Giảm thủ tục hành chính, phiền hà cho dân khi cấp Thẻ căn cước công dân
Chiều 28-10, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật căn cước công dân, nhiều đại biểu không khỏi băn khoăn về tính phù hợp trong việc cấp thẻ căn cước công dân đối với người dưới 14 tuổi; các thông tin thể hiện trên thẻ căn cước công dân; các nội dung thông tin thu thập trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có bảo đảm cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân?
Giữ tên gọi “Luật căn cước công dân”
Nhiều đại biểu tán thành với tên gọi “Luật căn cước công dân” theo Tờ trình của Chính phủ và quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bởi tên gọi này phù hợp với nội hàm chủ yếu của dự thảo Luật quy định về căn cước công dân, cơ sở dữ liệu căn cước công dân, việc quản lý, sử dụng thẻ Căn cước công dân, quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Việc quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong luật này vì đây là cơ sở dữ liệu dùng chung, kết nối với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, trong đó có cơ sở dữ liệu căn cước công dân… Hiện nay, Chính phủ đã giao Bộ Công an xây dựng, quản lý, do đó Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được quy định tại Luật này là phù hợp. Mặt khác, tên gọi Luật căn cước công dân đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 45/2013/QH13 ngày 18-6-2013 của Quốc hội.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) lại cho rằng giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tên gọi của luật là Luật căn cước công dân là chưa thực sự thuyết phục, nên giữ tên gọi là Luật chứng minh nhân dân.
Đại biểu lý giải từ khi sử dụng chứng minh nhân dân, trong nhân dân chưa ai phàn nàn về tên gọi này và ngành chức năng cũng chưa có báo cáo về việc dùng tên gọi này ảnh hưởng đến chức năng, nhiệm vụ của mình. Về sâu xa, tên gọi này đã có từ thời Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hai từ nhân dân thể hiện rõ tính trân trọng, không phải vì đổi tên thành thẻ Căn cước công dân mà ta hội nhập với quốc tế - đại biểu nói. Cũng theo đại biểu, nếu thật sự phù hợp, Luật căn cước công dân chỉ nên là một chương trong Luật hộ tịch đang được Quốc hội xem xét.
Liên quan đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) cho rằng, không nên đổi tên chứng minh nhân dân thành căn cước công dân vì tên gọi này đã được sử dụng rộng rãi từ lâu, thành thói quen của người dân và trong các hoạt động giao dịch, các biểu mẫu đều sử dụng chứng minh nhân dân. Nếu đổi thành thẻ căn cước công dân sẽ phải thay đổi nhiều quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, làm xáo trộn các giao dịch, đi liền với đó là gây tốn kém cho ngân sách nhà nước.
Đại biểu chỉ ra rằng báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa làm rõ được lợi ích của việc thay đổi thẻ và đề nghị tên của thẻ vẫn đề là chứng minh nhân dân.
Nhiều ý kiến trái chiều về tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân
Về tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân, hiện vẫn tồn tại hai luồng ý kiến trái ngược nhau. Có ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo Luật về việc cấp thẻ Căn cước công dân ngay từ khi sinh ra và không cần cấp giấy khai sinh. Song, cũng có một số ý kiến đề nghị quy định cấp thẻ Căn cước công dân cho công dân từ đủ 14 tuổi trở lên để bảo đảm ổn định các thông tin nhân dạng của công dân đã được quy định trong Luật căn cước công dân; trẻ em chưa đủ 14 tuổi thì cấp giấy khai sinh như hiện nay và quy định trong Luật hộ tịch.
Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) cho rằng cấp thẻ căn cước công dân cho người chưa đủ 14 tuổi là chưa thật sự cần thiết vì những thông tin quan trọng về nhân dạng của công dân chưa được thể hiện trên thẻ, dẫn đến lãng phí nguồn lực. Quan điểm trên của đại biểu được rất nhiều ý kiến đồng tình.
Đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) cho rằng cần tiếp tục cấp giấy khai sinh cho trẻ em và không cấp thẻ cho người dưới 14 tuổi. Dự thảo Luật cần quy định mang tính nguyên tắc về tích hợp thông tin của cá nhân công dân để khi đủ 14 tuổi, làm thẻ căn cước công dân mới có đầy đủ thông tin như vân tay, đặc điểm nhân dạng. Việc này bảo đảm quyền lợi trẻ em, tiết kiệm kinh phí cho ngân sách Nhà nước và phù hợp với các luật khác.
Đồng quan điểm trên, đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) đặt vấn đề: theo báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc cấp thẻ Căn cước công dân cho người chưa đủ 14 tuổi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong giao dịch, giảm thủ tục hành chính, nhưng khi thảo luận Luật hộ tịch (sáng 28-10) lại vẫn giữ quy định phải làm giấy khai sinh, như vậy liệu có giảm được thủ tục hành chính và giảm bớt thiệt hại cho người dân không, khi một người sinh ra vừa phải làm giấy khai sinh, vừa phải làm thẻ căn cước.
Đại biểu khẳng định, trong thực tế, người dưới 14 tuổi không tự thực hiện giao dịch mà phải thông qua người giám hộ, người chưa đủ 14 tuổi chủ yếu chỉ đi học hoặc ở nhà, cũng có trường hợp đi lao động nhưng rất ít. Trong những loại giấy tờ quản lý chủ yếu của độ tuổi này là giấy khai sinh. Vậy có cần thiết cấp thẻ căn cước công dân không, nhất là trẻ sơ sinh, mẫu giáo, tiểu học.
Đại biểu Đặng Thị Kim Chi phân tích: bỏ ra một khoản tiền tới 650 tỷ đồng để cấp thẻ căn cước cho khoảng 20 triệu người chủ yếu là để cấp giữ là điều cần phải tính toán trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn hiện nay.
Mặt khác, theo quy định tại khoản 2, điều 19, thẻ căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi không có ảnh, không có dấu vân tay, không ghi đặc điểm nhân dạng để phân biệt người này với người khác, điều này mâu thuẫn với khoản 1 Điều 3 là căn cước công dân là thông tin cơ bản về lai lịch, đặc điểm nhân dạng của công dân.
Đại biểu Đặng Thị Kim Chi đề nghị Luật quy định theo hướng trẻ sinh ra bên cạnh đăng ký khai sinh, vẫn đăng ký thông tin về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và số định danh cá nhân, đến khi đủ 14 tuổi sẽ bổ sung định dạng cá nhân như dấu vân tay và cấp thẻ căn cước công dân với số định danh đã có, không cấp thẻ cho người chưa đủ 14 tuổi. Quy định như vậy bảo đảm quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ khi con người sinh ra đến khi mất đi mà không tốn kém nhiều về kinh phí.
Còn nếu Quốc hội vẫn quyết cấp thẻ căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi, đề nghị cân nhắc đối tượng trên 10 tuổi đến dưới 14 tuổi, vì nếu chỉ cấp trong vài năm rồi lại đổi thẻ mới sẽ gây lãng phí lớn. Tương tự, cần cân nhắc khi vừa quy định về thời hạn, vừa quy định về độ tuổi cấp đổi thẻ.
Các ý kiến trên có phần khác với nhận định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, rằng việc cấp thẻ căn cước công dân cho người chưa đủ 14 tuổi để bảo đảm quyền bình đẳng của công dân theo Hiến pháp năm 2013, không có sự phân biệt công dân theo độ tuổi; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong giao dịch, giảm thủ tục hành chính, góp phần hiện đại hóa nền hành chính quốc gia, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước.
Đồng tình với quy định mọi công dân có quốc tịch Việt Nam đều được cấp thẻ căn cước để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình, đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cho rằng, Ban soạn thảo đặt mục tiêu dùng thẻ thay thế cho phần lớn các loại giấy tờ tùy thân khác như giấy khai sinh, hộ khẩu… góp phần quản lý dân cư tập trung, tiến tới giảm giấy tờ là hoàn toàn phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Việc cấp thẻ cho trẻ em dưới 14 là cần thiết, bảo đảm quyền của trẻ em theo quy định của Hiến pháp.
Tuy nhiên, dù nhất trí với việc cấp thẻ cho trẻ em dưới 14 tuổi và đổi thẻ khi đủ 14 tuổi, đồng thời điền đầy đủ thông tin cá nhân góp phần hiện đại hóa trong quản lý hành chính nhà nước nhưng đại biểu Ngô Thị Minh đề nghị, thông tin của trẻ em phải được cập nhật đầy đủ, thường xuyên.
Mặt khác, đại biểu cũng cho rằng phải cấp Giấy khai sinh đồng thời với thẻ căn cước và mã số thẻ được duy trì suốt đời của mỗi con người từ khi sinh ra. Giấy khai sinh song hành cùng với trẻ em từ khi sinh ra cho đến khi đủ 18 tuổi. Cũng theo đại biểu, cần xem xét lại thời hạn cấp đổi, cấp lại để tránh lạm quyền.
Trước những ý kiến còn khác nhau, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, chủ trì phiên họp cho biết Quốc hội sẽ có phiếu xin ý kiến đại biểu về nội dung độ tuổi trước khi thông qua toàn bộ dự án Luật.
Cũng liên quan đến thẻ căn cước công dân, nhiều đại biểu đề nghị bổ sung thông tin nhóm máu trên thẻ. Ý kiến của đại biểu Trần Thị Diệu Thúy cho thấy nhóm máu là đặc điểm riêng nhận biết từng người và việc xác định nhóm máu là vì mục đích nhân đạo. Quy định thông tin về nhóm máu chưa được thể hiện trong nội dung Luật là chưa phù hợp, nên đưa thông tin nhóm máu vào nội dung thẻ căn cước công dân, đồng thời trang bị thêm các điều kiện về cơ sở y tế cần thiết cho các địa phương để họ có thể xác định nhóm máu.
Cũng như vậy, đại biểu Nguyễn Thị Kim Chi cho rằng thông tin về nhóm máu là điều rất quan trọng liên quan đến xử lý các tình huống cấp thiết của con người, bảo đảm quyền được sống theo quy định của Hiến pháp. Nhất là trong khi tai nạn giao thông, thiên tai, hỏa hoạn đang ngày một nghiêm trọng thì việc cung cấp thông tin về nhóm máu để cấp cứu kịp thời là yêu cầu cấp thiết.
Thông tin về công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia phải đầy đủ, rõ ràng
Về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ sở dữ liệu dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân, là dữ liệu gốc gồm những thông tin cơ bản về công dân để phục vụ quản lý Nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính cho công dân. Vì vậy, chỉ nên quy định những thông tin cơ bản về công dân như Điều 9 dự thảo Luật trình Quốc hội.
Các đại biểu đề nghị nghiên cứu, xác định những thông tin về công dân thật cần thiết và ổn định trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cũng có ý kiến đề nghị bổ sung một số thông tin khác như lý lịch tư pháp, thẻ bảo hiểm, mã số thuế… để bảo đảm yêu cầu quản lý, khai thác, sử dụng thông tin về công dân trong giải quyết thủ tục hành chính, đáp ứng mục tiêu giảm giấy tờ công dân.
Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy nhìn nhận cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là nơi tập hợp thông tin cơ bản về công dân được dùng chung trong các cơ quan, tổ chức, cá nhân, là căn cứ để cấp thẻ căn cước công dân và các giấy tờ công dân như giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu. Do đó, các thông tin về công dân được cập nhật trong cơ sở dữ liệu này phải thể hiện đầy đủ, rõ ràng các nội dung trên, cần chính xác, tránh sai sót dẫn đến phải bổ sung nhiều lần. Cần bổ sung trong dự thảo Luật một số nội dung như họ tên, số định danh, các con, anh chị em trong gia đình...
Bên cạnh đó, cũng cần quy định rõ nội dung thông tin nào bắt buộc và không bắt buộc trong thu thập, cập nhật các thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm giảm bớt phiền hà cho người dân./.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai  (28/10/2014)
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai  (28/10/2014)
Giải Nobel Văn học năm 2014: Thắng lợi thuộc về thể loại truyện hồi ức  (28/10/2014)
Phát triển toàn diện quan hệ Đối tác chiến lược song phương Việt - Ấn  (28/10/2014)
Hướng tới cộng đồng kinh tế ASEAN và gợi ý chính sách với Việt Nam  (28/10/2014)
Tuyên bố chung về chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng  (28/10/2014)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên