Chiến thắng Điện Biên Phủ - thắng lợi của đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện
TCCSĐT - Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi của đường lối chính trị, quân sự tài tình, đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó nội dung cơ bản là đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện.
Kế thừa truyền thống cả nước đồng lòng, toàn dân đánh giặc của dân tộc, thấm nhuần nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân trong lịch sử, ngay trong Chỉ thị Toàn dân kháng chiến (12-12-1946), Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã vạch rõ mục đích kháng chiến là đánh thực dân phản động Pháp, giành độc lập, thống nhất; đường lối kháng chiến là toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính, trường kỳ, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc.... Tiếp đó, trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”(1). Đây là một định hướng chiến lược đối với toàn dân ta ngay từ đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Trong tư tưởng chỉ đạo kháng chiến của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân phải gắn với toàn diện. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Trước kia chỉ đánh nhau về một mặt quân sự, nhưng ngày nay đánh nhau về đủ mọi mặt quân sự, kinh tế, chính trị, tư tưởng... Không dùng toàn lực của nhân dân về đủ mọi mặt để ứng phó, không thể nào thắng lợi được”(2). Vì thế, để đánh bại chiến tranh tổng lực của kẻ thù, phải dùng sức mạnh của toàn dân tộc, phải chú trọng xây dựng sức mạnh quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa và ngoại giao, trong đó, sức mạnh về quân sự có vai trò quyết định, tạo đà, tạo thế cho các mặt trận khác phát triển. Toàn thể nhân dân Việt Nam không phân biệt đảng phái, trai gái, trẻ già, giai cấp, tín ngưỡng và nghề nghiệp... đều phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa. Thực hiện khẩu hiệu: Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến. Mỗi mặt trận có vị trí, tác dụng khác nhau, nhưng cùng thống nhất ở mục đích là tạo ra sức mạnh để giành thắng lợi cuối cùng.
Mặt trận chính trị nhằm tuyên truyền, giáo dục, động viên chính trị sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, làm cho nhân dân hiểu rõ chủ trương, đường lối kháng chiến, kiến quốc; phát huy sức mạnh chính nghĩa của cuộc kháng chiến, đập tan mọi luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, lừa gạt và chia rẽ của địch, làm cho kẻ thù bị cô lập và suy yếu về chính trị, tạo thuận lợi cho các mặt đấu tranh khác. Suốt 9 năm kháng chiến, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sức mở rộng Mặt trận Dân tộc thống nhất trên nền tảng khối liên minh công nhân - nông dân và trí thức; chăm lo xây dựng, củng cố chính quyền dân chủ dân nhân làm công cụ sắc bén tổ chức toàn dân kháng chiến và xây dựng chế độ mới; tăng cường công tác xây dựng Đảng, nâng cao sức chiến đấu và hiệu lực lãnh đạo của Đảng trong kháng chiến; kiên quyết trấn áp bọn phản cách mạng và đẩy mạnh đấu tranh chính trị ở cả thành thị và nông thôn... Nhờ đó, Đảng ta đã tập hợp được sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, động viên, phát huy cao độ lòng yêu nước, yêu chế độ của nhân dân vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc, tạo ra khả năng to lớn để huy động sức người, sức của chi viện ngày càng nhiều cho tiền tuyến. Phối hợp với mặt trận quân sự, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ các địa phương, nhân dân đã tích cực tham gia nhiều cuộc đấu tranh chính trị (mít-tinh, biểu tình...) khiến cho hậu phương địch từ nông thôn đến thành thị luôn bị náo động, không lúc nào yên.
Trên mặt trận kinh tế, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt lên hàng đầu nhiệm vụ chăm lo bồi dưỡng sức dân, xem đó là cơ sở, nền tảng để huy động nhân tài, vật lực cho tiền tuyến. Suốt 9 năm kháng chiến, Đảng và Chính phủ đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp nhằm khuyến khích phong trào tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm trong nhân dân; ban hành nhiều sắc lệnh giảm tô, giảm tức, xóa nợ, chia lại ruộng đất cho nông dân sản xuất; nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, coi trọng xây dựng nền kinh tế tự cung, tự cấp; vừa ra sức xây dựng nền kinh tế kháng chiến phục vụ những nhu cầu thiết yếu của nhân dân, vừa phát triển công nghiệp quốc phòng trang bị vũ khí cho quân đội, đáp ứng những yêu cầu ngày càng lớn cho chiến trường. Đến năm 1953, khi cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn quyết liệt, Đảng quyết định phát động quần chúng triệt để giảm tô, tiến hành cải cách ruộng đất. Cuộc cải cách ruộng đất đã tạo động lực mạnh mẽ, củng cố lòng tin, ý chí và quyết tâm của nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần tăng cường sức mạnh vật chất, sức mạnh tinh thần cho kháng chiến; cổ vũ, động viên hàng vạn chiến sĩ cùng hàng chục vạn người đang phục vụ kháng chiến ngoài mặt trận.
Được Đảng và Chính phủ chăm lo về mọi mặt, nhân dân khắp mọi miền đất nước vừa tích cực tham gia kháng chiến, vừa tích cực sản xuất, đóng góp sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, với ý chí: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, đồng bào các dân tộc trong cả nước, đặc biệt là đồng bào Tây Bắc, Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4 đã đóng góp hơn 260 nghìn dân công (tính ra thành 14 triệu ngày công), 20.991 xe đạp thồ và hàng chục nghìn phương tiện vận chuyển thô sơ. Về bảo đảm vật chất, đồng bào đã đóng góp cho chiến dịch 25.056 tấn lương thực, 907 tấn thịt và hàng nghìn tấn thực phẩm khác. Chỉ tính riêng số vật phẩm đã chuyển được ra mặt trận là hơn hai chục nghìn tấn, trong đó có 14.950 tấn gạo, 266 tấn muối, 62,7 tấn đường, 577 tấn thịt và 565 tấn thức ăn khô (3). Đó là kết quả tuyệt vời về huy động sức mạnh của nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Sự tham gia, đóng góp nhân lực, vật lực, tài lực to lớn đó của nhân dân là nhân tố quan trọng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.
Trên mặt trận văn hóa - giáo dục, nhằm phục vụ kháng chiến, phục vụ đời sống của các tầng lớp nhân dân, Đảng chủ trương vừa đánh đổ văn hóa ngu dân, nô dịch, ngoại lai, phản động, vừa xây dựng nền văn hóa mới của nước Việt Nam độc lập theo ba nguyên tắc: dân tộc, khoa học, đại chúng, tạo tiền đề và cơ sở để tiến lên xây dựng nền văn hóa mới, tiến bộ. Nền giáo dục mới không ngừng phát triển, đạt được mục tiêu là đào tạo con người mới, nâng cao trình độ dân trí, đặc biệt là xây dựng được đội ngũ cán bộ, trí thức có đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc. Hoạt động văn hóa, nghệ thuật được đẩy mạnh, góp phần nâng cao tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, yêu chế độ mới, cổ vũ, động viên quân và dân ta vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đồng tâm, dồn sức cho chiến thắng. Trong 9 năm kháng chiến, nhất là trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, mặt trận văn hóa đã có những đóng góp xứng đáng.
Trên mặt trận quân sự, để động viên toàn dân, thực hiện kháng chiến toàn dân, toàn diện, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng xây dựng thế trận “cả nước đánh giặc”, với khẩu hiệu “mỗi người dân là một chiến sĩ ”, “mỗi làng xóm là một pháo đài”. Trên cơ sở các tổ chức chính trị - xã hội của quần chúng và hệ thống chính trị, Đảng tổ chức nhân dân thành các đội công tác quần chúng, các đội vũ trang có mặt trên các mặt trận chiến đấu ở các làng xã, ở hệ thống trận địa, chiến lũy tại vùng địch tạm kiểm soát; coi trọng huấn luyện quân sự và trang bị vũ khí cho nhân dân; động viên nhân dân tích cực tham gia bảo vệ và bảo đảm giao thông vận tải; huấn luyện, hướng dẫn nhân dân cách thông tin liên lạc, giữ bí mật, cách tổ chức và phương pháp chiến đấu của làng xã, đường phố, đánh giao thông, đánh căn cứ, phá hoại kinh tế địch, cách chống bắt lính, diệt trừ tề gian, phương pháp binh địch vận... Lực lượng dân công, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong được tổ chức thành các đơn vị vừa chiến đấu vừa bảo đảm giao thông vận tải, tham gia phục vụ các trận đánh, chiến dịch.
Thực hiện chủ trương động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, tổ chức lực lượng vũ trang truyền thống của dân tộc đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa, phát triển, nâng cao về chất trong tổ chức ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích, tự vệ. Mỗi thứ quân được xác định chức năng, nhiệm vụ, vai trò riêng, nhưng lại có mối quan hệ mật thiết, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Sự hỗ trợ giữa ba thứ quân chính là sự phối hợp giữa lực lượng tại chỗ và lực lượng cơ động, tạo ra thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp. Cách tổ chức ba thứ quân thể hiện đậm nét tính chất toàn dân của lực lượng vũ trang do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng và lãnh đạo.
Thế trận toàn dân đánh giặc, lấy lực lượng vũ trang làm nòng cốt của ta phát triển ngày càng vững chắc, rộng khắp, khiến đội quân xâm lược không chỉ phải đối mặt với bộ đội chủ lực mà còn phải đối diện với thế trận toàn dân đánh giặc, đi đến đâu cũng bị đánh, lực lượng bị hao mòn, ý chí chiến đấu giảm sút. Thế trận đó cho phép chúng ta thực hiện chiến tranh chính quy bằng lực lượng chủ lực kết hợp chặt chẽ với các hoạt động tác chiến của lực lượng tại chỗ của bộ đội địa phương và dân quân du kích; giữa mặt trận chính diện và mặt trận sau lưng địch, giữa chiến trường chính và chiến trường phối hợp; giữa đấu tranh quân sự với phong trào đấu tranh chính trị của đông đảo quần chúng, tạo nên sức mạnh tổng hợp. Thế trận chiến tranh nhân dân của ta đã tạo thành “tấm lưới thiên la địa võng” thường xuyên uy hiếp, vây hãm, khiến thực dân Pháp rơi vào những mâu thuẫn không sao gỡ nổi, đó là mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán, giữa đánh nhanh và đánh kéo dài, giữa phòng ngự và tiến công. Tướng Na-va đã phải thừa nhận: “Quân viễn chinh Pháp không những phải chống chọi với một đội quân chính quy mà còn phải đương đầu với cả một dân tộc”(4).
Dựa vào thế trận và lực lượng toàn dân đánh giặc, lấy lực lượng vũ trang làm nòng cốt, trong Chiến dịch Đông - Xuân 1953 - 1954, ta liên tiếp mở các đòn tiến công chiến lược khắp trên các chiến trường, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn với hàng trăm vạn dân, buộc thực dân Pháp phải phân tán lực lượng cơ động chiến lược ra nhiều hướng, đẩy địch lâm vào thế bị động đối phó, không thể thực hiện được ý đồ chiến lược do Na-va vạch ra. Quyền chủ động trên chiến trường thuộc về ta. Điện Biên Phủ trở thành nơi địch tập trung binh lực mạnh nhất - điều nằm ngoài dự kiến trong “kế hoạch Na-va”.
Với lực lượng kháng chiến của ta lớn mạnh cả về quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, ta đã huy động 5 đại đoàn chủ lực bao vây tiến công địch và 26 vạn dân công liên tục phục vụ chiến dịch. Bằng tinh thần chiến đấu anh dũng của các chiến sĩ ngoài mặt trận, sự chi viện to lớn của hậu phương, với phương châm “đánh chắc, tiến chắc, đánh chắc thắng”, trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ đã kết thúc với thắng lợi hoàn toàn thuộc về ta. Quân và dân ta đã tiêu diệt và bắt sống 16.000 địch, trong đó có tướng Đờ Ca-xtơ-ri và bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm.
Đi đôi với dùng sức mạnh quân sự, tiêu diệt địch trên chiến trường, công tác binh vận đã góp phần làm cho binh lính địch hiểu rõ cuộc kháng chính nghĩa của nhân dân ta, thấy được sự phi nghĩa, vô nhân đạo của cuộc chiến tranh xâm lược mà thực dân Pháp đang tiến hành. Nhờ đó đã góp phần làm tan rã hàng ngũ địch, hạn chế thấp nhất tổn thất của nhân dân ta trong chiến tranh. Bằng nhiều hình thức vận động phong phú, linh hoạt, trong Chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954, công tác binh vận đã vận động được hơn 32.000 ngụy binh trở về với kháng chiến. Trong đó, riêng chị em phụ nữ đã vận động được 17.000 người(5). Điều đó đã làm khủng hoảng tinh thần và hạn chế khả năng tăng quân tiếp viện của địch cho Điện Biên Phủ.
Phối hợp với đấu tranh quân sự, trong Chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở mặt trận ngoại giao nhằm tạo mặt trận đoàn kết nhân dân thế giới ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân đân Việt Nam, đấu tranh đòi Chính phủ Pháp phải thương lượng với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 21-7-1954, các văn kiện của Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết. Pháp phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân về nước, phải công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Như vậy, do sớm đề ra và tổ chức thực hiện thành công đường lối kháng chiến toàn dân gắn với toàn diện, Đảng ta đã khơi dậy, phát huy được tinh thần yêu nước, tính năng động, sáng tạo của nhân dân trên tất cả các mặt quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa; quy tụ, tập hợp được sức mạnh to lớn của nhân dân từ Bắc đến Nam, từ miền xuôi đến miền ngược, từ thành thị đến nông thôn, từ vùng tự do đến vùng tạm bị chiếm; từ hậu phương đến tiền tuyến; phát huy được sức mạnh của các yếu tố nội lực, truyền thống và con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường của dân tộc. Mỗi người dân yêu nước trên từng cương vị của mình đều tích cực tham gia sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, đóng góp vào Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Thắng lợi của ta trong cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ đã khẳng định đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện của Đảng là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Đó là thắng lợi của sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam, của trí tuệ và bản lĩnh con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Dưới ánh sáng đường lối chính trị, quân sự đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, sức mạnh cả nước đồng lòng, toàn dân đánh giặc, sức mạnh của tiền tuyến và hậu phương, vật chất và tinh thần, trong nước và thời đại, cả lực lượng cách mạng và phương pháp cách mạng... đã được huy động, phát huy lên tầm cao mới. Bằng bản lĩnh và sức mạnh đó, ta đã từng bước làm chuyển biến so sánh lực lượng, từ yếu hóa mạnh, ít thành nhiều, tạo nên sức mạnh áp đảo để giành thắng lợi cuối cùng.
Đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện đã được lịch sử hai cuộc kháng chiến cứu nước của Việt Nam và thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa kiểm nghiệm và chứng minh là hoàn toàn đúng đắn. Bài học về phát huy sức mạnh toàn dân, kháng chiến toàn dân, toàn diện vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện hiện nay./.
----------------------------------
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2009, t. 4, tr. 480-481
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 4, tr. 296, 298
3. Ban Tổng kết chiến tranh - trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 202
4. Hăng-ri Na-va: Đông Dương hấp hối, Nxb. Plông, Pa-ri, 1958, Bản dịch của Viện Sử học
5. Chiến thắng Điện Biên Phủ - sức mạnh dân tộc và tầm vóc thời đại, Nxb. Quân đội nhân dân, H, 1994, tr. 284
Nhớ đồng chí Trần Phú “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”  (28/04/2014)
Thủ tướng Hàn Quốc từ chức sau thảm kịch chìm phà SEWOL  (27/04/2014)
Giao lưu “Ký ức Điện Biên” - ký ức thời làm báo chiến tranh  (27/04/2014)
Giao lưu “Ký ức Điện Biên” - ký ức thời làm báo chiến tranh  (27/04/2014)
Quảng Bình đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh  (27/04/2014)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên