Bàn thêm về nghệ thuật chuyển hướng phương châm tác chiến chiến lược trong Chiến dịch Điện Biên Phủ
TCCSĐT - Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là chiến thắng của nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo tác chiến, thể hiện một tư duy biện chứng sâu sắc trong quyết định lịch sử chuyển hướng phương châm tác chiến chiến lược từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.
Ngày 07-5-1954 dân tộc ta đã làm nên một chiến thắng “lừng lẫy năm châu - chấn động địa cầu” được cả thế giới tôn vinh, ngợi ca - chiến thắng Điện Biên Phủ. Về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”(1), đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới.
Chiến thắng Điện Biên Phủ còn là chiến thắng của sức mạnh chính trị - tinh thần, dám đánh, quyết đánh và quyết đánh thắng của quân và dân ta. Sức mạnh đó được biểu hiện ở ý chí khắc phục khó khăn, gian khổ, độc lập, tự lực, tự cường, được biểu hiện ở tinh thần “tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên” của cán bộ, chiến sĩ quân đội ta. Chiến thắng Điện Biên Phủ còn được ngợi ca mang giá trị nhân đạo, nhân văn sâu sắc. Đồng thời, chiến thắng Điện Biên Phủ còn thể hiện một tư duy biện chứng sâu sắc trong quyết định lịch sử chuyển hướng phương châm tác chiến chiến lược từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” mục đích giành thắng lợi hoàn toàn nhưng phải hạn chế tối đa xương máu, sự hy sinh của bộ đội và tư tưởng biện chứng sâu sắc được thể hiện đó là nắm chắc thực tiễn khách quan, giải quyết đúng đắn, sáng tạo, khoa học mối quan hệ giữa điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan.
Căn cứ vào tình hình thực tiễn trên chiến trường, trong thời gian đầu khi quân địch mới nhảy dù xuống, quân ta mới thực hiện bao vây Điện Biên Phủ, lực lượng của địch chưa được tăng cường, bố trí của chúng còn tương đối sơ hở, trận địa phòng ngự chưa được củng cố, ta đã có dự kiến tranh thủ thời gian, lợi dụng những điều kiện sơ hở của một kẻ địch mới lâm thời chiếm lĩnh trận địa để xác định phương châm tác chiến “đánh nhanh, thắng nhanh” tiến công địch trong ba đêm hai ngày. Nếu thực hiện phương châm tác chiến này thì sẽ tập trung được ưu thế binh lực, hỏa lực, chia làm nhiều hướng, có hướng chính, có hướng chi phối, đánh sâu vào trong lòng địch, chia cắt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra từng bộ phận; tập trung ưu thế binh lực, hỏa lực đánh vào chỗ sơ hở nhất và quan trọng nhất của địch, lợi dụng sơ hở của chúng để tiêu diệt bộ phận quan trọng của chúng; sau đó, tiếp tục giải quyết những bộ phận còn lại, hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm. Song, thực tế lại không diễn ra đúng như vậy, vào phút chót chúng ta lại thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Việc chuyển phương châm tác chiến như vậy vẫn đúng với tư tưởng tác chiến chiến dịch, bởi “đánh chắc, tiến chắc” chính là nhằm tới mục đích tối thượng của chiến tranh là giành chiến thắng.
Trong cuộc họp Đảng ủy Mặt trận đầu tiên ở chiến trường, ý kiến đưa ra là cần đánh ngay trong lúc địch chưa tăng cường thêm quân và củng cố công sự, trận địa. Với quan điểm như vậy, chúng ta hy vọng sẽ có khả năng chiến thắng trong ba ngày hai đêm. Về sau với nhiều diễn biến mới, qua khảo sát nắm chắc thực tiễn chiến trường, phân tích điểm mạnh, điểm yếu của địch và những lợi thế và khó khăn của ta, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã rất trăn trở về phương châm tác chiến “đánh nhanh, thắng nhanh” - vì đánh như vậy quá mạo hiểm và Đại tướng khẳng định: nếu đánh là thất bại. Với nhận định như vậy, Đại tướng đã đi đến quyết định lịch sử: hoãn tiến công, thu quân về vị trí tập kết, chuẩn bị lại theo phương châm: “đánh chắc, tiến chắc”.
Với phương châm tác chiến “đánh chắc, tiến chắc” thì để giành được thắng lợi, chúng ta phải khắc phục rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề tiếp tế đạn dược, lương thực cho hàng vạn chiến sĩ và dân công trong cuộc chiến đấu dài ngày. Hơn nữa, khó khăn lớn nhất là làm công tác tư tưởng đối với bộ đội, bởi lúc này trận địa, thế trận gần như đã bố trí xong, bộ đội đang còn sung sức, tinh thần chiến đấu của bộ đội đang được đẩy lên cao... Khi đưa ra bàn bạc nói đến tinh thần bộ đội Đại tướng Võ Nguyên Giáp có nhấn mạnh: “Tinh thần bộ đội là rất quan trọng, nhưng quyết tâm phải có cơ sở... Hậu cần là điều kiện tiên quyết, nhưng cuối cùng, quyết định là phải có cách đánh đúng”(2).
Nhờ việc nắm chắc thực tiễn chiến trường, Đại tướng và Đảng ủy Mặt trận đã nhìn nhận, đánh giá sát đúng tình hình địch, ta. Để mọi người cùng nhận thấy việc cần thiết phải chuyển phương châm tác chiến, Đại tướng đã phải nêu ra vấn đề: “Vô luận tình hình nào chúng ta vẫn phải nắm nguyên tắc cao nhất là: đánh chắc thắng. Trước khi tôi ra đi, Bác trao nhiệm vụ: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc không đánh”. Với tinh thần trách nhiệm trước Bác và Bộ Chính trị, tôi đề nghị các đồng chí trả lời câu hỏi: “Nếu đánh có chắc thắng trăm phần trăm không?”(3). Tất cả các đồng chí trong Hội nghị Đảng ủy Mặt trận đều không ai dám khẳng định nếu đánh sẽ bảo đảm chắc thắng một trăm phần trăm. Và sau vài giờ trao đổi với tinh thần đoàn kết và ý thức trách nhiệm cao, cuối cùng, tập thể Đảng ủy cũng thấy rằng, thay đổi kế hoạch tác chiến sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhưng không thể vì những khó khăn, trở ngại do chiến dịch có thể kéo dài mà chọn một cách đánh không bảo đảm thắng lợi. Một khi chiến dịch đã diễn ra không bảo đảm thắng lợi, kéo dài thế giằng co thì ta sẽ còn phải đối mặt với rất nhiều vấn đề phức tạp, hơn nữa sinh mạng, xương máu chiến sĩ của bốn đại đoàn chủ lực ta tập trung ở Điện Biên Phủ sẽ bị tiêu tốn một cách vô ích. Đảng ủy nhất trí cho rằng, thay đổi phương châm tác chiến là một quyết tâm rất lớn, là thể hiện cụ thể sự quán triệt tư tưởng chỉ đạo đánh chắc thắng của Trung ương. Sau này theo như Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì quyết định chuyển phương châm tác chiến là một “quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình”(4).
“Đánh chắc, tiến chắc” mặc dù sẽ mất nhiều thời gian và công sức để chuẩn bị lại mọi mặt, song, lâu dài ở đây chính là chiến lược cần lâu dài để bảo đảm chắc thắng, còn về mặt chiến thuật vẫn bảo đảm “đánh nhanh, thắng nhanh”. Như vậy, chọn phương châm tác chiến “đánh chắc, tiến chắc” đã thể hiện tư duy biện chứng rất sâu sắc trong phân tích mối quan hệ giữa điều kiện khách quan, nhân tố chủ quan, trong phương châm “đánh chắc, tiến chắc” cũng bao hàm “đánh nhanh, thắng nhanh”. Đánh lâu dài nghĩa là chiến lược cần lâu dài, còn về mặt chiến thuật, trong từng trận đánh vẫn yêu cầu phải “đánh nhanh, thắng nhanh”. Thực tiễn đã chứng minh điều đó, thời gian chuẩn bị cho mở chiến dịch Điện Biên Phủ là từ giữa tháng 11-1953 và khi Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra chỉ cần 56 ngày đêm chiến đấu (từ ngày 13-3 đến ngày 07-5-1954), quân và dân ta đã giành hoàn toàn thắng lợi trong trận quyết chiến chiến lược, tiêu diệt được toàn bộ lực lượng địch ở “Pháo đài bất khả chiến bại - Điện Biên Phủ”.
Chiến dịch Điện Biên Phủ là đòn đánh táo bạo của quân và dân ta, chọc vào đúng nơi mạnh nhất của địch và đã giành thắng lợi trọn vẹn, buộc thực dân Pháp phải công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ cho thấy, nếu chỉ kiên định với tư tưởng chiến lược thì chưa đủ, mà vấn đề quan trọng hơn là cần phải có sự xem xét một cách biện chứng, khách quan trong chỉ đạo chiến lược và sẵn sàng thay đổi kế hoạch tác chiến cho phù hợp với thực tiễn chiến đấu. Bởi, nếu không nắm vững thực tiễn, người chỉ huy sẽ ra những mệnh lệnh, những quyết định xa rời với sự thật, sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường, gây tổn thất xương máu cho cán bộ và chiến sĩ.
Bài học vô giá về nắm chắc thực tiễn, “biết địch, biết ta”, giải quyết đúng, sáng tạo, khoa học mối quan hệ giữa điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đến nay vẫn còn nguyên giá trị, là cơ sở quan trọng để chúng ta vận dụng vào thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới./.
------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t. 11, tr. 261
(2),(3), (4) Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến dịch Điện Biên Phủ, Nxb. Quân đội nhân dân, H, 2004, tr. 302-303-304
“Ý Đảng, lòng dân” trong chiến dịch Điện Biên Phủ - biểu tượng ý chí và sức mạnh của dân tộc Việt Nam  (26/04/2014)
Để giai cấp công nhân Việt Nam thực sự là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước  (26/04/2014)
Chiến thắng Điện Biên Phủ và sự ảnh hưởng đến Hội nghị Giơ-ne-vơ  (26/04/2014)
Nam Định: Xây dựng nông thôn mới là một trong năm đột phá lớn  (26/04/2014)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển