Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
TCCS - Được ví như “nàng tiên thức giấc giữa đại ngàn” với lợi thế các hang động còn nguyên nét hoang sơ và kết cấu độc đáo, kiến tạo địa chất nhiều bí ẩn, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, Đắk Nông được đánh giá là một trong những địa phương hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để tạo ra bước đột phá về phát triển du lịch trong thời kỳ hội nhập quốc tế, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng, đất nước nói chung.
Mảnh đất hội tụ những giá trị tiêu biểu
Là một tỉnh miền núi, biên giới, nằm ở cửa ngõ phía Nam Tây Nguyên, Đắk Nông có địa hình đa dạng, phong phú; diện tích rộng 6.509,27km²; đường biên giới đất liền dài 130km với Campuchia; dân số là 734.400 người, bao gồm hơn 40 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có ba dân tộc địa phương là Mnông, Mạ và Ê-đê. Tỉnh Đắk Nông không chỉ có lợi thế về vị trí là đầu mối giao thương giữa các tỉnh Tây Nguyên với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, mà còn được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh ở khu vực miền núi, biên giới tươi đẹp, kỳ thú với những rừng cà phê, hồ tiêu, thửa ruộng bậc thang, cao nguyên trùng điệp, những di tích lịch sử,… như công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, hồ EaSnô, hồ Tà Đùng, thác Đray Sáp - Gia Long - Trinh Nữ, thác Đắk G’lun, thác Liêng Nung, thác Đắk Buk So…; đường biên giới hùng vĩ với những cột mốc thiêng liêng đánh dấu chủ quyền biên giới quốc gia. Hệ thống sông, suối của tỉnh Đắk Nông đã tạo nên tiềm năng để khai thác, phát triển nhiều công trình thủy điện có giá trị, như Thủy điện Đắk R’Tin, Thủy điện Đồng Nai 3, Thủy điện Đồng Nai 4. Hiện nay, tỉnh Đắk Nông còn có hai khu bảo tồn thiên nhiên lớn là Nâm Nung và Tà Đùng. Cộng đồng các dân tộc ở tỉnh Đắk Nông có sự giao thoa và ảnh hưởng lẫn nhau về phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa gắn liền với bản sắc núi rừng, nương rẫy, tạo nên một bề dày văn hóa phong phú, đa dạng. Đặc biệt, các dân tộc ở tỉnh Đắk Nông luôn có ý thức, lòng tự hào dân tộc, thể hiện rõ nét trong việc gìn giữ di sản văn hóa cồng chiêng, tiếng nói, trang phục truyền thống, các phong tục, tập quán tốt đẹp với nhiều lễ, hội, sinh hoạt văn hóa đặc sắc, như: lễ mừng được mùa, lễ cúng mưa đầu mùa, lễ kết nghĩa, lễ cưới của người M’Nông, lễ đền ơn đáp nghĩa của mẹ, lễ phát rẫy (Wer mprang Bri), lễ sum họp cộng đồng (Rnglăpbon), lễ tạ ơn (lễ Tách Năng Yoh), hội thi cây nêu, đi cà kheo, nhảy bao bố,… Các lễ, hội thường xuyên được tổ chức, diễn ra trong bầu không khí vui tươi, lành mạnh, giữ nguyên nét truyền thống.
Tỉnh Đắk Nông còn có nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị, như di tích lịch sử Bon Ba No, ngục Đắk Mil, Bon cổ Buôn Buôr, Khu căn cứ kháng chiến B4 - liên tỉnh 4, Di tích Đồi 722 nằm trong Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Hơn nữa, bộ sử thi Ot N’Drông của đồng bào Mnông được sưu tầm và phục hồi đã thu hút được sự quan tâm chú ý của khách du lịch. Đây chính là những điểm khác biệt, tiềm năng, những yếu tố “thiên thời, địa lợi” vô giá để Đắk Nông phát triển các loại hình du lịch tự nhiên, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biên giới, du lịch cộng đồng, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch gắn liền với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông,... với những bản sắc riêng có của mình, tạo ra sản phẩm du lịch mới cho tỉnh.
Xác định được tầm quan trọng của du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đồng thời để thực sự phát triển có hiệu quả, bền vững và khẳng định được những giá trị riêng biệt, tỉnh Đắk Nông đã ban hành nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, triển khai lập quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, xây dựng các dự án bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh, xúc tiến quảng bá phát triển sản phẩm và thu hút đầu tư vào du lịch; triển khai các chương trình kích cầu du lịch trong nước và quốc tế; xây dựng các điểm, tuyến du lịch. Nhờ đó, du lịch của tỉnh đã có nhiều khởi sắc với bức tranh toàn cảnh về môi trường thiên nhiên, địa lý và văn hóa hấp dẫn, tạo sức hút, cơ hội cho các nhà đầu tư và khách du lịch đến với vùng đất đầy tiềm năng này; từng bước khẳng định tính đúng đắn trong chủ trương phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Về dịch vụ tham quan - du lịch, thu hút đầu tư, đến nay, trên toàn tỉnh có nhiều dự án đầu tư khu, điểm du lịch đã được tỉnh chủ trương cấp vốn, bao gồm: Khu du lịch - Di tích lịch sử văn hóa thắng cảnh cụm thác Đray Sáp - Gia Long (huyện Krông Nô), Khu du lịch sinh thái Đắk G’lung (huyện Tuy Đức), Thiền viện Trúc Lâm Đạo Nguyên (huyện Đắk Song), Dự án khu nông nghiệp công nghệ cao kết hợp khu du lịch sinh thái Phước Sơn (huyện Đắk R’Lấp),… Bên cạnh đó, với tiềm năng du lịch khá đa dạng và phong phú, ngoài các khu, điểm du lịch đã có nhà đầu tư, các khu, điểm du lịch ở dạng tiềm năng, như thác 5 tầng thuộc huyện Đắk R’Lấp, thác 7 tầng (huyện Krông Nô), thác Lưu Ly (huyện Đắk Song), khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung, hồ Tà Đùng, các di sản thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông,… thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch mỗi năm. Thời gian qua, tỉnh cũng chú trọng triển khai công tác thu hút đầu tư, cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng để các doanh nghiệp vào đầu tư, kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, đã có nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm, đến khảo sát tiềm năng du lịch của tỉnh, như Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn T&T, Tập đoàn TH, Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Novaland…
Về thị trường khách du lịch, trong những năm qua, tổng số lượt khách du lịch đến tỉnh Đắk Nông luôn gia tăng, từ 250.000 lượt người năm 2016 lên 512.500 lượt người năm 2022. Giai đoạn 2016 - 2022, tốc độ tăng trưởng bình quân khách du lịch trong nước của tỉnh đạt 18,2%/năm. Trong khi đó, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tổng số lượt khách du lịch quốc tế của tỉnh có xu hướng giảm, từ 6.000 lượt năm 2016 xuống 2.000 lượt năm 2022, tuy nhiên tổng thể vẫn đạt tốc độ tăng trưởng bình quân là 11,1%/năm. Sau đại dịch COVID-19, từ đầu năm 2023 đến nay, hoạt động kinh doanh du lịch của tỉnh ghi nhận những tín hiệu tăng trưởng khả quan, số lượng khách du lịch và doanh thu gia tăng đáng kể. Cụ thể, năm 2023, tỉnh Đắk Nông thu hút khoảng 679.000 lượt khách du lịch đến tham quan (tăng 32,5% so với năm 2022), trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 5.400 lượt. Trong 6 tháng đầu năm 2024, số lượng khách du lịch đến tỉnh Đắk Nông ước đạt 378.500 lượt khách, trong đó khách du lịch quốc tế là 3.150 lượt(1).
Về doanh thu du lịch, tổng doanh thu du lịch của tỉnh tăng từ 27 tỷ đồng năm 2016 lên 65 tỷ đồng năm 2022. Tốc độ tăng doanh thu bình quân hằng năm trong giai đoạn 2016 - 2022 của tỉnh đạt 23,46%/năm; trong đó, doanh thu lưu trú tăng từ 11,07 tỷ đồng năm 2016 lên 29 tỷ đồng năm 2022 và doanh thu ăn uống, vui chơi, giải trí tăng từ 15,93 tỷ đồng năm 2016 lên 36 tỷ đồng năm 2022. Năm 2023, tổng doanh thu du lịch của tỉnh ước đạt 160 tỷ đồng (tăng 146% so với năm 2023) và trong 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 121.000 triệu đồng (tăng 50% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 63% kế hoạch năm). Tỉnh Đắk Nông phấn đấu đến năm 2030, doanh thu và lượt khách du lịch tăng bình quân trên 15%/năm; đến năm 2050, du lịch Đắk Nông trở thành một ngành kinh tế trụ cột, tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng; đặc biệt là, trở thành điểm đến du lịch địa chất chất lượng cao trong khu vực Đông Nam Á(2).
Cùng với phát triển du lịch, Đắk Nông chú trọng đến khai thác vị trí của một tỉnh biên giới trên tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo, khơi dậy khát vọng vươn lên, kết hợp hài hòa giữa nội lực với ngoại lực, thực hiện hiệu quả các đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế, từ đó tạo thêm sức hút đối với khách du lịch. Hoạt động thương mại, dịch vụ của tỉnh Đắk Nông phát triển mạnh với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng 7-2024 ước đạt 77,4 triệu USD, tăng 29,4% so với tháng 6-2024 và tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2023. Tính lũy kế 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 544,2 triệu USD. Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu trong tháng 7-2024 của tỉnh ước đạt 27,8 triệu USD, tăng 5,3% so với tháng 6-2024. Tính lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu của tỉnh ước đạt 178,7 triệu USD, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2023(3). Các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh Đắk Nông hiện có alumin, ván MDF, cà phê, điều, hạt tiêu... Thị trường xuất khẩu của tỉnh Đắk Nông ngày càng được mở rộng, với 35 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó, chiếm tỷ trọng cao và ổn định bao gồm thị trường của các nước Singapore, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc, Mỹ, Philippines, Nhật Bản,... Ngoài việc duy trì các thị trường truyền thống, các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đang chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường mới ở khu vực châu Phi, Trung Đông…
Những nỗ lực trong phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại, xuất, nhập khẩu đã góp phần quan trọng để tỉnh Đắk Nông đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao trong những năm gần đây. Năm 2022, tỉnh Đắk Nông đã thoát khỏi tỉnh nghèo, chậm phát triển. Đến năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 5,74%, đứng thứ hai khu vực Tây Nguyên. GRDP bình quân đầu người đạt 68,02 triệu đồng/người, tăng gần 20 triệu đồng so với năm 2020 (48,84 triệu đồng/người). Khu vực nông nghiệp trong tổng cơ cấu kinh tế của tỉnh là 39%, giảm 3% so với năm 2020(4). Khu vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ trong tổng cơ cấu kinh tế của tỉnh tăng lên. Đặc biệt, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh tăng 14 bậc, từ vị trí 52/63 tỉnh, thành phố lên vị trí 38/63 tỉnh, thành phố(5).
Nỗ lực đánh thức tiềm năng
Xuất phát từ xu hướng phát triển du lịch của thế giới và trong nước, nhu cầu du lịch của người dân, cũng như từ những lợi thế so sánh trong phát triển của tỉnh Đắk Nông, cụ thể hóa Chương trình hành động số 20-Ctr/TU, ngày 7-8-2017, của Tỉnh ủy Đắk Nông về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16-1-2017, của Bộ Chính trị, “Về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”; Chương trình hành động số 18-Ctr/TU, ngày 27-7-2021, của Tỉnh ủy Đắk Nông về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XII về phát triển du lịch và du lịch gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 22-12-2021, của Tỉnh ủy Đắk Nông về việc xây dựng và phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, ngày 29-12-2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông đã ban hành “Đề án phát triển du lịch tỉnh Đắk Nông đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” để khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế của tỉnh về phát triển du lịch nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo ra sự phát triển đột phá trong giai đoạn tới.
Đắk Nông xác định phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, hạn chế sự trùng lặp với các địa phương có tiềm năng tương đồng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, tạo ra sự hấp dẫn và chất lượng, làm gia tăng giá trị cũng như thương hiệu du lịch của tỉnh.
Để phát triển du lịch bền vững, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông đã chủ trì, lập hồ sơ các tuyến, điểm du lịch; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị, khai thác các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, địa điểm khảo cổ,… để phục vụ xây dựng các sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh, con người và mảnh đất Đắk Nông; triển khai thực hiện kích cầu du lịch nội địa thông qua các chương trình phát triển sản phẩm nông sản, lâm sản, sản phẩm đặc trưng của địa phương để phục vụ phát triển du lịch theo Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP). Ngoài ra, tích cực huy động các nguồn vốn đầu tư, nhất là nguồn xã hội hóa để ưu tiên đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển du lịch; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư khai thác phát triển du lịch trên địa bàn huyện.
Trên cơ sở các tuyến, điểm du lịch đã được quy hoạch, trong những năm qua, tỉnh Đắk Nông đã tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch; xây dựng các tuyến đường tuần tra biên giới và đường lên các cột mốc biên giới có cảnh quan đẹp. Đối với dịch vụ lưu trú, tính đến đầu năm 2023, trên địa bàn toàn tỉnh có 306 cơ sở lưu trú du lịch với 3.607 phòng, trong đó có 40 khách sạn với 781 phòng; 266 nhà nghỉ, nhà khách với khoảng 2.826 phòng; 18 cơ sở lưu trú khác với khoảng 280 phòng, lều lưu trú. Các cơ sở lưu trú du lịch tập trung chủ yếu ở trung tâm thành phố, các trung tâm hành chính cấp huyện. Lực lượng lao động trong ngành du lịch tăng hằng năm, từ 1.050 người năm 2016 tăng lên 1.900 người năm 2022(6).
Các hoạt động quảng bá, xúc tiến, đào tạo nguồn nhân lực phát triển du lịch được tỉnh Đắk Nông quan tâm. Đặc biệt, để tăng cường giới thiệu, kết nối, quảng bá và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ du lịch của địa phương, tháng 4-2022, tỉnh Đắk Nông đã ban hành Quyết định số 749-QĐ/UBND về danh mục các dự án kêu gọi, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh năm 2022 với 22 dự án, trong đó có 3/22 dự án du lịch bảo đảm điều kiện pháp lý(7). Đồng thời, triển khai thực hiện Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ du lịch thông minh tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2023 - 2025”, đáp ứng yêu cầu phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; xây dựng, lắp đặt, nâng cấp hạ tầng viễn thông; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động du lịch; xây dựng các chiến dịch quảng bá theo chủ đề và giai đoạn thông qua các phương tiện truyền thông, như Facebook, Zalo, Youtube,…. Bên cạnh đó, định kỳ hằng năm, các ngành, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch và triển khai thực hiện thường xuyên, góp phần nâng cao thương hiệu du lịch Đắk Nông.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành du lịch của tỉnh Đắk Nông còn tồn tại một số hạn chế. Sự phát triển du lịch trên địa bàn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhất là tiềm năng, lợi thế về bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc. Công tác phối hợp giữa các cấp, ngành, cơ quan và đơn vị liên quan trong quản lý nhà nước, điều hành phát triển du lịch còn hạn chế, chưa thực sự chủ động và thường xuyên. Hệ thống giao thông đến các khu, điểm du lịch còn khó khăn, thiếu đồng bộ. Khoảng cách giữa các khu, điểm du lịch khá xa nhau, không thuận lợi về di chuyển. Sản phẩm du lịch mới chỉ hình thành các cơ sở lưu trú có quy mô nhỏ; cơ sở lưu trú có quy mô lớn, chất lượng cao được công nhận hạng sao còn hạn chế. Nguồn tài nguyên du lịch khai thác chưa hợp lý. Các sản phẩm du lịch thiếu phong phú, đa dạng, chưa tạo được nét khác biệt để hấp dẫn khách du lịch; sự liên kết để phát triển du lịch triển khai chậm; nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn thiếu và chất lượng phục vụ chưa cao; các yếu tố trong phát triển du lịch bền vững chưa được quan tâm hoặc đã quan tâm nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn. Tại các tuyến, điểm du lịch, công tác bảo vệ, giữ gìn cảnh quan sinh thái, vệ sinh môi trường, các điều kiện phục vụ du khách còn bất cập. Công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn gắn với việc phát triển du lịch chưa được quan tâm, chú trọng, dẫn đến nguy cơ mai một văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số rất cao. Sự liên kết giữa tỉnh Đắk Nông với các tỉnh trong vùng Tây Nguyên và khu vực Nam Trung bộ để hình thành các tour, tuyến du lịch đặc thù, hấp dẫn còn yếu, do vậy số lượng khách du lịch quốc tế đến Đắk Nông còn hạn chế, lượng khách du lịch nội địa ở mức độ khiêm tốn.
Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên là do: Thứ nhất, ngành du lịch của tỉnh Đắk Nông vẫn trong giai đoạn phát triển thiếu chủ động, mất cân đối, chưa có sự định hướng mang tính chiến lược. Quy hoạch du lịch triển khai chậm, tính đồng bộ còn hạn chế; chưa xây dựng được lộ trình chính thức phát triển sản phẩm du lịch và thiếu quan tâm làm mới các sản phẩm du lịch hiện có. Thứ hai, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch chưa được chú trọng; vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng. Thứ ba, nội lực của các doanh nghiệp trên địa bàn còn thấp, môi trường đầu tư khó thu hút được các thương hiệu du lịch lớn. Đa số doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngân sách đầu tư cho phát triển du lịch chưa được quan tâm đúng mức. Thứ tư, các doanh nghiệp lữ hành thiếu sự chủ động trong việc hợp tác, liên kết du lịch với các địa phương trên cả nước để đa dạng hóa các đối tượng khách du lịch; chưa chú trọng đầu tư đúng mức phát triển về chất. Thứ năm, công tác tham mưu và tổ chức triển khai phát triển du lịch của các phòng, ban chức năng chưa thiếu chủ động.
Đưa du lịch “cất cánh”, vươn xa
Cùng với nhiều địa phương đang gặp khó khăn trong bối cảnh thị trường du lịch chưa thực sự phục hồi sau tác động của đại dịch COVID-19, phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, để có thể biến những tiềm năng lớn của ngành du lịch trở thành hiện thực với những đóng góp cụ thể vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, qua đó “định vị” và khẳng định hơn nữa thương hiệu du lịch, tỉnh Đắk Nông đang tập trung thực hiện tốt các giải pháp sau:
Một là, đổi mới nhận thức, tư duy và tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương về phát triển du lịch. Bảo đảm nhất quán từ quan điểm, mục tiêu và có chính sách, cơ chế mới, không ngừng nâng cao sức hút của du lịch tỉnh Đắk Nông, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Tăng cường vận động cộng đồng dân cư, doanh nghiệp du lịch và người dân trên địa bàn tự giác, tích cực tham gia gìn giữ, bảo vệ cảnh quan môi trường, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, giữ gìn an ninh, trật tự, thực hiện nếp sống văn minh.
Hai là, xây dựng chính sách thu hút đầu tư du lịch; chính sách khôi phục, phát triển các ngành, nghề truyền thống; chính sách tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, cải thiện đời sống, tạo cơ hội việc làm cho người dân trong hoạt động du lịch. Đa dạng hóa và tăng cường quản lý chất lượng dịch vụ, chất lượng sản phẩm, nhất là các sản phẩm du lịch đặc thù bằng việc tổ chức các kênh thông tin để khách du lịch có thể phản ánh khi đến tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh, qua đó kiểm tra và xử lý kịp thời để bảo đảm quyền lợi cho khách du lịch. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, nhất là đối với các doanh nghiệp du lịch hoạt động trên địa bàn về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo đảm chất lượng sản phẩm du lịch Đắk Nông, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Đắk Nông trong quá trình hội nhập quốc tế.
Ba là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử của tỉnh, cổng thông tin của các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn nhằm tạo sự lan tỏa về hình ảnh một tỉnh biên giới sáng, xanh, sạch, đẹp, yên bình với nhiều điểm đến hấp dẫn kèm theo những ưu đãi đặc biệt về giá cả dịch vụ khi khách du lịch đến tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng. Có chính sách mời gọi bà con kiều bào tại các nước trên thế giới về thăm quê hương; tăng cường thu hút các cơ quan tổ chức hội nghị kết hợp du lịch để phát triển loại hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, du lịch kết hợp hội nghị,…
Bốn là, phát triển nguồn nhân lực chất lượng thông qua việc xây dựng, triển khai hiệu quả các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn. Mời các chuyên gia, nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực du lịch góp ý, đề xuất về chủ trương, chính sách, định hướng phát triển du lịch. Tạo điều kiện cho cán bộ, công chức quản lý nhà nước về du lịch nâng cao kỹ năng ngoại ngữ, tin học, tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn du lịch, kỹ năng tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo và các kỹ năng liên quan đến công tác du lịch.
Năm là, chú trọng công tác quy hoạch, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ du lịch. Theo đó, rà soát quy hoạch tổng thể, xây dựng quy hoạch phát triển du lịch của địa phương để làm căn cứ phân định đất dành cho phát triển du lịch, từ đó xây dựng các đề án, dự án, công trình phục vụ cho phát triển du lịch; tiếp tục thu hút đầu tư phát triển các công trình, dự án đã được phê duyệt. Quan tâm phát triển các dịch vụ phục vụ du lịch, như hệ thống khách sạn, nhà hàng cao cấp với các sản phẩm ẩm thực mang đặc trưng văn hóa của địa phương. Tiếp tục phát triển các thương hiệu hàng hóa đặc sản thế mạnh của địa phương để phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch.
Sáu là, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch. Tập trung dành nguồn vốn ngân sách nhà nước theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm làm cơ sở kích thích phát triển du lịch. Huy động vốn từ nguồn tích lũy tại địa phương, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động du lịch dưới những hình thức khác nhau, thực hiện xã hội hóa đầu tư bảo vệ, tôn tạo di tích, thắng cảnh, các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian phục vụ phát triển du lịch./.
--------------------------------------
(1), (2), (3), (6): Xem: Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông: “Đề án phát triển du lịch tỉnh Đắk Nông đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, ngày 29-12-2023
(4) Xem: Song Nguyên: “Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Nông năm 2023”, Cổng thông tin điện tử tỉnh Đắk Nông, ngày 29-12-2023, https://daknong.gov.vn/tin-noi-bat/cong-bo-so-lieu-thong-ke-kinh-te-xa-hoi-tinh-dak-nong-nam-2023-479334
(5) Xem: Hoàng Ngọc: “PCI Đắk Nông bứt tốc ấn tượng”, Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), ngày 16-5-2023, https://vccinews.vn/prode/46614/pci-dak-nong-but-toc-an-tuong.html
(7) Xem: “Đắk Nông phát triển du lịch theo hướng bền vững”, Cổng thông tin điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngày 28-10-2023, https://bvhttdl.gov.vn/dak-nong-phat-trien-du-lich-theo-huong-ben-vung-20231027145139807.htm
Hà Nội đẩy mạnh phát triển ngành “công nghiệp không khói” trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng  (02/10/2024)
Đổi mới và nâng cao chất lượng các trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật ở nước ta, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế  (30/09/2024)
Xây dựng nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại, khoa học, nhân văn, từng bước khẳng định vị thế của mỹ thuật Việt Nam trong khu vực và thế giới  (25/04/2024)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên