Sửa đổi các quy định thi hành án dân sự không phù hợp
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 27, sáng 21-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự.
Theo Tờ trình của Chính phủ, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thi hành Luật thi hành án dân sự đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Kết quả thi hành án có tăng lên so với trước khi có Luật nhưng chưa thật bền vững; năm 2013 đạt thấp hơn so với năm 2012 và chưa hoàn thành chỉ tiêu theo Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội.
Lượng án tồn đọng tuy có giảm nhưng số việc và tiền chuyển kỳ sau vẫn còn rất lớn và có xu hướng tăng lên. Năm 2013 còn tồn 239.144 việc, tăng so với năm 2012. Việc tổ chức thi hành án trong nhiều vụ việc còn chưa kịp thời, gặp khó khăn, vướng mắc, trong đó có những trường hợp bản án, quyết định của tòa án tuyên không rõ ràng, thiếu khả thi nhưng việc trả lời của tòa án đối với yêu cầu của cơ quan thi hành án về giải thích bản án còn chậm, nhiều trường hợp dẫn đến khiếu nại, tố cáo gay gắt, kéo dài...
Qua thảo luận, các ý kiến tán thành việc sửa đổi, bổ sung Luật thi hành án dân sự nhằm hoàn thiện thể chế về thi hành án dân sự, tiếp tục tạo chuyển biến cơ bản, bền vững, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, góp phần bảo đảm thực hiện quy định của Hiến pháp năm 2013. Bản án, quyết định của Tòa án Nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.
Dự thảo Luật dự kiến bổ sung mới 11 điều, sửa đổi 65/183 điều và bãi bỏ 4/183 điều so với Luật hiện hành.
Nhiều ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần tập trung sửa đổi các quy định không phù hợp với thực tiễn, khó triển khai thực hiện; xác định rõ quyền, nghĩa vụ của đương sự; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan hữu quan. Việc sửa đổi cần chú trọng tới các quy định nhằm giải quyết vấn đề bức xúc hiện nay như việc xác minh, truy tìm tài sản thi hành án; cưỡng chế thi hành án; việc phân loại điều kiện thi hành án và điều kiện xét miễn, giảm thi hành án dân sự.
Trên cơ sở ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ban soạn thảo cần có sự rà soát kỹ lưỡng để xác định rõ phạm vi sửa đổi, bổ sung trên tinh thần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Kết luận số 92 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49, trong đó có nội dung liên quan đến quản lý công tác thi hành án theo hướng tăng cường trách nhiệm, quyền hạn của Tòa án nhân dân và Ủy ban nhân dân địa phương trong công tác thi hành án.
Các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật phải bảo đảm thống nhất, tương thích với hệ thống pháp luật, đặc biệt là các đạo luật liên quan trực tiếp đến hoạt động thi hành án dân dự như Luật tổ chức Tòa án Nhân dân, Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, các đạo luật về tố tụng...
Đối với nội dung xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự (khoản 9 Điều 1), Chính phủ đề nghị bổ sung một số quy định trong dự thảo Luật để tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc xã hội hóa sâu, rộng hoạt động thi hành án dân sự theo hướng người được thi hành án, người phải thi hành án có thể yêu cầu tổ chức có thẩm quyền (ngoài cơ quan thi hành án dân sự) ra quyết định thi hành án và tổ chức việc thi hành án.
Người có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật có thể được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để tổ chức thi hành án theo yêu cầu của đương sự hoặc thực hiện một số công việc thi hành án theo ủy quyền của Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự.
Về vấn đề này, một số ý kiến cho rằng, xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự là cần thiết. Tuy nhiên, hiện tại chế định Thừa phát lại vẫn đang trong thời gian tiếp tục thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội. Cuối năm 2015, cơ quan chức năng sẽ tổng kết quá trình thí điểm Thừa phát lại, vì vậy các đại biểu đề nghị chưa quy định nội dung xã hội hóa như trong dự thảo Luật.
Thảo luận về trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành án (khoản 23 Điều 1), nhiều ý kiến tán thành với Tờ trình của Chính phủ sửa đổi Luật theo hướng chuyển trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành án từ người được thi hành án sang Chấp hành viên và miễn chi phí xác minh điều kiện thi hành án cho người được thi hành án. Việc làm này sẽ bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người được thi hành án, tạo điều kiện cho việc xác minh điều kiện thi hành án được tiến hành thuận lợi hơn.../.
Điểm nhấn quan trọng trong thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ở Lào Cai  (21/04/2014)
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nói về con số 34 nghìn tỷ đồng  (20/04/2014)
Kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Văn hóa ASEAN lần thứ 6  (20/04/2014)
Rộn ràng chào đón Ngày sách đầu tiên của Việt Nam  (20/04/2014)
Chủ tịch Thượng viện Mỹ kết thúc chuyến thăm Việt Nam  (20/04/2014)
Đoàn đại biểu Hà Nội thăm và làm việc tại Điện Biên  (20/04/2014)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên