luật pháp quốc tế và quy tắc ứng xử khu vực nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và cùng hợp tác phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông Nam Á và Biển Đông.
Chủ tịch nước đề nghị, quá trình triển khai hợp tác cần theo hướng tiếp cận tổng hợp, đa ngành, bảo đảm được yếu tố cân bằng giữa phát triển kinh tế - xã hội với quản lý và bảo tồn nguồn lợi hệ sinh thái biển, ven biển bền vững và bảo đảm bình đẳng xã hội, sinh kế cho cộng đồng ngư dân ven biển. Chủ tịch nước khẳng định với quyết tâm đẩy mạnh đổi mới, Việt Nam đang triển khai mạnh tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững. Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng các thành viên thúc đẩy phát triển sáng tạo, cải cách và tăng trưởng kinh tế.
Kết thúc, Hội nghị đã thông qua hai Tuyên bố của các nhà lãnh đạo APEC về “Chương trình nghị sự Bắc Kinh vì một châu Á - Thái Bình Dương gắn kết, sáng tạo và kết nối” và “Định hình tương lai thông qua quan hệ đối tác châu Á - Thái Bình Dương” cùng bốn văn kiện kèm theo về “Lộ trình Bắc Kinh về đóng góp của APEC đối với việc thực hiện Khu vực thương mại tự do toàn châu Á - Thái Bình Dương - FTAAP”, “Kế hoạch chiến lược của APEC về thúc đẩy hợp tác và phát triển các chuỗi giá trị toàn cầu”, “Thỏa thuận APEC về phát triển sáng tạo, cải cách kinh tế và tăng trưởng” và “Kế hoạch tổng thể kết nối APEC 2015 - 2025”.
Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 22 đã kết thúc, chuyển thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm và nỗ lực của các nền kinh tế thành viên vì một châu Á - Thái Bình Dương gắn kết, sáng tạo và kết nối, góp phần nâng cao vị thế của APEC và duy trì vai trò của khu vực châu Á - Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 23 sẽ được tổ chức tại Philppines vào năm 2015./.
Tổng thống Obama: Mỹ không có ý định kiềm chế Trung Quốc  (12/11/2014)
Ấn Độ: ASEAN là hạt nhân trong chính sách “Hành động phía Đông”  (12/11/2014)
Thành lập Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam  (12/11/2014)
Hungary sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm lĩnh vực tư pháp với Việt Nam  (12/11/2014)
Thủ tướng Medvedev: “Việt Nam là đối tác chiến lược của Nga”  (12/11/2014)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Tổng Thư ký Liên hợp quốc  (12/11/2014)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên