Thành lập Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam
Ngày 12-11, tại Hà Nội đã diễn ra Đại hội thành lập Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam với sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã gửi lẵng hoa chúc mừng Đại hội.
Phát biểu tại Đại hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ trong suốt chiều dài mấy nghìn năm lịch sử, dân tộc ta đã phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc. Việt Nam phải gánh trên mình một lượng bom đạn khổng lồ và được biết đến như một đất nước bị ô nhiễm bởi bom mìn, vật nổ nặng nề nhất thế giới.
Chiến tranh đã qua đi hơn 30 năm nhưng hơn 20% diện tích đất đai trải khắp 63 tỉnh, thành phố ước tính vẫn còn 800.000 tấn bom mìn, vật liệu nổ trong lòng đất, sông hồ và ven biển.
Ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, đời sống sinh hoạt của cộng đồng và phát triển kinh tế, xã hội; vẫn còn trên 102.000 nạn nhân của bom mìn, trong đó có khoảng 42.000 người chết, 62.000 người bị thương. Điều đáng nói là con số đó vẫn hằng ngày, hàng giờ, hàng phút có nguy cơ tiếp tục gia tăng.
Phó Thủ tướng khẳng định công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn được cộng đồng chung sức tạo thành những phong trào thiết thực. Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Mặc dù còn nghèo nhưng Nhà nước đã dành nguồn ngân sách lớn hàng nghìn tỷ đồng/năm cho công tác này.
Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh được xây dựng nhằm mục tiêu huy động nguồn lực trong xã hội và quốc tế và giảm thiểu hoàn toàn tác động của bom mìn đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an toàn cho nhân dân, giúp đỡ nạn nhân bom mìn hòa nhập với xã hội.
Cùng với nỗ lực của Nhà nước, Quân đội Nhân dân Việt Nam, công tác khắc phục hậu quả bom mìn đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là “mẫu mực” trong khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Mặc dù vậy, do sự ô nhiêm nặng nề trên một diện tích rất rộng, địa hình hiểm trở nên sẽ phải mất hàng chục, thậm chí hàng trăm năm cùng với một lượng kinh phí rất lớn mới có thể khắc phục được hoàn toàn hậu quả ô nhiễm do bom mìn, vật liệu nổ.
Chúc mừng thành công của Đại hội thành lập Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, Phó Thủ tướng nhấn mạnh Hội được thành lập bởi đa số những người đã trải qua những tháng năm chiến tranh khốc liệt - những người dù tuổi không còn trẻ nhưng mang trong mình dòng máu “mãi mãi tuổi 20” với mong muốn được cống hiến cho đất nước.
Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam sẽ là nòng cốt để tập hợp lực lượng ngày càng sâu rộng thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục phòng tránh, vận động tài trợ, tham gia làm đối ngoại nhân dân; là nhịp cầu nối những tấm lòng nhân ái của nhân dân cả nước cũng như của cộng đồng quốc tế với những nạn nhân bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh, giúp họ vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống hòa nhập cộng đồng.
Phó Thủ tướng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, trước hết là Ban Thường trực cơ quan Ban Chỉ đạo cấp Nhà nước về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi để Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam hoàn thành tôn chỉ, mục đích và phát triển.
Phó Thủ tướng mong muốn Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam sẽ phát triển vững mạnh, hoạt động hiệu quả, góp phần quan trọng để khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, cũng như công cuộc đoàn kết toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại hội đã thảo luận, thông qua Điều lệ, chương trình hành động hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn giai đoạn 2015 - 2020 và bầu Ban Chấp hành gồm 35 người. Trung tướng Nguyễn Đức Soát, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam được bầu làm Chủ tịch hội. Đại hội cũng đã bầu 5 Phó Chủ tịch Hội và 13 Ủy viên Thường vụ.
Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam là tổ chức xã hội, tổ chức, hoạt động theo Điều lệ được Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt, tuân thủ quy định của pháp luật, chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hội.
Mục đích, tôn chỉ của Hội là Tuyên truyền trong nhân dân về chủ trương, chính sách của Nhà nước về nhiệm vụ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam; về các biện pháp phòng tránh nhằm hạn chế tối đa hậu quả của bom mìn, trọng tâm là các địa phương bị ô nhiễm bom mìn nặng.
Hội cũng sẽ tuyên truyền, thuyết phục các quốc gia, các tổ chức quốc tế về nghĩa vụ, trách nhiệm hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả bom mìn; vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức phi chính phủ quốc tế hỗ trợ nguồn lực cho việc khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam để tiếp tục rà phá bom mìn và hỗ trợ nạn nhân bị tai nạn.
Sau khi thành lập, Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam sẽ tập trung xây dựng, phát triển tổ chức bộ máy; củng cố kiện toàn, ổn định biên chế, tổ chức cấp Trung ương; chú trọng phát triển đội ngũ hội viên ở các địa phương và căn cứ vào thực tế để thành lập các chi hội.
Hội, các chi hội địa phương phấn đấu thực sự là hạt nhân tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các nạn nhân trên địa bàn hoạt động, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng của Hội./.
Hungary sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm lĩnh vực tư pháp với Việt Nam  (12/11/2014)
Thủ tướng Medvedev: “Việt Nam là đối tác chiến lược của Nga”  (12/11/2014)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Tổng Thư ký Liên hợp quốc  (12/11/2014)
Tăng mức lương tối thiểu vùng từ ngày 01-1-2015  (12/11/2014)
Chủ tịch nước gặp các nhà lãnh đạo Nga, Hàn Quốc và New Zealand  (12/11/2014)
Quốc hội thảo luận dự thảo Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước  (11/11/2014)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên