TCCSĐT - Ngày 04-7-2013, Hội nghị Bộ trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 46 (AMM-46) và các hội nghị liên quan đã kết thúc tốt đẹp tại Ban-đa Sê-ri Bê-ga-oan (Bru-nây), với việc ra thông cáo chung khẳng định quyết tâm của ASEAN xây dựng Cộng đồng chung vào năm 2015.


1. Cơ hội và thách thức cho châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Á trước thay đổi cơ cấu dân số

Trong 2 ngày 01 và 02-7-2013, tại Hội nghị Phát triển và Dân số quốc tế (ICPD) diễn ra ở Giơ-ne-vơ (Thụy Sỹ), các quan chức cấp cao của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Ủy ban Kinh tế châu Âu Liên hợp quốc (UNECE) cho rằng những thay đổi cơ cấu dân số hiện nay ở châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Á đem lại cả cơ hội và thách thức lớn cho 3 khu vực này. Phó Giám đốc điều hành UNFPA An-nê Biếc-gít An-brếc-xen (Anne-Birgitte Albrectsen) cho rằng hầu hết dân số ở các khu vực trên đang trở nên già hơn, song điều này không đáng lo ngại. Xã hội vẫn có thể hưởng lợi nhờ những thay đổi này nếu các chính phủ thực thi những chính sách thông minh, tăng cường nguồn nhân lực trong xã hội như đầu tư cho giáo dục, chăm sóc sức khỏe và tạo các cơ hội việc làm cho người dân. Tuy nhiên, một trong những thách thức đáng kể ở những khu vực này là việc gia tăng tỷ lệ lây nhiễm HIV. Trong 2 thập kỷ qua, tình trạng lây nhiễm HIV đã tăng gần gấp đôi, từ 0,25% lên 0,41% đối với người dân trong độ tuổi từ 15 đến 49. Việc sử dụng ma túy, quan hệ đồng tính, nhất là ở giới trẻ, cũng đang trở thành những nguy cơ đáng lo ngại. Hội nghị ICPD - được UNFPA và UNECE đồng tổ chức, sử dụng các kết quả thăm dò cũng như các nghiên cứu của giới học giả và các kết quả của các cuộc họp trù bị nhằm đề ra chương trình hành động sau năm 2014.

2. Cộng đồng quốc tế đánh giá cao những nỗ lực thực hiện MDGs của Việt Nam

 

Việc chăm sóc sức khỏe trẻ em và tăng cường sức khỏe bà mẹ (MDG 4 và MDG 5) của Việt Nam cũng đạt được những thành tích đáng kể


Từ ngày 01 đến ngày 04-7-2013, trong phiên họp cấp bộ trưởng thường niên của Hội đồng Kinh tế Xã hội (ECOSOC) diễn ra tại Giơ-ne-vơ, cộng đồng quốc tế đã đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện tốt và hoàn thành trước thời hạn một số Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs). Với chủ đề “Vai trò của khoa học, công nghệ, sáng tạo, tiềm năng của văn hóa phục vụ phát triển bền vững và đạt được MDGs”, đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương dẫn đầu đã có bài tham luận tại phiên họp cấp cao chiều ngày 01-7. Việt Nam được chọn là 1 trong 3 quốc gia tự nguyện chia sẻ những kinh nghiệm và các kết quả đạt được trong quá trình phát triển đất nước. Đại biểu các nước như Lào, Hàn Quốc, Mô-dăm-bích,... đều có những nhận xét và đánh giá cao những thành tựu đạt được của Việt Nam. Tính đến hết năm 2012, Việt Nam đã hoàn thành một phần lớn MDGs đã cam kết trước cộng đồng quốc tế. Việt Nam đã đạt mục tiêu giảm một nửa tỷ lệ nghèo (MDG 1) vào năm 2002 và tiếp tục đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong công cuộc giảm nghèo, tỷ lệ nghèo năm 2010 chỉ còn 10,7%. Việt Nam cũng đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học (MDG 2) theo chuẩn của Việt Nam vào năm 2000, đến nay, tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi bậc giáo dục tiểu học đạt 97,7%. Những tiến bộ nhanh chóng cũng đã được ghi nhận trong việc tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ (MDG 3). Chăm sóc sức khỏe trẻ em và tăng cường sức khỏe bà mẹ (MDG 4 và MDG 5) cũng ghi nhận những thành tích đáng kể. Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn trong việc thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển (MDG 8), giúp huy động được các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, hỗ trợ phát triển chính thức và tận dụng các cơ hội của tự do hóa thương mại cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo. Tuy nhiên, là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất của tình trạng biến đổi khí hậu, có nhiều lý do để lo ngại rằng biến đổi khí hậu sẽ tăng tính dễ bị tổn thương của một bộ phận dân số Việt Nam, và là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tái nghèo. Đây chính là một trong những thách thức lớn của Việt Nam trong những năm tới để có thể thực hiện mục tiêu bảo đảm bền vững về môi trường (MDG 7).

3. Interpol châu Mỹ tăng cường hợp tác trấn áp tội phạm ma túy

Tại Hội nghị Interpol châu Mỹ diễn ra ngày 02-7-2013 ở thành phố Cu-ra-ca-ô (Curacao) của Vê-nê-xu-ê-la, Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) khu vực châu Mỹ cho biết đã thực hiện thành công “Chiến dịch Sư tử biển” từ ngày 27-5 đến ngày 10-6-2013, bắt giữ 142 đối tượng, thu giữ hơn 170.000 USD tiền mặt, gần 30 tấn ma túy, 8 tấn tiền chất ma túy cùng 42 khẩu súng và 15 tàu thuyền. Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã nêu bật những thành tích của lực lượng cảnh sát khu vực trong công tác huấn luyện cũng như trấn áp tội phạm ma túy và phá vỡ các đường dây buôn bán mặt hàng cấm này. Phát biểu tại Hội nghị, ông Bốp Pau-xơn (Bob Paulson) thuộc Ủy ban điều hành Interpol châu Mỹ, đồng thời là chỉ huy lực lượng cảnh sát kỵ binh Hoàng gia Ca-na-đa (RCMP) cho biết RCMP đóng vai trò quan trọng trong “Chiến dịch Sư tử biển” cũng như trong công tác huấn luyện và nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm cho Interpol châu Mỹ. Theo ông B. Pau-xơn, “Chiến dịch Sư tử biển” không chỉ góp phần thắt chặt an ninh tại các quốc gia có các hoạt động sản xuất, trung chuyển, tiêu thụ ma túy và vũ khí mà còn góp phần giúp Interpol tiếp tục lần theo các mối liên hệ của các đường dây buôn bán ma túy, vũ khí ở Ca-ri-bê. “Chiến dịch Sư tử biển” được tổ chức với sự hỗ trợ tài chính của Bộ Ngoại giao và Bộ Ngoại thương Ca-na-đa, và sự điều hành của Interpol khu vực Trung Mỹ. Chiến dịch đã phát huy sức mạnh phối hợp giữa lực lượng thực thi pháp luật của các quốc gia trong khu vực cũng như trên toàn thế giới nhằm ngăn chặn các đường dây buôn bán ma túy và vũ khí từ khu vực Trung Mỹ và Ca-ri-bê đến nhiều nước khác.

4. Hội nghị ARF-20 và EAS-3

Ngày 02-7-2013, tại Thủ đô Ban-đa Xê-ri Bê-ga-oan (Bandar Seri Begawan) của Bru-nây đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 20 (ARF-20) và Hội nghị cấp cao Bộ trưởng Ngoại giao Đông Á lần thứ ba (EAS-3). Tại Hội nghị ARF-20, các bộ trưởng hoan nghênh việc triển khai hiệu quả Kế hoạch Hành động Hà Nội về Thực hiện Tuyên bố Tầm nhìn ARF đến năm 2020, trong đó có nhiều hoạt động hợp tác thiết thực, xây dựng lòng tin như hợp tác ứng phó với thiên tai, phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia và khủng bố, an ninh, an toàn hàng hải, an ninh mạng… Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao EAS lần thứ ba, các bộ trưởng nhấn mạnh cần tăng cường thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực thông qua đẩy nhanh tiến độ để hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong năm 2015. Các bộ trưởng cũng khẳng định cần tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác như ứng phó với các thách thức, an ninh lương thực, phòng, chống dịch bệnh, hoan nghênh Tuyên bố Sáng kiến Phát triển Đông Á của Trung quốc, đề xuất tăng cường bảo đảm an ninh lương thực, quản lý đánh bắt cá bền vững và bảo vệ môi trường biển của Bru-nây, hoan nghênh Hội nghị lần thứ nhất Liên minh chống Sốt rét sẽ được tổ chức nhân dịp Hội nghị Cấp cao EAS lần thứ tám tại Bru-nây tháng 10-2013 do Thủ tướng Ô-xtrây-li-a và Thủ tướng Việt Nam đồng chủ trì.

5. EU cam kết chi 24 tỷ ơ-rô giải quyết tình trạng thất nghiệp trong thanh niên

Trong cuộc họp tại Đức ngày 03-7-2013, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cam kết sẽ chi 24 tỷ ơ-rô (tương đương 31,2 tỷ USD) để đối phó với tình trạng thất nghiệp cao trong thanh niên, đồng thời khẳng định tạo việc làm cho thanh niên là nhiệm vụ và mục tiêu chung của các nước EU. Các nhà lãnh đạo EU nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường giáo dục và đào tạo việc làm, giống như hệ thống đào tạo kép của Đức, theo đó người lao động sẽ được đào tạo thêm sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra, các nước châu Âu cũng tập trung thảo luận các biện pháp để sử dụng hiệu quả các quỹ tài chính của châu Âu, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận các nguồn tín dụng, theo đó Ngân hàng đầu tư châu Âu sẽ mở rộng tín dụng cho các doanh nghiệp này. Ngoài gói hỗ trợ 6 tỷ ơ-rô đã được thống nhất từ tuần trước, các nước châu Âu có thể sử dụng ngân sách của các quỹ khác để giải quyết tình trạng thất nghiệp trong thanh niên, như quỹ xã hội của châu Âu, nhưng cần xem xét tình hình cụ thể của từng nước để áp dụng. Ngoài các biện pháp để đối phó với tình trạng thất nghiệp trong thanh niên nói trên, các nước châu Âu cũng nhất trí sẽ tổ chức họp bàn về vấn đề này vào tháng 11 tới tại Pa-ri (Pháp). Hiện tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên ở châu Âu là gần 24% và đặc biệt cao ở các nước Nam Âu, như Tây Ban Nha và Hy Lạp với 60%, Bồ Đào Nha 42%.

6. Hội nghị AMM-46 thể hiện đoàn kết nhất trí của ASEAN

 

Hội nghị AMM-46 khẳng định quyết tâm của ASEAN xây dựng Cộng đồng chung
vào năm 2015


Ngày 04-7-2013, Hội nghị Bộ trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 46 (AMM-46) và các hội nghị liên quan đã kết thúc tốt đẹp tại Ban-đa Sê-ri Bê-ga-oan (Bru-nây), với việc ra thông cáo chung khẳng định quyết tâm của ASEAN xây dựng Cộng đồng chung vào năm 2015, nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải tại khu vực. Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho biết trong 5 năm tới ASEAN sẽ có hai thời điểm quan trọng là đạt tới Cộng đồng ASEAN năm 2015 và kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập ASEAN vào năm 2017. Ngay từ bây giờ, ASEAN đã chuẩn bị công việc xây dựng nhãn quan, phương hướng cho ASEAN phát triển trong giai đoạn sau năm 2015 tức là giai đoạn sau khi đã có Cộng đồng. Theo Tổng Thư ký Lê Lương Minh, điểm quan trọng nữa phản ánh thành công của Hội nghị lần này là thể hiện tinh thần đoàn kết nhất trí của ASEAN, đặc biệt trong vấn đề xử lý những vấn đề nhạy cảm. Về vấn đề Biển Đông, Tổng Thư ký Lê Lương Minh cho biết lần này ASEAN thể hiện được tinh thần đoàn kết trên cơ sở lập trường nguyên tắc 6 điểm của ASEAN trong vấn đề Biển Đông trên các nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng các điều khoản của Công ước Luật Biển 1982 của Liên hợp quốc (UNCLOS), giải quyết hòa bình các tranh chấp, và kiềm chế không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế…

7. Phiên đàm phán thứ tư EVFTA - Đề ra lộ trình cụ thể

Chiều ngày 05-7-2013, phiên đàm phán thứ tư Hiệp định tự do thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) - diễn ra từ ngày 01 đến ngày 05-7 tại Brúc-xen (Bỉ) - đã kết thúc. Phiên đàm phán diễn ra ở cấp Trưởng đoàn, Phó đoàn và 12 nhóm đàm phán, gồm thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, hợp tác hải quan, cạnh tranh, phát triển bền vững, pháp lý - thể chế,... trong không khí thẳng thắn, cởi mở và hợp tác. Hai Trưởng đoàn đánh giá cả Việt Nam và EU đều đã có sự chuẩn bị tốt cho phiên đàm phán thứ tư này, coi đây là cơ sở để đẩy nhanh đàm phán, đặc biệt trong các lĩnh vực quan trọng như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ. Kết thúc phiên đàm phán này, hai bên đã đạt được hiểu biết sâu sắc về quan điểm, cách tiếp cận, mức độ mong muốn của đối tác, tạo tiền đề vững chắc cho việc tìm kiếm giải pháp nhằm giảm thiểu tối đa khác biệt, hướng tới thống nhất các nội dung phù hợp với thực tiễn, năng lực của mỗi bên. Đây cũng là cơ sở quan trọng để hai bên tiếp tục tham vấn trong nước, tiến tới đàm phán sâu và chi tiết hơn nữa trong phiên tiếp theo. Trước đó, tại phiên khai mạc, Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam và EU đã cùng tái khẳng định tầm quan trọng của Hiệp định EVFTA đối với cả hai phía và khẳng định quyết tâm đẩy nhanh tiến độ đàm phán để đạt được kết quả tích cực, đáp ứng kỳ vọng của cả hai bên.

8. Kết thúc các cuộc họp trù bị cho Hội nghị thượng đỉnh APEC tại In-đô-nê-xi-a

Trong các ngày từ 22-6 đến ngày 06-7-2013, tại thành phố Mê-đan (Medan), thủ phủ tỉnh Xu-la-vê-xi (Sulawesi) của In-đô-nê-xi-a đã diễn ra Hội nghị quan chức cấp cao (SOM) Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Đây là Hội nghị SOM APEC lần thứ ba trong năm nay và cũng là hội nghị cuối cùng nhằm chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh APEC sẽ diễn ra vào tháng 10 tới tại đảo du lịch Ba-li (In-đô-nê-xi-a). Tổng Vụ trưởng châu Á, Thái Bình Dương và châu Phi thuộc Bộ Ngoại giao In-đô-nê-xi-a, đồng thời là Chủ tịch SOM APEC, Y-u-ri Ốc-ta-vi-an Tham-rin (Yuri Octavian Thamrin) cho biết trong hơn hai tuần tại Mê-đan đã diễn ra 68 phiên họp toàn thể và chuyên ngành của các quan chức cấp cao APEC, tập trung xem xét, thảo luận các nội dung chủ yếu cho Hội nghị thượng đỉnh APEC. Ngoài các thách thức truyền thống và phi truyền thống mang tính toàn cầu và cấp bách hiện nay, Hội nghị đã dành ưu tiên cho các vấn đề tăng cường kết nối khu vực, thúc đẩy đầu tư, thương mại nội khối, trong đó chú trọng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển và đóng góp cho nền kinh tế, đặc biệt là ở các nền kinh tế đang phát triển và kém phát triển hơn, trao quyền cho phụ nữ và hỗ trợ nông dân, tạo điều kiện đi lại dễ dàng và thuận lợi hơn cho các doanh nhân trong khối. Hội nghị SOM APEC lần thứ ba đã nhất trí sự cần thiết tiếp tục tiến trình tự do hóa thương mại trong APEC, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, song lưu ý tiến trình này cần được thực hiện thông qua các chính sách có thể làm giảm khoảng cách phát triển giữa các thành viên, trong bối cảnh điều kiện kinh tế thực tế của các nền kinh tế thành viên...

9. Hai miền Triều Tiên nhất trí khôi phục hoạt động của khu công nghiệp Kê-xâng

Ngày 07-7-2013, sau gần 16 giờ đàm phán, Hàn Quốc và Cộng hòa nhân dân Triều Tiên đã nhất trí trên nguyên tắc mở lại khu công nghiệp chung Kê-xâng (Kaesong), bị tạm thời đóng cửa từ hồi đầu tháng 4-2013. Theo tuyên bố chung được đăng trên trang web của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, Xơ-un và Bình Nhưỡng đã đồng ý “khôi phục hoạt động” của khu công nghiệp ở thành phố biên giới Kê-xâng của Triều Tiên và tiến hành cuộc đàm phán tiếp theo vào ngày 10-7 tới nhằm ngăn ngừa tái diễn tình trạng đóng cửa ở đây. Hai bên cũng nhất trí cho phép các doanh nghiệp Hàn Quốc đến kiểm tra các nhà máy của họ ở khu công nghiệp Kê-xâng vào ngày 10-7 và bảo trì các trang thiết bị để giảm bớt thiệt hại có thể xảy ra trong mùa mưa. Các công ty Hàn Quốc sẽ được trả lại các thành phẩm và nguyên liệu sản xuất thuộc sở hữu của mình tại khu công nghiệp này. Bình Nhưỡng cũng đồng ý bảo đảm an ninh cho xe cộ và nhân viên của các công ty ra vào khu Kê-xâng. Khu công nghiệp chung Kê-xâng, được xem là biểu tượng hợp tác kinh tế duy nhất giữa hai miền Triều Tiên, nhưng đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất từ khi được thành lập vào năm 2004 sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố đóng cửa khu công nghiệp ngày 09-4 và rút toàn bộ 53.000 công nhân Triều Tiên làm việc tại hơn 100 công ty của Hàn Quốc ở khu vực này. Tiếp đó, ngày 26-4, phía Hàn Quốc cũng quyết định rút các nhân viên nước này khỏi Kê-xâng sau khi Bình Nhưỡng từ chối đề nghị đàm phán của Xơ-un./.