TCCSĐT - Chiều ngày 11-11-2014 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đại sứ quán Thụy Điển và SENTECH phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố tổ chức Hội thảo “Đổi mới sáng tạo của Thụy Điển thúc đẩy công nghệ sạch toàn cầu”. Đây là dịp cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm của các nhà khoa học và quản lý của hai bên.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Annika Rembe, Tổng Giám đốc Viện Thụy Điển cho biết: Hiện nay, dù chỉ chiếm 0,14% dân số thế giới, với diện thích nhỏ nhưng Thủy Điển lại là một trong những quốc gia sáng tạo nhất thế giới. Bà Annika Rembe nhấn mạnh: “Đất nước chúng tôi có chính sách tạo điều kiện đến trường cho tất cả mọi công dân, đồng thời cởi mở đón nhận những ý tưởng mới. Chính phủ cũng luôn hỗ trợ bền vững về tài chính, cũng như khuyến khích các hệ thống sáng tạo nên đã tạo ra một môi trường đầy tò mò, sáng kiến, đem lại mảnh đất màu mỡ cho những đổi mới về kinh tế”. Vì thế, bà Annika Rembe mong muốn các nhà khoa học, quản lý của Việt Nam và Thụy Điển tiếp tục mở rộng phạm vi hợp tác, tăng cường trao đổi công tác nghiên cứu, kinh nghiệm và sự hiểu biết lẫn nhau.

Các đại biểu của Việt Nam tại hội thảo cho biết: Do đang trải qua quá trình đô thị hóa nên Việt Nam chịu tác động mạnh bởi các vấn đề rác thải và ô nhiễm môi trường. Việt Nam còn thiếu thông tin về công nghệ (đa số lạc hậu so với thế giới), trong khi kinh nghiệm về việc vận hành và xử lý rác thải chưa cao. Từ năm 2012, WTM (Environmental Solution - Công ty hàng đầu Thụy Điển về chất thải nguy hại) đã hỗ trợ Việt Nam xử lý rác thải tại các khu vực khu công nghiệp, các khu dân cư, bệnh viện như hệ thống biogas, lò đốt rác thải độc hại, công nghệ xử lý rác thải y tế, hệ thống xử lý rác thải,…, giúp cho nhiều địa phương Việt Nam tiết kiệm chi phí xử lý ô nhiễm rác thải.

Đối với lĩnh vực môi trường, tại hội thảo, nhiều ý kiến phát biểu, trong đó có các nhà khoa học Thụy Điển đã khuyến nghị Việt Nam nên có các chính sách khuyến khích phát triển công nghệ sạch thông qua các hình thức cuộc thi, từ đó khuyến khích sự sáng tạo trong xã hội. Ở nội dung này, ông Bengt Malmberg, cán bộ Mạng lưới Kinh doanh bền vững HUB, lấy ví dụ: Để ứng phó với điều kiện thời tiết rất lạnh vào mùa đông và một khoảng thời gian dài trong năm không có ánh sáng mặt trời, người dân Thụy Điển đã phụ thuộc vào ánh sáng nhân tạo. Ông Bengt Malmberg chia sẻ kinh nghiệm: Việc sử dụng điện thắp sáng rất tốn kém, nên một chính sách đã được Chính phủ nước này nêu ra để huy động sự sáng tạo của công dân, các trường đại học, kể cả khu vực công, cũng như các công ty. Nhiều đề tài đã được áp dụng. Ông Bengt Malmberg nhấn mạnh “thực tế đã cho thấy việc đầu tư mạnh về khoa học, kỹ thuật là bước đi đúng đắn để tạo ra sự cải thiện về môi trường, thế nhưng chính nguồn nội lực sáng tạo của mỗi quốc gia mới quyết định những sự khác biệt”./.