Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8-2013

Nguyễn Đức
20:57, ngày 28-08-2013
TCCSĐT - Ngày 28-8 tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo thường kỳ tháng 8-2013 với sự chủ trì của đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Thông cáo báo chí Văn phòng Chính phủ cho biết, trong hai ngày 27 và 28-8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8. Thảo luận về tình hình tháng Tám và 8 tháng đầu năm, Chính phủ nhận định tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, đúng hướng, đạt kết quả khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.

 
 Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì họp báo.

Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào gieo cấy, chăm sóc lúa mùa và thu hoạch lúa hè thu. Tính đến 15-8-2013, cả nước đã gieo cấy được 1.467,7 nghìn ha lúa mùa, bằng 102,5% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc kết thúc gieo cấy với diện tích đạt 1.179,3 nghìn ha, bằng 102,4%; các địa phương phía Nam gieo cấy 288,4 nghìn ha, bằng 103,2%. Sản lượng lúa hè thu năm nay ước tính đạt 11,2 triệu tấn, giảm 80 nghìn tấn so với vụ hè thu năm trước, năng suất ước tính đạt 52,2 tạ/ha, giảm 0,5 tạ/ha.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Tám năm 2013 ước tính tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ngành khai khoáng giảm 5,2% (chủ yếu do dầu thô và khí đốt thiên nhiên khai thác giảm dần vào những tháng cuối năm theo kế hoạch của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam); công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,9%; sản xuất và phân phối điện tăng 8,4%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 9,5%.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng Tám ước tính đạt 19.754 tỷ đồng, bao gồm: vốn Trung ương 3.506 tỷ đồng; vốn địa phương 16.248 tỷ đồng. Tính chung tám tháng năm 2013, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 126,9 nghìn tỷ đồng, bằng 64,5% kế hoạch năm và giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2012.

Thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến 20-8-2013 đạt 12.627,9 triệu USD, bằng 119,5% cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn đăng ký của 769 dự án được cấp phép mới đạt 7.404,6 triệu USD, bằng 92,2% số dự án và bằng 112,2% số vốn; vốn đăng ký bổ sung của 297 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước là 5.223,3 triệu USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tám tháng năm nay ước tính đạt 7,6 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước.

 
 Quang cảnh buổi họp báo.

Tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến 15-8-2013 ước tính đạt 461 nghìn tỷ đồng, bằng 56,5% dự toán năm, trong đó thu nội địa 299,6 nghìn tỷ đồng, bằng 54,9%; thu từ dầu thô 67,3 nghìn tỷ đồng, bằng 68%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 90,3 nghìn tỷ đồng, bằng 54,2%. Tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến 15-8-2013 ước tính đạt 563 nghìn tỷ đồng, bằng 57,6% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển 98,2 nghìn tỷ đồng, bằng 56,1% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản 95 nghìn tỷ đồng, bằng 55,9%); chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể (bao gồm cả chi cải cách tiền lương) ước tính đạt 400,7 nghìn tỷ đồng, bằng 59,4%; chi trả nợ và viện trợ 64,1 nghìn tỷ đồng, bằng 61,1%.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Tám ước tính đạt 11,5 tỷ USD, giảm 0,9% so với tháng trước và tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2012. Tính chung tám tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 84,8 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 28,7 tỷ USD, tăng 3,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 56,1 tỷ USD, tăng cao ở mức 21,6%). Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Tám ước tính đạt 11,8 tỷ USD, tăng 5,2% so với tháng trước và tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2012. Tính chung tám tháng, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 85,4 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 37,1 tỷ USD, tăng 4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 48,3 tỷ USD, tăng nhanh ở mức 25,1%. Điều này cho thấy sản xuất của khu vực trong nước còn gặp nhiều khó khăn. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu vấn là nguyên, nhiên vật liệu và hàng gia công lắp ráp.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8-2013 tăng 0,83% so với tháng trước. Chỉ số giá tháng này tăng chủ yếu do ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế của thành phố Hà Nội, làm chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế cả nước tăng 4,11% so với tháng trước, đóng góp vào mức tăng chung của CPI là 0,23%. Ngoài ra, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng trong tháng Sáu và tháng Bảy vừa qua làm chỉ số giá nhóm xăng dầu tăng 2,5% so với tháng trước, đóng góp vào mức tăng chung CPI là 0,1%.

Phân tích mức tăng chỉ số giá tiêu dùng do điều chỉnh giá dịch vụ y tế ở Hà Nội, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho rằng đây là bước đi có tính toán, cho dù Chính phủ vẫn kiên trì mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Trả lời câu hỏi về việc tăng giá điện, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhấn mạnh Chính phủ quy định chặt chẽ lộ trình giá điện tiến tới giá thị trường và tiếp tục hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, không chỉ hỗ trợ bằng tiền mà tiến tới hỗ trợ để hộ nghèo có điều kiện sử dụng các thiết bị điện tiết kiệm năng lượng.

Về vấn đề tiền lương quá cao của các viên chức doanh nghiệp công ích TP. Hồ Chí Minh được báo chí phản ánh những ngày qua, Bộ trưởng cho rằng pháp luật của Nhà nước cũng như các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ quy định cụ thể về tiền lương, tiền thưởng của các viên chức doanh nghiệp công ích. Quá mức quy định là sai phạm. Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải rà soát vấn đề này, nếu có sai phạm phải được xử lý.

Về hiện tượng nông dân bỏ ruộng với mục tiêu giữ đất trồng lúa theo Nghị quyết của Quốc hội, Bộ trưởng cho rằng nông dân bỏ ruộng là hiện tượng đã xảy ra ở một vài nơi. Đúng là phải tính đến vấn đề hiệu quả trong nông nghiệp, tuy nhiên, giữ đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đó là vấn đề quan trọng. Hơn nữa, giữ đất trồng lúa không có nghĩa là cứ phải trồng lúa, có thể trồng các loại cây lương thực hay hoa màu khác sao cho có hiệu quả, khi cần thiết vẫn có thể quay lại trồng lúa được. Chủ yếu là ngăn không cho chuyển đất "bờ xôi ruộng mật" sang làm đất công nghiệp - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam và lãnh đạo một số bộ, ngành còn trả lời nhiều câu hỏi khác của các nhà báo./.