Tổng Bí thư Trần Phú - người cộng sản bất khuất, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng
TCCSĐT - Có những con người mà cuộc đời tuy ngắn ngủi, nhưng sáng chói như ánh sao băng trên bầu trời, sống mãi trong lòng người và trở thành tấm gương sáng cho các thế hệ mai sau. Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta là một con người như thế. Đồng chí Trần Phú đã hy sinh trọn đời vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và hạnh phúc của nhân dân.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Các đồng chí ta như đồng chí Trần Phú, đồng chí Ngô Gia Tự, đồng chí Lê Hồng Phong, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, đồng chí Hà Huy Tập, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Hoàng Văn Thụ, và trăm nghìn đồng chí khác đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết. Các đồng chí đó đã tin tưởng sâu sắc, chắc chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp và của dân tộc. Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay”(1).
1. Hoạt động của đồng chí Trần Phú trong việc xây dựng và phát triển Đảng Tân Việt thành một trong những tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam
Năm 1922, sau khi tốt nghiệp Trường Quốc học Huế, Trần Phú chọn nghề làm thầy dạy học tại Trường Tiểu học Cao Xuân Dục, (thành phố Vinh, Nghệ An), với mục đích góp phần đào tạo ra lớp người có chí hướng, làm lợi cho dân, cho nước. Tại đây, đồng chí đã tận mắt chứng kiến nỗi thống khổ, bất công của các tầng lớp nhân dân lao động dưới ách áp bức, bóc lột của chính quyền thực dân, phong kiến. Là một thanh niên trí thức giàu tinh thần yêu nước và đức tính cảm thông, sẻ chia với nhân dân, đồng chí nảy sinh tư tưởng phải làm cách mạng để giải phóng dân tộc, giải phóng cho những người dân bị áp bức. Khi Hội Phục Việt(2) - một tổ chức yêu nước vừa được thành lập ở Vinh, đồng chí liền đăng ký tham gia và sớm trở thành một trong những người lãnh đạo của tổ chức này.
Với mục đích: “đoàn kết các lực lượng yêu nước để làm cách mạng đánh đuổi giặc Pháp xâm lược, lật đổ bè lũ vua quan bán nước, đem lại độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho đồng bào”, sự ra đời và hoạt động tích cực của Hội Phục Việt đã khơi dậy ngọn lửa cách mạng của nhân dân các tỉnh miền Trung, xây dựng phong trào cách mạng ở miền Trung trở thành một trong những trung tâm cách mạng của cả nước trong những năm cuối thập niên hai mươi, đầu thập niên ba mươi của thế kỷ XX.
Là một thành viên lãnh đạo, tham gia hoạt động bằng tất cả nhiệt huyết của tuổi trẻ, đồng chí Trần Phú đã đi đến nhiều địa phương ở miền Trung và Lào, để vận động, xây dựng cơ sở cách mạng. Với tác phong sâu sát, hòa mình với quần chúng, đồng chí thể hiện là người có khả năng vượt trội về tổ chức, lãnh đạo, đặc biệt là năng lực tư duy chính trị. Vì vậy, tháng 7-1926, đồng chí được Hội (khi đó đổi tên thành Việt Nam cách mạng Đảng) cử sang Quảng Châu (Trung Quốc), để bàn việc sáp nhập với Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Tại Quảng Châu, đồng chí Trần Phú đã gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và tham gia vào lớp huấn luyện cán bộ (khóa 2) do Người trực tiếp giảng dạy. Khóa học đã trang bị cho đồng chí Trần Phú những kiến thức cơ bản về cách mạng vô sản và lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, để từ một thanh niên yêu nước, Trần Phú đã chuyển sang lập trường của giai cấp vô sản.
Sau khi kết thúc khóa học (tháng 10-1926), đồng chí Trần Phú được cử về nước hoạt động. Mặc dù không thuyết phục được những người lãnh đạo của tổ chức Việt Nam cách mạng Đảng, (đến 7-1928, Việt Nam cách mạng Đảng đổi tên thành Tân Việt cách mạng Đảng), thực hiện kế hoạch hợp nhất với Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, nhưng đồng chí Trần Phú đã thuyết phục Ban lãnh đạo đồng ý đưa toàn bộ nội dung, chương trình, phương pháp huấn luyện, cách thức tổ chức của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên đem áp dụng vào hoạt động của tổ chức Tân Việt.
Như vậy có thể nói, đồng chí Trần Phú đã có công hướng tổ chức Tân Việt theo con đường cách mạng của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Nói một cách khác, Trần Phú là một trong những người có công “Thanh niên hóa” tổ chức Tân Việt, đưa hoạt động của một tổ chức yêu nước tự phát, đi theo quỹ đạo của cách mạng vô sản. Chính vì thế, Tân Việt cách mạng Đảng, (đến tháng 01-1930, đổi thành Đông Dương Cộng sản liên đoàn), trở thành một trong ba tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những hoạt động tích cực của đồng chí trong Tân Việt và Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, là những đóng góp quan trọng trong quá trình vận động, chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
2. Đồng chí Trần Phú - nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam
Hoàn thành khóa học tại Trường Đại học Phương Đông (ở Mát-xcơ-va - Liên Xô), đầu năm 1930, theo Chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Trần Phú trở về nước hoạt động. Trong thời gian này, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Do sự truy bắt của mật thám Pháp, đồng chí Trần Phú vừa về đến Sài Gòn, lại phải bí mật sang Hồng Công. Tại Hồng Công, đồng chí đã gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được sự giới thiệu của Người, tháng 4-1930 đồng chí Trần Phú trở về nước và tháng 7-1930 được cử bổ sung vào Ban Chấp ủy lâm thời của Đảng, đồng thời tích cực chuẩn bị cho việc tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ nhất (10-1930).
Để chuẩn bị cho việc xây dựng bản Luận cương chính trị sẽ báo cáo tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí Trần Phú đã tiến hành nhiều cuộc khảo sát, nghiên cứu thực tiễn ở các địa phương Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội, vùng mỏ Quảng Ninh. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu tình hình thực tiễn, soi rọi bằng lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đồng chí Trần Phú đã hoàn thành bản Luận cương chính trị và được thông qua tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương (10-1930).
Nội dung chủ yếu của Luận cương chính trị trình bày những vấn đề chiến lược, sách lược của cách mạng Việt Nam, gồm 3 phần lớn:
1. Tình hình thế giới và cách mạng Đông Dương.
2. Những đặc điểm về tình hình ở Đông Dương.
3. Tánh chất và nhiệm vụ cách mạng Đông Dương.
Ngày nay nhìn lại, có thể thấy trong Luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú soạn thảo còn có một số vấn đề hạn chế, nhất là trong so sánh trực tiếp với Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng (03-02-1930). Tuy nhiên có thể nói rằng, những vấn đề hạn chế này là có tính lịch sử và bị quy định bởi nhiều yếu tố tác động, kể cả những yếu tố từ bên ngoài. Mặt khác, cũng cần khẳng định rằng, những vấn đề có tính cốt lõi nhất về mục tiêu, con đường và mối quan hệ giữa 2 nhiệm vụ dân tộc và dân chủ, thể hiện trong hai văn kiện là có sự thống nhất. Tư tưởng: “Chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”(3) trong Chánh cương vắn tắt, một lần nữa được khẳng định lại trong Luận cương chính trị. Trong Luận cương chính trị mục tiêu đi tới chủ nghĩa cộng sản được nêu rõ, sau khi hoàn thành cách mạng tư sản dân quyền: “Xứ Đông Dương sẽ nhờ vô sản giai cấp chuyên chánh các nước giúp sức cho mà phát triển, bỏ qua thời kỳ tư bổn mà tranh đấu thẳng lên con đường xã hội chủ nghĩa”(4).
Luận cương chính trị chỉ ra mối liên hệ mật thiết giữa cuộc đấu tranh chống phong kiến và chống đế quốc, giữa hai mục tiêu - dân chủ “thổ địa cách mạng” và dân tộc “Đông Dương hoàn toàn độc lập” để đi lên chủ nghĩa xã hội. Đây là luận điểm xuyên suốt trong đường lối cách mạng của Đảng, thể hiện tính nhất quán về con đường, mục tiêu cách mạng của Đảng từ khi thành lập đến nay. Những luận điểm đó đã khẳng định tính đúng đắn ngay từ đầu trong đường lối cách mạng của Đảng - đó là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Thành công của Hội nghị Trung ương 10-1930, đã đánh dấu sự trưởng thành về nhiều mặt của Đảng. Hội nghị đó bầu ra Ban Chấp hành Trung ương mới gồm 7 người, do đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư. Đồng thời, Hội nghị ra Quyết định thành lập cấp bộ Xứ ủy - là cơ quan lãnh đạo trực tiếp của Đảng ở mỗi miền (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ).
Với việc bầu ra Ban Chấp hành Trung ương chính thức, (thay cho Ban Chấp hành Trung ương lâm thời), Bộ chỉ huy cao cấp của Đảng lần đầu tiên được kiện toàn về mặt tổ chức. Ban Chấp hành Trung ương mới do Hội nghị bầu ra có đủ đại diện của cả ba miền Bắc - Trung - Nam, thể hiện sức chiến đấu của Đảng ngày càng lớn mạnh và rộng khắp. Vì thế, uy tín của Đảng không những được nhân lên trong phạm vi cả nước, mà còn có ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong trào cách mạng của toàn cõi Đông Dương. Mặt khác, với sự ra đời của Ban Chấp hành Trung ương do đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư, Đảng đã có được sự ủng hộ hoàn toàn của Quốc tế Cộng sản, ngày 11-4-1931, tại phiên họp thứ 25 Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản lần thứ XI đã ra quyết định công nhận: “Đảng Cộng sản Đông Dương trước đây là một chi bộ của Đảng Cộng sản Pháp, từ nay được công nhận là chi bộ độc lập thuộc Quốc tế Cộng sản”(5). Đó là một trong những yếu tố thuận lợi, tạo điều kiện cho Đảng ta củng cố và phát triển trong tình hình vô cùng khó khăn lúc bấy giờ.
Sau Hội nghị tháng 10-1930, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Trần Phú đã nghiên cứu, xem xét tình hình thực tiễn và đã có nhiều quyết định quan trọng.
Nhận thấy những kết quả bất lợi của phong trào cách mạng, bắt nguồn từ hạn chế của tư tưởng chỉ đạo theo đường lối “tả khuynh” của Quốc tế Cộng sản, ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ Trung ương soạn thảo Chỉ thị về vấn đề thành lập Hội phản đế đồng minh; thành lập các tổ chức Nông hội, Đoàn Thanh niên Cộng sản, Hội Phụ nữ, Hội Cứu tế đỏ,... Đây là sự thay đổi quan trọng trong quan điểm của Đảng về vấn đề lực lượng cách mạng, nhằm đoàn kết, tập hợp một cách rộng rãi tất cả các tầng lớp nhân dân, huy động mọi lực lượng tham gia cách mạng giải phóng dân tộc.
Nhận thức về vai trò của lý luận cách mạng và công tác tuyên truyền, tháng 12-1930, đồng chí Trần Phú và Thường vụ Trung ương Đảng quyết định xuất bản báo Cờ đỏ và Tạp chí Cộng sản, đồng thời lập Ban tuyên truyền do một Ủy viên Thường vụ Trung ương phụ trách. Nhờ có sự điều chỉnh kịp thời về mặt chủ chương, đường lối, quan điểm, Đảng ta đã từng bước khắc phục những sai lầm “tả khuynh”, cô độc, hẹp hòi, để lãnh đạo phong trào cách mạng phát triển đúng hướng.
Đánh giá về những đóng góp to lớn của đồng chí Trần Phú trong công tác tổ chức lãnh đạo, xây dựng Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đã khẳng định: “Trên cương vị Tổng Bí thư đầu tiên, Trần Phú đã có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đồng chí tranh thủ mọi điều kiện để trang bị lý luận Mác - Lênin cho cán bộ, đảng viên, kiên quyết đấu tranh khắc phục những biểu hiện ấu trĩ tả khuynh, hữu khuynh trong Đảng. Đồng chí dành nhiều công sức để xây dựng và củng cố tổ chức, kiện toàn các cơ quan từ trung ương đến các xứ ủy và các đảng bộ, nhất là ở những vùng quan trọng, bị địch đàn áp. Đồng chí Trần Phú thường chỉ thị cho các cấp ủy Đảng phải xem xét tình hình địa phương mà đề ra chủ trương, biện pháp cho phù hợp”(6).
3. Đồng chí Trần Phú - tấm gương sáng về tinh thần chiến đấu kiên cường, hy sinh trọn đời cho cách mạng
Ngày 18-4-1931, Tổng Bí thư Trần Phú sa lưới kẻ thù. Bất chấp mọi thủ đoạn tra tấn tàn bạo và dụ dỗ của kẻ thù, Tổng Bí thư Trần Phú không hề khuất phục. Đồng chí thừa nhận mình là Tổng Bí thư của Đảng, nhưng nói rõ: “Ta không thể đem công việc của Đảng ta nói cho các người nghe”(7). Đòn roi tra tấn của bọn đao phủ, sự tàn bạo của chế độ nhà tù đế quốc đã làm sức khỏe của đồng chí Trần Phú suy kiệt, bệnh cũ tái phát, đồng chí đã hy sinh ngày 06-9-1931 tại nhà thương Chợ Quán - Sài Gòn. Trước lúc hy sinh, lời nhắn gửi cuối cùng đồng chí là: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!”. Lời nhắn gửi ấy đã thực sự trở thành một khẩu hiệu cách mạng, một mệnh lệnh chiến đấu, động viên, khích lệ lớp lớp đảng viên, đồng bào, đồng chí giữ vững niềm tin, xiết chặt đội ngũ, vượt qua khó khăn, gian khổ và khốc liệt, kiên quyết tranh đấu đến thắng lợi cuối cùng của cách mạng.
Ngay sau ngày đồng chí hy sinh, một bài viết đăng trên Tạp chí Quốc tế Cộng sản đã ca ngợi: “Đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú của chúng ta đã hy sinh, nhưng tên tuổi của đồng chí sẽ vĩnh viễn sống mãi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đông Dương cũng như sống mãi trong trái tim những người lao động Đông Dương các thế hệ hôm nay và mai sau. Sự nghiệp cách mạng của đồng chí, lòng trung thành và thái độ bất khuất của đồng chí trong nhà tù đế quốc mãi mãi là tấm gương cho những người cộng sản ở tất cả các nước và nhất là cho những người cộng sản Đông Dương… Chỉ có thắng lợi cuối cùng của chúng ta đối với kẻ thù giai cấp mới có thể trả thù được cho cái chết anh hùng của đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú và hàng ngàn chiến sĩ khác đã ngã xuống như Trần Phú trong cuộc đấu tranh bền bỉ để bảo vệ sự nghiệp vĩ đại của cách mạng thế giới”(8).
Anh dũng hy sinh khi mới 27 tuổi đời, gần một năm giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng, nhưng những cống hiến của đồng chí Trần Phú cho Đảng, cho dân tộc ta vô cùng to lớn. Đảng ta khẳng định: “Cuộc đời và hoạt động cách mạng của Tổng Bí thư Trần Phú tuy ngắn ngủi, nhưng những đóng góp của Trần Phú là quan trọng và to lớn. Sau Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Trần Phú cùng các đồng chí lãnh tụ của Đảng đã góp phần quan trọng xây dựng nền móng tư tưởng, chính trị và tổ chức của Đảng ta”(9). Đồng chí là tấm gương tiêu biểu của người cộng sản về niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng. Chính niềm tin ấy tạo nên tinh thần lạc quan, tin tưởng vào đường lối đúng đắn của Đảng, sức mạnh của nhân dân, dù sự nghiệp cách mạng có nhiều khó khăn, thách thức, dù phải vượt qua nhiều chông gai, nhưng nhất định sẽ đi đến thắng lợi.
Tám mươi ba năm đã trôi qua kể từ ngày Tổng Bí thư Trần Phú vĩnh biệt chúng ta, nhưng những ký ức về cuộc đấu tranh hào hùng, oanh liệt của những người cộng sản trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, không bao giờ nhạt phai trong trái tim của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã trở thành biểu tượng của lòng kiên trung bất khuất và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Tinh thần xả thân vì đất nước, vì nhân dân và tấm gương đạo đức sáng ngời của đồng chí Trần Phú mãi mãi soi sáng cho các thế hệ người Việt Nam tiếp bước trên con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, mang lại mạnh giàu cho đất nước, tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân./.
------------------------------------
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2009, t. 6, tr. 159-160
2. Hội Phục Việt thành lập ngày 14-7-1925, tại thành phố Vinh - Nghệ An. Đầu năm 1926, đổi tên thành Hội Hưng Nam; đến tháng 7-1926, đổi thành Việt Nam cách mạng Đảng; tháng 01-1930 đổi thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, một trong ba tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. (T.G)
3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1999, t. 2, tr. 2
4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, sđd, t. 2, tr. 94
5. Đảng Cộng sản Việt nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, sđd, t. 3, tr. 309
6. Lời điếu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Phạm Thế Duyệt - Ủy viên Thường vụ, Thường trực Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đọc tại Lễ truy điệu và di dời hài cốt đồng chí Trần Phú, ngày 12-01-1999, Báo Nhân dân, 13-01-1999
7. Xem Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước: Trần Phú - tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr. 144, 162
8. Tạp chí Quốc tế Cộng sản, số tháng 5-1932, tr. 163
9. Lời điếu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trong Lễ truy điệu và di dời hài cốt đồng chí Trần Phú, tư liệu đã dẫn.
Nhớ đồng chí Trần Phú “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”  (28/04/2014)
Thủ tướng Hàn Quốc từ chức sau thảm kịch chìm phà SEWOL  (27/04/2014)
Giao lưu “Ký ức Điện Biên” - ký ức thời làm báo chiến tranh  (27/04/2014)
Giao lưu “Ký ức Điện Biên” - ký ức thời làm báo chiến tranh  (27/04/2014)
Quảng Bình đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh  (27/04/2014)
Bí thư Thành ủy Hà Nội: Thủ đô sẽ "chiến đấu" với dịch sởi đến cùng  (27/04/2014)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên