Nghịch lý ở Pháp

Hoàng Mai
23:44, ngày 30-10-2010

TCCSĐT - Bất chấp làn sóng đình công, phản đối mạnh mẽ hiếm thấy trong lịch sử đất nước và gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế - xã hội, Thượng viện Pháp vẫn thông qua bộ luật được chính phủ đưa ra về nâng tuổi về hưu từ 60 lên 62. Một làn sóng đình công mới đang hình thành sau sự phê chuẩn này của Thượng viện như thể vụ việc chưa hề ngã ngũ và ván chưa được đóng thành thuyền.

Nước Pháp lâm vào tình trạng đầy nghịch lý. Chuyện về hưu khi 60 tuổi đã được quyết định từ năm 1983 dưới thời chính phủ thuộc Đảng Xã hội của Tổng thống Phờ-ran-xoa Mit-tơ-ran. Nhưng từ đó đến nay, rất nhiều người Pháp đã chấp nhận làm việc lâu hơn thế mới về hưu bởi nếu không sẽ bị thua thiệt đủ đường. Đến nay, thời thế và vật giá đã thay đổi cơ bản, tuổi thọ trung bình của người dân cũng tăng lên. Nhận thức chung gốc rễ từ lý trí mách bảo cho người Pháp biết rằng chuyện phải làm việc lâu dài hơn rồi mới về hưu là không thể tránh khỏi. Dù vậy, người Pháp vẫn đình công và xuống đường biểu tình chống lại chủ trương của đương kim Tổng thống N. Xác-cô-di nâng tuổi về hưu lên 2 năm.

Nghịch lý thứ hai, cho dù hai phần ba dân Pháp công nhận sự cần thiết và tính cấp bách của kế hoạch cải tổ chế độ hưu bổng của Tổng thống N.Xác-cô-di, nhưng lại có tới 70% số người Pháp ủng hộ biện pháp đình công và biểu tình phản đối.

Nguyên nhân của hai nghịch lý ấy trước hết là sự không hài lòng của người Pháp đối với ông N.Xác-cô-di. Họ bất bình với việc ông N.Xác-cô-di muốn họ làm việc lâu dài hơn, nhưng đồng thời lại dùng luật pháp để giúp kẻ giàu không phải đóng thuế thu nhập cao hơn 50% và sử dụng tiền quyên góp của người già và giới kinh tế cho đảng của mình. Uy tín của vị tổng thống này trong dân Pháp xuống thấp ở mức kỷ lục cũng vì lý do đó.

Một nguyên nhân nữa lý giải cho hai nghịch lý nói trên là đặc thù lịch sử “văn hoá đình công” ở Pháp. Luật về đình công và biểu tình có ở nước Pháp từ năm 1864 nhưng mãi 20 năm sau luật pháp mới công nhận các tổ chức công đoàn. Từ đó, mới có cách tiếp cận giải pháp “đình công trước, công đoàn đàm phán sau”. Điều đó cũng lý giải vì sao rất hay có đình công ở Pháp nhưng mức độ đình công lại không quyết liệt như ở các nước châu Âu khác. Ông N.Xác-cô-di chắc chắn sẽ không nhượng bộ vì mọi nhượng bộ đều bị coi là mất thể diện và vị thế quyền lực suy yếu. Vì thế, ở Pháp sẽ vẫn còn đình công và nghịch lý nói trên sẽ vẫn tồn tại./.