Môn-ca-đa - Bản anh hùng ca bất diệt
Ngày 10-3-1952 với sự hậu thuẫn của Mỹ, đại tá Phun-hên-xi-ô Ba-ti-xta đã tiến hành cuộc đảo chính quân sự, xoá bỏ chính quyền dân sự, thiết lập chế độ độc tài khát máu nhất trong lịch sử Cu-ba, đưa đất nước Cu-ba vào thời kỳ khủng hoảng chính trị sâu sắc.
Vốn là một dân tộc đã từng được vũ trang đứng lên chiến đấu liên tục trong ba thập kỷ cuối của thế kỷ XIX lật đổ ách thống trị và đập tan xiềng xích của thực dân Tây Ban Nha, nên ngay từ khi nổ ra cuộc đảo chính, nhân dân Cu-ba đã nhận thức được sự nghiêm trọng đối với vận mệnh của dân tộc và sự thiếu vắng một lực lượng chính trị có khả năng đương đầu và xoá bỏ chế độ bù nhìn, tay sai của Mỹ.
Trong hoàn cảnh đó, cũng đã có những nhóm chính trị mưu tính đến việc đánh đổ chế độ độc tài nhưng mọi hoạt động của họ đều không thành công.
Trại lính Môn-ca-đa trước đây nay đã trở thành Trưởng tiểu học 26/7, Thành phố Xan-ti-a-gô đề Cu-ba |
Đồng thời với hoạt động của những lực lượng kể trên, một nhóm thanh niên do Phi-đen Ca-xtơ-rô, khi đó mới 26 tuổi lãnh đạo, đã nhen nhóm ý định lập kế hoạch lật đổ ách thống trị của tên phát xít và chính quyền thân Mỹ này. Theo kế hoạch được vạch ra, bước đi đầu tiên là tấn công vào hai trại lính ở tỉnh miền Đông, cách Thủ đô La Ha-ba-na hơn 1.000 kilômét là trại lính Môn-ca-đa ở thành phố Xan-ti-a-gô - nơi tập trung lực lượng quân đội chủ yếu của Ba-ti-xta và một trại khác nhỏ hơn là Các-lốt Ma-nu-en đê Xết-pê-đết ở thành phố Ba-gia-mô, cách Môn-ca-đa gần 100 kilômét.
Cuộc tấn công vào trại lính Các-lốt Ma-nu-en đê Xết-pê-dết diễn ra đồng thời với cuộc tấn công vào trại lính Môn-ca-đa, nhằm hỗ trợ và nghi binh cho hoạt động tại Môn-ca-đa, hạn chế khả năng chi viện đối với Môn-ca-đa.
Những người chỉ huy trận đánh chọn ngày 26-7-1953 vì đây là ngày nghỉ, đồng thời tại thành phố này đang diễn ra lễ hội Các-na-van, thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân trong đó có cả quân đội vào những cuộc nhảy múa, liên hoan thâu đêm suốt sáng.
Tối ngày 25-7-1953, Phi-đen tới thành phố Ba-gia-mô họp với Ban lãnh đạo nhóm tấn công tại đây và đưa ra những chỉ thị cuối cùng. Kế hoạch ban đầu là tranh thủ sơ hở của lực lượng quân đội Ba-ti-xta, sau đó tấn công đánh chiếm sở chỉ huy của chúng. Các chiến sĩ tham gia cuộc tấn công sẽ đóng giả làm quân chính phủ và bất ngờ tấn công.
Vào thời điểm trước hai cuộc tấn công, Phi-đen đã nói:“Phong trào này sẽ chiến thắng. Nếu ngày mai chúng ta giành thắng lợi, chúng ta sẽ đạt được nhanh hơn những gì mà Hô-xê Mác-ti hằng mong đợi. Nếu không, hành động này của chúng ta sẽ là tấm gương cho nhân dân Cu-ba, giương cao ngọn cờ và tiến lên phía trước”.
Khó khăn lớn nhất không phải là việc tấn công và chiếm được trại lính Môn-ca-đa mà là những nỗ lực vô cùng lớn lao trong việc tổ chức, chuẩn bị và huy động lực lượng. Điều đáng tiếc là, vào những phút cuối cùng, những nỗ lực này đã bị thất bại. Một số yếu tố ngẫu nhiên như việc một bộ phận bị lạc đường làm cho cuộc tấn công chậm trễ, đụng độ với nhóm lính tuần tra…đã làm mất đi yếu tố bất ngờ và quân đội chính phủ Ba-ti-xta đã giành lại thế chủ động. Phần lớn các chiến sĩ đã hy sinh ngay trong trận đánh hoặc bị giết sau khi bị bắt. Phi-đen, Ra-un, Hoan An-mêy-đa(1), Men-ba Ê-rơ-nan-đết(2)…bị bắt giam.
Phi-đen đã phải đương đầu với 60 ngày biệt giam và đến ngày 16-10 năm ấy bị đưa ra trước vành móng ngựa không cáo trạng, thậm chí không có cả việc ghi chép. Chính quyền độc tài Ba-ti-xta phải vội vã xét xử Phi-đen và đồng đội bởi chúng rất sợ quần chúng đấu tranh. “Toà án” chỉ là một căn phòng nhỏ của một bệnh viện ở gần trại lính Môn-ca-đa, kế bên trụ sở Toà án rất bề thế của chính quyền. Phi-đen, vốn là một luật sư, đã trở thành công tố viên, đanh thép buộc tội giới tư sản và bọn bạo chúa ở Cu-ba khi đó, những kẻ mà bao thập kỷ qua chỉ biết phục vụ lợi ích của Mỹ, quên đi những nỗi thống khổ của nhân dân Cu-ba.
Phi-đen đã chỉ ra những vấn đề như mù chữ, đói nghèo, thiếu ruộng đất và những hành động dã man, vô nhân đạo, không hợp hiến của chính quyền Ba-ti-xta. Phi-đen khẳng định: “Bạo lực cách mạng như một sự tiếp nối của cuộc đấu tranh vì độc lập của đất nước Cu-ba. Nhà lãnh đạo của nền độc lập Cu-ba thế kỷ 19 - Anh hùng Dân tộc Hô-xê Mác-ti - chính là tác giả tinh thần của cuộc tấn công Môn-ca-đa”. Trước “Toà”, Phi-đen kêu gọi: “Nhân dân Cu-ba, những người chủ hợp pháp của đất nước, hãy đứng lên đấu tranh lật đổ chế độ độc tài !”
Phi-đen kết thúc những lời tự bào chữa của mình: “Các người hãy kết án tôi đi, tôi không quan tâm. Lịch sử sẽ xoá án cho tôi”.
Lời tự bào chữa này trước phiên toà của chính quyền Ba-ti-xta của Phi-đen đã được ghi lại thành tác phẩm “Lịch sử sẽ xoá án cho tôi”, cương lĩnh của cách mạng Cu-ba sau này.
Những sự kiện này đã đánh dấu sự khởi đầu của giai đoạn đấu tranh cuối cùng của nhân dân Cu-ba vì sự nghiệp giải phóng toàn bộ đất nước. Tinh thần cuộc tấn công vào trại lính Môn-ca-đa đã làm dấy lên rộng rãi trong quần chúng nhân dân phong trào đòi ân xá cho Phi-đen và những người bị bắt.
Trước sức mạnh của phong trào này, chế độ độc tài đã buộc phải trả lại tự do cho Phi-đen cùng đồng đội sau hơn một năm cầm tù. Phi-đen, Ra-un, An-mêy-đa ra tù vào tháng 5-1955 và phải sống lưu vong tại Mê-hi-cô. Thời điểm Phi-đen rời Cu-ba cũng là ngày ra đời tổ chức cách mạng mang tên “Phong trào 26-7” do Phi-đen lãnh đạo. “Phong trào 26-7” đã cùng với phong trào đấu tranh của Đảng Xã hội Nhân dân (Đảng Cộng sản) và “Hội đồng chỉ đạo cách mạng” (nòng cốt là lực lượng sinh viên đại học) phát động mạnh mẽ cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài thân Mỹ của Ba-ti-xta.
Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng Cộng sản Cu-ba lần thứ nhất nêu rõ: “Cuộc tấn công vào trại lính Môn-ca-đa không mang ý nghĩa thắng lợi của cách mạng Cu-ba trong thời điểm đó, tuy nhiên đã chỉ cho chúng ta con đường và đề ra một chương trình giải phóng dân tộc, mở ra cho tổ quốc chúng ta cánh cửa của chủ nghĩa xã hội. Không phải lúc nào trong lịch sử những bước lùi chiến thuật cũng đồng nghĩa với thất bại”.
Đồng chí Ra-un Ca-xtơ-rô, anh hùng Môn-ca-đa, đã phân tích ý nghĩa chủ yếu của cuộc tấn công trại lính Môn-ca-đa ngày 26-7-1953:
Thứ nhất, cuộc tấn công bắt đầu một thời kỳ đấu tranh vũ trang và trong thời kỳ này, những bài học của Môn-ca-đa đã đem lại chiến thắng.
Thứ hai, cuộc tấn công đã tạo ra một tổ chức cách mạng không khoan nhượng và một nhà lãnh đạo mới, được hiện thân rõ nét ở Phi-đen Ca-xtơ-rô.
Hành động quân sự của những chiến sĩ ngày 26-7 đã tiếp sức cho cuộc đấu tranh, tạo tiền đề cho sự trở về của con tàu Gran-ma vào ngày 2-12-1956, với 82 chiến sĩ và sự xuất hiện chiến khu Xi-e-ra Ma-e-xtơ-ra cùng “Quân Khởi nghĩa” (Ejercito Rebelde) do Phi-đen chỉ huy. Các hoạt động của “Quân khởi nghĩa” đã nhanh chóng được mở rộng khắp vùng đồng bằng các tỉnh miền Đông Cu-ba - vùng đất đai rộng lớn và đông dân nhất Cuba, trong đó có dãy núi Xi-e-ra Ma-e-xtơ-ra.
Lực lượng “Quân khởi nghĩa” liên tục giành nhiều thắng lợi và lớn mạnh nhanh chóng khiến quân đội của chế độ độc tài được Mỹ trang bị vũ khí đến tận “chân răng”, có đủ máy bay, tầu chiến vẫn không thể chống cự nổi và chính Ba-ti-xta đã phải lên máy bay trốn khỏi La Ha-ba-na vào đêm cuối cùng năm 1958 để tránh sự trừng phạt của cách mạng và quần chúng nhân dân…
Ngày 1-1-1959, tức là chỉ sau 5 năm, 5 tháng, 5 ngày kể từ ngày tấn công vào Môn-ca-đa, “Quân Khởi nghĩa” tiến vào La Ha-ba-na với tư thế của người chiến thắng, đập tan xiềng xích của chế độ độc tài khát máu Phun-hên-xi-ô Ba-ti-xta.
Bản Cương lĩnh Môn-ca-đa chỉ rõ đường lối đấu tranh, đã trở thành ngọn cờ dân tộc, dân chủ và tiến bộ, cổ vũ nhân dân Cu-ba đứng lên tham gia cách mạng cho đến ngày 01-01-1959. Cách mạng Cu-ba thành công, mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước: độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Cu-ba đã trở thành ngọn hải đăng soi sáng con đường đấu tranh của các dân tộc Mỹ La-tinh.
Trong suốt 48 năm qua, sự tồn tại của cách mạng Cu-ba - đất nước chỉ cách Mỹ 150 kilômét, cùng với sự xuất hiện của một số nước mới thoát khỏi bàn tay thao túng, o ép của Mỹ đang nổi lên ở Trung Mỹ, Nam Mỹ - là minh chứng hùng hồn cho sự nghiệp đấu tranh vì chính nghĩa, vì độc lập dân tộc của nhân dân Cu-ba và các dân tộc khác ở Mỹ La tinh./.
(2) Nữ đồng chí Melba Hernandez, Uỷ viên Trung ương Đảng, Anh hùng Moncada, nguyên Đại sứ Cu-ba tại Việt Nam.
Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc  (25/07/2007)
Đổi mới và nâng cao chất lượng của quy trình lập pháp  (25/07/2007)
Vai trò của Công đoàn Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế  (25/07/2007)
Nhập khẩu: thực tiễn và những vấn đề cấp bách đang đặt ra  (25/07/2007)
Ông Nguyễn Minh Triết được bầu lại làm Chủ tịch nước  (25/07/2007)
Ông Nguyễn Minh Triết được bầu lại làm Chủ tịch nước  (25/07/2007)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên