Chiều sâu lịch sử của Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp dân tộc và dân chủ

PGS, TS. Nguyễn Hoài Văn Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh
18:30, ngày 09-04-2013
TCCSĐT - Trong không khí người dân Việt Nam cả trong và ngoài nước đang tích cực đóng góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, việc xem xét, đánh giá hoàn cảnh ra đời, ý nghĩa lịch sử của Hiến pháp năm 1946 có ý nghĩa quan trọng.

1. Hiến pháp năm 1946 là kết quả rực rỡ của Cách mạng Tháng Tám và giá trị bền vững của Đạo luật cơ bản đầu tiên này là nằm trong bề sâu lịch sử sản sinh ra nó. Vào năm 1957, lần đầu tiên về thăm quê (Nam Đàn, Nghệ An) sau 52 năm xa cách, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Từ lúc tôi ra đi và bây giờ trở lại, thấy nước ta nói chung, tỉnh ta nói riêng, có thay đổi rất nhiều. Thay đổi quan trọng nhất là lúc tôi ra đi, nước ta đang bị thực dân cai trị, đồng bào ta đều là những người nô lệ, bây giờ trở về thì đồng bào miền Bắc nước ta nói chung, Nghệ An nói riêng là những công dân tự do, làm chủ nước nhà. Đó là thay đổi to lớn nhất”(1).

Để có sự thay đổi to lớn đó, cách mạng Việt Nam và cả dân tộc Việt Nam được thức tỉnh và hướng dẫn trước hết từ cái tên Nguyễn Ái Quốc, ngay từ những thập kỷ đầu của thế kỷ XX, khi Người còn hoạt động ở nước ngoài.

Thời gian ở Mỹ, khoảng cuối năm 1912 đến cuối năm 1913, Nguyễn Ái Quốc đã ở Bruc - lin, đến thăm khu Hác - lem nơi sinh sống của người da đen, chiêm ngưỡng tượng thần Tự do… Người đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ - giá trị tinh thần bất hủ của Cách mạng Mỹ, trong đó đề cập đến “quyền bình đẳng”, “quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc” của con người, quyền của nhân dân kiểm soát chính phủ, “hễ chính phủ nào có hại cho dân chúng thì phải đập đổ chính phủ đó đi và lập nên chính phủ khác”(2).

Trong thời gian hoạt động tại Pháp, Người đã sống chan hòa với công nhân và nhân dân lao động Pháp, gặp gỡ, tiếp xúc và cộng tác với những người anh em một số nước thuộc địa. Người cũng đã bắt gặp những tư tưởng mới mẻ của Cách mạng tư sản Pháp năm 1789, đặc biệt là những tư tưởng của bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền. Chính cuộc khảo nghiệm lịch sử đó đã mang đến cho Nguyễn Ái Quốc những nhận thức mới mẻ, gợi mở những tư tưởng có tính lý luận của khoa học chính trị, chuẩn bị cho sự hình thành con đường cách mạng giải phóng dân tộc mà Nguyễn Ái Quốc đang tìm kiếm.

Không thỏa mãn với con đường cách mạng tư sản, Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Đây là bước ngoặt cơ bản trong quá trình tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh, từ chủ nghĩa yêu nước - độc lập dân tộc đã gắn liền với chủ nghĩa xã hội; giác ngộ về dân tộc đã phát triển và kết hợp với giác ngộ giai cấp; cách mạng giải phóng dân tộc gắn liền với cách mạng xã hội chủ nghĩa; kết hợp sức mạnh của dân tộc với quốc tế, dân tộc với thời đại, từng bước đưa Việt Nam đi vào dòng tiến hóa chung của nhân loại. Bước ngoặt đó đánh dấu sự định hình và khẳng định bản chất cách mạng, nhân văn và khoa học của tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh, cũng như sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo ngay từ đầu chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào thực tiễn Việt Nam. Nhờ vậy, trong bối cảnh Việt Nam đầu thế kỷ XX, giữa rất nhiều học thuyết khác nhau; đúng sai, tiến bộ và lỗi thời đan xen nhau; trong khi nhiều nhà cách mạng và yêu nước chưa phát hiện được đâu là quy luật, là chân lý thì chính Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tìm ra được mục tiêu, lý tưởng cách mạng đúng đắn và con đường để đi đến mục tiêu ấy, thực hiện lý tưởng ấy. Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người tiêu biểu cao nhất cho ý chí độc lập dân tộc. Từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, “Chủ tịch Hồ Chí Minh trọn đời vẫn là người yêu nước, là Nguyễn Ái Quốc” (3).

Cái tên Nguyễn Ái Quốc xuất hiện lần đầu tiên tại Pháp, đó là bút danh được sử dụng ký dưới Bản yêu sách của dân An Nam gửi Hội nghị Versailles năm 1919 và mãi mãi đi vào lịch sử. Tranh thủ diễn đàn của các cường quốc tự cho là có sứ mạng “đấu tranh cho nền văn minh chống chế độ dã man” như lời tổng thống Mỹ Willson lúc ấy tuyên bố, “Trong khi chờ đợi quyền dân tộc tự quyết được được công nhận thực sự cho Việt Nam”, Nguyễn Ái Quốc đề đạt 8 yêu sách cấp bách. Ngoài các quyền tự do, dân chủ và quyền tự do con người, Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh: “ Thay chế độ sắc lệnh bằng chế độ luật” để cai trị xứ Đông Dương và “phải có đại biểu thường trực của người Việt Nam do người bản sứ bầu ra ở bên cạnh Nghị viện Pháp để trình bày nguyện vọng của người bản sứ”.

Bản yêu sách 8 điểm của nhân dân Việt Nam được xem là tư tưởng sớm nhất đề cập đến các đòi hỏi tự do, dân chủ của người dân thuộc địa, yêu cầu một chế độ cai trị văn minh - cai trị bằng luật pháp.

Tư tưởng về một chế độ theo hiến định càng rõ nét hơn khi Nguyễn Ái Quốc đã dịch lời của bản yêu sách đó thành bài diễn ca Việt Nam yêu cầu ca năm 1922, trong đó có câu ca nổi tiếng:

“Bảy xin hiến pháp ban hành

Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”

Tư tưởng chính trị - pháp quyền lần đầu tiên được Hồ Chí Minh sử dụng và đưa vào nội dung cách mạng dân chủ ngay trong khuôn khổ chế độ thực dân. Đó là một tư tưởng hoàn toàn mới. Cho đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, trong ngôn ngữ chính trị Việt Nam chưa có khái niệm “Hiến pháp”, “chế độ luật” hay “lập hiến”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nguyễn Ái Quốc, đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, độc lập tự chủ ngày càng được bổ sung và hoàn chỉnh. Từ trong thực tiễn cách mạng đó, những tiền đề của một thể chế chính trị dân chủ và cách thức tổ chức chính quyền của dân, do dân và vì dân đã xuất hiện ngày càng rõ nét:

- Chính quyền Xô viết công nông ra đời năm 1930 - 1931 ở Nghệ - Tĩnh.

- Chính phủ Việt Minh (Mặt trận Việt Minh thành lập năm 1941).

- Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa sau Cách mạng Tháng Tám.

Đó chính là các dạng tiền thân của thể chế chính trị dân chủ sẽ chính thức ra đời và được khẳng định trong Hiến pháp năm 1946 - thành quả trực tiếp của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

2. Trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3-9-1945, chỉ một ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập, Bác Hồ nói: “Sau 80 năm bị áp bức, bóc lột và dưới chính sách ngu dân của thực dân Pháp, các bạn và tôi, chúng ta đều chưa quen với kỹ thuật hành chính nhưng điều đó không làm chúng ta lo ngại. Chúng ta vừa làm vừa học. Chắc rằng chúng ta sẽ phạm khuyết điểm, nhưng chúng ta sẽ sửa chữa khuyết điểm. Với lòng yêu nước và yêu nhân dân sâu sắc, tôi chắc chúng ta sẽ thành công” (4).

Bác cho rằng một trong những cơ sở cần có đầu tiên của một nhà nước là hiến pháp và muốn có hiến pháp thì phải có quốc hội. Vì vậy, mặc dù tình hình đất nước đang vô cùng khó khăn nhưng trong 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Bác vẫn đề ra nhiệm vụ là phải tổ chức một cuộc tổng tuyển cử càng sớm càng tốt. Bác nói: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay một cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái, 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống, v.v…” (5).

Ngày 8-9-1945, đúng một tuần sau ngày tuyên bố độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 14, quyết định tổ chức tổng tuyển cử trên phạm vi toàn quốc. Với sự kiện trọng đại này, dân tộc Việt Nam sau khi là dân tộc đầu tiên ở Đông Nam Á làm cuộc giải phóng dân tộc thành công, trở thành dân tộc đầu tiên thiết lập được Nhà mước có thể chế chính trị với hình thức dân chủ cao nhất là phổ thông đầu phiếu.
Ngày 31-12-1945, Bác viết bài đăng trên báo Cứu quốc số 130:

“Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn người có tài, có đức để gánh vác công việc nước Nhà.

Trong cuộc tổng tuyển cử, hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có 2 quyền đó.

Do tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thực ra là Chính phủ của toàn dân” (6).

Ngày 6-1-1946, cuộc tổng tuyển cử thắng lợi. Ngày 9-11-1946, tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I đã biểu quyết thông qua Hiến pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà với 240 đại biểu tán thành trên 242 đại biểu (có 2 đại biểu không tán thành).

Vậy là, qua một chặng đường dài sau gần 3 thập kỷ kể từ Bản yêu sách của dân An Nam (năm 1919) gửi hội nghị Versailles đến năm l946, tư tưởng về nhà nước pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được thực hiện. Hiến pháp ra đời đặt nền tảng cho quốc gia đi vào xây dựng một thể chế chính trị dân chủ được thiết lập vững chắc, với đầy đủ các cơ quan lập pháp, tư pháp và hành pháp, đoạn tuyệt với chế độ chính trị thực dân và quân chủ phong kiến.

Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân

Hiến pháp năm 1946 đã long trọng ghi nhận tại Điều 1: “Nước Việt Nam là một Nhà nước dân chủ. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”.

Khẳng định quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân không chỉ là nguyên tắc cơ bản được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 mà còn gắn liền với việc thiết lập cơ chế bảo đảm thực hiện quyền lực thực sự của nhân dân, là tư tưởng chỉ đạo bao quát toàn bộ nội dung Hiến pháp, được thể hiện cụ thể trong các quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy chính phủ từ Trung ương đến địa phương.

Hiến pháp đã dành một chương - Chương II, để quy định các quyền và nghĩa vụ công dân và đã dành cho Chương này 18 điều trong số 70 điều của Hiến pháp để quy định các quyền tự do, dân chủ của công dân, thể hiện bản chất thực sự dân chủ và là một nền dân chủ rộng rãi của thể chế chính trị mới. Hiến pháp ghi: “Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hoá” (Điều 6); “Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tùy theo tài năng và đức hạnh của mình” (Điều 7); “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện” (Điều 9).

- Về kinh tế: Nguyên tắc dân chủ cho toàn dân được ứng dụng trong Điều 12: Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm. Đồng thời Hiến pháp bảo đảm quyền lợi các giới lao động trí thức và chân tay (Điều 13).

Đồng thời với Hiến pháp, cuối năm 1946, Quốc hội đã thông qua những nguyên tắc của Luật Lao động, hạn chế lao động làm việc tối đa 8 giờ một ngày, nghỉ hằng tuần, nghỉ hằng năm, tự do bãi công... Chính phủ lâm thời đã bãi bỏ các luật lệ hạn chế kinh doanh của Nhật - Pháp, quan tâm đến quyền lợi của quần chúng lao động. Đó là khuynh hướng xã hội của thể chế dân chủ mới ở Việt Nam.

- Về văn hoá, Hiến pháp ghi: Nền sơ học cưỡng bách và không học phí, trường tư thục mở rộng tự do. Trước khi có Hiến pháp, Chính phủ đã tổ chức bình dân học vụ để xoá nạn mù chữ. Đáng chú ý, Điều 16: “Những người ngoại quốc đấu tranh cho dân chủ, tự do thì được trú ngụ trên đất Việt Nam”, theo xu hướng tiến bộ của thế giới.

Bộ máy nhà nước dân chủ

Giữa chế độ phân quyền và chế độ tập quyền, thì Hiến pháp năm 1946 dứt khoát không theo thuyết “tam quyền phân lập” của phương Tây.

- Nghị viện nhân dân, theo Điều 22, Điều 23 “giải quyết mọi vấn đề chung cho toàn quốc”; và là cơ quan có quyền lực cao nhất. Nghị viện đặt ra luật, tức là nắm trọn quyền lập pháp. Nhưng về hành pháp chỉ quyết định mấy vấn đề đặc biệt lớn (biểu quyết ngân sách, chuẩn y hiệp ước). Ngoài ra, giao hết cho Chính phủ hành động dưới quyền kiểm soát thường xuyên của mình. Nghị viện cử ra Ban Thường vụ để thi hành sự kiểm soát đó. Đồng thời, quyết những dự án, sắc lệnh của Chính phủ rồi trình Nghị viện xem xét lại (Điều 36). Đây là một điểm sáng tạo của Hồ Chí Minh, “chế độ nghị viện có Ban Thường vụ là điều tiến bộ hơn hẳn chế độ nghị viện của các nước châu Âu” (7).

- Chính phủ là “cơ quan hành chính cao nhất” gồm Chủ tịch nước và Nội các, Nội các có Thủ tướng, các bộ trưởng. Chủ tịch nước chọn Thủ tướng và đưa ra Nghị viện biểu quyết. Thủ tướng chọn các bộ trưởng và đưa Nghị viện biểu quyết cả danh sách. Thủ tướng, mỗi bộ trưởng đều chịu trách nhiệm trước Nghị viện, còn Chủ tịch nước không chịu trách nhiệm nào, trừ khi phạm tội phản quốc (các Điều 43, 44, 47, 50... ).

Mối quan hệ như vậy giữa Nghị viện và Chính phủ là rút kinh nghiệm từ cả chế độ tập quyền lẫn chế độ phân quyền hiện hành trên thế giới để tránh mọi cái bất hợp lý của cả chế độ Đại nghị (nghị trường) như ở Pháp, chế độ Tổng thống ở Mỹ trong trường hợp có xung đột quyền lực giữa Nghị viện và Chính phủ.

Về tư pháp, có cơ quan chỉ đạo là Bộ Tư pháp (trong Chính phủ); Tòa án đứng biệt lập với cơ quan hành chính, và khi xét sử các viên thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan khác không được can thiệp ( Điều 69).

Lịch sử đã ghi nhận Hồ Chí Minh là người sáng lập Đảng ta, sáng lập Nhà nước ta, sáng lập Quốc hội ta và là tác giả của bản Tuyên Ngôn độc lập bất hủ và Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Với trí tuệ uyên bác, với tư tưởng lấy dân làm gốc, Bác đã đưa vào bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta những điều luật ngang tầm với nền chính trị tiên tiến của thế giới lúc bấy giờ và nhiều điều còn giá trị nóng hổi tính thời sự cho đến hôm nay.

Chúng ta có thể tự hào về bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Nó kết tinh truyền thống nhân nghĩa ngàn đời của dân tộc ta, hài hòa với tư duy pháp lý hiện đại ở mức quốc gia lẫn quốc tế. Hiến pháp đó như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói là “Bản hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà... là một vết tích lịch sử hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông... Bản Hiến pháp đó chưa hoàn toàn hoàn thiện nhưng nó đã làm nên theo một hoàn cảnh thực tế. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới: Nước Việt Nam đã độc lập... dân tộc Việt Nam đã có đủ quyền tự do. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới: phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân. Hiến pháp đó đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các giai cấp” (8)./.
________________

(1) Những bức thư kể chuyện Bác Hồ, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985, tr. 107

2) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 171 - 172

(3) Trường Chinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh sự nghiệp vĩ đại gương sáng đời đời, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1980, tr. 15

(4) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 1995, t 14, tr.7

(5) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd t14, tr. 8

(6) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd t4. tr. 133

(7) Văn phòng Quốc hội: Hiến pháp năm 1946 và sự kế thừa, phát triển trong các hiến pháp Việt Nam. Nxb CTQG, H, 1998 tr. 74.

(8) Hồ Chí Minh: Sđd, t4, tr. 440