TCCSĐT - Ngày 24-6, “Hội nghị Liên hợp quốc về khủng hoảng tài chính và kinh tế thế giới và ảnh hưởng đối với sự phát triển” đã khai mạc. Đây là lần đầu tiên Liên hợp quốc tổ chức Hội nghị cấp cao kéo dài trong ba ngày nhằm thảo luận về cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu và những tác động của nó đối với sự phát triển.

Hội nghị được tổ chức sau Hội nghị Thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) diễn ra vào tháng 4 và trước hội nghị nhóm 8 nước công nghiệp phát triển (G8) và Hội nghị G20 tiếp theo dự kiến diễn ra tại Pittesburgh, Hoa Kỳ, vào tháng 9 tới.

Mục đích của Hội nghị là xác định tính khẩn cấp và những phản ứng lâu dài, giảm nhẹ ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng, nhất là đối với các nước dễ bị ảnh hưởng; đồng thời đề xuất một cuộc đối thoại về việc chuyển đổi cơ cấu tài chính quốc tế, chú ý tới nhu cầu và những quan ngại của tất cả các nước thành viên; tạo cơ hội cho hầu hết các nước đang phát triển phát biểu ý kiến của mình về cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Không để khủng hoảng toàn cầu biến thành một thảm kịch xã hội, môi trường và nhân đạo

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-mun nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng hiện tại "là một thách thức cho tất cả chúng ta" và “tác động thực sự của khủng hoảng có thể kéo dài nhiều năm”, mặc dù đã có những dấu hiệu ổn định và tăng trưởng tài chính ở một số khu vực của thế giới. Cuộc khủng hoảng kinh tế không thể là một lý do để nhà lãnh đạo các nền kinh tế lớn từ bỏ lời hứa hỗ trợ những nước nghèo.

Ông Ban Ki-mun cảnh báo, hiệu ứng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới sẽ có thể tiếp tục kéo dài trong nhiều năm tới, đẩy thêm hàng triệu gia đình rơi vào tình cảnh nghèo đói, đồng thời ông cũng khích lệ các nước giàu đầu tư tài chính hỗ trợ nước đang phát triển hiện đang bị tác động nặng nề nhất. Ông nói: “Chắc chắn rằng nếu thế giới có thể đầu tư hơn 18 tỉ USD để duy trì lĩnh vực tài chính thì cũng sẽ có thể có hơn 18 tỉ USD để duy trì các cam kết đối với châu Phi”.

Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Miguel D'Escoto Brockmann nhấn mạnh tại phiên khai mạc Hội nghị: "Ở thời điểm khủng hoảng này, tất cả chúng ta phải cùng nỗ lực ngăn chặn không để khủng hoảng toàn cầu biến thành một thảm kịch xã hội, môi trường và nhân đạo".

Các chuyên gia cũng kêu gọi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tăng các quỹ dành cho những quốc gia bị tác động nặng nhất.

Thời điểm để thế giới phối hợp, soạn thảo một tầm nhìn toàn cầu

Ông Ban Ki-mun cho rằng, những thách thức của cuộc khủng hoảng có mối liên hệ với nhau và do đó, các giải pháp đưa ra cũng cần phải liên kết với nhau. Để vượt ra khỏi khủng hoảng không phải là “sự nghiệp của riêng một người, một quốc gia hay một nhóm quốc gia nào”, ông nhấn mạnh.

Theo đề xuất của Ủy ban các chuyên gia về cải cách cơ cấu kinh tế tài chính quốc tế, cần có một cách tiếp cận phối hợp – với sự tham gia không chỉ của nhóm G8 hay G20 mà là "G-192", tức là tất cả các thành viên của Đại hội đồng – để đưa thế giới thoát khỏi suy thoái.

Ông Miguel D'Escoto Brockmann khẳng định, khủng hoảng đã làm mới lại thế giới, giúp chúng ta thấy rõ những vấn đề của nền kinh tế, để phát triển toàn diện hơn. Đây cũng chính là thời điểm để thế giới phối hợp, soạn thảo một tầm nhìn toàn cầu và nguyên tắc toàn cầu, tìm ra một giải pháp thúc đẩy sự phát triển bền vững để bảo vệ ngôi nhà chung Trái đất.

Để tăng cường động lực và giành thêm sự đồng thuận, LHQ dự định triệu tập 4 hội nghị bàn tròn riêng về các chủ đề:

- Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng đối với vấn đề việc làm, thương mại, đầu tư và phát triển;

- Các hành động và các biện pháp thích hợp để làm giảm nhẹ ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng đối với sự phát triển;

- Vai trò của LHQ và các nước thành viên trong các cuộc thảo luận quốc tế sắp tới, bàn về việc cải cách và củng cố cơ cấu và hệ thống kinh tế tài chính quốc tế;

- Đóng góp cho hệ thống phát triển LHQ trong đối phó với khủng hoảng…