Hướng tới cộng đồng kinh tế ASEAN và gợi ý chính sách với Việt Nam
TCCSĐT - Sáng ngày 28-10, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương và Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Hướng tới cộng đồng kinh tế ASEAN và gợi ý chính sách với Việt Nam”. Hội thảo thu hút sự tham dự của đông đảo đại diện các bộ, ban, ngành, các viện nghiên cứu, trường đại học, cũng như các chuyên gia, các nhà nghiên cứu,…
Cuối năm 2015, theo lộ trình, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được hình thành. Việc hiện thực hóa AEC vào cuối năm 2015 là kết quả của quá trình hợp tác kinh tế lâu dài giữa các nước thành viên ASEAN. Tuy nhiên, mức độ sẵn sàng của mỗi nước không giống nhau bởi chênh lệch về trình độ phát triển; sự chủ động và tích cực của các chính phủ, các hiệp hội và các doanh nghiệp ở các nước cũng khác nhau.
Trong giai đoạn nước rút này, Việt Nam rất cần có những gợi ý, chia sẻ để chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đón bắt cơ hội, vượt qua thách thức, tự tin và tham gia một cách có hiệu quả vào sân chơi chung của khu vực. Hội thảo“Hướng tới cộng đồng kinh tế ASEAN và gợi ý chính sách với Việt Nam” được tổ chức nhằm mục đích để các chuyên gia, các nhà khoa học, các diễn giả trong nước và quốc tế trao đổi, thảo luận về tiến trình hội nhập của các nước ASEAN vào AEC; mức độ sẵn sàng của Việt Nam đối với AEC; các cơ hội và thách thức đặt ra cho Việt Nam trong quá trình hội nhập; và các gợi ý chính sách nhằm tăng cường sự tham gia hiệu quả của Việt Nam vào AEC.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS, TS. Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, trọng tâm của AEC là phát triển kinh tế khu vực dựa trên sự kết nối sức mạnh của thị trường các quốc gia thành viên ASEAN với khoảng 600 triệu người tiêu dùng và tổng GDP hơn 1.850 tỷ USD. Là một trong ba trụ cột của ASEAN, AEC hướng tới việc đưa ASEAN trở thành một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất, một khu vực kinh tế có sức cạnh tranh cao, phát triển kinh tế cân bằng, hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu. Nội dung của AEC gồm 5 yếu tố cơ bản: tự do lưu chuyển hàng hóa, tự do lưu chuyển dịch vụ, tự do lưu chuyển đầu tư, tự do lưu chuyển vốn và tự do lưu chuyển lao động có kỹ năng. Tích cực và chủ động tham gia AEC sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho các nước thành viên, như tăng trưởng kinh tế nhanh hơn, tạo ra nhiều việc làm, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ hơn, phân bổ nguồn lực tốt hơn, năng lực sản xuất và tính cạnh tranh được tăng cường, thúc đẩy mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia, tăng cường tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội đó, GS, TS. Vương Đình Huệ cũng nêu rõ những thách thức đang đặt ra đối với Việt Nam, như vẫn còn một khoảng cách lớn về trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam so với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2010, đặc biệt là cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu đã và đang dẫn đến việc đánh giá lại những thành tựu của Liên minh châu Âu (EU) cũng như đặt ra câu hỏi về mô hình của EU và mô hình hợp tác kinh tế hiệu quả trong ASEAN.
Cho tới nay, Việt Nam đã giảm thuế nhập khẩu cho hơn 10 nghìn dòng thuế xuống mức 0% - 5% theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), chiếm khoảng 98% số dòng thuế trong biểu thuế. Việt Nam là một trong bốn thành viên ASEAN có tỷ lệ hoàn thành tốt nhất các cam kết trong Lộ trình tổng thể thực hiện AEC.
Xoay quanh chủ đề của Hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích, thảo luận hai mảng nội dung chính. Một là, tiến trình hội nhập của các nước ASEAN vào AEC. Các bài trình bày và ý kiến trao đổi, bình luận đã phân tích các kết quả đạt được trong quá trình chuẩn bị cho AEC, đánh giá các hoạt động cắt giảm thuế quan, thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp phi thuế quan và tự do hóa dịch vụ hướng đến trụ cột thị trường và địa bàn sản xuất thống nhất; phân tích tiến trình thực hiện hiệp định thương mại của ASEAN+1 và Hiệp định Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), trên cơ sở đó, đưa ra một số dự báo về tác động của AEC đến tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên ASEAN nói chung và của Việt Nam nói riêng. Hai là, đánh giá về công tác chuẩn bị của Việt Nam trong việc tham gia AEC và những hàm ý cho Việt Nam; cơ hội và thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam khi hội nhập vào AEC;…
Phân tích quá trình thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Việt Nam, ông Y-ô-si-phu-mi Phu-ku-na-ga, Chuyên gia cao cấp về chính sách, Viện Nghiên cứu kinh tế Đông Á và Đông Nam Á (ERIA) cho rằng, cho đến nay, trong xóa bỏ thuế quan, ASEAN đã đạt được những thành tựu, như Hiệp định AFTA - CEPT đã được nâng cấp thành Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN. Năm 2010, mức thuế suất trong CEPT gần như bằng 0% trong ASEAN 6 và trung bình chỉ có 2,6% trong các nước CLMV (gồm Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma và Việt Nam). Việt Nam tiến tới xóa bỏ thuế quan vào năm 2015 (7% dòng thuế vào năm 2018). Việc xóa bỏ thuế quan sẽ làm tăng tỷ trọng ASEAN trong việc cung ứng nguồn nhập khẩu của các nước thành viên ASEAN và mở rộng về mặt địa lý mạng lưới sản xuất khu vực. Đối với Việt Nam, tiềm năng khi tham gia AEC là GDP có thể tăng thêm 3,5% (tác động tích lũy sau 5 năm) do có sự kết hợp của tự do hóa thuế quan, tự do hóa dịch vụ và thuận lợi hóa thương mại. Ông Y-ô-si-phu-mi Phu-ku-na-ga cũng nêu lên một số vấn đề đối với Việt Nam khi tham gia AEC, như xóa bỏ thuế quan trong giai đoạn 2015 - 2018; thực hiện sớm biện pháp thuận lợi hóa thương mại (hoàn thành một cửa quốc gia; hoàn thành trung tâm thông tin thương mại quốc gia; tham gia sớm vào chương trình tự cấp giấy chứng nhận); tăng cường và tạo thuận lợi cho các biện pháp tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp (S&C); đàm phán đồng thời TPP và RCEP;…
Tiếp cận từ góc độ các doanh nghiệp trong việc chuẩn bị cho AEC, PGS, TS. Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nêu một số nhận xét sơ bộ ban đầu khi tiến hành khảo sát các doanh nghiệp. Đó là, nhìn chung các doanh nghiệp được khảo sát biết và hiểu về AEC còn ít; đa phần các doanh nghiệp được hỏi mới chỉ có nhận thức chung chung, chứ chưa nắm rõ các tác động cụ thể của AEC đối với hoạt động của mình; các doanh nghiệp nhìn chung đều nhận thức được cơ hội, thách thức từ AEC, tuy nhiên, đó mới chỉ là những cơ hội, thách thức chung chung, mà chưa hiểu rõ những cơ hội, thách thức cụ thể từ AEC đối với lĩnh vực, ngành mà doanh nghiệp đang hoạt động. Một nhận xét nữa rút ra từ khảo sát là sự quan tâm của các doanh nghiệp Việt Nam dành cho AEC còn thấp, mà quan tâm nhiều hơn đến việc hội nhập WTO, TPP, Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU. Từ mức độ quan tâm và cách nhìn nhận như vậy nên sự chuẩn bị của doanh nghiệp còn bị động và chưa sâu, chủ yếu mới chỉ tập trung vào các hoạt động, như tìm hiểu thông tin về AEC, những cam kết của Việt Nam trong AEC, tìm hiểu thông tin về thị trường ASEAN và các thông tin về ưu đãi,… Hầu hết các doanh nghiệp chưa có chiến lược hội nhập nói chung và hội nhập AEC nói riêng; nhiều doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở chiến lược để nâng cao năng lực cạnh tranh ở thị trường nội địa mà chưa có chiến lược dài hạn cũng như các hành động cụ thể để phát triển thị trường ASEAN, đón đầu những cơ hội từ AEC;… PGS, TS. Nguyễn Hồng Sơn nêu 3 nguyên nhân lý giải cho thực trạng trên, đó là, tầm quan trọng của thị trường ASEAN chưa được xác định rõ; bản chất cạnh tranh trong ASEAN; và cơ chế phối hợp tuyên truyền và xử lý thông tin hội nhập chưa thực sự hiệu quả./.
Tuyên bố chung về chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng  (28/10/2014)
Lễ ký kết Chương trình phối hợp tuyên truyền giữa Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản và Bộ Tài nguyên và Môi trường  (28/10/2014)
Tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất để ban hành văn bản pháp luật  (28/10/2014)
"Việt Nam trải thảm đỏ đón các doanh nghiệp Ấn Độ đến đầu tư"  (28/10/2014)
Chia sẻ kinh nghiệm tăng tỷ lệ nữ đại biểu trong cơ quan dân cử  (28/10/2014)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tiếp Tổng thống Tanzania  (28/10/2014)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên