Ngày 28-2, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra 3 Hội nghị góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, bao gồm Hội nghị do Tạp chí nghiên cứu Lập pháp (Văn phòng Quốc hội) và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức và hai Hội nghị do Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố tổ chức.

Phát biểu tại Hội nghị, Tiến sỹ Đỗ Minh Khôi (Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, việc nâng cao vai trò của Chủ tịch nước giúp tạo và nâng cao tính hợp nhất, chia sẻ quyền lực, nâng cao trách nhiệm trong tổ chức và vận hành quyền lực Nhà nước, đây cũng là xu thế chung của các mô hình tổ chức và vận hành quyền lực nhà nước trên thế giới hiện nay.

Tiến sỹ Vũ Văn Nhiêm (Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh) cũng đề xuất về Điều 95 (sửa đổi, bổ sung Điều 105) về quyền của Chủ tịch nước, trong đó tiến sỹ Nhiêm đề nghị khôi phục lại 2 quy định theo tinh thần của Hiến pháp năm 1959 và sửa đổi cho phù hợp với tình hình hiện nay là “Khi xét thấy cần thiết, Chủ tịch nước có quyền tham dự và chủ tọa các phiên họp của Chính phủ”; và “Khi xét thấy cần thiết, Chủ tịch nước có quyền triệu tập và chủ tọa Hội nghị chính trị đặc biệt. Hội nghị chính trị đặc biệt gồm có Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các chức danh khác trong bộ máy nhà nước” để xem xét các vấn đề quốc gia đại sự.

Theo tiến sỹ Nhiêm, nếu quy định như Dự thảo thì Chủ tịch nước chỉ tham dự phiên họp Chính phủ như một khách mời, không tương xứng với vai trò của Chủ tịch nước và không có thẩm quyền tác động hiệu quả vào hoạt động của Chính phủ.

Việc nâng cao vai trò của Chủ tịch nước cũng có ý nghĩa trong việc kiểm soát giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp, đặc biệt là kiểm soát hành pháp, nó có ý nghĩa không những trên phương diện pháp lý mà còn trên phương diện chính trị, góp phần quan trọng đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của bộ máy nhà nước.

Tại Hội nghị, giáo sư - tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trân (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội) trăn trở, Hiến pháp cần được bảo đảm ổn định vì đây là đạo luật cơ bản và cao nhất, nhưng ở Việt Nam thời gian xem xét thay đổi, sửa đổi Hiến pháp lại quá gần.

Ngoài ra, giáo sư - tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trân cũng đề nghị Ban soạn thảo Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 chú ý thêm về văn phong, ví dụ cụm danh từ Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được dùng quá nhiều lần; từ nghiêm cấm và nghiêm trị lại được sử dụng nhiều nhất ở Chương 2 về quyền con người, quyền công dân... Đặc biệt giáo sư - tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trân đánh giá việc sử dụng cụm từ giám sát trong Hiến pháp sửa đổi cần xem lại vì đưa ra quyền nhưng không có cơ chế để thực hiện thì chỉ là “quyền treo.”

Giải đáp trăn trở này, giáo sư - tiến sỹ Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, thành viên Ban Soạn thảo Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho biết, việc ổn định Hiến pháp là điều rất hợp lý, nhưng theo thời gian và thay đổi của kinh tế - xã hội đất nước, Hiến pháp phải theo kịp sự phát triển nên cần được xem xét sửa đổi. Ngoài các ý kiến tranh luận nêu trên, các đại biểu còn đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến quyền hạn của Quốc hội, chính quyền địa phương và quyền con người... nhằm góp phần hoàn thiện bản Dự thảo Hiến pháp sửa đổi phù hợp với thực tế phát triển của đất nước hiện nay.

Tại Hội nghị của Hội đồng nhân dân với sự tham gia của đại diện các Sở, ngành trên địa bàn Thành phố đã có nhiều ý kiến đóng góp đối với chương về chính quyền địa phương. Một số ý kiến cho rằng cần quy định tổ chức chính quyền địa phương này sao cho phù hợp với đô thị và nông thôn, và theo điều kiện cụ thể ở từng địa phương. Đại diện các quận, huyện cũng đưa ra các ý kiến phản ánh rõ nét quan điểm của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này.

Riêng tại Hội nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố, các kiều bào cũng như trí thức tại Thành phố Hồ Chí Minh đã nêu bật nhiều vấn đề cần sửa đổi trong Hiến pháp 1992 về quyền cư trú, quyền sử dụng đất, vấn đề giáo dục, chính quyền đô thị và nhiều vấn đề liên quan đến lực lượng công nông, các đại biểu cũng xuất vai trò của kiều bào trong Hiến pháp sửa đổi là lực lượng không thể tách rời trong đại bộ phận người Việt Nam.

Các đại biểu cũng kiến nghị, cần thêm vào Hiến pháp phần thương nhân với lực lượng công nông là lực lượng chủ yếu của Việt Nam , bởi doanh nghiệp là thành phần rất quan trọng trong đời sống kinh tế Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. /.