“Ý Đảng, lòng dân” trong chiến dịch Điện Biên Phủ - biểu tượng ý chí và sức mạnh của dân tộc Việt Nam

Đại tá, ThS. Nguyễn Đức Thắng Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự Bộ Quốc phòng
23:09, ngày 26-04-2014

TCCSĐT - Cách đây 60 năm, ngày 07-5-1954, nhân dân Việt Nam đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Đây là cột mốc biểu tượng ý chí và sức mạnh của dân tộc ta về “ý Đảng, lòng dân”, khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình lãnh đạo toàn quân, toàn dân ta thực hiện ý chí “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta đã qua 60 năm, nhưng đến nay vẫn có những chuyên gia quân sự nước ngoài, các học giả phương Tây đi tìm lời giải cho câu hỏi: Vì sao một đất nước nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, công nghiệp quốc phòng rất nhỏ bé; một quân đội phần lớn là những người nông dân chân lấm, tay bùn; trang bị vũ khí, phương tiện thô sơ, kém cỏi, song đã đánh thắng đội quân của một cường quốc phương Tây có tiềm lực kinh tế và quân sự lớn, trang bị vũ khí hiện đại? Thực tiễn 9 năm trường kỳ kháng chiến của dân tộc Việt Nam đã chứng minh, sức mạnh cơ bản, nhân tố chủ yếu làm nên thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ không phải là vũ khí trang bị, mà cội nguồn ở sự đồng thuận “ý Đảng, lòng dân”, quyết đánh và quyết thắng kẻ thù xâm lược để bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc.

“Ý Đảng” - sự kết tinh trong đường lối lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, để giành thắng lợi quyết định trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ

Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm quân sự rất mạnh của quân Pháp ở chiến trường Việt Nam. Địch xây dựng tập đoàn cứ điểm này nhằm mục đích vừa bảo vệ Tây Bắc, Thượng Lào, vừa thu hút để tiêu diệt phần lớn chủ lực ta tại đó. Tướng Na-va (Navarre), Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương huênh hoang cho rằng đây là một “pháo đài khổng lồ không thể công phá”, trở thành một “cối xay thịt” sẵn sàng nghênh tiếp và “nghiền nát” quân chủ lực của tướng Giáp. Song khi tình hình chiến sự có biến chuyển lớn, Bộ Chính trị nhạy bén phân tích, đánh giá và nhận định: đây tuy là mưu đồ của địch, nhưng cũng là thời cơ cho ta tập trung binh lực, hỏa lực để tiêu diệt lớn quân Pháp, kết thúc chiến tranh. Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Tổng Quân ủy - Bộ Tổng tư lệnh kịp thời điều chỉnh kế hoạch tác chiến, quyết định tập trung mọi lực lượng cho chiến dịch Điện Biên Phủ để giành thắng lợi quyết định, tạo nên bước ngoặt mới trong chiến tranh, trước khi đế quốc Mỹ can thiệp sâu hơn vào Đông Dương.

Bước vào chiến cuộc Đông Xuân (1953 - 1954), Trung ương Đảng đã chỉ đạo triển khai kế hoạch tác chiến chiến lược với phương châm “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”. Trên các hướng, các chiến trường phối hợp chặt chẽ, đồng loạt tiến công địch ở Lai Châu (Tây Bắc), ở Thượng Lào, Trung Lào, Hạ Lào, Bắc Tây Nguyên. Chiến tranh chính quy kết hợp với chiến tranh du kích, đánh địch cả trước mặt, bên sườn và sau lưng địch, cả ở rừng núi, nông thôn, đồng bằng và thành thị, quân và dân ta liên tiếp giáng cho địch những đòn rất hiểm, buộc chúng phải phân tán binh lực, bị động đối phó trên khắp các chiến trường.

“Lòng dân” - biểu tượng của tinh thần yêu nước, đoàn kết dân tộc, quyết tâm dồn sức người, sức của cho chiến dịch Điện Biên Phủ theo hiệu lệnh của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra ở địa hình rừng núi, có nhiều đèo cao, vực sâu, mạng đường sá chiến lược, chiến dịch hầu như chưa có; vùng Tây Bắc mới được giải phóng, kinh tế chậm phát triển. Vì thế, việc bảo đảm vật chất hậu cần, kỹ thuật cho chiến dịch lớn, dài ngày, xa hậu phương chiến lược gặp rất nhiều khó khăn. Các chiến lược gia quân sự của Pháp và Mỹ đưa ra bài toán cho rằng: Một dân công mang 30 ki-lô-gam, một xe đạp thồ mang 150 ki-lô-gam phải vượt qua hàng trăm ki-lô-mét đường sá thô sơ, đi mất thời gian một tháng mới tới nơi; hoặc một ô-tô vận tải chuyển được 2,5 tấn hàng cũng phải mất 7 ngày đêm, thì không thể địch nổi cầu hàng không hiện đại của chúng với một chiếc máy bay Da-cô-ta mang 5 tấn, bay từ Hà Nội lên Điện Biên Phủ chỉ mất có một tiếng rưỡi đồng hồ. Như vậy, quân chủ lực Việt Nam không thể đọ nổi với sức mạnh quân sự hùng hậu của Pháp tại chảo lửa “con nhím” Điện Biên Phủ, lại được cầu hàng không của Mỹ tiếp viện trực tiếp nhiều trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại.

Bộ chỉ huy tối cao quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương không thể ngờ rằng, trong quá trình chuẩn bị cho cuộc tiến công Điện Biên Phủ, với đường lối lãnh đạo sáng suốt, Đảng và Chính phủ ta đã quy tụ được “lòng dân”, huy động và phát huy sức mạnh của khối đoàn kết dân tộc để chi viện ngày càng nhiều sức người, sức của, tạo thêm sức mạnh vật chất và tinh thần cho các lực lượng chiến đấu ngoài mặt trận với tinh thần “Tất cả vì Điện Biên Phủ”, “Tất cả để chiến thắng”. Tính cả trước và trong chiến dịch, chúng ta đã huy động hơn 62.000 dân công, thanh niên xung phong từ các dân tộc Tây Bắc, Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4…, tham gia làm và sửa chữa hàng trăm ki-lô-mét đường, nhiều bến, cầu; huy động 20.911 xe đạp thồ, 11.800 bè mảng, đóng góp cho chiến dịch 25.000 tấn lương thực (có những thời điểm, để đủ lương thực cho tiền tuyến, nhân dân nhiều địa phương ở miền Bắc đã phải “dốc bồ” và nông dân khắp nơi ra đồng cắt tỉa từng bông lúa chín). Trừ số tiêu hao dọc đường, số tới được mặt trận để cung cấp cho quân đội là 14.950 tấn gạo, 266 tấn muối, 62 tấn đường, 577 tấn thịt, 565 tấn lương khô. Ngoài ra, từ Thanh Hóa, Hòa Bình, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Thái Nguyên, Phú Thọ… cũng đã huy động được hơn 7.000 xe cút kít, 1.800 xe trâu, 325 xe ngựa, hàng chục ngàn xe đạp thồ để phục vụ hậu cần chiến dịch.

Ngoài nhiệm vụ phục vụ chiến dịch, các lực lượng dân công, thanh niên xung phong còn trực tiếp tham gia chiến đấu với các đơn vị quân đội. Cùng với việc tích cực chuẩn bị chiến trường, ở hậu phương (vùng mới giải phóng), Đảng ta quyết tâm thực hiện chủ trương kết hợp huy động sức dân với bồi dưỡng sức dân, phát động quần chúng thực hiện giảm tô và cải cách ruộng đất ngay trong kháng chiến, đem lại ruộng đất cho dân cày(1). Chủ trương, chính sách cải cách ruộng đất của Đảng và Chính phủ được ban hành kịp thời, hợp lòng dân (phần lớn bộ đội đang chiến đấu ngoài mặt trận đều xuất thân từ nông dân), đã trở thành nguồn động viên, cổ vũ lớn lao tinh thần, tư tưởng các tầng lớp nhân dân ở vùng tự do, vùng mới giải phóng và sau lưng địch, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ ở ngoài tiền tuyến sẵn sàng cho trận quyết chiến chiến lược lịch sử. Đó là những minh chứng thuyết phục nhất của “lòng dân” được hòa quyện trong “ý Đảng”, tạo thành sức mạnh to lớn góp phần vào thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ.

“Ý Đảng, lòng dân” làm nên chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ soi sáng sự nghiệp đổi mới đất nước

“Ý Đảng” và “lòng dân” trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã trở thành hệ giá trị cao đẹp, song hành và hòa quyện khăng khít; bởi “Dân là dân Đảng, Đảng là Đảng dân”. Dân là lực lượng - động lực của Đảng, của cách mạng; Đảng là người dẫn đường, người lãnh đạo quần chúng nhân dân làm cách mạng. Việc khẳng định “ý Đảng, lòng dân” chính là biểu tượng của ý chí và sức mạnh dân tộc, quyết định mọi thành công của cách mạng Việt Nam.

Nhìn lại truyền thống lịch sử giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc ta, bài học về sức mạnh “lòng dân”, tư tưởng “chúng chí thành thành” (ý chí của dân là bức thành kiên cố nhất của nước), chính là ngọn nguồn sức mạnh to lớn để làm nên những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa. Đảng ta kế thừa, phát triển, nâng lên tầm cao mới bài học đó, thành hệ giá trị cao đẹp “ý Đảng, lòng dân”. Đó là nét đặc sắc, quy luật giành thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng và trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ nói chung. Những thành tựu to lớn của cuộc đổi mới đất nước gần 30 năm qua một lần nữa khẳng định hệ giá trị “ý Đảng, lòng dân” luôn trở thành nguồn sức mạnh vô địch của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới.

Ngày nay, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sức mạnh của “lòng dân” cần được Đảng ta khơi dậy, động viên, nâng lên tầm cao mới, nhằm tạo sự đồng thuận xã hội đối với mọi chủ trương, quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước. Muốn được như vậy, trong toàn Đảng cần nêu cao tinh thần gương mẫu, kiên quyết đấu tranh chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI của Đảng đã nêu ra. Kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã cho thấy: khi “ý Đảng” hợp với “lòng dân” thì mọi khó khăn trở ngại đều vượt qua; nhưng khi đường lối, chủ trương, quyết sách chiến lược của Đảng xuất phát từ chủ quan, xa rời thực tiễn, chưa hợp “lòng dân” thì cuộc chiến tranh cách mạng sẽ gặp khó khăn, thậm chí gây tổn thất lớn.

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh… muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công, vô tư”. Cốt lõi của “lòng dân” (nhân tâm) là lòng yêu nước, đoàn kết, cố kết cộng đồng các dân tộc, ý thức tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí chiến đấu của toàn dân, kết hợp với sức mạnh tổ chức, để khi đất nước có họa xâm lăng thì “ý Đảng, lòng dân” sẽ trở thành lực lượng vật chất to lớn, vững chắc và hữu hiệu hơn bất cứ thành lũy nào. Đó cũng là bí quyết giữ nước của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, “lòng dân” chính là nền tảng để xây dựng “thế trận lòng dân”, thế trận toàn dân giữ nước, nhằm quy tụ, phát huy lực lượng tinh thần của nhân dân, thống nhất, phù hợp với ý chí lãnh đạo của Đảng; cho phép huy động sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Hệ giá trị cao đẹp “ý Đảng, lòng dân” đã hội tụ và tỏa sáng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, cần được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục bồi đắp, nâng lên tầm cao mới. Để thực hiện được mục đích đó, Đảng cần coi trọng làm tốt một số vấn đề chủ yếu sau:

Thứ nhất, không ngừng chăm lo đời sống nhân dân, “khoan thư sức dân” để được “lòng dân”, làm kế “sâu rễ bền gốc”.

Yếu tố “lòng dân” đã biểu hiện vai trò là bức tường thành vững chắc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Được lòng dân thì thắng, mất lòng dân thì bại, đó là bài học lịch sử của dân tộc Việt Nam. Ông cha ta đã từng truyền dạy: Phải “khoan thư sức dân” để làm kế sâu rễ bền gốc đó là thượng sách giữ nước. Tôn Tử cũng từng nói: “Cái lợi ở đâu, thì lòng người hướng đến đấy”(2). Chỉ trên cơ sở chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân, được nhân dân đồng tình, ủng hộ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, giữ vững được “lòng dân”, đất nước mới tạo được sự ổn định vững chắc về chính trị, kinh tế, xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rất thấu đáo: Nếu nước được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì. Nhân dân có lòng tin vào thắng lợi công cuộc đổi mới cũng chính là đặt niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng. Khi “ý Đảng” hợp “lòng dân” thì mỗi lời động viên cũng giống như một lời hiệu triệu. Muốn “được lòng dân”, được nhân dân tin theo thì Đảng, Chính phủ cần phải luôn quan tâm chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; phải có những biện pháp mở rộng dân chủ, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, tạo sự thống nhất ý chí và hành động giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân; sự gắn bó của người dân với chế độ xã hội chủ nghĩa, như nhân dân đã từng gắn bó máu thịt với Đảng để làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Thứ hai, củng cố, giữ vững sự đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh và động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam - nhân tố có ý nghĩa quyết định làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng khối đại đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị mà hạt nhân lãnh đạo là các tổ chức đảng, được thực hiện bằng nhiều hình thức, biện pháp. Đây là một nội dung có vai trò hết sức quan trọng trong xây dựng, nâng lên tầm cao mới hệ giá trị “ý Đảng, lòng dân”, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Ngày nay, sức mạnh để xây dựng đất nước vẫn là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Có tạo ra và giữ vững được sự đồng thuận xã hội, đoàn kết được toàn dân thì lòng dân, sức dân mới được huy động cao nhất cho công cuộc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân. Đường lối, chủ trương của Đảng ta là đoàn kết các dân tộc anh em, đoàn kết các tôn giáo, đoàn kết đồng bào trong nước và đồng bào định cư ở nước ngoài, làm thất bại âm mưu chia rẽ của các thế lực thù địch; thực hiện nghiêm chỉnh các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc, trong đó có đồng bào ở Điện Biên Phủ và Tây Bắc, vùng căn cứ kháng chiến, vùng sâu vùng xa, giúp đồng bào phát triển kinh tế, văn hóa, cải thiện đời sống, nâng cao dân trí, làm cho miền núi sớm tiến kịp miền xuôi như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn.

Thứ ba, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng là vấn đề cốt tử để quy tụ được “lòng dân”, làm nên kỳ tích Điện Biên Phủ trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.

Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng là tiêu điểm, vấn đề cốt tử quyết định sự thành công trong quy tụ “lòng dân”. Đảng ta khẳng định: “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác. Cho nên Đảng phải ra sức tổ chức nhân dân, lãnh đạo nhân dân để giải phóng nhân dân và để nâng cao sinh hoạt, văn hóa, chính trị của nhân dân”(3). Vì vậy, phải chăm lo xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, trên cơ sở đó Đảng mới có đủ uy tín, sức mạnh để củng cố niềm tin vững chắc của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng, tạo lập được sự đồng thuận xã hội, quy tụ được lòng dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp để thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Nếu như 60 năm trước đây, hệ giá trị cao đẹp “ý Đảng, lòng dân” đã thấm đậm trong chiến thắng Điện Biên Phủ, thì trong công cuộc đổi mới, hệ giá trị đó cần được tiếp tục bồi đắp, được thấm sâu vào tư tưởng và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên. Đảng phải giữ vững bản lĩnh chính trị, hoàn thiện đường lối đổi mới và nâng cao năng lực tổ chức thực hiện; tăng cường công tác tư tưởng, tổ chức, rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng, có phương thức lãnh đạo khoa học, luôn gắn bó với nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, phải luôn gương mẫu, dám chịu trách nhiệm trước những quyết định có ảnh hưởng đến sự phát triển của tập thể, của đất nước.

“Ý Đảng, lòng dân” trong chiến dịch Điện Biên Phủ trở thành vũ khí “bách chiến bách thắng”, viết nên bản ca hùng tráng của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. Hệ giá trị cao đẹp và bền vững đó vẫn luôn tỏa sáng, là “cẩm nang” để Đảng ta lãnh đạo toàn dân phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, quyết tâm làm nên những kỳ tích Điện biên Phủ mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

-----------------------------------

(1) Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (11-1953) thông qua “Cương lĩnh ruộng đất”, thực hiện cải cách ruộng đất ở nông thôn. Ngày 04-12-1953, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ban hành Luật Ruộng đất

(2) Binh pháp Tôn Tử: Nxb. Lao động xã hội, Hà Nội, 2006, tr. 311

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 5, tr. 250