TCCSĐT - Ngày 29-10-2010, sau 2 ngày tiến hành Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu tại Bruc-xen (Bỉ), lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu (EU) thống nhất đề án xây dựng một cơ chế thường trực nhằm quản lý khủng hoảng trong toàn bộ EU nói chung và trong khu vực các nước sử dụng đồng tiền ơ-rô nói riêng. Nguyên thủ các nước EU thông qua quyết định ủng hộ sáng kiến đề xuất điều chỉnh một số nội dung của Hiệp ước Li-xbon. Câu hỏi đặt ra là: do đâu mà Hiệp ước này cần có sự điều chỉnh như vậy?
 
Tuyên bố chung của Hội nghị nêu rõ, nguyên thủ các nước EU thông qua quyết định ủng hộ sáng kiến do Đức và Pháp đề xuất về việc điều chỉnh một số nội dung của Hiệp ước Li-xbon được ký kết năm 2009, nhằm ngăn ngừa sự lặp lại cuộc khủng hoảng kinh tế trong tương lai, tương tự như cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp và một số nước EU khác. Đề xuất này được xây dựng thành văn bản để thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh của EU tổ chức tại Li-xbon vào tháng 12-2010.

Về quyết định quan trọng này, ông Hec-man Van Rôm-puy, Chủ tịch Hội đồng châu Âu nhận xét: “Nguyên thủ các nước EU tại hội nghị ở Bruc-xen đồng ý nội dung văn bản ghi nhận những điều cần sửa đổi trong Hiệp ước Li-xbon và yêu cầu các nước trong liên minh trao đổi ý kiến để trình Hội nghị thượng đỉnh EU sắp tới. Chính bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế, trong đó có cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp, là động lực thúc đẩy tới quyết định này”.

Vậy, do đâu Hiệp ước Li-xbon được ký kết năm 2009 không thật sự có hiệu lực trong việc ngăn chặn khủng hoảng kinh tế và những đề xuất điều chỉnh Hiệp ước này là gì?

Thứ nhất, theo các quy định hiện hành trong Hiệp ước Li-xbon, các nước thuộc khu vực đồng ơ-rô không được phép giúp đỡ tài chính trực tiếp cho các nước khác một khi xảy ra khủng hoảng tài chính. Thí dụ, Điều 125 của Hiệp ước Li-xbon hiện hành không cho phép các nước thành viên EU ra tay cứu vớt một quốc gia nào đó của liên minh khỏi bị phá sản. Chuyện khủng hoảng nợ của Hy Lạp bùng phát đầu năm 2010 là một trường hợp ngoại lệ đặc biệt bởi có nguy cơ làm sụp đổ nền kinh tế các nước khu vực đồng ơ-rô. Do đó, các nước trong khu vực này của EU đã buộc phải cùng với Quỹ tiền tệ quốc tế đóng góp thành gói cứu trợ trị giá 120 tỉ ơ-rô (trong vòng 3 năm) để giải quyết khoản nợ công lên đến 300 tỉ ơ-rô của nước này.

Thứ hai, dân chúng ở nhiều nước EU đã biểu tình phản đối chính phủ của họ đem tiền đi cứu vớt chính phủ một quốc gia “thiếu trách nhiệm” đã “tiêu xài quá mức” để buộc các nước khác phải thắt lựng buộc bụng. Ở Đức, có tới 61% người dân Đức phản đối việc chính phủ Đức rút tiền để cứu trợ Hy Lạp, thậm chí 40% người Đức còn hy vọng “khai trừ” Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng ơ-rô. Những người phản đối việc Đức trợ giúp Hy Lạp đã biểu tình và yêu cầu Tòa án Hiến pháp nước này ra lệnh tạm thời cấm thực hiện đạo luật trợ giúp tài chính cho Hy Lạp.

Vì thế, tại Hội nghị EU ở Bruc-xen hôm 28-10-2010, Thủ tướng Đức An-ge-la Mec-gen được sự ủng hộ của Tổng thống Pháp Ni-cô-lai Xac-cô-di đã đề nghị lãnh đạo các nước EU thay đổi Điều 125 của Hiệp ước Li-xbon hiện hành, thay vào đó là xây dựng một cơ chế chống khủng hoảng mới. Nếu không, một khi xảy ra chuyện tương tự như cuộc khủng hoảng Hy Lạp, Toà án hiến pháp Đức chắc chắn sẽ phong toả bất kỳ nỗ lực nào tương tự, dù chỉ là tạm thời và ngoại lệ như trường hợp tài trợ cho Hy Lạp vừa qua.

Thứ ba, Đức và Pháp đề nghị một cơ chế kiểm soát kinh tế - tài chính gồm 3 điểm quan trọng. Một là, thành lập một quỹ ổn định chống khủng hoảng cho khu vực đồng ơ-rô. Hai là, trong trường hợp một thành viên của EU vi phạm Điều ước ổn định và phát triển của các nước châu Âu thông qua năm 1997, bao gồm các nguyên tắc tài chính và ngân sách, thì thành viên đó được phép trong vòng sáu tháng phải có các biện pháp cân đối ngân sách thâm hụt để không được vượt quá 3% GDP. Sau thời hạn đó, nếu không tự xử lý được thì sẽ bị áp dụng các biện pháp trừng phạt của EU. Ba là, các nước thành viên nào vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản trong chính sách tài chính-kinh tế của khu vực đồng ơ-rô, sẽ bị tước quyền bỏ phiếu tại các cơ quan tối cao của Liên minh Châu Âu.

Tuy nhiên điểm thứ 3 trong đề xuất của Đức và Pháp ngay lập tức gây ra các cuộc tranh luận gay gắt trong các nước thành viên. Ông Giô-de Ma-nu-en Ba-rô-du, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, gọi yêu cầu này của Đức và Pháp là “không thể chấp nhận được” và khẳng định rằng, biện pháp này sẽ không nhận được sự đồng thuận của tất cả 27 nước thành viên EU tại Summit sắp tới ở Li-xbon. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, Giăng-Clốt Tri-se, kịch liệt phê phán sáng kiến của Pháp và Đức, và tuyên bố rằng nó sẽ đặt dấu hỏi nghi vấn về sự ổn định tài chính trong khu vực đồng tiền chung ơ-rô. Vì thế, Giăng-Clốt đưa ra sáng kiến chỉ nên cảnh báo chính thức cho các nước vi phạm và nếu trong vòng nửa năm họ không áp dụng các biện pháp cần thiết thì sẽ không được phép sử dụng các nguồn tài chính từ ngân sách của EU.
 
Chủ tịch Uỷ ban phụ trách về luật pháp, các quyền cơ bản và dân sự châu Âu, bà Vi-vi-an Re-dinh, là người phê phán gay gắt nhất đối với sáng kiến của Đức và Pháp yêu cầu thay đổi Hiệp ước Li-xbon và gọi hai nước này “có hành động cấu kết” và “áp đặt quan điểm” của họ đối với các nước EU. Bà Vi-vi-an Re-dinh nhấn mạnh: “Việc đưa ra những ý tưởng thay đổi Hiến pháp Li-xbon là hành động vô trách nhiệm. Các quyết định của EU phải được thông qua ở Li-xbon, chứ không phải ở Đô-vi-la (nơi vừa diễn ra cuộc gặp cấp cao Đức-Pháp-Nga, trước khi diễn ra hội nghị EU ở Bruc-xen), lại càng không thể do hai nước thành viên EU đề xuất là có thể được chấp nhận. Quyết định này phải được nguyên thủ quốc gia 27 nước thành viên thông qua trên cơ sở thảo luận nghiêm túc và tính tới lợi ích của 500 triệu người dân EU”. Trả lời phản ứng gay gắt đó, trong cuộc gặp Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu Giô-de Ma-nu-en Ba-rô-du, Tổng thống Pháp Ni-cô-lai Xac-cô-di đã cáo buộc uỷ ban này “có thái độ miệt thị dân tộc Pháp”.

Mặc dù còn nhiều ý kiến tranh cãi, nhưng sau Hội nghị EU ở Bruc-xen kết thúc hôm 29-10-2010, Nghị viện châu Âu tuyên bố đã sẵn sàng xem xét vấn đề thay đổi nội dung Hiệp ước Li-xbon theo sáng kiến của Đức và Pháp. Chủ tịch Nghị viện châu Âu E-gi Bu-dec khẳng định: “Dĩ nhiên, những thay đổi này là có thể được, nhưng sẽ không đơn giản chút nào”. Văn bản cuối cùng của những nội dung thay đổi Hiệp ước Li-xbon sẽ được đệ trình lên Summit EU vào cuối năm nay và nếu được thông qua, sẽ có hiệu lực từ năm 2013./.