TCCSĐT - Trong lời tuyên thệ nhậm chức, trong thông điệp liên bang, cũng như trong nhiều bài phát biểu của mình, Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép tuyên bố sẽ phát triển nền kinh tế đổi mới ở nước Nga. Vậy, vì sao Nga lại cần và phải phát triển nền kinh tế đổi mới và nền kinh tế đổi mới là gì?
 
 

Vì sao Liên bang Nga phải phát triển nền kinh tế đổi mới?

Theo kết quả nghiên cứu của giới nghiên cứu kinh tế ở Nga, để đưa nước Nga vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu hiện nay và tạo ra sự phát triển ổn định, bền vững, năng động, thì vai trò hàng đầu thuộc về cơ sở kỹ thuật và công nghệ của nền sản xuất, việc làm chủ công nghệ mới và cho ra sản phẩm mới có tính cạnh tranh cao, tích cực và chủ động tham gia thị trường hàng hoá và dịch vụ toàn cầu. Điều này đòi hỏi phải cải tổ tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, trước kết là lĩnh vực kinh tế.

Trong khi đó, nền kinh tế Nga những năm qua có nhiều hạn chế, như trong một thời gian dài định hướng phát triển dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên là chủ yếu; các lĩnh vực kinh tế dựa trên cơ sở công nghệ cao không có điều kiện phát triển; các lĩnh vực kinh tế dịch vụ gián tiếp phát triển quá nhanh và quá “nóng”; thiếu động lực kích thích phát triển các lĩnh vực kinh tế dựa trên công nghệ cao; tụt hậu trong lĩnh vực phát triển kinh tế dựa trên cơ sở tri thức mới; sự trì trệ trong các lĩnh vực khoa học và giáo dục; sự phân hoá xã hội ngày càng sâu sắc; mất dần các tầng lớp xã hội làm cơ sở cho sự phát triển tiềm lực khoa học của đất nước; nền kinh tế không có khả năng cạnh tranh. Do đó, đối với nước Nga, vấn đề có ý nghĩa sống còn và cấp bách nhất hiện nay là xây dựng và phát triển nền kinh tế đổi mới. Đây cũng là hướng phát triển kinh tế có ý nghĩa chiến lược của nước Nga trong suốt thế kỷ XXI.

Ngay sau khi lên cầm quyền ở Điện Crem-li, kế thừa chiến lược phát triển nước Nga dưới thời Tổng thống V. Pu-tin, Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép đã đề ra chiến lược phát triển nước Nga theo hướng đổi mới, trước hết là đổi mới nền kinh tế. Nếu công lao chủ yếu của Tổng thống V. Pu-tin là chèo lại để đưa nước Nga chuyển sang trạng thái ổn định về chính trị, cứu nước Nga thoát khỏi sự tan rã tiếp theo sau khi Liên Xô sụp đổ, lấy lại vị thế một cường quốc, thì Tổng thống Đ. Mét-vê-đép là người khởi đầu chiến lược hiện đại hoá nước Nga, trong đó trọng tâm là xây dựng nền kinh tế đổi mới.

Nền kinh tế đổi mới theo quan niệm của giới nghiên cứu ở Nga

Theo quan niệm của các nhà khoa học Nga, bước vào hai thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX, nhân loại đã chuyển sang kỷ nguyên nền kinh tế dựa trên cơ sở trí thức hoặc nền kinh tế hậu công nghiệp, trong đó vai trò hàng đầu thuộc về công nghệ thông tin và truyền thông, các công nghệ sản xuất trình độ cao dựa trên cơ sở các công nghệ đổi mới cũng như các hệ thống và tổ chức đổi mới các lĩnh vực đời sống xã hội. Từ đó, hình thành nên nền kinh tế mới, còn gọi là nền kinh tế đổi mới (1).

Nền kinh tế đổi mới đặc biệt coi trọng vai trò của tri thức khoa học và công nghệ cao để thay đổi căn bản các lĩnh vực sản xuất truyền thống và toàn bộ nền tảng hạ tầng cơ sở của nền sản xuất công nghiệp. Công nghệ thông tin, các hệ thống máy tính và các dây chuyển sản xuất công nghệ cao là các hệ thống nền tảng của nền kinh tế đổi mới, làm thay đổi tất cả các phương tiện thu nhận, xử lý và truyền thông tin cũng như hoạt động sản xuất thông tin, biến hoạt động trí lực của con người trở thành một kiểu quy trình công nghệ. Trong đó, có quá trình tự động hoá thiết kế và chuẩn bị sản xuất, tự động hoá kiểm tra quá trình sản xuất, tự động hoá quá trình hạch toán - tài chính và hoạt động quản lý, kiểm tra và đánh giá chất lượng sản phẩm.

Nền kinh tế đổi mới của Nga có các dấu hiệu phân biệt với nền kinh tế truyền thống, đó là:

- Bất kể một cá nhân, tổ chức hay xí nghiệp nào ở bất kỳ đâu trên lãnh thổ Nga, vào bất kỳ thời điểm nào, cũng có thể thông qua hệ thống tiếp cận tự động hoá và hệ thông truyền thông hiện đại tốc độ cao để có được những thông tin và tri thức cần thiết về các công nghệ mới; vật liệu mới; sản phẩm mới; tổ chức quản lý cũng như quy trình sản xuất mới; hoạt động đổi mới và các quá trình đổi mới khác.

- Luôn hình thành các công nghệ thông tin mới và các hệ thống tự động hoá mới để đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin cần thiết và nhanh nhạy cho toàn xã hội.

- Có hạ tầng cơ sở phát triển để tạo ra tài nguyên thông tin mới nhằm duy trì tiến bộ khoa học - kỹ thuật phát triển với tốc độ ngày càng nhanh cũng như toàn bộ quá trình đổi mới, đồng thời tạo ra khối lượng và chất lượng thông tin khoa học cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

- Quá trình tự động hoá và máy tính hoá diễn ra với tốc độ ngày càng cao trong tất cả các lĩnh vực, các ngành sản xuất và quản lý, làm thay đổi căn bản cấu trúc xã hội, từ đó thúc đẩy quá trình đổi mới.

- Sẵn sàng tiếp nhận những tư tưởng mới, tri thức mới, công nghệ mới để áp dụng vào thực tiễn sản xuất, quản lý và đời sống.

- Có hạ tầng cơ sở thông tin phát triển, có khả năng phản ứng nhanh nhạy và kịp thời trước những thành tựu đổi mới, dựa trên cơ sở các công nghệ sản xuất mới có khả năng tạo ra những sản phẩm mới có tính cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế.

- Có hệ thống đào tạo, tự đào tạo và đào tạo lại cán bộ chuyên môn nghiệp vụ luôn nhạy bén đáp ứng các yêu cầu đổi mới trong tất cảc các lĩnh vực, từ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý đến sản xuất và đời sống.

Hoạt động đổi mới bao quát tất cả các nội dung hàm chứa trong khái niệm tiến bộ khoa học - kỹ thuật theo định hướng đổi mới dựa trên cơ sở khoa học. Còn tiến bộ khoa học - kỹ thuật hàm chứa trong đó hai thành tố liên quan với nhau là thành tựu khoa học - kỹ thuật và thành tựu kỹ thuật - sản xuất. Nếu thành tựu khoa học - kỹ thuật là các tri thức mới, ý tưởng khoa học - kỹ thuật mới, phát minh và sáng chế mới, công nghệ mới dựa trên các nguyên lý khoa học mới, thì thành tựu kỹ thuật - sản xuất là những kết quả của hoạt động đổi mới để ứng dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật trong sản xuất và đời sống nhằm tạo ra những công nghệ mới, máy móc và thiết bị mới, phương pháp tổ chức và quản lý mới. Quá trình áp dụng các thành tựu kỹ thuật - sản xuất để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng được thực hiện thông qua cơ chế thị trường, hoặc cơ chế đặt hàng - hợp đồng. Còn hoạt động nghiên cứu để tạo ra các thành tựu khoa học - kỹ thuật cần thiết để thực hiện các quá trình đổi mới nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, được gọi là các thành tựu khoa học - kỹ thuật có định hướng đổi mới.

Như vậy, theo giới nghiên cứu kinh tế ở Nga, hoạt động đổi mới là hoạt động của tập thể người lao động nhằm áp dụng những thành tựu kỹ thuật - sản xuất có tính then chốt vào thực tiễn đời sống xã hội trên cơ sở vận dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật trong nước và thế giới, rút ngắn khoảng cách từ chỗ tạo ra các thành tựu khoa học - kỹ thuật tới việc áp dụng các thành tựu đó tại các xí nghiệp đã có hoặc sẽ được xây dựng mới. Do đó, hoạt động đổi mới công nghệ mạnh mẽ là điều kiện quan trọng nhất để hình thành nền kinh tế đổi mới.

Hiệu quả của hoạt động đổi mới phụ thuộc nhiều vào hạ tầng cơ sở đổi mới, vừa là đòn bẩy vừa là điểm tựa để đưa nền kinh tế lên trình độ phát triển cao hơn. Hạ tầng cơ sở đổi mới là tập hợp các hệ thống kỹ thuật-sản xuất, tổ chức, xí nghiệp và các cơ quan tổ chức quản lý cần và đủ để thực hiện hoạt động đổi mới. Hạ tầng cơ sở đổi mới quyết định tốc độ phát triển của nền kinh tế và mức độ gia tăng mức sống của nhân dân. Kinh nghiệm các nước trên thế giới chứng tỏ, trong điều kiện cạnh tranh toàn cầu trên thị trường, chiến thắng thuộc về những ai có hạ tầng cơ sở đổi mới phát triển cao và có cơ chế đổi mới hiệu quả. Do đó, nước Nga cần xây dựng hạ tầng cơ sở đổi mới hoạt động có hiệu quả để xây dựng nền kinh tế đổi mới.

Hạ tầng cơ sở đổi mới có những tính chất sau:

- Phân bố theo tất cả các vùng dưới dạng các trung tâm đổi mới để giải quyết tại chỗ các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

- Có tính thống nhất để thực hiện các đề án đổi mới có ý nghĩa then chốt trong tất cả các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của nền kinh tế.

- Có tính chuyên nghiệp, có khả năng đáp ứng yêu cầu của thị trường.

- Có hiệu quả kinh tế, luôn có khả năng nắm bắt được thông tin phản hồi từ thị trường và người tiêu dùng, nhằm tạo ra vòng tròn khép kín đổi mới - đầu tư - quản lý kết quả - đầu tư - đổi mới.

- Có tiềm lực khoa học - kỹ thuật mạnh.

- Có đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao, trước hết là các nhà lãnh đạo hoặc chủ các dự án đổi mới, có khả năng thường xuyên đổi mới và hoàn thiện đội ngũ cán bộ cho hạ tầng cơ sở đổi mới.

- Được bảo đảm về tài chính, trong đó kết hợp giữa nhà nước và tư nhân. Nhà nước sẽ tập trung cho các dự án đổi mới có tính rủi ro cao nhưng sẽ tạo ra bước phát triển đột phá.

- Có tính linh hoạt để thích nghi hạ tầng cơ sở đổi mới với những thay đổi của thị trường trong nước và thế giới.

Hạt nhân của hạ tầng cơ sở đổi mới là các xí nghiệp, các hãng và công ty, có chức năng tích luỹ những thành tựu tiến tiến nhất ở trong nước và nước ngoài. Tại các xí nghiệp và công ty lớn có các trung tâm nghiên cứu đổi mới nhằm tạo ra các thành tựu kỹ thuật - sản xuất đáp ứng chính các yêu cầu của các xí nghiệp và công ty đó.

Hệ thống tự động hoá linh hoạt trên cơ sở áp dụng công nghệ thông tin và các hệ thống mạng máy tính là hạt nhân của một nền kinh tế đổi mới, trong đó quan trọng nhất là hệ thống tự động hoá toàn bộ chu trình thiết kế chế tạo - sản xuất - kiểm tra sản phẩm - tiêu thụ sản phẩm. Tại các vùng và các khu vực trong LIên bang, cần xây dựng các trung tâm bảo đảm thông tin cho hoạt động đổi mới. Ngoài ra, tại các vùng và các khu vực sẽ xây dựng các xí nghiệp và các ngành có hệ thống tự động hoá cung cấp thông tin cho nền kinh tế đổi mới, vừa nhằm giải quyết các nhiệm vụ của nền kinh tế đổi mới trên phạm vi quốc gia, vừa bảo đảm tạo ra khả năng cạnh tranh của các xí nghiệp, các ngành, các khu vực và cả nước nói chung.

Trong điều kiện xây dựng nền kinh tế đổi mới, xã hội sẽ có thái độ hoàn toàn mới đối với người lao động có trí tuệ và tay nghề cao, bởi họ là sức sản xuất chủ yếu của xã hội đổi mới. Vai trò của các chuyên gia có trình độ chuyên nghiệp cao là rất lớn và ngày càng quan trọng trong nền kinh tế đổi mới. Do đó, việc đào tạo cán bộ có khả năng lãnh đạo và quản lý hoạt động đổi mới là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của nhà nước Nga.

Giáo dục, đào tạo - một nội dung trọng tâm để thực hiện chính sách đổi mới nền kinh tế
 
Một là, khuyến khích sáng tạo cá nhân nhằm tạo ra những thành tựu khoa học - kỹ thuật mới và phương pháp áp dụng các thành tựu đó trong sản xuất và đời sống; chú trọng đạo tạo các chuyên gia có trình độ khoa học, chuyên môn nghiệp vụ và trình độ quản lý cao; chú ý thích đáng cho khâu đào tạo cán bộ cho các quá trình sản xuất mới; xây dựng hệ thống đào tạo kết hợp với sản xuất; hợp tác giữa các trường đại học với các xí nghiệp sản xuất, các công ty, các hãng để đào tạo cán bộ thông qua xây dựng các chương trình giảng dạy tại các trường, soạn thảo sách giáo khoa về các hoạt động đổi mới.

Hai là, đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng các trường đại học và cao đẳng, vì đây là tiềm năng chủ yếu để xây dựng nền kinh tế đổi mới. Các trường đại học và cao đẳng cần nhanh chóng trở thành một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế đổi mới thông quan việc xây dựng các trung tâm khoa học - sản xuất đổi mới, làm cầu nối giữa khoa học với sản xuất ở cấp liên bang và khu vực. Nước Nga được kế thừa hệ thống các trường đại học và cao đẳng có đẳng cấp quốc tế từ thời Liên Xô trước đây.

Hiện nay, Nga sẽ phát triển hệ thống đó theo định hướng của nền kinh tế đổi mới. Nước Nga cũng được kế thừa kinh nghiệm của Liên Xô trước đây trong việc xây dựng các thành phố khoa học - sản xuất, đã từng nhanh chóng tạo ra những thành tựu kỳ vĩ trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học, sản xuất và quốc phòng, tiến kịp trình độ phát triển hàng đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực như công nghệ hạt nhân, công nghệ vũ trụ, công nghệ quân sự, v.v.. Những kinh nghiệm đó đang được Liên bang Nga vận dụng để xây dựng nền kinh tế đổi mới theo cơ chế nền kinh tế thị trường định hướng xã hội trong thế kỷ XXI./.

 

(1) Giáo sư T.A. I-xmai-lốp và Giáo sư G.X. Ga-mi-dốp: Nền kinh tế đổi mới: hướng chiến lược phát triển của nước Nga trong thế kỷ XXI, Tạp chí Đổi mới, số 1-2003.