Tiếp tục thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát
Thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng, trong tháng 2 và hai tháng đầu năm 2013, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ và các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về bình ổn giá cả, thị trường, thúc đẩy sản xuất, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, chuẩn bị cho nhân dân đón Tết Nguyên đán, đã đạt được những kết quả tích cực. Nổi bật là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2-2013 tăng 1,32% so với tháng trước và là mức tăng thấp nhất trong 4 năm trở lại đây.
Lãi suất huy động ổn định; lãi suất cho vay VND giảm nhẹ so với tháng trước; thị trường ngoại hối diễn biến tương đối ổn định, thanh khoản thị trường tốt. Vốn đầu t¬¬ư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong hai tháng đầu năm ước đạt 1.050 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2012. Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến chế tạo tại thời điểm 1-2-2013 giảm 2,8% so với tháng trước... Thị trường hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng nhộn nhịp hơn, tập trung vào những ngày giáp Tết; nguồn cung về các mặt hàng thiết yếu khá dồi dào, phong phú, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của người dân, đồng thời không gây sự tăng giá đột biến.
Dịp Tết Nguyên đán, các cấp, các ngành đã thực hiện nghiêm túc các Quyết định của Chủ tịch nước và của Thủ tướng Chính phủ về thăm hỏi, tặng quà đến các đối tượng người có công với cách mạng, với gần 1,9 triệu người nhận quà, tổng giá trị là hơn 393,5 tỷ đồng, cũng như hỗ trợ gạo cứu đói dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt năm 2013 cho 18 tỉnh với 29.092 tấn gạo. Các địa phương cũng đã trích ngân sách địa phương, huy động nguồn xã hội hóa, tổ chức thăm hỏi, tặng quà hơn 800 tỷ đồng.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả kiềm chế lạm phát
Nhấn mạnh CPI 2 tháng đầu năm tăng 2,59% là mức tăng thấp trong nhiều năm qua, song các thành viên Chính phủ cho rằng không được chủ quan, lơ là; cần hết sức thận trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành về giá cả; tiếp tục tăng cường công tác quản lý thị trường, ổn định giá cả; bảo đảm nguồn cung cũng như hoạt động lưu thông hàng hóa, nhất là lương thực, thực phẩm, hạn chế việc tăng giá đột biến sau Tết Nguyên đán... nhằm thực hiện cho được mục tiêu giữ lạm phát của năm 2013 thấp hơn năm 2012.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và một số thành viên Chính phủ cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng tháng Tết Nguyên đán Quý Tỵ tăng không cao là nhờ các cấp , các ngành đã triển khai quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp, chính sách theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, như tăng cường quản lý giá cả thị trường, cung cầu hàng hóa, chống buôn lậu, trốn thuế, buôn bán hàng giả, hàng nhái...
Bên cạnh đó, việc chuẩn bị tốt nguồn cung hàng hóa, phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã tập trung vào những ngày sát Tết cũng góp phần ổn định giá cả thị trường. Ngoài ra, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã làm việc với các bộ, ngành hữu quan nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cũng như xử lý hiệu quả vấn đề nợ xấu của các ngân hàng thương mại.
Liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho biết, từ giữa tháng 2-2013, các doanh nghiệp triển khai thực hiện mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ đông xuân 2012 - 2013 theo Quyết định số 311/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã có tác dụng hỗ trợ giá lúa tăng lên so với trước, được nông dân đồng tình, phấn khởi.
Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị các địa phương cần tiếp tục quan tâm đến công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng chống buôn lậu gia súc, gia cầm ở khu vực biên giới phía Bắc và khu vực biên giới phía Tây Nam.
Về vấn đề bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho hay, việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong 2 tháng đầu năm là khá tốt. Tuy nhiên, trong dịp Tết Nguyên đán, tình hình tai nạn giao thông diễn ra khá phức tạp. Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị Chính phủ, Bộ Công an tăng cường trang bị các phương tiện, thiết bị kỹ thuật hiện đại cho lực lượng cảnh sát tuần tra giao thông, cũng như tiếp tục nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp cho lực lượng trực tiếp làm công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Các Phó Thủ tướng: Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Trung Hải, Vũ Văn Ninh đề nghị cần khắc phục tình trạng nhiều cơ chế chính sách, đề án lớn chưa được triển khai hoặc triển khai chậm; tăng cường công tác đối thoại, tiếp công dân của các cấp chính quyền; công bố sớm hơn chính sách tạm trữ lúa gạo; đẩy mạnh xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản; nhân rộng và phát huy tính hiệu quả của mô hình cánh đồng mẫu lớn, mô hình liên kết sản xuất trong nông nghiệp; sớm triển khai các giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, cho thị trường bất động sản; hướng dẫn các cơ chế cụ thể liên quan đến Nghị quyết số 01 và Nghị quyết số 02 của Chính phủ; lập phương án dự báo và điều hành giá cả từ nay đến cuối năm, trước mắt là đến tháng 6-2013; tập trung huy động các nguồn lực cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
Ngoài ra, nhiều thành viên Chính phủ cũng đề xuất cần quyết liệt hơn nữa trong triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; tăng sức mua, giảm tồn kho; mở rộng thị trường tiêu thụ; xử lý nợ xấu cũng như tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, triển khai có hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Sớm cụ thể hóa, đưa các Nghị quyết đi vào cuộc sống
Kết luận phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, nhìn lại việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong 2 tháng đầu năm 2013 cho thấy cái tích cực, cái được là chủ yếu. Các lĩnh vực đều có những chuyển biến trong 2 tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt triển khai thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, kế hoạch của bộ, ngành, địa phương mình; việc chăm lo Tết Nguyên đán cho nhân dân cơ bản đạt yêu cầu, bảo đảm cho nhân dân đón Tết vui tươi, an toàn, lành mạnh, đầm ấm và tiết kiệm.
Chỉ đạo nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp chính sách đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, trong đó cái quan tâm hàng đầu là về thể chế.
Thủ tướng nêu rõ, Nghị quyết muốn đi vào cuộc sống phải cụ thể hóa thành quyết định, nghị định, theo đó cần khẩn trương chuẩn bị và trình Chính phủ ban hành các Nghị định để cụ thể hóa... Việc giải quyết nợ xấu, giải quyết khó khăn về nhà ở cho đối tượng xã hội cũng như tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản... ai cũng đồng ý hết, những phải được cụ thể hóa bằng cơ chế, chính sách, giải pháp như thế nào cho có hiệu quả - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn chứng.
Bên cạnh đó là tập trung mạnh vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư; xử lý hàng tồn kho, mở rộng thị trường..., coi đây là cái gốc giữ đà phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế. Đồng thời, quyết liệt chỉ đạo triển khai đầu tư công và thu hút đầu tư; nhanh chóng xây dựng chương trình, chiến lược, cơ chế thu hút vốn đầu tư nước ngoài phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững; quan tâm chỉ đạo công tác thu chi ngân sách nhà nước để bảo đảm các cân đối theo kế hoạch, đồng thời giữ được mức bội chi ngân sách nhà nước như đã được thông qua.
Trên cơ sở những kết quả tích cực đạt được và mục tiêu đã đề ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp kiềm chế lạm pháp, ổn định kinh tế vĩ mô. Kiên quyết, nhất quán thực hiện giá xăng dầu theo thị trường song phải có những cách thức phù hợp để bảo đảm cho việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Tăng cường các biện pháp kiểm soát giá cả thị trường, phòng chống buôn lậu; bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu. “Ngân hàng Nhà nước quyết liệt hơn nữa trong tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu thông qua quỹ trích lập dự phòng rủi ro, cơ cấu lại nợ…; theo dõi sát, điều hành và kiểm soát chặt chẽ tỷ giá; hạ lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh…” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo.
Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm thực hiện các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, nhất là đối với người có công, người nghèo, các đối tượng chính sách; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng các cơ chế đặc thù cho đối tượng là đồng bào nghèo, đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; quan tâm phát triển y tế, giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương quan tâm củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia; chú trọng giải quyết khiếu nại tố cáo, nhất là giải quyết những vụ khiếu nại tố cáo còn tồn động kéo dài, giải quyết ngay ở cấp cơ sở, tránh tình trạng khiếu nại vượt cấp; chủ động tấn công, trấn áp và phòng ngừa các loại hình tội phạm, dứt khoát phải kiềm chế cho được tội phạm; tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kiềm chế tai nạn giao thông; thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng chống dịch bệnh trên người, cây trồng và vật nuôi; đấu tranh, bảo vệ hàng hóa của Việt Nam trên thị trường xuất khẩu.
Hoan nghênh các cơ quan thông tấn báo chí đã thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền trong thời gian qua, tạo dư luận tốt trên các mặt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí chủ động hơn nữa trong công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần định hướng, tạo đồng thuận xã hội nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đã đề ra trong năm 2013 và các năm tiếp theo.
Cũng tại phiên họp này, Chính phủ đã nghe và cho ý kiến về Đề án, chủ trương, giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên môi trường và Đề án thí điểm Mô hình tổ chức chính quyền đô thị./.
Nâng năng lực lãnh đạo phụ nữ, hội nhập quốc tế  (28/02/2013)
Quân khu 9: Gần 9.000 thanh niên lên đường nhập ngũ  (28/02/2013)
Việt Nam xóa khoảng cách giới nhanh nhất khu vực  (28/02/2013)
Trình Chính phủ Đề án tổ chức chính quyền đô thị  (28/02/2013)
Thẳng thắn góp ý, làm rõ nhiều nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp  (28/02/2013)
Thẳng thắn góp ý, làm rõ nhiều nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp  (28/02/2013)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay