Phải có giám sát về phòng chống ma túy

Theo: chinhphu.vn
22:14, ngày 27-09-2014

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh điều này khi dự phiên giải trình về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy do Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ lo ngại trước diễn biến ma túy vẫn còn rất phức tạp, nhất là ma túy tổng hợp với nhiều loại khác nhau, người nghiện ma túy tăng liên tục và có liên quan đến các tệ nạn khác như cờ bạc, mại dâm...

Trong khi đó, kinh phí chi cho cai nghiện ma túy kể cả trong nước và các nhà tài trợ quốc tế đều giảm. Vì vậy, để phòng, chống nghiện ma túy và tái nghiện ma túy cần cả xã hội vào cuộc.

Trước việc mới có 20.000 người nghiện được điều trị bằng Methadone so với mục tiêu 80.000 người vào năm 2015, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng khó mấy cũng phải thực hiện cho được.

Các bộ, ngành, địa phương, chính quyền các cấp phối hợp thực hiện quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới. Đặc biệt phải có giám sát về phòng, chống ma túy, xây dựng chương trình truyền thông để xã hội thấy được tác hại, mối nguy hiểm của ma túy, trên cơ sở đó tích cực hơn nữa trong công tác phòng ngừa.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành cần khẩn trương hoàn thiện chính sách pháp luật về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện; đẩy mạnh chương trình điều trị bằng Methadone; đổi mới công tác cai nghiện ma túy... Các văn bản hướng dẫn bảo đảm tính khả thi, thông suốt, quy trách nhiệm cụ thể từng ngành, từng cơ quan trong quá trình thực hiện công tác cai nghiện, ngay từ cấp cơ sở.

Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến tháng 8-2014, cả nước có 185.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý.

Số người nghiện ma túy tăng qua các năm, nhưng tốc độ tăng chậm. Đa số người nghiện heroin (chiếm 74%) nhưng tỷ lệ người nghiện có xu hướng giảm dần, trong khi tỷ lệ người nghiện ma túy tổng hợp tăng hàng năm.

Gần 90% các quận, huyện của các tỉnh thành phố và 60% số xã, phường, thị trấn đều đã có người nghiện ma túy.

Hiện, cả nước có 142 trung tâm cai nghiện đang quản lý và cai nghiện cho 32.000 người. Hầu hết các học viên đều phải chấp hành cai nghiện đủ 24 tháng cai nghiện tại trung tâm.

Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, như công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng gặp nhiều hạn chế. Cơ sở vật chất, nguồn lực, kinh phí hạn chế nên nhiều địa phương chưa triển khai thực hiện, nếu có triển khai thì phạm vi còn nhỏ hẹp. Công tác phối hợp giữa các ngành địa phương chưa chặt chẽ; Công an tỉnh thành phố chưa hướng dẫn lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc./.