TCCSĐT - Tiếp tục Chương trình làm việc, ngày 11-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; thảo luận ở tổ về dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Trong buổi thảo luận tại Hội trường sáng 11-11 về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, nhiều ý kiến cho rằng cần quy định cụ thể, chặt chẽ hoạt động sử dụng vốn của doanh nghiệp; giám sát việc đầu tư để tránh tiêu cực, thất thoát nguồn vốn của nhà nước...

Đối với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, đại biểu Trần Xuân Hòa (Quảng Ninh) đề nghị cấu trúc lại Điều 1 quy định về phạm vi điều chỉnh theo hướng luật này quy định đầu tư vốn Nhà nước vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào hoạt động kinh doanh tại doanh nghiệp; giám sát việc đầu tư, quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào hoạt động kinh doanh tại doanh nghiệp.


Có ý kiến đề nghị làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, đề nghị rà soát để tránh chồng chéo với một số luật, dự án luật có liên quan như Luật đầu tư công, Luật doanh nghiệp (sửa đổi).

Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, dự án Luật này chỉ quy định các nội dung về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; đối với việc đầu tư vào các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội… được quy định tại Luật đầu tư công; quản trị doanh nghiệp được quy định tại dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi). Do vậy, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật không chồng chéo, trùng lặp với các luật có liên quan.

Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị dự thảo luật phải tạo đột phá về thể chế nhằm tác động mạnh mẽ đến tái cơ cấu nền kinh tế đất nước, gắn kết chặt chẽ với hệ thống pháp luật có liên quan đã ban hành như Luật đầu tư công, Luật phòng chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng như các dự án luật liên quan đang được Quốc hội xem xét tại kỳ họp lần này. Đặc biệt cần phải phân định rõ về thẩm quyền gắn với trách nhiệm của tổ chức cá nhân từ Chính phủ, bộ, ngành trung ương đến các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Về nguyên tắc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Điều 5 của dự thảo Luật được xây dựng theo hướng quy định cụ thể các nguyên tắc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhưng đồng thời bảo đảm doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước hoạt động bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác theo quy định của Hiến pháp.

Vấn đề này, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) đề nghị với doanh nghiệp Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ , để ngăn chặn tình trạng tham nhũng, lãng phí, thất thoát vốn Nhà nước trong nhiều trường hợp, các cơ quan quản lý Nhà nước phải can thiệp ngay vào hoạt động quản lý điều hành của người quản lý doanh nghiệp.

Trên cơ sở tán thành với 8 nguyên tắc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, tuy nhiên đại biểu Trương Văn Vở vẫn còn băn khoăn và cho rằng nên quy định đậm nét nguyên tắc: cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về việc quản lý sử dụng vốn đầu tư của nhà nước.

Theo đại biểu đây chính là cơ sở để gắn kết nhất quán giữa thẩm quyền, trách nhiệm của tổ chức cá nhân ở Chương 2 về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp với Chương 5 về quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước. Đây chính là điều kiện bảo đảm kinh doanh sản xuất có hiệu quả, bảo tồn, bảo toàn, gia tăng giá trị vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, phòng chống thất thoát, lãng phí vốn Nhà nước và doanh nghiệp.

Điều 7: Đại diện chủ sở hữu nhà nước là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Đại biểu Đỗ Văn Vẻ cho rằng việc nghiên cứu thành lập một cơ quan chuyên trách về quản lý và giám sát toàn bộ vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp tạo được đột phá, thay đổi cơ bản trong việc quản lý doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước, tách biệt chức năng quản lý Nhà nước và chức năng chủ sở hữu doanh nghiệp, đảm bảo công khai minh bạch trong đánh giá hiệu quả sử dụng vốn doanh nghiệp Nhà nước, tăng cường trách nhiệm của cá nhân và tổ chức đối với việc đầu tư, quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đại biểu đồng tình với ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc Luật không quy định cứng việc thành lập một cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước bởi đó là vấn đề rất quan trọng cần có sự chuẩn bị chu đáo. Đại biểu cũng đề nghị bổ sung vào Điều 7 hai khoản với nội dung theo những nguyên tắc sau: đối với cơ quan chủ sở hữu không nhất thiết trực tiếp tham mưu, soạn thảo chính sách, không trực tiếp tham gia, kiểm soát điều tiết thị trường và thực hiện các nhiệm vụ quản lý tài chính khác.

Qua thảo luận về phạm vi đầu tư vốn Nhà nước vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp theo các hình thức đầu tư, đại biểu Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh) và nhiều ý kiến khác đồng tình với Điều 10 của dự thảo Luật đã cụ thể hóa những ngành, lĩnh vực Nhà nước sẽ đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp theo từng hình thức đầu tư cụ thể trên cơ sở Kết luận số 50-KL/TW ngày 29-10-2012 tại Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Đề án tiếp tục sắp xếp đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước.

Đánh giá về Điều 10: Phạm vi đầu tư vốn Nhà nước để thành lập doanh nghiệp, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng phạm vi trong dự thảo luật còn rộng và chưa cụ thể; khó xác định được giới hạn danh mục ngành cần đầu tư vốn, tạo động lực cho các ngành, phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế, ổn định xã hội, kinh tế nhà nước. Do đó, đại biểu đề nghị cần quy định rõ hơn các ngành, nghề, lĩnh vực nhà nước phải đầu tư 100% vốn; những ngành Nhà nước tham gia góp vốn nhưng tỷ lệ vốn góp phải đạt tỷ lệ chi phối hoạt động của doanh nghiệp; các lĩnh vực Nhà nước không cần đầu tư vốn để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa của Nhà nước tại doanh nghiệp...

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến cụ thể về đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp; tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động; tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý doanh nghiệp; giám sát hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp...

Buổi chiều, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Được coi là “luật của luật”, là nền tảng pháp lý cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, Luật ban hành văn bản pháp luật được các đại biểu nhìn nhận là đạo luật rất quan trọng trong hệ thống pháp luật nước ta. Luật ban hành văn bản pháp luật được sửa đổi, xây dựng trong bối cảnh Quốc hội vừa thông qua Hiến pháp mới, tạo khuôn khổ hiến định rộng lớn cho việc xác định rõ hơn sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; đề cao quyền con người, quyền công dân, theo đó, quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật.

Từ đánh giá này, đại biểu cho rằng cần thiết xây dựng, ban hành Luật ban hành văn bản pháp luật trên cơ sở sửa đổi, bổ sung và hợp nhất Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2004.

Theo đại biểu Đào Văn Bình (Hà Nội), việc hợp nhất hai luật để khắc phục những tồn lại, hạn chế thời gian qua là hết sức cần thiết, trong đó có việc xác định lại thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các chủ thể theo hướng hạn chế về số lượng cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản, đơn giản hóa trình tự thủ tục ban hành nhằm đáp ứng được yêu cầu quản lý kinh tế, xã hội trong bối cảnh và tinh thần của Hiến pháp mới.

Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng với việc sáp nhập hai Luật thành một với tên gọi Luật ban hành văn bản pháp luật khiến cho Luật có phạm vi điều chỉnh rộng và không rõ ràng. Với tên gọi Luật ban hành văn bản pháp luật là chưa đầy đủ, chưa phản ánh hết các nội dung được nêu trong dự thảo, đặc biệt là quá trình tổ chức thực hiện văn bản pháp luật được coi là khâu có tính chất quyết định đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước thông qua chức năng xây dựng, ban hành văn bản pháp luật và là thước đo giá trị thực tế của văn bản, đại biểu Đào Văn Bình khẳng định.

Trong khi đại biểu Đào Văn Bình đề nghị đổi tên Luật thành Luật ban hành và tổ chức thực hiện văn bản pháp luật thì các đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), Lê Đông Phong và Trương Thị Ánh (Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị giữ nguyên tên gọi là Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật như tên gọi trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014.

Theo đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội), tên gọi và phạm vi điều chỉnh của dự án Luật còn miễn cưỡng, không phù hợp. Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng phạm vi điều chỉnh được liệt kê trong dự án Luật chưa đầy đủ; đề nghị phân định rõ văn bản pháp luật với văn bản quy phạm pháp luật, chủ thể nào có thẩm quyền ban hành.

Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù dự thảo Luật đã lược bỏ bớt thẩm quyền của một số chủ thể theo hướng thu gọn, hạn chế số lượng chủ thể có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật nhưng sự cải cách này là chưa triệt để, chưa thực sự phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013. Để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống văn bản pháp luật cũng như tính hiệu lực đồng bộ, cần mạnh dạn hơn nữa hạn chế số lượng chủ thể có thẩm quyền ban hành và hình thức văn bản pháp luật được ban hành.

Đại biểu Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng có 3 loại văn bản lập pháp, lập quy và ủy quyền lập pháp, cần làm rõ thế nào là lập pháp và ủy quyền lập pháp, tách biệt rõ ràng lập pháp và lập quy, không sử dụng pháp luật chung chung. Việc quy định như Điều 13 trong dự thảo Luật là chưa hợp lý, Chính phủ không được ban hành chính sách mà Hội đồng nhân dân lại được ban hành là không có trật tự, cái gốc không làm, lại đi làm ngọn. Cần làm rõ Quốc hội lập pháp, Chính phủ, Toà án lập quy.

Nhận định xã hội nảy sinh nhiều vấn đề luật không bao trùm hết được dẫn đến việc xét xử luôn khó khăn, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (Thành phố Hồ Chí Minh) nêu quan điểm: việc Chánh án Toà án tối cao không được ban hành các văn bản quy phạm pháp luật sẽ dẫn đến tình trạng cấp xét xử trên toàn quốc không thể thống nhất với nhau được, ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ.

Các đại biểu cũng thống nhất không nên để chính quyền cấp xã, huyện có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật, bởi hai cấp này chủ yếu là tổ chức thực hiện.

Cho ý kiến vào nội dung Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đa số đại biểu tán thành việc cần thiết phải xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa với những đổi mới căn bản, toàn diện về mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục và quản lý, thực hiện chương trình.

Tuy nhiên, nội dung Đề án, nhất là về lộ trình thực hiện, việc xây dựng một hay nhiều bộ sách, Bộ Giáo dục và Đào tạo có nên tham gia xây dựng một bộ sách, thay đổi toàn bộ sách giáo khoa hay thay đổi có tính kế thừa... là những vấn đề nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Huỳnh Minh Thiện (Thành phố Hồ Chí Minh), đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) và một số đại biểu cho rằng, việc xây dựng Đề án là rất cần thiết nhưng chất lượng của Đề án cần được quan tâm hơn. Đại biểu Huỳnh Minh Thiện cho rằng việc ban hành đề án là rất cần nhưng chưa đủ, vì muốn đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục thì phải đổi mới chương trình sách giáo khoa, phương pháp giáo dục và đội ngũ cán bộ, quản lý và cần có lộ trình cụ thể các bước trên. Còn đại biểu Lê Nam thì đề nghị mục tiêu của đề án cần được thể hiện ngắn gọn, rõ ràng hơn với 4 yêu cầu chính được đặt ra đối với việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Đại biểu Võ Thị Dung (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng lộ trình, phương pháp làm còn gây nhiều băn khoăn khi chưa đánh giá được tác động của việc thực hiện đề án đối với đến xã hội, kết quả đổi mới sẽ tác động thế nào đối với đất nước.

Bày tỏ đồng tình với chủ trương một chương trình nhiều sách giáo khoa, các đại biểu Huỳnh Minh Thiện, Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh), Bùi Thị An (Hà Nội)... đều cho rằng, chủ trương này mang lại nhiều lợi ích vì đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người sử dụng sách giáo khoa, có nhiều sách giáo khoa phù hợp với từng vùng, miền, đặc điểm của địa phương, huy động được trí tuệ của các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân... Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, cần có từ 4 đến 5 bộ sách giáo khoa là phù hợp.

Tuy nhiên, các đại biểu bày tỏ không đồng tình với phương án Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa, các tổ chức, cá nhân biên soạn các sách giáo khoa khác vì theo đại biểu Huỳnh Minh Thiện, đại biểu Võ Thị Dung và một số đại biểu, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn sách giáo khoa là "vừa đá bóng vừa thổi còi", vừa soạn sách, vừa quản lý thì không khách quan khi đánh giá chất lượng sách giáo khoa. Khi Bộ biên soạn sách, sẽ khiến cho các Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương phải dùng vì nếu Bộ biên soạn sẽ phải lấy ngân sách nhà nước, nếu không dùng thì sẽ rất lãng phí...

Các đại biểu cũng bày tỏ lo lắng khi đề án chưa có đánh giá toàn diện về bộ sách giáo khoa cũ và đặt câu hỏi sẽ thay toàn bộ sách hay chỉ thay sách có nội dung không phù hợp; đồng thời đề nghị quy định rõ ràng nội dung này trong đề án. Bên cạnh đó, cần có đánh giá toàn diện về chương trình sách giáo khoa hiện hành một cách chi tiết, cụ thể hơn, xác định rõ những gì phù hợp và chưa phù hợp... bởi chỉ khi đánh giá được những nội dung trên mới xây dựng được lộ trình phù hợp cho công tác đổi mới.

Đa số đại biểu bày tỏ băn khoăn vì thay đổi lớn đối với giáo dục như vậy mà không thực hiện thí điểm và năm 2018 đã thực hiện đại trà là không nên, cần có bước đi cẩn trọng hơn, cần có thí điểm, đánh giá những mặt được và chưa được... Nhiều đại biểu đặt vấn đề tuổi thọ của bộ sách giáo khoa sắp tới, phương án tổ chức cá nhân tham gia xây dựng bộ sách thì phương thức thực hiện sẽ ra sao... vẫn chưa được đề cập trong đề án./.