Chiều 30-10, phát biểu trong cuộc họp báo kết thúc Hội nghị cấp cao ASEAN 17 và các Hội nghị cấp cao liên quan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vui mừng thông báo những kết quả đã đạt được trên ba nội dung chính là: xây dựng Cộng đồng ASEAN; quan hệ đối ngoại và vai trò trung tâm của ASEAN; phát triển bền vững và ứng phó với những thách thức toàn cầu.

Thủ tướng nêu rõ: tại Hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo một lần nữa khẳng định quyết tâm đẩy mạnh các hành động cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN và đã nhất trí tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ để tạo ra sự chuyển biến thực sự trong việc thực hiện đúng tiến độ và hiệu quả các chương trình/kế hoạch xây dựng Cộng đồng, theo các quy định pháp lý của Hiến chương ASEAN.
 
Các nhà lãnh đạo đã thông qua Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN nhằm tăng cường kết nối về hạ tầng, thể chế và người dân ASEAN; thông qua hai văn kiện quan trọng khác của ASEAN là: Tuyên bố ASEAN về phát triển nguồn nhân lực và các kỹ năng cho phục hồi kinh tế và tăng trưởng bền vững; Tuyên bố về Tăng cường phúc lợi và phát triển của phụ nữ và trẻ em ASEAN.
 
Trong dịp này, Tuyên bố ASEAN về hợp tác tìm kiếm và cứu hộ người và tàu thuyền gặp nạn trên biển cũng đã được các Bộ trưởng Ngoại giao thông qua. Đây là một trong những nỗ lực quan trọng của ASEAN nhằm xây dựng Cộng đồng hướng tới người dân. Những kết quả đạt được đã tạo những cơ sở vững chắc cho ASEAN tiếp tục phát triển, hướng tới mục tiêu đã đề ra.

Về quan hệ đối ngoại và vai trò trung tâm của ASEAN, các nhà lãnh đạo thống nhất cao về chủ trương và các biện pháp đẩy mạnh quan hệ đối ngoại của ASEAN cũng như bảo đảm vai trò trung tâm của Hiệp hội trong một cấu trúc khu vực đang định hình. Các đối tác tiếp tục khẳng định coi trọng quan hệ và mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác toàn diện với ASEAN, ủng hộ ASEAN xây dựng Cộng đồng và giữ vai trò trung tâm ở khu vực.
 
ASEAN và các đối tác thống nhất cần tăng cường đối thoại và hợp tác, nhất là trong việc thực hiện có hiệu quả các Kế hoạch hành động triển khai Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược hoặc đối tác toàn diện.
 
Ngoài Cấp cao hàng năm với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ, trong dịp này, ASEAN đã họp Cấp cao với một số đối tác khác như: Ô-xtrây-lia, Niu Di-lân, Nga, Liên hợp quốc.
 
Cùng với quan hệ đối tác chiến lược mà ASEAN đã có với Trung Quốc, Nhật Bản, các Nhà Lãnh đạo đã quyết định nâng cấp quan hệ ASEAN - Hàn Quốc lên thành đối tác chiến lược và nâng cấp quan hệ ASEAN - Hoa Kỳ lên tầm chiến lược.
 
Các Nhà Lãnh đạo cũng đã quyết định mở rộng Cấp cao Đông Á để Nga và Hoa Kỳ tham gia trên cơ sở ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và tôn trọng các mục tiêu, nguyên tắc, thể thức và ưu tiên của Cấp cao Đông Á đã được thống nhất từ trước.

Thủ tướng cho biết: Các Nhà Lãnh đạo đã thảo luận sâu rộng về phương hướng và biện pháp hợp tác nhằm phục hồi kinh tế và phát triển bền vững, cũng như ứng phó có hiệu quả với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh. Các nước đều khẳng định quyết tâm mạnh mẽ gia tăng những nỗ lực quốc gia cũng như hợp tác khu vực và quốc tế để xử lý những thách thức chung này; đẩy nhanh việc thực hiện Tuyên bố chung về phục hồi và phát triển bền vững; Tuyên bố chung về ứng phó với biến đổi khí hậu đã được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN 16.

Các nhà lãnh đạo cũng đã trao đổi ý kiến về một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm như tình hình Mi-an-ma, tình hình biển Đông, tình hình bán đảo Triều Tiên...

Nhân dịp này, Hội nghị cấp cao Mê-công - Nhật Bản và cuộc họp quan chức Mê-công - Hoa Kỳ đã được tổ chức để bàn biện pháp hợp tác hỗ trợ phát triển tiểu vùng Mê-công, nhất là về kết cấu hạ tầng, bảo vệ môi trường và nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tại cuộc họp báo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên trong nước và nước ngoài, liên quan đến những đóng góp nổi bật của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2010; việc duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong cơ chế hợp tác Đông Á...
 
Liên quan đến việc sử dụng cảng Cam Ranh, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã quyết định bằng nguồn lực của chính mình, xây dựng cảng Cam Ranh trở thành Trung tâm cảng dịch vụ tổng hợp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho các nước có nhu cầu, theo cơ chế thị trường, như nhiều nước khác trên thế giới đã làm. Việt Nam sẽ xem xét việc ký kết hợp đồng thuê doanh nghiệp có khả năng, trình độ cao, có kinh nghiệm chuyên ngành, làm tư vấn cho Việt Nam xây dựng Trung tâm cảng dịch vụ tổng hợp này.../.