Tương lai đối thoại Mỹ - I-ran
TCCSĐT - Quyết tâm mở đường đối thoại của Tổng thống Mỹ liệu có khai thông những bế tắc hiện nay giữa Nhóm 6 nước và I-ran về những tranh cãi xoay quanh chương trình phát triển công nghệ hạt nhân của I-ran, vốn vẫn bị phương Tây cáo buộc là sản xuất vũ khí hạt nhân? Đây cũng là vấn đề chiếm vị trí quan trọng trong quá trình Mỹ xem xét lại chính sách với khu vực này. Điều này cho thấy Oa-sinh-tơn vẫn không xa rời các nền tảng cũ, giữ lại hoạt động của khuôn khổ Nhóm 6 nước với cách tiếp cận kép, đồng thời thuyết phục Tê-hê-ran về ý tưởng “cùng lùi”.
Năm điểm mấu chốt
Để giải quyết vấn đề hạt nhân của I-ran, chiến lược của Nhóm 6 nước và kế hoạch của Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma với Tê-hê-ran được cụ thể hóa ở 5 điểm chính, đó là:
Vai trò của Nhóm 6 nước. Với nhiều cách gọi khác nhau như: Nhóm “5+1” - dùng để chỉ 5 nước thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức - đây là những nước có tiếng nói quan trọng trong việc thông qua các nghị quyết của Liên hợp quốc (LHQ) về việc yêu cầu I-ran ngừng các chương trình phát triển công nghệ hạt nhân bị nghi là làm giàu urani. Hay với cách gọi khác: Nhóm “3+3”, bao gồm 3 nước thành viên EU (Pháp, Anh, Đức) và Mỹ, Nga, Trung Quốc, những đối trọng trên trường quốc tế trong giải quyết vấn đề này. Hiện, sáu nước này đã cùng nhau soạn thảo 5 nghị quyết của LHQ.
Đối với chính quyền Mỹ, hoạt động trong khuôn khổ Nhóm 6 có nhiều cái lợi khi “lôi kéo” Nga và Trung Quốc và bản thân Mỹ vào vòng đàm phán. Hơn nữa, đây cũng là điều kiện để thúc đẩy việc xích lại gần nhau hơn theo cách vừa hiệu quả, vừa tế nhị giữa Mỹ và I-ran, như cách ví von của một tờ báo Pháp là: “Người Mỹ và người I-ran có thể hút chung một điếu thuốc”.
Chính sách “cây gậy và củ cà rốt”. Người Mỹ chưa công bố rộng rãi kết luận về việc điều chỉnh chính sách đối với I-ran. Tuy nhiên, việc duy trì lối tiếp cận kép dường như vẫn thắng thế. Một mặt, “cây gậy” vẫn là các biện pháp trừng phạt quốc tế nhằm ép I-ran từ bỏ chương trình làm giàu uranium. Mặt khác, “củ cà rốt” là các đề nghị hợp tác mà Nhóm 6 đã đưa ra với I-ran năm 2008. Đề nghị hợp tác bao gồm việc phục hồi lại vai trò của Tê-hê-ran ở khu vực, các hợp đồng kinh tế và cả hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân dân sự.
Chính sách “lấy đóng băng trị đóng băng”. Đây là một công thức “cùng lùi” đang được Nhóm 6 xây dựng nhằm cố vượt qua các vật cản kéo dài sau nhiều năm. Theo đó, người I-ran phải đóng băng các hoạt động làm giàu uranium của họ trong 6 tuần; đổi lại Nhóm 6 không siết chặt các biện pháp trừng phạt trong thời gian này, với mục tiêu “mở ra một giai đoạn đối thoại sau đó”.
Tổng thống mới của I-ran liệu có thể thay đổi tình thế? Mọi động thái ngoại giao phải chăng cần tăng cường trước hay sau cuộc bầu cử Tổng thống I-ran sẽ diễn ra vào tháng sáu tới(?). Một cuộc đàm phán ngoại giao cấp cao giữa Nhóm 6 và I-ran dường như đang tiến lại gần, song chưa có biểu hiện nào chứng tỏ sẽ diễn ra trước cuộc bầu cử. Với những phát biểu chỉ trích mạnh mẽ mới đây nhằm vào I-xra-en, Tổng thống I-ran M. Át-ma-đi-nê-giát trở thành đối tượng “khó giao lưu” đối với nhiều lãnh đạo thế giới.
Ở I-ran, Tổng thống chỉ có thể điều chỉnh các chính sách xã hội, kinh tế, còn vai trò trong các chính sách đối ngoại, mối quan hệ với phương Tây và chương trình hạt nhân là không lớn. Hiện nay, trên thực tế, quyền lực thực sự lại nằm trong tay lãnh tụ tối cao A.Kha-mơ-nây - nhân vật bí ẩn và quyền lực bậc nhất ở I-ran - người mà trong suốt 5 năm tìm kiếm, các nhà ngoại giao phương Tây vẫn chưa thể thiết lập được kênh đối thoại trực tiếp. Nhân vật này sẽ là người điều hành cuộc bầu cử sắp tới.
Liệu sẽ có một nguy cơ đối đầu? I-ran luôn nhấn mạnh rằng chương trình phát triển công nghệ hạt nhân của họ nhằm mục đích dân sự. Tuy nhiên, các chuyên gia phương Tây tỏ ra hoài nghi điều này, khi việc làm giàu urani của I-ran được thực hiện trước khi xây các lò phản ứng hạt nhân chẳng khác nào “mua xăng trước khi mua ôtô”. Thậm chí, phương Tây còn cáo buộc I-ran đã có lượng dự trữ uranium được làm giàu đủ để sản xuất một quả bom hạt nhân. Người nóng ruột đứng ngồi không yên nhất là I-xra-en, bởi một khi Tê-hê-ran sở hữu vũ khí hạt nhân, an ninh của Ten A-víp đứng trước một mối nguy nghiêm trọng. Sự nghi ngờ và thách đố giữa hai quốc gia vốn coi nhau như “kẻ thù” này luôn là yếu tố đe dọa làm bùng phát bất kỳ một thảm họa hay bất ổn nào ở khu vực.
Chuyển nhanh nhưng thực dụng!
Chỉ trong vòng 100 ngày cầm quyền, nhưng có thể nói ông Ô-ba-ma đã có nhiều động thái mềm mỏng, khác hẳn với sự cứng rắn của người tiền nhiệm trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của I-ran. Tuy nhiên, về thực chất, đây không phải là sự nhượng bộ vô điều kiện mà là một cách tiếp cận thực dụng hơn đối với vấn đề I-ran nói riêng và với khu vực nói chung, đặc biệt trong bối cảnh, những con bài mà Oa-sinh-tơn đang có và cần có cũng khác trước.
Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma ngày 20-3-2009 đã đưa ra tuyên bố mang tính lịch sử, đó là rút I-ran ra khỏi “trục ma quỷ” - tên gọi mà Mỹ dùng từ năm 2002 để chỉ danh sách các quốc gia tài trợ cho khủng bố - đồng thời kêu gọi chấm dứt gần 30 năm quan hệ thù nghịch giữa hai nước. Đây được cho là động thái chứng tỏ sự đoạn tuyệt với chính sách của người tiền nhiệm Bu-sơ với I-ran. Song song với tuyên bố này, ông Ô-ba-ma cũng lần đầu thừa nhận vai trò và ảnh hưởng của I-ran trong khu vực là rất quan trọng. Sau “cái chìa tay” thân thiện đó của Mỹ, giới cầm quyền I-ran dù vẫn tỏ thái độ cứng rắn nhưng đã có một động thái hết sức khả quan từ lãnh tụ tối cao - Giáo chủ A.Kha-mơ-nây với tuyên bố: "nếu Mỹ thay đổi thì I-ran cũng sẽ thay đổi".
Trong kỷ nguyên mới của B.Ô-ba-ma, điều khác biệt là Mỹ sẽ tham gia các cuộc thảo luận của G5+1 với I-ran. Điều đó có nghĩa là chính quyền Ô-ba-ma sẵn sàng trở thành "một nước tham gia đầy đủ", bỏ qua điều kiện tiên quyết trước đó của chính quyền Bu-sơ, vốn vẫn từ chối tham gia các cuộc đàm phán có sự tham dự của I-ran về vấn đề hạt nhân của Tê-hê-ran và nói rằng I-ran trước hết phải ngừng chương trình làm giàu urani.
Cần nhưng không vội!
Đáp lại thông điệp thiện chí của Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma nhân dịp Năm Mới của I-ran, Tổng thống I-ran M. Át-ma-đi-nê-giát phát biểu ông sẽ bắt tay với chính quyền mới của Mỹ nếu lời đề nghị của họ là chân thành, và thông báo sẵn sàng theo đuổi "quan hệ xây dựng" với I-ran. "Chúng tôi sẵn sàng tiến hành đàm phán với phương Tây nhưng các cuộc đàm phán này cần dựa trên nguyên tắc công bằng và bình đẳng cũng như tôn trọng các quyền hạt nhân của I-ran". Tuyên bố này nhằm ám chỉ việc I-ran hoan nghênh các cuộc đàm phán công bằng và hợp lý; bên cạnh đó, Tê-hê-ran muốn thấy sự "chân thành thực sự" từ phía Mỹ, không chỉ trong vấn đề hạt nhân mà còn bao hàm quan hệ giữa hai nước.
I-ran đương nhiên rất cần một quan hệ tốt hơn với Mỹ, bởi đây là cánh cửa để I-ran nâng cao vị thế trong khu vực. Khu vực cạnh tranh chủ yếu giữa Mỹ và I-ran là I-rắc. I-ran coi sự có mặt quân sự của Mỹ tại I-rắc là mối đe dọa, trong khi Mỹ quyết tâm không để I-rắc rơi vào quỹ đạo của người I-ran. Nhưng cả I-ran và Mỹ đều được lợi khi I-rắc là nước ổn định, toàn vẹn lãnh thổ và hài hòa giáo phái. Tuy nhiên, những bất đồng vẫn còn khi I-ran coi bầu cử là hành động trao quyền hợp pháp cho các đảng phái của người Xi-ai tại I-rắc. I-ran ủng hộ các nhóm người Hồi giáo chống I-xra-en, đặc biệt coi lực lượng Héc-bô-la dòng Xi-ai của Li-băng và nhóm Ha-mát dòng Săn-ni của Pa-le-xtin là các phong trào kháng chiến hợp pháp. Ngược lại, Oa-sinh-tơn coi các tổ chức này là các nhóm khủng bố và cáo buộc I-ran bảo trợ cho các lực lượng này. Không những thế, là thành viên của OPEC, nước có khối lượng dự trữ dầu lửa và khí đốt tự nhiên lớn thứ hai thế giới, I-ran luôn giữ lập trường cứng rắn đối với giá dầu, trái ngược hẳn với mong muốn giá dầu rẻ của Mỹ.
Tính đến nay hơn 3 năm, các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân I-ran liên tục bị trì hoãn. Phương Tây luôn hành xử với I-ran theo kiểu “làm như tôi nói, chứ không phải như tôi làm” và thái độ này chỉ đem lại sự chống trả quyết liệt từ I-ran. Đã đến lúc mối đe dọa trừng phạt và tấn công quân sự sẽ phải nhường chỗ cho sự tiếp cận thực tế và hiệu quả hơn./.
Chiến tranh Việt Nam từ một góc nhìn  (30/04/2009)
TP Hồ Chí Minh: Trao quyết định bổ nhiệm 24 chủ tịch UBND quận, huyện  (29/04/2009)
Giới thiệu chính sách mới số 176  (29/04/2009)
Chiến sĩ Điện Biên nơi giảng đường đại học  (29/04/2009)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên